Đàn khỉ hơn 60 năm hiến thân cho y học Việt, có đài tưởng niệm riêng
(Dân trí) - Hơn 60 năm âm thầm hiến thân cho những bước tiến lớn của y học Việt Nam, đàn khỉ trên đảo Rều đã góp phần giúp nhiều thế hệ người Việt được vaccine bảo vệ.
Đảo Rều (còn được gọi là đảo Khỉ) thuộc Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế). Đảo có diện tích 22ha, nằm cách cảng Vũng Đục (phường Cẩm Đông, TP Cẩm Phả) khoảng 3km.
Đây là nơi nuôi khỉ bán tự nhiên phục vụ công tác thử nghiệm vaccine lớn nhất tại Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại.
Theo ông Nguyễn Huy Phương, Phó trưởng trại chăn nuôi động vật thí nghiệm, năm 1962, đảo Rều được Bộ Y tế quyết định đầu tư thành trại nuôi khỉ để chiết xuất vaccine phòng bại liệt.
Sau này, Bộ tiếp tục nghiên cứu mở rộng và thử nghiệm các loại vaccine viêm gan A, bệnh tiêu chảy ở trẻ em, viêm đường hô hấp, H5N1...
Hiện nay, trên đảo có 13 cán bộ phụ trách các công việc khác nhau, từ chăm sóc sức khỏe cho đàn khỉ, chuẩn bị thức ăn đến theo dõi bầy khỉ sau khi thí nghiệm vaccine.
Ban đầu, đảo chỉ có vài chục cá thể khỉ nhưng nhờ được sống trong môi trường thuận lợi kết hợp công tác chăm sóc cẩn thận của các cán bộ trên đảo, khỉ sinh sản tốt, giúp đàn khỉ tăng nhanh về quy mô.
Định kỳ một số lượng khỉ được lựa chọn để phục vụ công tác thử nghiệm vaccine. Ở thời điểm hiện tại trên đảo có hơn 600 chú khỉ.
Những chú khỉ trên đảo đặc trưng với khuôn mặt đỏ, lông lưng dưới và lông đầu vàng, đuôi ngắn. Theo ông Phương, loài khỉ này có tên khoa học là Macaca Mulatta hay còn được gọi là khỉ vàng.
Sở dĩ khỉ vàng được lựa chọn để nuôi tại đây là bởi cơ thể sinh học của chúng có nhiều điểm tương đồng với con người và ít bị nhiễm các mầm bệnh hơn so với các loài khác.
Khỉ trên đảo được thả tự do leo trèo giữa rừng, ăn hoa quả thỏa thích. Thậm chí khi các cán bộ ở đây quên không khóa chặt cửa, loài linh trưởng thông minh này sẽ lẻn ngay vào nhà để tìm thức ăn và nghịch ngợm.
Con đường trên đảo Rều, các khu vực nhà ăn luôn sạch sẽ để đảm bảo vệ sinh và môi trường sống của khỉ.
Thức ăn của khỉ được các cán bộ chế biến định kỳ hàng ngày. "Khỉ trên đảo chủ yếu cho ăn gạo lật kết hợp với đỗ đen, đỗ tương, lạc nấu chín. Tùy vào lịch trong tuần mà bổ sung trái cây theo mùa cho khỉ như chuối, táo, dưa hấu…", chị Nguyễn Thị Hà, phụ trách chăm sóc đàn khỉ, đã 30 năm công tác trên đảo, cho biết.
9h30 sáng, Phó trưởng đảo Phương gõ một hồi kẻng dài báo hiệu giờ ăn trưa của bầy khỉ, từng đàn khỉ hò hét nhau, lũ lượt kéo về 3 khu nhà ăn. Trong lúc đó chị Hà gánh 2 gánh cơm lật nấu cùng đỗ đen, đỗ tương thơm nức mũi. Mùi hương thu hút đàn khỉ chạy tới ngay.
Chỉ một lúc sau, anh Phạm Minh Tuấn gánh 2 rổ chuối vàng ươm đi ra. Cứ mỗi tuần bầy khỉ lại được một lần ăn hoa quả ngon. Không đợi đồ ăn đến điểm tập kết, những chú khỉ nhanh chân chạy đến, tay thoăn thoắt "trộm" chuối trên gánh hoa quả.
Khỉ trên đảo sinh hoạt theo bầy đàn, mỗi đàn khoảng 30-50 con, đứng đầu là khỉ đực, to khỏe, bảo vệ đàn. Khi bầy đang ăn nếu có đàn khỉ khác xâm phạm, chúng sẽ xô xát, cắn nhau để bảo vệ thức ăn.
Cách đảo Rều gần 1km là đảo Rều Đá - Nơi thực nghiệm và kiểm định các loại vaccine trên khỉ. Đây chính là những chú khỉ được chọn lọc định kỳ ở đủ mọi lứa tuổi từ đảo Rều.
Theo ông Phương, hàng năm, hơn 100 con khỉ khỏe mạnh phục vụ sản xuất vaccine phòng chống các bệnh nguy hiểm như: bại liệt, viêm gan A, H5N1... Mỗi con khỉ chiết xuất được gần một triệu liều vaccine.
"Những chú khỉ khỏe mạnh được cách ly để tránh lây bệnh từ những con khỉ khác. Sau khi tiêm, tùy theo từng loại vaccine có thời gian riêng, để theo dõi các biểu hiện của khỉ. Sau đó, chúng tôi ghi chép vào sổ để báo lại với nhà sản xuất vaccine và các đơn vị nghiên cứu", anh Phạm Xuân Thái, Phòng thực nghiệm chia sẻ.
Việc nuôi dưỡng, phát triển đàn khỉ có tầm quan trọng đặc biệt trong nghiên cứu khoa học và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Do vậy nơi đây được cách ly hoàn toàn với đất liền và tuyệt đối không tiếp nhận khách du lịch để tránh lây bệnh cho khỉ và giữ gìn vệ sinh trên đảo.
"Tôi chăm sóc đàn khỉ từ bé đến lớn coi như con, đến khi chúng bị bắt đi làm thí nghiệm vaccine cũng thấy buồn lòng. Nhưng nhờ những chú khỉ ấy mà biết bao thế hệ người Việt được tiêm vaccine phòng các bệnh nguy hiểm. Đó là hành động rất ý nghĩa", ông Phương xúc động.
Năm 2011, để tưởng nhớ những chú khỉ đã hiến thân cho y học, đảo trưởng Vũ Công Long đã xin phép và xây dựng một khu tưởng niệm trang trọng với bia đá đặt ở giữa đảo. Năm 2024, đài tưởng niệm được cải tạo khang trang hơn.
Đợt bão Yagi vừa qua, đảo Rều nằm ở tâm bão, chịu ảnh hưởng nặng nề.
"Ngày trước, cả đảo được phủ xanh bởi các cây lớn lâu năm, khó thấy bầu trời. Sau đợt bão Yagi, các cây lớn đổ gãy, con đường bị vỡ, nứt toác khiến đảo không còn xanh như trước nữa", ông Phương kể lại. Trải qua 3 tháng sau bão, các cán bộ trên đảo vẫn đang nỗ lực khắc phục hậu quả của bão để đảo khỉ trở lại như xưa.
Theo dõi ông bà đến bố mẹ chăm sóc đàn khỉ, cũng như nhiều cán bộ khác, không biết từ bao giờ ông Phương đã yêu công việc này và gắn bó với đảo khỉ suốt 30 năm qua.
Cũng như ông Phương, đa phần cán bộ nơi đây là thế hệ thứ 2, thứ 3 "ăn ngủ" cùng những chú khỉ. Với công việc đặc thù, họ hầu như chỉ về nhà vào ngày cuối tuần.
Trong hơn 60 năm, nơi đây đã có hàng chục nghìn chú khỉ phục vụ nghiên cứu y học và đóng góp cho công tác sản xuất vaccine cứu người. Tại đây, không chỉ những chú khỉ mà còn có những con người âm thầm cống hiến hết mình trong công tác sản xuất và phát triển vaccine Việt Nam.