DMagazine

Những em bé ống nghiệm và vị giáo sư bị nói "khùng"

(Dân trí) - Đến với cuộc đời từ nhiều hoàn cảnh khác nhau, những "em bé ống nghiệm" từ chỗ bị nghi ngờ về khả năng sống còn, đã lớn lên khỏe mạnh như các bạn đồng trang lứa.

Đến với cuộc đời từ nhiều hoàn cảnh khác nhau, những "em bé ống nghiệm" từ chỗ bị nghi ngờ về khả năng sống còn, đã lớn lên khỏe mạnh như các bạn đồng trang lứa. Bao cố gắng của vị giáo sư bị nói "khùng" ngày nào nay đã kết tinh quả ngọt.

Cuối tháng 4 vừa qua là kỷ niệm 25 năm ngày ba đứa trẻ đầu tiên tại Việt Nam chào đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Từ đó đến nay, đã có hàng ngàn cặp vợ chồng hiếm muộn được hưởng niềm vui có con theo cách trên.

Những cuộc hội ngộ xúc động, những nụ cười đã nở tại Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM), không chỉ giữa các "em bé ống nghiệm" với nhau, mà còn với những ông bố, bà mẹ, những y bác sĩ đã đeo đuổi hành trình ươm mầm sự sống qua một phần tư thế kỷ.

Những em bé ống nghiệm và vị giáo sư bị nói khùng - 1

Nhìn hai bé Dương Gia Khang và Dương Gia Hưng (7 tuổi) tươi rói, vui vẻ chơi đùa với nhau, nét mặt chị Thu Hiền (36 tuổi, quê Nha Trang, Khánh Hòa) lộ rõ niềm hạnh phúc. Người mẹ tiết lộ, hai con trai của chị không chỉ là "em bé ống nghiệm", mà còn là cặp song sinh đầu tiên tại Việt Nam chào đời nhờ mang thai hộ.

Chị Hiền chia sẻ, từ lâu đã phát hiện bản thân mang dị tật "nhi hóa" tử cung, bất sản một phần trên âm đạo. Tình trạng này khiến chị rất khó để có con, kể cả khi hai buồng trứng phát triển bình thường. Ngày lập gia đình, cả chồng và gia đình chồng đều chấp nhận thực tế này, nhưng bản năng của người phụ nữ khiến chị không ngừng khao khát được làm mẹ.

Thời điểm 10 năm trước đây, kỹ thuật IVF đã phát triển, nhưng việc tìm con của người vợ trẻ dường như rơi vào ngõ cụt, bởi chị không thể tự mình mang thai. Bước ngoặt đến vào năm 2015, khi pháp luật Việt Nam cho phép mang thai hộ. Nhận được tin này, chị Hiền tức tốc đến Bệnh viện Từ Dũ, nhờ bác sĩ níu giữ niềm hy vọng có con vừa lóe lên.

Trời không phụ lòng người, ngay trong lần làm thụ tinh ống nghiệm và chuyển phôi sang cho em họ, các bác sĩ đã thành công. "Ngày biết sắp có con, lại được không chỉ một mà còn đến 2 em bé, mọi thứ như vỡ òa với tôi" - chị Hiền chia sẻ.

Những em bé ống nghiệm và vị giáo sư bị nói khùng - 3

Không thể tự mang nặng đẻ đau, chị Hiền cứ thấp thỏm chờ đợi từng giờ, từng phút, khẩn cầu các bé "mượn bụng dì" phát triển thuận lợi. Vì có nguy cơ sinh non, từ tuần thai thứ 29, thai phụ được tiêm thuốc hỗ trợ phổi. Đến tuần thứ 35, nỗi lo toan của người mẹ cuối cùng cũng được giải tỏa, khi hai bé song sinh đã cất tiếng khóc đầu tiên một ngày giữa tháng 3 năm 2016, với cân nặng lần lượt là 2,1kg và 1,9kg.

21 năm, là khoảng thời gian mà chị Trần Ngọc Mỹ (45 tuổi) gắn bó với khoa Sản M của Bệnh viện Từ Dũ. Chăm sóc cho rất nhiều bà mẹ với những hoàn cảnh éo le khác nhau, có ai ngờ đến một ngày, nữ điều dưỡng cũng trở thành một bệnh nhân "cầu con" tại chính nơi mình cống hiến cả tuổi thanh xuân.

Chị Mỹ chia sẻ, sau ngày lập gia đình nhưng mãi không có con, chị cùng ông xã đi khám thì được bác sĩ báo tin bất lợi: Vợ bị buồng trứng đa nang, chồng cũng trong tình trạng tinh trùng yếu. Dù là nhân viên y tế nhưng đứng trước việc sẽ rất khó có con, nỗi lo lắng ngập tràn trong lòng chị.

Khi trấn tĩnh lại, chị Mỹ quyết định đặt niềm tin vào việc thụ tinh trong ống nghiệm, dưới sự hỗ trợ của PGS.TS.BS Vương Thị Ngọc Lan, lúc bấy giờ là Phó Trưởng khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Từ Dũ. Và niềm tin ấy nhanh chóng được đền đáp, khi hai phôi được nuôi cấy và chuyển vào buồng tử cung thành công chỉ sau một lần thực hiện.

Những em bé ống nghiệm và vị giáo sư bị nói khùng - 5

Nhưng đó chỉ là khởi đầu cho nhiều sóng gió liên tiếp ập đến. Khoảng thời gian vợ mang song thai, chồng chị Mỹ bất ngờ bị đau ruột thừa, phải phẫu thuật nhưng vết thương bị nhiễm trùng nặng.

Đang tất bật lo lắng cho chồng, nữ điều dưỡng lại bất ngờ lên cơn sốt ho. Những ngày giữa năm 2009, dịch cúm gia cầm đang bùng phát mạnh tại Việt Nam. Trước những triệu chứng nghi ngờ, người phụ nữ bị đưa vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cách ly, khi thai mới hơn 27 tuần tuổi.

Biến cố chất chồng khiến tâm lý chị Mỹ ảnh hưởng nặng. Trở về bệnh viện sau khi hoàn thành cách ly, người mẹ bất ngờ chuyển dạ sinh non, khi các con trong bụng mới 28 tuần 5 ngày tuổi, cân nặng chỉ 1,2-1,4kg.

"Thông thường ở tuổi thai này, em bé sinh ra sẽ gặp nhiều biến chứng, việc chăm sóc và điều trị rất khó khăn. Nhưng may mắn, con tôi được các đồng nghiệp, y bác sĩ chăm sóc tận tình, nên nhanh chóng ổn định sau thời gian nằm lồng ấp và chăm sóc kangaroo. Đến nay, các bé đã được 14 tuổi. Thú thật, hành trình nuôi nấng rất vất vả, nhưng với bản thân tôi, chỉ cần con lớn lên khỏe mạnh, học hành bình thường là vui lắm rồi" - nữ điều dưỡng trải lòng.

Trải qua hành trình cầu con gian truân, chị Mỹ nhận định, bất kỳ ai khi rơi vào tình cảnh hiếm muộn đều mang tâm lý lo lắng, nhất là với người phụ nữ. Hiện nay, y học ngày càng phát triển, đã có nhiều biện pháp điều trị khác nhau. Do đó, nữ điều dưỡng mong mọi người hãy mạnh dạn đặt niềm tin vào bác sĩ và bệnh viện. Cứ kiên trì, rồi sẽ có ngày được hưởng hạnh phúc ẵm trên tay thiên thần nhỏ của mình.

"Tôi cũng hướng các con sau này cố gắng học nghề y, làm bác sĩ để theo nghiệp chăm sóc sức khỏe như cha mẹ" - chị Mỹ cười.

Những em bé ống nghiệm và vị giáo sư bị nói khùng - 7
Những em bé ống nghiệm và vị giáo sư bị nói khùng - 9

Chứng kiến những đứa trẻ được sinh ra bằng phương pháp IVF lớn lên, trưởng thành, do mình là người đặt nền móng đầu tiên, GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ vừa hạnh phúc, vừa bồi hồi khó tả.

"Hơn 20 năm trước, người ta nói tôi bị khùng. Vì thời điểm đó dân số Việt Nam và thế giới tăng nhanh, tôi không kế hoạch lại đi "tạo con". Nhưng là phụ nữ, tôi cũng như các chị em, rất mong mỏi được làm mẹ. Khó hoặc không có con đã rất buồn, giai đoạn đó lại có nhiều quan niệm khắt khe với người phụ nữ, nhất là câu nói "gái độc không con".

Chính vì vậy, dù khó khăn như thế nào, tôi cũng quyết tâm phải thực hiện thành công phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm", GS.BS Ngọc Phượng nói.

Nhớ lại thời điểm hơn hai thập kỷ trước, giáo sư Phượng chia sẻ, bản thân bà tâm niệm, cứ cố gắng đi tới, chưa làm được thì quyết chưa ngưng. Bởi bà đã chứng kiến nhiều bệnh nhân tan vỡ gia đình vì không sinh được con, nhiều người đau khổ vì nhà chồng dọa sẽ ly dị. Thậm chí, có người dọa tự tử vì không chịu được áp lực của dư luận xã hội.

Những em bé ống nghiệm và vị giáo sư bị nói khùng - 11

"Cứ nghĩ về những nỗi đau mà họ đang gánh chịu, tôi day dứt hoài không nguôi và cố gắng làm sao để đẩy nhanh chương trình hỗ trợ sinh sản, giúp họ vượt qua nỗi đau này", GS.BS Ngọc Phượng xúc động.

Từ những đêm trường thao thức, giáo sư Phượng gói ghém từng đồng tiền lương để sang Pháp du học, quyết tâm đem kỹ thuật IVF về Việt Nam, mong biến giấc mơ làm mẹ của phụ nữ hiếm muộn thành hiện thực. Từ một trung tâm hỗ trợ sinh sản (HTSS) còn nhiều thiếu thốn ban đầu tại Bệnh viện Từ Dũ, đến nay, cả Việt Nam đã có gần 50 đơn vị HTSS, hiếm muộn từ Nam ra Bắc.

Những em bé ống nghiệm và vị giáo sư bị nói khùng - 13

Nhớ về thuở mới bước chân vào chuyên ngành điều trị hiếm muộn, PGS.TS.BS Vương Thị Ngọc Lan (hiện làm việc tại Đơn vị nghiên cứu lâm sàng HOPE, Bệnh viện Mỹ Đức) bộc bạch, những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ 20, IVF vẫn là điều vô cùng lạ lẫm ở Việt Nam. Rất ít người ủng hộ phương pháp này, vì cho rằng em bé sinh ra trong ống nghiệm sẽ phát triển không bình thường, bị dị tật, quái thai... Thậm chí, nhiều người còn dè bỉu: Cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc mà đi lo mấy việc "cao lương mỹ vị".

Do đó khi tiến hành những ca IVF đầu tiên, các bác sĩ phải rất cẩn trọng, bởi chỉ cần có một điều bất thường, đều có thể trở thành vấn đề rất lớn. Vượt qua những rào cản và định kiến xã hội, GS Ngọc Phượng, bác sĩ Ngọc Lan cùng các nhân viên y tế Bệnh viện Từ Dũ đã đưa 3 "em bé ống nghiệm" Lưu Tuyết Trân, Mai Quốc Bảo và Phạm Tường Lan Thy chào đời an toàn, là bước ngoặt cho sự phát triển của chuyên ngành IVF tại Việt Nam.

Thành công của kỹ thuật IVF mở ra cơ hội cho nhiều gia đình Việt, khi chi phí thực hiện thụ tinh ống nghiệm trong nước chỉ bằng 1/3 đến 1/5 so với nước ngoài. Dù vậy theo bác sĩ Ngọc Lan, vẫn còn nhiều gia đình khó khăn, không đủ kinh tế để đi đường dài, không phải ai cũng may mắn đậu thai từ lần đầu chuyển phôi. Nhìn ánh mắt ngậm ngùi của các cặp vợ chồng sau nhiều lần thực hiện IVF thất bại, có trường hợp phải bán hết gia tài dành dụm cả đời mà vẫn chưa ẵm bồng được con, trái tim chị thắt lại.

Những em bé ống nghiệm và vị giáo sư bị nói khùng - 15

Vậy là vị bác sĩ lại đi tìm đáp án cho câu hỏi: Chuyển phôi tươi có hiệu quả hơn, đỡ tốn kém cho bệnh nhân hơn không? Liệu có phương pháp nào khác không cần thuốc kích thích buồng trứng, để vừa đỡ chi phí, vừa giảm được nguy hại cho sức khỏe hay không?

Đó là tiền đề để kỹ thuật CAPA - IVM (nuôi noãn non trong ống nghiệm không sử dụng thuốc kích thích buồng trứng) ra đời, từ nghiên cứu do Phó Giáo sư Ngọc Lan và các đồng nghiệp dày công thực hiện. Phương pháp CAPA - IVM thắp lên hy vọng cho các bệnh nhân có hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), và cả những bệnh nhân ung thư phụ khoa vẫn có cơ hội bảo tồn thiên chức làm mẹ.

Kết quả nghiên cứu trên đã được công bố trên tạp chí y khoa danh tiếng thế giới The New England Journal of Medicine vào tháng 1/2018, đưa tên tuổi của PGS.TS.BS Vương Thị Ngọc Lan vào top 100 nhà khoa học châu Á năm 2020, được bình chọn bởi Tạp chí khoa học Asian Scientist (Singapore). Thậm chí, nhiều bác sĩ từ Australia, Italy, Đức, Mỹ… xa xôi cũng đã tìm đến Việt Nam để học hỏi kỹ thuật CAPA - IVM.

Những em bé ống nghiệm và vị giáo sư bị nói khùng - 17

Để có được những thành công làm rạng danh nền y học nước nhà, ngoài sự nỗ lực không ngừng nghỉ, PGS Vương Thị Ngọc Lan còn chịu ảnh hưởng sâu sắc từ người mẹ - GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng. "Tôi vẫn luôn tâm niệm về những lời dạy của mẹ tôi, rằng muốn điều trị tốt cho bệnh nhân thì phải giỏi chuyên môn - đó là điều tiên quyết, và mình cần phải có tấm lòng. Mẹ như một người thầy lớn. Tôi học được thái độ và tinh thần làm việc cống hiến hết sức mình, hy sinh thời gian cá nhân riêng tư vì sứ mệnh phục vụ, chăm sóc cho bệnh nhân, nghĩ cho người bệnh trước hết của bà" - PGS Ngọc Lan bộc bạch.

Những em bé ống nghiệm và vị giáo sư bị nói khùng - 19

BẰNG CHỨNG CỦA SỰ SỐNG

"Phương pháp thụ tinh ống nghiệm, cùng với sự nỗ lực của mọi người trong suốt ngần ấy năm, đã biến những giọt nước mắt buồn tủi trở thành niềm hạnh phúc vỡ òa. Và đặc biệt, đã trao cho biết bao cặp vợ chồng hiếm muộn cơ hội để thực hiện thiên chức của một người mẹ, một người cha…

Là một đứa trẻ IVF, em tự hào vì đến được cuộc sống này, thấy thương ba mẹ nhiều hơn vì đã rất khó khăn để sinh ra mình. Bản thân của tụi em đã là bằng chứng cho thấy, dù sinh ra bằng phương pháp nào thì trẻ vẫn có thể phát triển khỏe mạnh bình thường" - Đỗ Song Mai Hạnh, (20 tuổi, sinh viên khoa Báo chí, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TPHCM), một trong hai "em bé ống nghiệm" con chị Nguyễn Thị Minh Yến, chia sẻ trong ngày hội ngộ tại Bệnh viện Từ Dũ.

 Nội dung: Hoàng Lê                                                                                                                       Ảnh: Hoàng Lê, Bệnh Viện Mỹ Đức                                                                                         Thiết kế: Thủy Tiên

Những em bé ống nghiệm và vị giáo sư bị nói khùng - 22