DNews

Bộ Y tế nói về việc Viện Y dược học dân tộc TPHCM thu phí thực hành

Hoàng Lê

(Dân trí) - Lãnh đạo Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, việc hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân viên của chính bệnh viện để xác nhận thời gian thực hành là cần thiết.

Bộ Y tế nói về việc Viện Y dược học dân tộc TPHCM thu phí thực hành

Như đã thông tin, thời gian qua Báo Dân trí nhận được phản ánh của nhiều nhân viên y tế về các bất cập tại Viện Y dược học dân tộc TPHCM. Trong đó, có việc Viện Y dược học dân tộc TPHCM thu tiền để làm giấy xác nhận thời gian thực hành của chính nhân viên đang làm việc tại đây, khiến nhiều người bức xúc.

Thu phí thực hành nhiều đối tượng

Ngày 1/10, Báo Dân trí nhận được phúc đáp từ Viện Y dược học dân tộc TPHCM về các vấn đề đã được chúng tôi gửi công văn, đề nghị cung cấp thông tin vào ngày 12/9.

Trong đó, Viện Y dược học dân tộc TPHCM cho biết, có 5 đối tượng được nơi này tiếp nhận thực hành, gồm: Bác sĩ y học cổ truyền, y sĩ y học cổ truyền, dược sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật y.

Sau khi Luật Khám, chữa bệnh 2023 có hiệu lực (từ ngày 1/1), thời gian thực hành khám chữa bệnh đối với chức danh bác sĩ chuyển từ 18 tháng xuống còn 12 tháng; đối với chức danh y sĩ là 9 tháng (trước đây 12 tháng); với chức danh điều dưỡng, kỹ thuật y là 6 tháng (trước đây 9 tháng).

Đối với trường hợp của dược sĩ, Viện Y dược học dân tộc TPHCM sẽ xác nhận thực hành theo quy định tại Luật Dược 2016 và Nghị định số 54/2017/NĐ-CP. Tương ứng với mỗi vị trí công việc được cấp chứng chỉ hành nghề dược sẽ có yêu cầu về thời gian thực hành nghề dược khác nhau.

Bộ Y tế nói về việc Viện Y dược học dân tộc TPHCM thu phí thực hành - 1

Nhân viên y tế hành nghề tại Viện Y dược học dân tộc TPHCM (Ảnh: HL).

Về kinh phí thực hành, Viện Y dược học dân tộc TPHCM thu 1 triệu đồng/tháng với đối tượng đại học, 750.000 đồng/tháng với đối tượng trung cấp, cao đẳng. Viện Y dược học dân tộc TPHCM chia sẻ, các chi phí hướng dẫn thực hành của nơi này xác định theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí, trên cơ sở lấy thu bù chi. Việc hạch toán, thu chi, thanh quyết toán được thực hiện theo đúng quy định pháp luật.

Phía Viện Y dược học dân tộc TPHCM cho rằng, các chi phí thực hành đã được công khai trên trang thông tin điện tử của đơn vị, công khai cho các viên chức trong quá trình công tác tại đây. Việc thu kinh phí thực hành dựa trên hợp đồng là sự thỏa thuận giữa người thực hành và cơ sở thực hành.

Cần hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân viên

Đối với quy định về xác nhận thời gian đào tạo, thực hành để cấp chứng chỉ hành nghề Y, Dược, cho nhân viên y tế, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, cho biết, hiện nay việc thực hành để cấp Giấy phép hành nghề (trước đây là Chứng chỉ hành nghề) được thực hiện theo quy định tại Mục 1, Chương II, Nghị định số 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 của Chính phủ.

Theo đó, với việc xác nhận thời gian thực hành để cấp Giấy phép hành nghề do cơ sở hướng dẫn thực hành thực hiện. Việc hướng dẫn thực hành áp dụng cho tất cả chức danh chuyên môn, không phân biệt nhân viên cơ hữu hay học viên, với mục đích đảm bảo về chuyên môn để được hành nghề, sau khi có giấy phép hành nghề.

Bộ Y tế nói về việc Viện Y dược học dân tộc TPHCM thu phí thực hành - 2

Học viên thực hành tại một hội thảo do Viện Y dược học dân tộc TPHCM tổ chức (Ảnh: Viện Y dược học dân tộc).

Việc đăng ký thực hành được hướng dẫn cụ thể tại Điều 7, Nghị định số 96/2023/NĐ-CP về thủ tục, hồ sơ, điều kiện và quy định một số nội dung liên quan đến người hướng dẫn thực hành. Khi cơ sở thực hành đáp ứng các điều kiện tại Điều 5 và Điều 6, Nghị định số 96/2023/NĐ-CP, thì được phép công bố là cơ sở đủ điều kiện để hướng dẫn thực hành.

Trong đó, chi phí hướng dẫn thực hành phải được đăng tải công khai trên hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Người thực hành cần nghiên cứu các thông tin này trước khi quyết định ký hợp đồng hướng dẫn thực hành.

Ông Khoa cho biết, việc ký hợp đồng thực hành là sự thỏa thuận quyền và lợi ích của các bên, nên việc người lao động, viên chức phải đóng tiền xác nhận thời gian thực hành cho chính đơn vị mình làm việc, về lý thuyết không trái với quy định của Nghị định số 96/2023/NĐ-CP.

Tuy nhiên, cơ sở y tế cần cân nhắc để xem xét thực hiện cho phù hợp với tình hình thực tiễn của đơn vị. Việc hỗ trợ phí, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân viên của chính bệnh viện trong việc xác nhận thời gian thực hành là cần thiết.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, đại diện nhiều bệnh viện ở TPHCM cho biết không thu phí xác nhận thực hành đối với nhân viên làm việc chính thức ở đơn vị của họ.

Đơn cử, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức khẳng định, việc hỗ trợ làm thủ tục xác nhận thực hành miễn phí cho nhân viên đã cống hiến thời gian dài tại đơn vị là trách nhiệm phải làm.

Bộ Y tế nói về việc Viện Y dược học dân tộc TPHCM thu phí thực hành - 3

Nhân viên y tế làm việc tại Viện Y dược học dân tộc TPHCM (Ảnh: HL).

Còn theo lãnh đạo Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, y bác sĩ đã vào bệnh viện này làm việc được coi như "con em trong nhà", nên đơn vị đào tạo, xác nhận thời gian thực hành mà không yêu cầu gì về tiền bạc. "Làm việc hay sống phải có tình người, đối xử với người khác thế nào, họ sẽ đáp lại mình như thế", đại diện Bệnh viện Nguyễn Tri Phương chia sẻ.

Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, Luật Khám, chữa bệnh hiện nay không có nội dung về việc nhân viên y tế bắt buộc phải đóng tiền phí xác nhận thực hành cho nơi mình đang làm việc, để được cấp chứng chỉ hành nghề. Với những người đã gắn bó với đơn vị thời gian dài, việc xác nhận thời gian thực hành cho họ mà không tính phí là đúng đạo lý, khi pháp luật không quy định chi phí cụ thể.

Không quy định thu tiền nhân viên khi bệnh viện tổ chức hội thảo

Liên quan đến các phản ánh về việc Viện Y dược học dân tộc TPHCM liên tục tổ chức hội thảo, thu phí nhân viên với danh nghĩa "cập nhật kiến thức y khoa liên tục", ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, cho biết, theo quy định tại Thông tư số 32/2023/TT-BYT, hiện nay có nhiều hình thức cập nhật kiến thức y khoa liên tục, như: Tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, hội nghị, hội thảo về y khoa phù hợp với phạm vi hành nghề; tham gia biên soạn giáo trình, tài liệu giảng dạy, tài liệu chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh; nghiên cứu khoa học; tham gia các khóa đào tạo để cấp chứng chỉ…

Người hành nghề có thể lựa chọn thực hiện mà không bắt buộc chỉ thực hiện theo một hình thức.

Ông Nguyễn Trọng Khoa khẳng định, hiện nay Bộ Y tế không có quy định liên quan đến việc thu tiền và mức thu đối với việc bệnh viện tổ chức các hội thảo cập nhật kiến thức y khoa liên tục. Người hành nghề cần xem xét và cân nhắc trước khi tham gia các hội thảo này.