DMagazine

Gen Z sống thoáng: Bệnh tình dục sau cuộc yêu thừa táo bạo, thiếu kiến thức

(Dân trí) - Một số bạn trẻ cho rằng, quan hệ chỉ sau một cuộc nhậu hay một cuộc gặp tình cờ trên bar là điều bình thường. Chỉ cần cả hai có nhu cầu và không phải là "ngoại tình" thì sẽ không có gì sai trái.

Một số bạn trẻ cho rằng, quan hệ chỉ sau một cuộc nhậu hay một cuộc gặp tình cờ trên bar là điều bình thường. Chỉ cần cả hai có nhu cầu và không phải là "ngoại tình" thì sẽ không có gì sai trái.

Gen Z sống thoáng: Bệnh tình dục sau cuộc yêu thừa táo bạo, thiếu kiến thức - 1

"Làm chuyện ấy như một chiến tích đáng tự hào", Đạt (tên nhân vật đã được thay đổi), học sinh lớp 12 của một trường THPT trên địa bàn Hà Nội chia sẻ.

Theo nam sinh này, trong lớp học, tình yêu không còn là chuyện riêng, mà trở thành một chủ đề dễ dàng được chia sẻ công khai trong các cuộc nói chuyện phiếm với bạn bè.

"Thậm chí, ngay từ những năm đầu cấp 3, việc đã làm "chuyện ấy" được một số bạn nam dùng để "khoe" như một chiến tích, minh chứng cho sự trưởng thành", Đạt kể.

Bắt đầu yêu từ năm lớp 10, nhưng nam sinh này cho rằng, mình yêu khá muộn so với bạn cùng trang lứa vì tính cách rụt rè, ít đi chơi.

Là sinh viên năm 4 đại học, Quân (tên nhân vật đã được thay đổi), sinh năm 2001, sống tại Đống Đa (Hà Nội) đã từng có 5 người yêu. Tuy nhiên, nếu tính số người nam sinh này từng quan hệ lại nhiều hơn gấp 2-3 lần.

Gen Z sống thoáng: Bệnh tình dục sau cuộc yêu thừa táo bạo, thiếu kiến thức - 3

"Bên cạnh những mối quan hệ chính thức, tôi cũng có những cuộc tình một đêm hay các mối quan hệ kiểu trên tình bạn, dưới tình yêu", Quân chia sẻ.

Với quan điểm khá thoáng về tình dục, Quân cho rằng, việc quan hệ chỉ sau một cuộc nhậu hay một cuộc gặp tình cờ trên bar là điều hoàn toàn bình thường. Theo cậu, chỉ cần cả hai có nhu cầu và không phải là "ngoại tình" thì sẽ không có gì sai trái.

Đáng chú ý, theo nam thanh niên này, kể từ lần đầu tiên quan hệ tình dục đến nay, chưa khi nào cậu sử dụng bao cao su mỗi khi lâm trận.

Theo Quân, việc mang bao cao su làm giảm cảm giác chân thật trong cuộc yêu. Việc tránh thai được cậu trao hoàn toàn niềm tin cho đối tác.

"Ở độ tuổi này, theo tôi khi đã quyết định làm chuyện ấy, cả 2 đều đã phải tự có ý thức bảo vệ mình. Do đó, tôi cũng chưa từng hỏi xem "đối tác" đã có biện pháp bảo vệ hay chưa", Quân nêu quan điểm. "Xong là xong", cậu mô tả về những cuộc tình một đêm của mình.

Gen Z sống thoáng: Bệnh tình dục sau cuộc yêu thừa táo bạo, thiếu kiến thức - 5

Đề cập đến nguy cơ mắc các bệnh lây qua đường tình dục nếu không sử dụng bao cao su, theo Quân, nếu không phải quan hệ dạng "bóc bánh trả tiền", nguy cơ lây bệnh sẽ rất thấp.

"Nếu cứ chăm chăm lo bệnh tật, sẽ khiến cuộc sống không còn trọn vẹn", Quân bày tỏ.

Chia sẻ về chuyện ấy, Ngọc (tên nhân vật đã được thay đổi), sinh viên năm nhất của một học viện tại quận Đống Đa cho biết, bản thân tự nhận thấy mình và các bạn có quan điểm "thoáng" hơn nhiều so với thế hệ 9X.

Ngọc nói: "Chúng tôi khá thoải mái khi nói về chuyện ấy với hội bạn thân. Với bản thân tôi và những bạn bè mà tôi biết, việc quan hệ sau một tháng, thậm chí là một tuần kể từ khi bắt đầu yêu nhau là điều bình thường".

"Quan trọng là cảm xúc và sự tin tưởng, sẵn sàng của cả hai, thay vì tự đặt ra một mốc thời gian nào đó để đánh giá là ngoan hay hư", Ngọc nêu quan điểm.

Gen Z sống thoáng: Bệnh tình dục sau cuộc yêu thừa táo bạo, thiếu kiến thức - 7

 Theo khảo sát của Chương trình sức khỏe vị thành niên tại Việt Nam do Bộ Y tế, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện và công bố hồi tháng 4, tỉ lệ học sinh quan hệ tình dục trước 14 tuổi tăng lên: Tỉ lệ học sinh quan hệ tình dục trước 14 tuổi là 1,48% năm 2013 và tăng lên 3,51% năm 2019.

Theo TS.BS Phan Chí Thành, Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo - Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, việc giới trẻ quan hệ sớm hơn thế hệ trước đây là điều dễ hiểu.

"Cần nhìn nhận một thực tế là độ tuổi dậy thì của các con bây giờ sớm hơn chúng ta 1-2 năm. Bản thân việc dậy thì khiến nội tiết tố tăng vọt trong người các con, thôi thúc các con tò mò đến chuyện ấy và tham gia tình dục sớm hơn thế hệ trước đây. 

Do đó, các vị phụ huynh không thể đánh đồng và cho rằng: Các con hư hỏng, bố mẹ trước đây không như thế", BS Thành phân tích.

Gen Z sống thoáng: Bệnh tình dục sau cuộc yêu thừa táo bạo, thiếu kiến thức - 9

Một thống kê chỉ ra rằng: Trong số học sinh đã từng quan hệ tình dục vào năm 2013 (được khảo sát), 52,6% có sử dụng bao cao su. Tuy nhiên, số liệu này ở năm 2019 giảm xuống còn 42,4%.

Theo chuyên gia này, có thống kê đã chỉ ra rằng, khoảng 50% bạn trẻ ở Việt Nam hiện nay quan hệ tình dục không đeo bao cao su. Đây là một thực trạng rất đáng cảnh báo.

Một vấn đề khác là các bạn gái nói riêng và phụ nữ Việt Nam nói chung đa phần đều rất thụ động trong vấn đề quan hệ tình dục.

Nhiều bạn gái mong muốn bạn trai dùng bao cao su khi quan hệ tình dục. Tuy nhiên, khi nửa kia từ chối phía bạn gái cũng thường vì ngại, vì sợ bạn trai cho rằng mình không tin tưởng nên cũng đồng ý quan hệ "trần".

Theo một thống kê của UNICEF, tại Việt Nam, tỷ lệ phụ nữ trẻ từ 15-19 tuổi tự quyết định về sử dụng biện pháp tránh thai chỉ ở mức 25,5%.

"Quan hệ tình dục không an toàn đặt các em trước nguy cơ mang thai ngoài ý muốn và mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục", BS Thành nhấn mạnh.

Gen Z sống thoáng: Bệnh tình dục sau cuộc yêu thừa táo bạo, thiếu kiến thức - 11

Lộc (tên nhân vật đã được thay đổi), là sinh viên mới ra trường và công tác tại Hà Nội là một người có suy nghĩ thoáng về vấn đề tình dục. Đặc biệt là việc quan hệ khi cả hai đã chính thức trở thành người yêu và tin tưởng lẫn nhau. 

Tuy nhiên, cũng chính vì sự tin tưởng đối với người yêu nên cả hai nhiều lần quan hệ tình dục mà không dùng bao cao su. Lộc và người yêu duy trì việc quan hệ đều đặn trong hai tháng mà không một lần dùng biện pháp bảo vệ, cho đến một ngày cậu bỗng dưng gặp tình trạng đi tiểu rát và chảy mủ niệu đạo. 

"Ban đầu, tôi đinh ninh do mình vệ sinh không kĩ dẫn tới bị nhiễm trùng nên chỉ đơn giản là tắm rửa kĩ càng hơn mỗi ngày. Tuy nhiên, một tuần sau mủ vẫn tiếp tục chảy và tinh hoàn có dấu hiệu sưng, đau. Sau khi tìm kiếm trên mạng và thấy đây là dấu hiệu của bệnh lây qua đường tình dục, tôi mới vội tới viện khám", Lộc chia sẻ. 

Kết quả mắc bệnh lậu khiến Lộc suy sụp suốt nhiều tháng liền.

Theo BS Thành, các bạn trẻ có thái độ cởi mở hơn về việc quan hệ tình dục nhưng lại không chuẩn bị cho mình kiến thức bảo vệ bản thân là nguyên nhân lớn, khiến nhiều thanh thiếu niên đối mặt với nguy cơ vô sinh vì mắc bệnh lây qua đường tình dục. 

Quan hệ tình dục thiếu lành mạnh như tình một đêm, quan hệ nhiều bạn tình hay không sử dụng các biện pháp an toàn như bao cao su là nhân tố dẫn đến các bệnh như Chlamydia, lậu cầu,… nặng hơn có thể gây vô sinh. 

Gen Z sống thoáng: Bệnh tình dục sau cuộc yêu thừa táo bạo, thiếu kiến thức - 13

BS Phạm Thị Mỹ, Khoa Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội chia sẻ: "Không ít trường hợp các bạn nữ trẻ đến khám hiếm muộn khi chúng tôi chụp lên thấy vòi trứng đã bị tắc, ứ dịch rất nhiều. 

Khi khai thác tiền sử, các bệnh nhân, cả vợ hoặc chồng chia sẻ rằng đời sống tình dục trước khi lập gia đình khá buông thả".

Theo chuyên gia này, khi bị viêm nhiễm phụ khoa do các vi khuẩn lây qua đường tình dục các bạn nữ vì ngại nên thường tự mua kháng sinh hoặc đến các cơ sở không uy tín để điều trị, lâu dần dẫn đến tình trạng vô sinh do không được điều trị kịp thời. 

Điều trị sai cách, điều trị không triệt để hay sử dụng kháng sinh không hết đợt khiến bệnh chuyển sang dạng mãn tính. 

"Khi bệnh nhân cảm thấy vùng kín hết bị viêm nhiễm, chảy dịch thường có thói quen ngưng thuốc dù chưa hết liều khiến bệnh chuyển sang dạng mãn tính. Vi khuẩn âm thầm gây các dải dính ở trong tử cung hoặc phần phụ khiến vòi trứng bị xơ chai và bít tắc.

Đến khi đi khám, bệnh nhân mới "ngã ngửa" khi biết mình bị hiếm muộn vì bình thường không thấy triệu chứng lạ, hàng tháng kinh nguyệt vẫn đều", BS Mỹ phân tích.

Gen Z sống thoáng: Bệnh tình dục sau cuộc yêu thừa táo bạo, thiếu kiến thức - 15

BS Phan Chí Thành cũng nêu thực trạng, ngày càng có nhiều phụ nữ nhận "án" vô sinh ở độ tuổi đôi mươi chỉ vì tiền sử nạo phá thai.

"Qua thực tế thăm khám, chúng tôi gặp khá nhiều người trẻ bị mất khả năng làm mẹ do buồng tử cung bị tàn phá nặng nề, bởi những lần nạo phá thai trong quá khứ. Đây là một thực trạng rất đáng báo động", BS Thành chia sẻ.

Đặc điểm chung của những trường hợp này, theo BS Thành, là những người phụ nữ bắt đầu làm chuyện ấy ở độ tuổi khá trẻ. Thiếu kiến thức, non nớt, những bạn trẻ này thường xuyên có quan hệ tình dục không an toàn, dẫn đến mang thai ngoài ý muốn nên buộc phải nạo phá thai.

"Đa phần các bệnh nhân từng rất tự tin về khả năng thụ thai của mình. Vì họ thấy thời trẻ mình rất "nhạy" chỉ vài lần là đã mang thai. Có khi sau nạo phá thai chỉ 1-2 năm, bạn nữ lại dính bầu và tiếp tục nạo phá tiếp. 

Thế nhưng, khi đã lập gia đình họ lại "mỏi mắt" chờ con 3-4 năm cũng chẳng thấy. Lúc này, bệnh nhân mới hoảng hốt đi khám hiếm muộn.

"Siêu âm buồng tử cung thấy đầy những dải dính, thậm chí có trường hợp toàn bộ buồng tử cung bị dính, đồng nghĩa với việc mang thai và sinh con là gần như không thể. Lúc này, các bệnh nhân đều bị sốc", BS Thành chia sẻ.

Gen Z sống thoáng: Bệnh tình dục sau cuộc yêu thừa táo bạo, thiếu kiến thức - 17

Theo số liệu của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, trung bình mỗi năm cả nước có gần 300.000 ca nạo hút thai, chủ yếu ở độ tuổi 15-19, trong đó 60-70% là học sinh, sinh viên.

Theo BS Phan Chí Thành, tỉ lệ nạo phá thai tăng cao là minh chứng cho thấy hạn chế trong việc giáo dục giới tính cho vị thành niên từ gia đình và nhà trường hiện nay, bao gồm kiến thức về an toàn trong quan hệ tình dục, sức khỏe sinh sản, cách nhận biết các bệnh lây qua đường tình dục... 

Sự thiếu quan tâm, rào cản về mặt tâm lý còn e ngại hay không có kiến thức, phương hướng để truyền tải những kiến thức đó khiến việc giáo dục giới tính cho con trẻ trở nên khó khăn. 

"Các ông bố, bà mẹ ít đề cập, thậm chí là né tránh trách nhiệm giáo dục toàn diện cho con cái về sức khỏe sinh sản vì cảm thấy gượng gạo khi nói chuyện và truyền đạt kiến thức cho con", BS Thành phân tích.

Gen Z sống thoáng: Bệnh tình dục sau cuộc yêu thừa táo bạo, thiếu kiến thức - 19

Bên cạnh đó, những kiến thức giáo dục giới tính cho học sinh mới dừng lại ở lý thuyết và chưa đi sâu vào cung cấp hiểu biết cần thiết nhằm bảo vệ bản thân cho thanh thiếu niên. 

Ngược lại, sự giáo dục nửa vời khiến các em tò mò và dễ dàng bị ảnh hưởng bởi những kiến thức phi thực tế từ phim ảnh, sách truyện, văn hóa phẩm đồi trụy trên mạng.

BS Thành cũng cho biết, việc quá dễ dàng tiếp cận các thông tin xấu, độc từ internet, có thể dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường trong tương lai từ những sai lệch về tình dục ở giới trẻ. 

Phụ huynh và nhà trường cần phối hợp để chủ động giáo dục cho con em mình bởi độ tuổi dậy thì khiến tâm sinh lý trẻ thay đổi, rất cần sự quan tâm và chỉ dẫn từ người lớn trước những cám dỗ bên ngoài. 

Các vấn đề về giới tính cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc, cởi mở, chương trình học cần sát với thực tế nhằm trang bị đầy đủ kiến thức cho học sinh, thanh thiếu niên về cách đảm bảo sức khỏe sinh sản và phương pháp bảo vệ bản thân trước các bệnh tình dục. 

Gen Z sống thoáng: Bệnh tình dục sau cuộc yêu thừa táo bạo, thiếu kiến thức - 21

Nội dung: Minh Nhật

Thiết kế: Thủy Tiên