DMagazine

Chuyện quá tải người lớn ở bệnh viện điều trị Covid-19... trẻ em

(Dân trí) - Quá tải vì lý do "tréo ngoe", một bệnh viện điều trị Covid-19 tuyến cuối cho trẻ em ở TPHCM phải kê thêm hàng chục giường xếp, khiến áp lực của nhân viên y tế thêm nặng nề.

Chuyện quá tải người lớn ở bệnh viện điều trị Covid-19... trẻ em 

(Dân trí) - Quá tải vì lý do "tréo ngoe", Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM) phải chuẩn bị thêm hàng chục giường xếp tại khoa Điều trị Covid-19, khiến áp lực của nhân viên y tế càng thêm nặng nề.

Những ngày qua, số ca nhiễm bệnh và tử vong vì Covid-19 ở TPHCM liên tục tăng cao trở lại, kéo theo các cơ sở điều trị Covid-19 cũng tăng lượng bệnh nhân nhập viện, bao gồm những trường hợp là trẻ em.

Khoa Điều trị Covid-19, Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2 hiện có 178 F0, với quy mô 180 giường bệnh nhưng lại đang quá tải hàng chục giường. Vì sao như vậy?

Những "F" người lớn trong bệnh viện Nhi

"Con tôi bú ít và nóng đầu quá, không biết khi nào mới âm tính…" - tiếng người mẹ trẻ vang lên từ chiếc giường đặt ở góc phòng.

Đó là chị N.T.H. (32 tuổi, quê Quảng Bình), nữ giáo viên sống tại quận 7, TPHCM. Chị cho biết sau thời điểm bình thường mới, người chồng đi làm trở lại, nhiễm Covid-19 bên ngoài rồi lây cho vợ và con trai 4 tháng tuổi.

Chuyện quá tải người lớn ở bệnh viện điều trị Covid-19... trẻ em - 1

Những ngày này, áp lực tại khoa Điều trị Covid-19, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM) gia tăng trở lại (Ảnh: Hoàng Lê).

"Ngày 18/11 tôi dương tính. 3 ngày sau thì đến lượt con trai. Vì bé sinh non, phổi yếu nên vợ chồng tôi rất lo lắng. Ngày 27/11, chồng tôi đưa 2 mẹ con vào bệnh viện" - chị H. kể.

Theo người mẹ F0, thời điểm mới nhập viện, vì khó thở và bị viêm phổi, con trai chị được đưa vào cấp cứu, thở máy. Sau một thời gian được các bác sĩ tận tình chăm sóc, bé chuyển sang thở oxy và hiện tại đã tự thở được.

Riêng người mẹ cũng được các bác sĩ hỏi han sức khỏe mỗi ngày, may mắn là bệnh tình không trở nặng. Hiện tại, người mẹ đang rất mong chờ ngày con và chính mình được test Covid-19 trở lại, âm tính để về đoàn tụ cùng chồng.

Ở giường cạnh bên, chị T.T.P. (25 tuổi, quê Kon Tum) liên tục dùng quạt giấy làm mát cho con gái gần 2 tháng tuổi. Bé T.T.A.B. mang khối u gan bẩm sinh, nên sau khi phát hiện mắc Covid-19 ngày 28/11 khi đang điều trị tại khoa Gan Mật Tụy, vợ chồng chị rất hoảng sợ.

"Con tôi vừa phải điều trị Covid-19, vừa theo dõi khối u trong gan và viêm phổi. Giờ tôi chỉ mong bé sớm được ra ngoài để tiếp tục điều trị bệnh nền. Tôi mong các phụ huynh khác chú ý thật kỹ, vì không biết khi nào con sẽ thành F0" - chị P. chia sẻ.

Chuyện quá tải người lớn ở bệnh viện điều trị Covid-19... trẻ em - 2
Chuyện quá tải người lớn ở bệnh viện điều trị Covid-19... trẻ em - 3
Chuyện quá tải người lớn ở bệnh viện điều trị Covid-19... trẻ em - 4

"Anh ơi, đàm của bé H. lên rồi, chuẩn bị hút đàm…" - tiếng bác sĩ Trương Nhật Vi gọi điều dưỡng viên gấp gáp, nặng nề trong bộ đồ bảo hộ kín.

Bé N.T.H.H. (8 tuổi) được BV đa khoa tỉnh Tây Ninh chuyển đến, là một trong hai bệnh nhân Covid-19 nặng nhất đang điều trị tại BV Nhi Đồng 2, khi phải lọc máu, dùng kháng sinh và hàng loạt các biện pháp điều trị khác.

"Bé H. có cơ địa béo phì, phát hiện bệnh ở nhà khi sốt ho, khó thở. Tại BV tỉnh, bé diễn biến suy hô hấp nặng, sốc, suy thận, được hồi sức cấp cứu rồi chuyển viện gấp lên tuyến trên. Tại BV, chúng tôi phát hiện thêm bé có bệnh cảnh đái tháo đường.

Hiện tại, bé vẫn đang được lọc máu tích cực, thở máy, kiểm soát đường huyết, các triệu chứng chưa thấy nặng lên nhưng khó nói trước khi nào bé sẽ được xuất viện" - bác sĩ Vi nói.

Chuyện quá tải người lớn ở bệnh viện điều trị Covid-19... trẻ em - 5
Chuyện quá tải người lớn ở bệnh viện điều trị Covid-19... trẻ em - 6

Khoa Điều trị Covid-19 của BV Nhi Đồng 2 có tổng cộng 16 bác sĩ và hơn 30 điều dưỡng, hộ lý. Mỗi ngày ngoài thăm khám, theo dõi điều trị cho hàng trăm bệnh nhi, một nhiệm vụ khác của họ là tư vấn, giải đáp thắc mắc, hỗ trợ tinh thần cho phụ huynh.

Bởi có những trường hợp ảnh hưởng tâm lý, thậm chí suy sụp tinh thần lúc mới vào viện, phần vì lo con bệnh nặng, phần vì cho rằng con trở thành F0 do lỗi của mình.

"Tôi rất hối hận, nếu mình kỹ hơn thì con đã không nhiễm" - chị T.T.M. (41 tuổi, ngụ TP Thủ Đức), mẹ bé L.M.H. (8 tuổi), tựa lưng vào tường tranh thủ nghỉ trưa, chia sẻ với phóng viên.

Người mẹ cho biết, dù trong mùa dịch con không đến trường, nhưng chị hành nghề bán thức ăn nên thường xuyên bận rộn. Những ngày bình thường mới, chị để con tự do vui chơi với các bạn bè trong xóm. Đến ngày 27/11, thấy con liên tục ho, sốt nặng và đau đầu, chị cho con làm test nhanh và hoảng hồn phát hiện dương tính.

Chuyện quá tải người lớn ở bệnh viện điều trị Covid-19... trẻ em - 7

Phụ huynh là F0, F1 vào khoa Điều trị Covid-19 của BV Nhi Đồng 2 để chăm sóc con (Ảnh: Hoàng Lê).

"Con tôi có bệnh nền viêm phế quản, nhà chỉ mình cháu bệnh, còn tôi không nhiễm. Đến nay đã 11 ngày nhập viện rồi.

Hôm trước, bác sĩ nói phổi bé chụp trên màn hình trắng xóa, máu có dấu hiệu đông, chuẩn bị tinh thần lọc máu và có thể nguy kịch. May mắn cháu lướt qua được, nhưng giờ còn mệt lắm…" - chị M. chỉ vào chiếc giường phía bên trong, nơi con trai đang mệt nhọc nằm thiếp đi.

Áp lực điều trị trong tình hình mới

13h30, anh N.M.T. hồ hởi thu dọn đồ đạc cá nhân khỏi giường xếp, chuẩn bị rời hành lang mà anh ám ảnh những ngày qua. Ông bố trẻ cho biết, bé N.V.M.T. (8 tuổi) con anh được chuyển từ BV ở Bình Dương đến đây vào ngày 24/11, trong tình trạng nhiễm Covid-19 kèm bệnh nền tan máu bẩm sinh nặng.

"Nhờ các bác sĩ chăm sóc tận tình, con tôi đã qua cơn nguy kịch. Cũng không phải đóng viện phí gì. Con bệnh nên tôi phải ở lại với cháu những ngày qua. Hy vọng các bé khác cũng sớm được xuất viện" - anh Tiến chia sẻ.

Chuyện quá tải người lớn ở bệnh viện điều trị Covid-19... trẻ em - 8
Chuyện quá tải người lớn ở bệnh viện điều trị Covid-19... trẻ em - 9

Đây cũng là một trong hàng chục phụ huynh được BV Nhi Đồng 2 bố trí thêm giường xếp để ở lại trong quá trình con điều trị Covid-19.

Bác sĩ Trương Nhật Vi cho biết, những ngày gần đây lượng bệnh nhân đang có chiều hướng gia tăng. Hiện tại, khoa đang có hơn 110 trường hợp F0 là bệnh nhi.

Trong đó, có hơn 20 bé nặng đang nằm ở khu cấp cứu, gồm 7 ca phải thở oxy, 3 trường hợp thở CPAP, 6 trường hợp thở máy. Gần 50 F0 trẻ em đang nằm viện có bệnh nền (như xơ gan, suy thận mạn…). Đặc biệt, có 5 ca nhiễm Covid-19 là trẻ sơ sinh non tháng.

Bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Điều trị Covid-19 thông tin thêm, thống kê chỉ có 4 trường hợp trong độ tuổi 13-16 tuổi nhập viện đã tiêm vaccine, bao gồm 2 bé tiêm đủ 2 mũi. 4 trường hợp này hiện nằm ở khu vực nhẹ.

Chuyện quá tải người lớn ở bệnh viện điều trị Covid-19... trẻ em - 10
Chuyện quá tải người lớn ở bệnh viện điều trị Covid-19... trẻ em - 11
Chuyện quá tải người lớn ở bệnh viện điều trị Covid-19... trẻ em - 12

Nếu chiếu theo nhóm tuổi, có gần 30 ca dưới 12 tháng tuổi là F0 có triệu chứng; 40 bệnh nhân ở nhóm 1-5 tuổi; nhóm 6-11 tuổi là 40 ca. Còn lại là 6 ca từ 12 tuổi đến dưới 16 tuổi.

"Những trường hợp lớn nhập viện chủ yếu do bệnh nền. Với những trường hợp nhỏ (12 tháng đến dưới 6 tuổi), dù chiếm hơn 50% nhưng chủ yếu gặp những triệu chứng như sốt cao, ói mửa, tiêu chảy không cần phải nằm cấp cứu" - bác sĩ Việt nói.

Bác sĩ Việt chia sẻ, sau ngày TPHCM mở cửa trở lại, nhiều BV dã chiến, thu dung đã ngừng hoạt động, thiếu cơ sở hỗ trợ nhận bệnh ban đầu nên các bé nhiễm Covid-19 sẽ được chuyển thẳng về các BV Nhi. Do đó, trên lý thuyết là tuyến cuối điều trị Covid-19 trẻ em, nhưng BV Nhi Đồng 2 hiện hoạt động như một cơ sở điều trị đa tầng.

Nhiều bệnh nhân nhi dù triệu chứng nhẹ nhưng tâm lý cha mẹ lo cho con, nên vẫn xin chuyển vào thay vì điều trị tại nhà.

Chuyện quá tải người lớn ở bệnh viện điều trị Covid-19... trẻ em - 13

Nhiều trẻ nhiễm Covid-19 nhẹ vẫn được cha mẹ đưa vào điều trị tại BV Nhi Đồng 2 (Ảnh: Hoàng Lê).

TPHCM và các tỉnh đã dỡ phong tỏa trên đường, đi lại thuận tiện, nên người dân có thể trực tiếp đưa F0 đến BV. Song song đó, một số trường hợp đi khám bệnh thông thường, vô tình test ra Covid-19 cũng phải vào khoa điều trị.

"Hiện nay khoa đã quá tải, chỉ có 180 giường điều trị mà F0 đã 178 ca, bao gồm 70 trường hợp là phụ huynh đã nhiễm bệnh từ trước. Ngoài ra, còn có hơn 40 trường hợp F1 vào nuôi bệnh" - bác sĩ Việt nói và cho biết khoa phải sắp xếp thêm hàng chục giường xếp cho phụ huynh.

Cũng theo bác sĩ Việt, mấy tháng trước, nhiều cha mẹ chưa tiêm vaccine, vào chăm con là F0 rồi cũng nhiễm bệnh và trở nặng. Nhiều trường hợp thậm chí phải đưa vào khu cấp cứu Nhi, thở máy rồi chuyển đi. Hiện tại, trong hàng chục F0 người lớn, chỉ có một ca phát thuốc đặc trị. Điều này cho thấy hiệu quả rõ rệt của việc chủng ngừa.

Chuyện quá tải người lớn ở bệnh viện điều trị Covid-19... trẻ em - 14
Chuyện quá tải người lớn ở bệnh viện điều trị Covid-19... trẻ em - 15

Từ sau ngày 1/10, trẻ nhiễm bệnh chủ yếu là từ người lớn ra ngoài làm việc, giao tiếp mang về nhà. Nhưng khi trẻ bắt đầu đến trường, nguồn lây sẽ đa dạng hơn. 

"TPHCM đã mở cửa nên nguồn lây rất nhiều. Không ai biết người đối diện có bệnh hay không, chúng ta phải luôn sẵn sàng 5K" - bác sĩ Việt đưa ra lời khuyên.

Sau mấy tháng chống dịch, BV Nhi Đồng 2 đã có kinh nghiệm trong điều trị, quản lý bệnh nhân Covid-19, do đó tình hình vẫn trong tầm kiểm soát. Nhưng nếu lượng F0 vẫn tiếp tục gia tăng, BV có thể tính phương án mở thêm khu vực điều trị mới.

Ngoài ra, các bác sĩ cho rằng, cần có thêm những cơ sở điều trị có chuyên khoa Nhi ở địa phương để chia lửa cho BV tuyến cuối.

Theo báo cáo của Sở Y tế TPHCM, tính đến ngày 10/12, Thành phố đang điều trị 12.995 bệnh nhân Covid-19. Trong đó, có 421 trẻ em dưới 16 tuổi, 477 bệnh nhân nặng đang thở máy xâm lấn.

Tính từ ngày 1/1/2021 đến nay, địa phương có 289.343 F0 xuất viện và 18.777 trường hợp tử vong.

Từ ngày 13/12, TPHCM thí điểm cho học sinh lớp 9 và lớp 12, là các nhóm tuổi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine trở lại trường học. Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Thủ Đức, các quận huyện chỉ đạo ban giám hiệu các trường phải rà soát lại kế hoạch tổ chức dạy và học trực tiếp, rà soát lại công tác chuẩn bị thật cụ thể, chi tiết và đảm bảo thực hiện sao cho an toàn nhất có thể.

Thời gian tới, TPHCM sẽ bố trí một khoản kinh phí để xây mới, sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ cho ngành y tế và ngành giáo dục, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế cho phòng chống dịch Covid-19.

Chuyện quá tải người lớn ở bệnh viện điều trị Covid-19... trẻ em - 16