DMagazine

Covid-19 "leo thang" ở nhiều nước châu Á, nguy cơ nào với Việt Nam?

(Dân trí) - Từ con số vài chục ca một ngày, đến nay số mắc mới Covid-19 tại nước ta có xu hướng tăng lên, 500 lên 700, 1.000 và hơn 2.000 ca. Nhiều nước châu Á như Singapore, Ấn Độ… cũng xuất hiện làn sóng mới.

Covid-19 leo thang ở nhiều nước châu Á, nguy cơ nào với Việt Nam? - 1

Singapore đang bước vào đợt lây nhiễm Covid-19 mới với số ca mắc hàng ngày tăng cao. Khoảng 30% số ca mắc hiện nay là tái nhiễm.

Nếu như trong tháng 3, nước này chỉ ghi nhận khoảng 1.400 ca mắc/ngày thì nay con số này đã lên 4.000 ca trong tuần đầu tháng 4. 

Bộ trưởng Bộ Y tế Singapore Ong Ye Kung cảnh báo: ""Đảo quốc Sư tử" đang bước vào đợt lây nhiễm Covid-19 mới. Dù vậy, chưa có bằng chứng cho thấy các chủng virus hiện nay làm tăng nặng mức độ của bệnh". 

Covid-19 leo thang ở nhiều nước châu Á, nguy cơ nào với Việt Nam? - 3

Số bệnh nhân Covid-19 phải nhập viện điều trị tăng từ 80 lên 220 người trong tháng 3, thấp hơn nhiều so với giai đoạn diễn ra đại dịch. Số ca mắc Covid-19 phải điều trị tích cực duy trì ở mức thấp, dưới 10 bệnh nhân.

Tương tự tại Malaysia, số mắc Covid-19 cũng bắt đầu tăng từ cuối tháng 3. Trong vòng 14 ngày (tính đến ngày 8/4) số mắc tăng 87,5%. 

Theo số liệu cập nhật của Bộ Y tế, trong 2 tuần qua, số ca tử vong do Covid-19 ở Malaysia là 16 ca, song tỷ lệ sử dụng giường bệnh tăng lên hơn 70%. Số ca được xác định dương tính trung bình khoảng 800 ca, tăng 35-40% so với thời điểm tháng 1 dưới 200 ca.

Ngày 19/4, Ấn Độ cũng chứng kiến sự gia tăng các trường hợp mắc Covid-19 với hơn 10.500 ca mắc trong 24 giờ. 

Covid-19 leo thang ở nhiều nước châu Á, nguy cơ nào với Việt Nam? - 5

Đất nước này đã chứng kiến một biểu đồ giảm dần trong 5 ngày qua từ ngày 14/4 đến ngày 18/4 khi lần lượt có 11.109 và 7.633 trường hợp được báo cáo. Ấn Độ đã ghi nhận 9.111 ca mắc vào ngày 17/4, 10.093 vào ngày 16/4 và 10.753 vào ngày 15/4.

Giới chuyên gia nước này cho rằng, dù các ca mắc mới đang gia tăng nhưng đây không phải là một tình huống gây hoảng loạn. Phần lớn các ca mắc đều nhẹ, tỷ lệ nhập viện cũng không tăng. 

Các chuyên gia cho rằng làn sóng Covid-19 mới xảy ra do những biến chủng phụ XBB, một phiên bản của biến thể Omicron có khả năng lây truyền cao nhưng không gây triệu chứng nghiêm trọng. 

Hầu hết dân số trong khu vực Đông Á - Nam Á đã được tiêm phòng hoặc nhiễm bệnh tự nhiên trước đó. Chính phủ các nước nhận định, những đợt bùng phát Covid-19 lẻ tẻ có thể xảy ra sau khi thế giới quyết định sống chung với căn bệnh này.

Covid-19 leo thang ở nhiều nước châu Á, nguy cơ nào với Việt Nam? - 6

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây cảnh báo đại dịch Covid-19 vẫn còn nhiều biến động, trước khi virus ổn định thành một mô hình có thể dự đoán được. Trong 28 ngày qua, hơn 23.000 ca tử vong và 3 triệu ca mắc mới đã được báo cáo trong bối cảnh số lượng xét nghiệm giảm đi nhiều.

Asianews đưa tin Giám đốc chương trình y tế khẩn cấp của WHO, Michael Ryan, cho biết trong một cuộc họp báo: "Mặc dù số mắc đang giảm nhưng vẫn còn rất nhiều người chết và vẫn còn rất nhiều người bị bệnh".

Ông cho biết, các loại virus đường hô hấp không chuyển từ giai đoạn đại dịch sang giai đoạn lưu hành, mà thay vào đó chuyển sang giai đoạn hoạt động ở mức độ thấp với các đỉnh dịch có khả năng xảy ra theo mùa.

"Có nhiều khả năng là chúng ta sẽ thấy một con đường gập ghềnh dẫn đến một mô hình dễ đoán hơn", TS Ryan cho biết. 

Covid-19 leo thang ở nhiều nước châu Á, nguy cơ nào với Việt Nam? - 9

Tiến sĩ Ryan cho biết, loại virus này sẽ không biến mất mà giống như bệnh cúm, nó sẽ vẫn gây ra bệnh hô hấp nghiêm trọng ở những người dễ bị tổn thương.

Theo ông, một số quốc gia vẫn có lượng lớn những người thuộc nhóm nguy cơ cao chưa được tiêm phòng, trong khi ở những quốc gia khác, Covid-19 không còn là một sự kiện khẩn cấp nữa.

Ủy ban khẩn cấp của WHO về Covid-19 họp ba tháng một lần và dự kiến sẽ họp vào đầu tháng 5. Như trước đó, cuộc họp sẽ quyết định liệu virus có còn tạo thành tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế (PHEIC) hay không - mức cảnh báo cao nhất mà cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc có thể đưa ra.

WHO đã tuyên bố Covid-19 là PHEIC vào ngày 30/1/2020, khi có ít hơn 100 trường hợp mắc bệnh và không có trường hợp tử vong nào bên ngoài Trung Quốc.

Covid-19 leo thang ở nhiều nước châu Á, nguy cơ nào với Việt Nam? - 10

Tương tự với nhiều nước trong khu vực, số mắc Covid-19 tại nước ta cũng có xu hướng gia tăng. Trong ngày 1/4, nước ta mới chỉ ghi nhận 15 ca mắc Covid-19. Tuy nhiên, sau đó số mắc tăng dần, ngày 13/4 là gần 500 ca, ngày 14/4 là 780 ca, đến ngày 17/4 số mắc tăng lên hơn 1.000 ca. Từ ngày 19/4 đến nay, con số này vẫn duy trì ở mức cao, trên 2.000 ca (trừ ngày 23 và 24/4). 

Tương tự, số trường hợp phải nhập viện cũng có xu hướng tăng. Đáng chú ý, có nhiều trường hợp phải thở máy xâm lấn. 

PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, thời gian qua, trên thế giới cũng thường xuyên xuất hiện các làn sóng Covid-19 mới. WHO cũng chưa công bố dịch Covid-19 không còn là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp đáng quan ngại do tình hình dịch chưa ổn định.

Bản thân virus SARS-CoV-2 chưa mất đi mà vẫn tồn tại và lây lan trong cộng đồng. Số ca mắc Covid-19 tăng nhưng không phải bất thường. 

Covid-19 leo thang ở nhiều nước châu Á, nguy cơ nào với Việt Nam? - 13

Theo ông, nguyên nhân khiến dịch Covid-19 gia tăng thời gian gần đây có thể do miễn dịch của người dân sau tiêm vaccine hoặc từng mắc Covid-19 đã giảm. Bên cạnh đó là chúng ta đã nới lỏng tất cả các hoạt động, người dân đi lại, giao lưu nhiều, trong khi người dân lơ là không áp dụng các biện pháp dự phòng khi cần thiết như đeo khẩu trang, rửa tay khử khuẩn, thời tiết giao mùa tạo điều kiện thuận lợi cho virus phát triển nên bệnh dễ dàng lây nhiễm… 

Qua giám sát của cơ quan chuyên môn, hiện ở nước ta chưa xuất hiện các chủng virus mới mang độc lực cao. Các biến chủng được phát hiện đều trùng với những biến chủng đã ghi nhận trên thế giới.

Dù vậy, chuyên gia cho rằng chúng ta vẫn cần phải cảnh giác, căn cứ tình hình dịch bệnh các nước khác trên thế giới, đặc biệt là sự xuất hiện biến thể mới nguy hiểm hơn (làm tăng nặng các triệu chứng bệnh hoặc vô hiệu hóa các vaccine đang sử dụng) để có ứng phó phù hợp. Biến chủng XBB phổ biến hiện nay chủ yếu gây bệnh nhẹ, không gây ra triệu chứng nặng. Nhưng điều đó cho thấy trên thế giới, Covid-19 chưa ổn định như cúm mùa nên WHO chưa công bố chấm dứt tình trạng y tế công cộng khẩn cấp đáng quan ngại. 

"Trong phòng chống dịch Covid-19, chúng ta vẫn phải thực hiện nguyên tắc nới lỏng nhưng không buông trôi, thả lỏng và vẫn kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, nguy cơ đến đâu đáp ứng đến đó. Nếu chúng ta đánh giá không đúng nguy cơ thì không kiểm soát được dịch.

Nhưng nếu đánh giá nguy cơ cao quá dẫn tới đáp ứng thái quá thì lại cấm đoán gây tổn hại đến kinh tế, an sinh xã hội của người dân hoặc đầu tư cho chống dịch quá tốn kém trong khi còn rất nhiều dịch bệnh khác cũng đang phải phòng chống", TS Phu phân tích.

Covid-19 leo thang ở nhiều nước châu Á, nguy cơ nào với Việt Nam? - 15

Ông tiếp tục nhấn mạnh việc bảo vệ nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trước Covid-19 như người già, trẻ em, người suy giảm miễn dịch, người chưa tiêm vaccine phòng Covid-19...

Người dân cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh như đeo khẩu trang, khử khuẩn và giữ khoảng cách tại khu vực nguy cơ để tránh gia tăng số ca bệnh. Những người có triệu chứng nghi ngờ và những người tiếp xúc với người có triệu chứng nghi ngờ phải đeo khẩu trang. Điều này không chỉ giúp phòng Covid-19 mà còn cả các bệnh viêm đường hô hấp khác như cúm A, cúm B... 

Ai có triệu chứng cũng nên xét nghiệm có phải đang mắc Covid-19 hay không. Đồng thời, cũng cần tuân thủ theo lịch tiêm vaccine của Bộ Y tế.

"Cơ quan chức năng cần đánh giá lại miễn dịch cộng đồng hiện tại như thế nào, có chủng mới vô hiệu hóa vaccine hay không. Đồng thời đánh giá lại việc tiêm vaccine theo lịch. Covid-19 sẽ không mất đi và việc tiêm vaccine là vẫn cần thiết nhưng quan trọng là xác định chúng ta nên tiêm cho đối tượng nào", TS Phu nói.

GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cũng cho biết, với biến thể Omicron vì vaccine có hiệu quả hạn chế hơn trong vấn đề lây nhiễm nên các biện pháp phòng chống cần tập trung vào đối tượng nguy cơ cao. Các nhà khoa học dự báo virus SARS-CoV-2 sẽ vẫn tiếp tục tồn tại. Vì thế, để không ảnh hưởng đến kinh tế xã hội, cuộc sống, chúng ta cần tập trung bảo vệ đối tượng nguy cơ cao. Mục tiêu trong giai đoạn tới là giảm nhập viện, tử vong, không quá tải hệ thống y tế. 

Người dân cần tiêm chủng đầy đủ theo đúng khuyến cáo của ngành y tế. Người có nguy cơ cao khi đến nơi đông người, trong môi trường kín nên đeo khẩu trang trong thời điểm đại dịch. Các đối tượng còn lại khi đến cơ sở y tế, đi trên phương tiện công cộng thì cần đeo khẩu trang. Hai vấn đề quan trọng là 2K và vaccine.

Nội dung: Nam Phương
Thiết kế: Đỗ Diệp.