Chúc mừng Ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2

Giải mã ngôi làng có nhiều Giáo sư y khoa

PV

(Dân trí) - Nói đến làng Hành Thiện (xã Xuân Hồng, Xuân Trường, Nam Định) sẽ có nhiều người nhớ ngay đó là vùng đất hiếu học đã quá nổi tiếng suốt 5 thế kỷ nay ở Việt Nam.

Nhưng ít người biết, mảnh đất này đã sinh ra rất nhiều thầy thuốc có y đức đáng nể trọng theo thời gian. Và chỉ thống kê ở thời hiện đại, ngôi làng nói trên cũng đã là quê hương của 23 Giáo sư, Phó giáo sư y khoa. Chưa kể còn có hàng chục Tiến sĩ khác trong lĩnh vực y, dược.

Từ trước đến nay, ngôi làng này đã có 219 Giáo sư, Tiến sĩ. Riêng trong lĩnh vực y khoa có 11 Giáo sư, 12 Phó Giáo sư và hàng chục tiến sĩ, đã có nhiều cống hiến cho nền y học nước nhà và thế giới.

Ngôi làng hình cá chép có nhiều thầy thuốc và thầy giáo

Làng Hành Thiện cũng tự hào với các nhân vật xuất sắc được Tổ quốc vinh danh Anh hùng và được nhân dân tín nhiệm bầu làm Đại biểu Quốc hội như cố GS,TS, BS Phạm Gia Triệu (ĐBQH khóa VI), cố GS, TSKH Đặng Đức Trạch (ĐBQH khóa VIII).

Bản đồ cổ làng Hành Thiện có hình con cá chép vượt vũ môn (Ảnh: Internet).

Bản đồ cổ làng Hành Thiện có hình con cá chép vượt vũ môn (Ảnh: Internet).

Trong đó, bác sĩ quân y Phạm Gia Triệu là vị bác sĩ quân đội đầu tiên của chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được Hồ Chủ tịch phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (1967).

Sau này, ông là Thiếu tướng, Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 108 (nay là bệnh viện Trung ương Quân đội 108). Ông là Thầy thuốc Nhân dân, chuyên gia đầu ngành về phẫu thuật thần kinh của nước nhà.

GS, TSKH, Thầy thuốc Nhân dân Đặng Đức Trạch là nhà vi trùng học nổi tiếng nước ta. Ông từng là Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tế Trung ương, nguyên Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam và nguyên Chủ tịch Tổng hội Y học các nước Đông Nam Á. Ông đã được phong danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới năm 2000.

Làng Hành Thiện cũng có 2 người trong lĩnh vực y học được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh. Đó là cố GS, Bác sĩ Đặng Vũ Hỷ, chuyên gia đầu ngành về da liễu và bệnh phong của nước ta; cùng với cố GS, TS Nguyễn Xuân Thụ, nguyên Phó Viện trưởng Viện Bảo vệ sức khỏe trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương bây giờ), chuyên gia đầu ngành về ngoại phẫu nhi của nước nhà.

Làng Hành Thiện còn có 3 GS y khoa được tặng Giải thưởng Nhà nước về Khoa học công nghệ. Đó là cố GS, Bác sĩ, Thiếu tướng Phạm Gia Triệu; cố GS, Bác sĩ Nguyễn Sỹ Quốc, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng), nguyên Cục trưởng Cục Quân y; và cố GS, TSKH Đặng Đức Trạch.

Ngoài ra làng còn có cố GS, TS Đặng Hồi Xuân, nguyên là Bộ trưởng Bộ Y tế từ năm 1982. Nhưng ông đã qua đời vào năm 1988, khi mới 59 tuổi, vì gặp tai nạn trong một chuyến công tác nước ngoài.

Làng Hành Thiện từng có 5 Thầy thuốc Nhân dân và nhiều Thầy thuốc Ưu tú được Nhà nước vinh danh

Làng Hành Thiện có 11 vị Trung tướng và Thiếu tướng quân đội chủ yếu làm nghiên cứu khoa học, trong đó có 4 vị là Thiếu tướng Quân y.

Đó là các Thiếu tướng, cố GS, BS Nguyễn Sỹ Quốc; Thiếu tướng, cố GS, TS, BS Phạm Gia Triệu; Thiếu tướng GS, TS Nguyễn Việt Tiến, Thầy thuốc Nhân dân, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, là chuyên gia đầu ngành về vi phẫu và Thiếu tướng, PGS, TS Phạm Hòa Bình, Thầy thuốc Nhân dân, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, là chuyên gia đầu ngành về phẫu thuật thần kinh. Đáng chú ý, PGS Phạm Hòa Bình là con trai của GS Phạm Gia Triệu.

Giải mã vì sao làng Hành Thiện nhiều thầy thuốc

Trong thời phong kiến, ngôi làng này cũng đã có một số danh y chữa bệnh bằng nam dược kỳ diệu như cụ lang Tài, cụ Cử Tái, cụ Kép Khái, cụ Ba Phấn (Chu Sỹ), cụ Cả Tập, cụ Nguyễn Như Lệ... Có những danh y luôn được mời chữa cho vua chúa của triều đình và các nguyên thủ của nhà nước Việt Nam ta sau này.

Lễ trao học bổng cho tân sinh viên nghèo và phần thưởng HSG thường niên dưới quê cho HS toàn xã Xuân Hồng. Tiền thưởng do Đồng hương Hành Thiện gây Quỹ .

Lễ trao học bổng cho tân sinh viên nghèo và phần thưởng HSG thường niên dưới quê cho HS toàn xã Xuân Hồng. Tiền thưởng do Đồng hương Hành Thiện gây Quỹ .

Có lẽ điển hình nhất và cũng có hoàn cảnh trái ngược nhau nhất về giàu, nghèo, nhưng cùng hiến dâng trí tuệ sức lực cho Cách mạng thì cần lấy ví dụ về 2 vị giáo sư y khoa khả kính của Hành Thiện.

Đầu tiên đó là cố GS, BS Đặng Vũ Hỷ.

Ông tốt nghiệp bác sĩ nội trú ở Pháp về. Là con rể của quan Thượng thư Phạm Quỳnh quyền quý và là trí thức lớn. Nhưng sau một thời gian ngắn mở phòng mạch, ông Hỷ từ bỏ giàu sang, quyền quý, để năm 1946 lên chiến khu tham gia kháng chiến, giúp ngành y tế non trẻ của nước nhà cùng toàn quân, toàn dân chống Pháp.

Ông tham gia viết nhiều cuốn sách cũng như nhiều công trình khoa học có giá trị thực tiễn, được phong Giáo sư đợt đầu (năm 1955) và nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 (năm 1996).

Ngược lại là trường hợp cố Thiếu tướng, GS Nguyễn Sỹ Quốc. Ông sinh ra trong gia đình cực nghèo, phải bắt đom đóm thay đèn dầu mà học. Được làng trợ giúp một phần bởi quỹ ruộng công dành cho những học trò nghèo nhưng học giỏi, vậy mà ông đã đỗ đại học y khoa và tham gia kháng chiến chống Pháp.

Ông được phong hàm GS năm 1980 với nhiều đóng góp. Ông đã chủ trì và viết nhiều công trình y học quân sự, được ứng dụng trong chiến đấu và được tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2000. Vợ ông, cố Viện trưởng Viện Nghiên cứu dược liệu Bộ Y tế Vũ Thị Phan, cũng là GS dược học , Thầy thuốc Nhân dân có tiếng.

Cũng phải kể tiếp về một trường hợp khác về cha con cùng hoạt động trong ngành và thành danh. Đó là cố GS, TSKH Đặng Đức Trạch, Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới, Thầy thuốc Nhân dân, Giải thưởng Nhà nước năm 2000 do có những đóng góp lớn, để lại cho nền y học với 95 công trình khoa học.

Ông nguyên là Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam. Ông là nhà vi trùng học số một nước ta và là Chủ tịch Hiệp hội Y học các nước Đông Nam Á.

Con trai GS Trạch là GS, TS y học Đặng Đức Anh, nguyên viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư.

Và, sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc tới tên tuổi của các GS.PGS khác là người làng Hành Thiện như GS.TS, Nhà giáo Nhân dân Trương Việt Dũng. Hiện ông là Chủ tịch Hội đồng Đạo đức Bộ Y tế đến nhiệm kỳ thứ ba nhưng vẫn đương chức nhờ vào nhân cách và đạo đức của một nhà y học đã bộc lộ bản lĩnh của người thầy thuốc. Ông nguyên là Vụ trưởng Vụ Khoa học - Đào tạo Bộ Y tế.

Bia đá tại Đình làng nhằm vinh danh những người con quê hương thành danh từ nhiều thế kỷ nay.

Bia đá tại Đình làng nhằm vinh danh những người con quê hương thành danh từ nhiều thế kỷ nay.

Tiếp đến là cố GS,TS y học dân tộc, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Nhược Kim, nguyên Phó Chủ tịch Hội Y học Cổ truyền Trung ương; là PGS,TS Đặng Quốc Tuấn, nguyên quyền Trưởng Khoa hồi sức cấp cứu BV Bạch Mai. PGS Tuấn là cháu đích tôn của cố Bác sĩ Đặng Vũ Lạc, người sau khi học ở Pháp trở về đã là người Việt Nam đầu tiên mở bệnh viện tư nhân tại nước nhà vào năm 1937. Lúc đó được coi là bệnh viện tư lớn nhất Đông Dương...

Điển hình nhất trong số các nhà y học làng Hành Thiện thành danh đang định cư tại nước ngoài, không thể không nhắc đến Tiến sĩ thần kinh học Đặng Vũ Thiên Thanh. Vào năm 2012, Thiên Thanh đã được Canada trao học hàm giáo sư, khi mới 32 tuổi.

Đặng Vũ Thiên Thanh rời Việt Nam khi mới 2 tuổi và nay trở thành một chuyên gia hàng đầu thế giới về nghiên cứu giấc ngủ - một lĩnh vực đặc biệt của thần kinh học. GS Thiên Thanh nhận bằng Tiến sĩ y học khi mới có 23 tuổi và năm 28 tuổi, anh tiếp tục bảo vệ tiến sĩ lần 2 với đề tài y sinh và dược. Anh đang say sưa đeo đuổi nghiên cứu về bí mật của giấc mơ, ý thức của con người trong giấc ngủ...

GS Thiên Thanh đã giành được hàng loạt giải thưởng của các tổ chức rất uy tín trên thế giới về y học như Hội Nghiên cứu giấc ngủ châu Âu, Hội Nghiên cứu giấc ngủ Hoa Kỳ, Hội Thần kinh học Bỉ...

Làng Hành Thiện vào đời Lý có tên là làng Giao Thủy. Sau đổi là Hộ Xá. Sang đời Trần được vua Trần đổi sang Hành Cung Trang. Đến đời Lê gọi là Hành Cung...

Vậy phải chăng truyền thống trọng chữ hơn trọng công danh, phú quý của các bậc tiền nhân trong ngôi làng này được chính vua Minh Mạng đặt tên cho vào năm 1823 là làng Hành Thiện (với nghĩa đơn giản là làm việc thiện). Từ đó càng khiến người Hành Thiện thấm thía hơn việc một khi thành tài thì nên làm thầy thuốc và làm thầy dạy học. Họ xác định đây là hai thứ nghề cao quý của xã hội.

Tại nơi đây, nhiều người đỗ đạt không ra làm quan mà ở nhà dạy học và làm thuốc chữa bệnh cứu người. Đặc biệt, hai thứ nghề này ở Hành Thiện lại thường trong một con người.

Nói thật công tâm, để có được tấm bằng cử nhân thời xưa cũng đâu dễ có. Lý do vì thường 4 năm mới tổ chức một kỳ thi Hương. Ví dụ như vào năm Bính Tuất (1886), cả nước có 7.691 người dự thi thì chỉ có 74 người đỗ Cử nhân. Trong khi đó, chỉ riêng làng Hành Thiện đã có 8 người đỗ. Tương tự, năm Giáp Ngọ (1894), có 11.000 thí sinh cả nước dự thi thì chỉ có 60 người đỗ, trong đó Hành Thiện đỗ những 8 vị.

Vậy mà có người ở làng này tuy đỗ cao nhưng vẫn từ quan ở nhà làm nghề thầy thuốc và thầy dạy chữ.

Nói vậy để thấy người Hành Thiện khá khiêm nhường, không màng chuyện công danh, chức tước. Điển hình nhất cần kể đến phải là Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Liên (1848-1937), Tri phủ Nam Sách, Hải Dương. Cụ là con rể Tể tướng Tôn Thất Thuyết.

Trong một lần quan Toàn quyền đến Hải Dương công cán. Cụ bị huyền chức 1 năm (tạm đình chỉ công tác) chỉ vì không chịu quỳ lạy Quan Toàn quyền như nhiều quan lại khác. Khi hết án, được mời trở lại làm quan đốc học tỉnh Nam Định (như Giám đốc sở Giáo dục hiện nay), cụ đã chối từ rồi về quê mở trường dạy học.

Cố GS Vũ Khiêu từng thảo tấm văn bia khắc nơi đình làng Hành Thiện rằng: "Việc học hành, đất dưỡng thông minh/Đường khoa bảng, Trời ban tài trí/ Đã nhiều tiến sĩ, cử nhân/Lại lắm giáo sư, viện sĩ...".

Trong một dịp khác tôi sẽ viết về chuyện vì sao Hành Thiện có nhiều giáo sư, tiến sĩ theo nghề dạy học.

 Quốc Phong