DNews

Đoàn Luật sư: Viện Y dược học dân tộc TPHCM xâm phạm quyền lợi viên chức

An Huy

(Dân trí) - "Việc kéo dài thời gian giải quyết đơn xin nghỉ của viên chức hơn 2 năm, Viện Y dược học dân tộc TPHCM xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi người lao động", luật sư Nguyễn Văn Hậu nói.

Đoàn Luật sư: Viện Y dược học dân tộc TPHCM xâm phạm quyền lợi viên chức

Liên quan việc các nhân viên tại Viện Y dược học dân tộc TPHCM vì hoàn cảnh đặc biệt phải nộp đơn xin nghỉ việc, nhưng không được cơ sở y tế này giải quyết và "treo đơn" khiến người lao động và gia đình bị ảnh hưởng, Đoàn Luật sư TPHCM có ý kiến cho rằng, Viện Y dược học dân tộc TPHCM có dấu hiệu vi phạm pháp luật và xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi hợp pháp của viên chức, người lao động.

Gây ảnh hưởng rất tiêu cực đến viên chức

Trao đổi với phóng viên Dân trí, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM, cho biết, các nhân viên y tế là viên chức làm việc tại Viện Y dược học dân tộc TPHCM trước khi quyết định nghỉ việc, cần phải nắm rõ quy định của pháp luật về đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc của viên chức, được quy định tại Khoản 4, 5 và 6, Điều 29 Luật Viên chức 2010.

Cụ thể, viên chức làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng, nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 45 ngày. Trường hợp viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị 6 tháng liên tục, phải báo trước ít nhất 3 ngày.

Viên chức làm việc theo hợp đồng xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trong các trường hợp, như: Không được bố trí theo đúng vị trí việc làm, địa điểm làm việc hoặc không được đảm bảo các điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng làm việc.

Ngoài ra, nhân viên không được trả lương đầy đủ hoặc không được trả lương đúng thời hạn theo hợp đồng làm việc, bị ngược đãi, cưỡng bức lao động, bản thân hoặc gia đình thật sự có hoàn cảnh khó khăn, không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng, viên chức nữ có thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở chữa bệnh, viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị từ 3 tháng liên tục mà khả năng làm việc chưa hồi phục, có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Đoàn Luật sư: Viện Y dược học dân tộc TPHCM xâm phạm quyền lợi viên chức - 1

Nhân viên tại Viện Y dược học dân tộc TPHCM thăm khám cho người dân (Ảnh: H.L.).

Nếu viên chức đang làm việc theo hợp đồng xác định thời hạn thuộc trường hợp "bản thân hoặc gia đình thật sự có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng", viên chức đó có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng, nhưng phải thông báo bằng văn bản về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 30 ngày; với các hợp đồng làm việc dưới 12 tháng, người lao động chỉ cần thông báo ít nhất 3 ngày.

Bên cạnh đó, tại Khoản 2, Điều 57, Nghị định 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, sửa đổi bởi Khoản 34, Điều 1 Nghị định 85/2023/NĐ-CP còn quy định, viên chức tạm thời không được giải quyết thôi việc nếu thuộc một trong các trường hợp: Đang trong thời hạn bị xử lý kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử; chưa làm việc đủ thời gian cam kết với đơn vị sự nghiệp công lập khi được cử đi đào tạo, trừ trường hợp đã đền bù chi phí đào tạo; chưa hoàn thành việc thanh toán các khoản tiền, tài sản thuộc trách nhiệm của viên chức đối với đơn vị sự nghiệp công lập; do yêu cầu công tác và chưa bố trí được người thay thế.

Có thể thấy, tuy pháp luật đã quy định rất rõ viên chức có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng theo quy định tại Khoản 4, 5 và 6, Điều 29 Luật Viên chức 2010, pháp luật cũng hạn chế quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng của viên chức trong các trường hợp tại Khoản 2, Điều 57 Nghị định 115/2020/NĐ-CP, sửa đổi bởi Khoản 34, Điều 1 Nghị định 85/2023/NĐ-CP.

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Viện Y dược học dân tộc TPHCM được quyền căn cứ vào lý do "do yêu cầu công tác, chưa bố trí được người thay thế", để không giải quyết đơn xin nghỉ việc của các viên chức đang công tác tại Viện Y dược học dân tộc TPHCM; tuy nhiên, việc kéo dài thời gian, không có phương án giải quyết cụ thể vấn đề về công tác, bố trí người thay thế cho viên chức đang có nhu cầu nghỉ là không hợp lý. Việc này đã gây ảnh hưởng rất tiêu cực đến cuộc sống của các viên chức đang thật sự có hoàn cảnh khó khăn, không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng.

Có dấu hiệu vi phạm pháp luật

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, trường hợp các viên chức, người lao động nhận thấy có những hành vi sai trái tại Viện Y dược học dân tộc TPHCM hoặc cho rằng quyền và lợi ích của mình đang bị xâm phạm, thì các viên chức, người lao động có quyền khiếu nại, tố cáo lên các cơ quan có thẩm quyền như: Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế… hoặc khởi kiện ra cấp tòa án có thẩm quyền để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Về trách nhiệm của Viện Y dược học dân tộc TPHCM trong vụ việc trên, thông thường các kỳ thi tuyển viên chức sẽ diễn ra cách nhau 3-12 tháng trong cùng một cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tổ chức thi tuyển.

"Do đó, việc kéo dài thời gian giải quyết đơn xin nghỉ của các viên chức hơn 2 năm vì "yêu cầu công tác, chưa bố trí được người thay thế" là không phù hợp với tình hình hoạt động thực tế của đơn vị, có dấu hiệu vi phạm pháp luật và xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi hợp pháp của các viên chức", Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM nói.

Đoàn Luật sư: Viện Y dược học dân tộc TPHCM xâm phạm quyền lợi viên chức - 2

Một người dân đang chờ khám bệnh tại Viện Y dược học dân tộc TPHCM (Ảnh: H.L.).

Theo luật sư Hậu, với lý do chưa bố trí được người thay thế để kéo dài thời gian quyết đơn xin nghỉ của các viên chức, Viện Y dược học dân tộc TPHCM có thể bị xem xét về dấu hiệu vi phạm trong công tác tổ chức nhân sự, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập. Bởi vì, khi phát sinh trường hợp viên chức có nhu cầu nghỉ việc, tức bộ máy của đơn vị sẽ có vị trí trống, khi đó người đứng đầu đơn vị có trách nhiệm tổ chức thi tuyển viên chức mới hoặc điều chuyển viên chức từ đơn vị khác.

Trong vụ việc này, người đứng đầu Viện Y dược học dân tộc TPHCM nếu không có lý do chính đáng sẽ bị xem xét về hành vi thiếu trách nhiệm trong công tác tổ chức, quản lý bộ máy đơn vị sự nghiệp, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của viên chức.

Viện dẫn lý do gây khó dễ

Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng, Viện Y dược học dân tộc TPHCM viện dẫn lý do "do yêu cầu công tác, chưa bố trí được người thay thế"… để kéo dài thời gian, gây khó dễ, cố tình không giải quyết đơn xin nghỉ việc của các viên chức có hoàn cảnh thật sự khó khăn là không hợp lý và gây ảnh hưởng rất lớn đến quyền, lợi ích hợp pháp của các viên chức tại Viện Y dược học dân tộc TPHCM.

Theo đó, vụ việc này cần phải có sự can thiệp kịp thời của cấp có thẩm quyền, nhằm kiểm tra liệu có hay không các vi phạm, gây khó khăn, bức xúc cho người lao động, viên chức tại Viện Y dược học dân tộc TPHCM.

"Tôi cho rằng quy định của pháp luật viên chức hiện nay cần phải có sự điều chỉnh để phù hợp với thực tế, nhằm cải thiện, mở rộng và đảm bảo được quyền lợi của các cá nhân là viên chức. Trong đó, quan trọng nhất là phải bổ sung quy định về thời gian tối thiểu để giải quyết đơn thư của viên chức, ngăn chặn tình trạng kéo dài như việc treo đơn xin nghỉ ở Viện Y dược học dân tộc TPHCM", luật sư Hậu nêu quan điểm.

Đoàn Luật sư: Viện Y dược học dân tộc TPHCM xâm phạm quyền lợi viên chức - 3

Bên trong một phòng khám tại Viện Y dược học dân tộc TPHCM (Ảnh: H.L.).

Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết, tính đến nay, Đoàn Luật sư TPHCM đã tổ chức rất nhiều chuỗi hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí nhằm hỗ trợ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn.

Các đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý được quy định cụ thể tại Điều 7, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, gồm: Người có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo; trẻ em; người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo.

Bên cạnh đó, Đoàn Luật sư TPHCM hỗ trợ người thuộc một trong các trường hợp sau đây có khó khăn về tài chính: Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; người nhiễm chất độc da cam; người cao tuổi; người khuyết tật; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự; nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người; người nhiễm HIV.

"Trường hợp các nhân viên tại Viện Y dược học dân tộc TPHCM thuộc diện được trợ giúp pháp lý tại Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý 2017, Đoàn Luật sư TPHCM sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện trợ giúp pháp lý, các luật sư đồng ý cung cấp dịch vụ pháp lý để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các nhân viên này tại các cơ quan tư pháp hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật", luật sư Nguyễn Văn Hậu nói.

Như Dân trí đã thông tin, ngày 1/12/2021, chị N.B. nộp đơn xin nghỉ việc vì hoàn cảnh gia đình, báo cáo với Viện Y dược học dân tộc TPHCM sẽ thôi làm việc từ ngày 15/1/2022 (tức đúng 45 ngày sau khi nộp đơn theo Luật Lao động). Sau đó, Viện Y dược học dân tộc TPHCM viện dẫn "do yêu cầu công tác, chưa bố trí được người thay thế" và do viên chức "tự ý nghỉ việc", nên đơn xin nghỉ việc của chị B. không được giải quyết.

Sau hơn 2 năm bị "treo" đơn, cuộc sống gia đình nữ nhân viên y tế lao đao vì không xin được việc mới, không nhận được các khoản hỗ trợ thai sản khi sinh con, không được đóng bảo hiểm từ năm 2022.

Tương tự, chị M.T. cũng không được Viện Y dược học dân tộc TPHCM giải quyết nguyện vọng xin nghỉ việc từ đầu năm 2023 đến năm 2024, dù liên tục trình bày hoàn cảnh khó khăn. Hậu quả, nhiều tháng qua chị không có việc mới, cuộc sống và kinh tế gia đình bị ảnh hưởng nặng.