Cách Nhật Bản, Thái Lan giải bài toán "quản lý giá thuốc"
(Dân trí) - Vấn đề về giá thuốc đang làm nóng nghị trường Quốc hội. Trong đó, các quy định liên quan đến áp trần giá thuốc và tỷ lệ lợi nhuận của thuốc nhận được nhiều ý kiến tranh luận.
Quản lý giá thuốc trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược là một vấn đề làm nóng nghị trường Quốc hội những ngày qua.
Trong phiên thảo luận ngày 22/10, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, thuốc là mặt hàng đặc biệt nên việc quản lý giá thuốc cũng là một việc rất quan trọng.
Theo Đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Phó trưởng ban Dân nguyện, dự thảo luật quy định về giá bán buôn thuốc dự kiến, được hiểu là quy định giá bán buôn tối đa nhằm ngăn chặn hình thức mua bán lòng vòng để tăng giá thuốc.
Tuy nhiên, theo bà Nhị Hà, qua báo cáo nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới trong hồ sơ do Bộ Y tế trình Quốc hội, chủ yếu mô hình quản lý giá thuốc là cơ quan quản lý nhà nước quy định trần giá thuốc như ở Nhật Bản, Indonesia, Thái Lan.
Dự thảo hiện nay quy định mức giá bán buôn tối đa lại do cơ sở nhập khẩu thuốc, cơ sở sản xuất thuốc quy định.
Theo bà Nhị Hà, quy định này có thể dẫn đến nguy cơ độc quyền thuốc trên thị trường.
"Ví dụ như, trong trường hợp cơ sở nhập khẩu thuốc xác định mức giá bán buôn dự kiến rất thấp và thành lập chuỗi nhà thuốc để bán lẻ. Sau đó đẩy giá thuốc tăng lên ở hệ thống bán lẻ của mình. Đây chính là kênh bán hàng trực tiếp cho người dân và người dân vẫn phải mua thuốc giá cao", bà Hà nêu kẽ hở của dự thảo luật.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 107 dự thảo quy định chỉ công bố, công bố lại giá bán buôn thuốc dự kiến với thuốc kê đơn. Đại biểu Nhị Hà đặt câu hỏi đối với thuốc không kê đơn của cơ sở nhập khẩu và cơ sở sản xuất thì quản lý giá thế nào?
"Tôi cho rằng khi quản lý về giá thì cần phải quản lý giá của tất cả các loại thuốc", bà Trần Thị Nhị Hà nói.
Vậy các nước trên thế giới đang quản lý giá thuốc như thế nào?
Nhật Bản: Vai trò chính từ Hệ thống Bảo hiểm Y tế Quốc gia
Nhật Bản được biết đến với hệ thống y tế tiên tiến và chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người dân.
Nhật Bản có một hệ thống quản lý giá thuốc rất phức tạp và chặt chẽ, trong đó chính phủ đóng vai trò trung tâm trong việc kiểm soát giá thuốc thông qua Hệ thống Bảo hiểm Y tế Quốc gia (National Health Insurance - NHI).
Các chính sách quan trọng xuất phát từ việc cải tổ hệ thống chăm sóc y tế bắt đầu vào năm 2011, khi dân số già hóa và giá thuốc tăng cao, khiến chi tiêu cho y tế tăng vọt và buộc chính phủ Nhật tìm cách kiểm soát chi phí.
Mục tiêu chính của hệ thống này là bảo vệ người dân khỏi chi phí y tế cao trong khi vẫn đảm bảo tính bền vững của hệ thống chăm sóc sức khỏe. Dưới đây là các điểm nổi bật về cơ chế kiểm soát giá thuốc ở Nhật Bản dựa trên tài liệu của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW):
Hệ thống Bảo hiểm Y tế Quốc gia (NHI - National Health Insurance)
Hệ thống bảo hiểm y tế quốc gia của Nhật Bản bao gồm các chương trình y tế công, trong đó người dân tham gia bảo hiểm bắt buộc.
Mức giá thuốc được tính toán cẩn thận dựa trên các tiêu chí về chi phí sản xuất, phân phối, thuế tiêu thụ và lợi nhuận hợp lý. Theo quy định, các cơ sở y tế và nhà thuốc chỉ được phép sử dụng các loại thuốc nằm trong "Danh mục Giá Thuốc NHI". Đây là một danh mục quy định chi tiết các loại thuốc được chấp nhận trong bảo hiểm y tế.
Giá thuốc trong hệ thống này được chính phủ kiểm soát chặt chẽ.
Kiểm soát trần giá thuốc
Mỗi loại thuốc đều có một mức giá tối đa được quy định bởi chính phủ. Điều này đảm bảo người dân có thể tiếp cận thuốc men mà không phải chịu chi phí quá cao. Nhật Bản cũng thúc đẩy việc sử dụng thuốc generic (thuốc có cùng dược chất, hàm lượng, dạng bào chế với biệt dược gốc) để giảm chi phí thuốc men cho cả chính phủ và người dân.
Thuốc generic là thuốc tương đương sinh học với biệt dược gốc về các tính chất dược động học và dược lực học, được sản xuất khi quyền sở hữu công nghiệp của biệt dược đã hết hạn, nhờ đó thường được bán với giá rẻ.
Nhật Bản có những ưu đãi đặc biệt đối với các loại thuốc mới và có tính đột phá. Chính phủ khuyến khích việc phát triển và đưa ra thị trường những loại thuốc mới. Các loại thuốc có hiệu quả và độ an toàn cao sẽ được định giá với mức cao hơn. Ngoài ra, Nhật Bản cũng áp dụng chính sách đặc thù dành cho các loại thuốc hiếm hoặc thuốc dành cho trẻ em, với mức ưu đãi từ 5% đến 20%.
Rà soát giá thuốc 2 năm một lần
Cứ hai năm, chính phủ Nhật Bản lại tiến hành rà soát giá thuốc dựa trên thông tin từ các nhà cung cấp và bệnh viện, từ đó điều chỉnh mức giá phù hợp với tình hình thực tế.
Theo Japan Pharmaceutical Manufacturers Association, quá trình khảo sát giá thuốc được thực hiện trên phạm vi toàn quốc với tất cả các nhà phân phối thuốc và cơ sở y tế có liên quan. Sau đó, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản sẽ thu thập dữ liệu về giá mua thực tế của các loại thuốc và sử dụng kết quả này để điều chỉnh mức giá trong danh mục NHI.
Đối với các loại thuốc có sự chênh lệch lớn giữa giá niêm yết và giá thị trường, một mức giảm giá bổ sung sẽ được áp dụng để điều chỉnh lại mức giá.
Thái Lan: Kiểm soát giá danh mục thuốc quốc gia
Thái Lan là một trong những quốc gia Đông Nam Á đầu tiên triển khai hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân, mang lại nhiều lợi ích to lớn cho người dân, đặc biệt trong việc tiếp cận thuốc men.
Thái Lan, giống như nhiều quốc gia khác, đối mặt với vấn đề chi phí thuốc tăng cao. Để giải quyết vấn đề này, chính phủ Thái Lan đã thiết lập các quy định nghiêm ngặt về giá thuốc, đặc biệt là trong hệ thống bảo hiểm y tế quốc gia (NHSO - National Health Security Office).
Chính phủ Thái Lan áp dụng nhiều biện pháp để quản lý giá thuốc, bao gồm việc kiểm soát trần giá thuốc và ưu tiên sử dụng thuốc generic. Các biện pháp chính bao gồm:
Danh mục thuốc quốc gia (NLEM - National List of Essential Medicines)
Chính phủ Thái Lan duy trì một danh mục thuốc thiết yếu quốc gia, trong đó liệt kê những loại thuốc cần thiết để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Đây là danh mục bắt buộc đối với tất cả các bệnh viện công, và những loại thuốc trong danh mục này phải tuân thủ các quy định về giá cả do chính phủ ấn định.
Đối với các loại thuốc không thuộc danh mục thiết yếu, chính phủ Thái Lan sử dụng phương pháp đàm phán giá tập trung để kiểm soát giá tại các bệnh viện công, đảm bảo người dân có thể tiếp cận thuốc với giá cả hợp lý.
Kiểm soát trần giá thuốc
Chính phủ Thái Lan đặt mức trần giá đối với một số loại thuốc, đặc biệt là những loại thuốc phổ biến hoặc cần thiết cho người dân. Mức trần giá này được tính toán dựa trên chi phí sản xuất và nhập khẩu, đảm bảo người dân có thể tiếp cận các loại thuốc với giá hợp lý.
Ưu tiên thuốc generic
Chính phủ cũng thúc đẩy việc sử dụng thuốc generic thay thế cho thuốc bản quyền để giảm chi phí thuốc men. Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới, việc sử dụng thuốc generic có thể giúp Thái Lan tiết kiệm đáng kể chi phí y tế.
Hệ thống kiểm soát giá thuốc của Thái Lan đã giúp giảm đáng kể chi phí y tế cho người dân. Theo dữ liệu từ Bộ Y tế Công cộng Thái Lan, chi phí trung bình cho thuốc tại các bệnh viện công đã giảm 15-25% sau khi áp dụng các biện pháp kiểm soát giá thuốc.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với Thái Lan là sự phụ thuộc vào thuốc nhập khẩu, đặc biệt là những loại thuốc điều trị bệnh hiếm và phức tạp. Điều này khiến giá thuốc ở một số phân khúc vẫn cao so với khả năng chi trả của nhiều người dân.
Indonesia: Tham chiếu giá thuốc quốc tế
Indonesia là quốc gia có dân số đông nhất Đông Nam Á. Do đó, nhu cầu sử dụng thuốc tại Indonesia rất cao.
Chính phủ Indonesia đã triển khai một loạt các chính sách nhằm kiểm soát giá thuốc, đặc biệt là trong khu vực y tế công.
Kiểm soát giá thuốc trong khu vực công
Chính phủ Indonesia thiết lập danh mục thuốc thiết yếu quốc gia, gồm những loại thuốc bắt buộc phải có trong các bệnh viện công và tư nhân. Giá của các loại thuốc trong danh mục này được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo người dân có thể tiếp cận với giá cả hợp lý.
Một trong những biện pháp quan trọng trong chính sách quản lý giá thuốc của Indonesia là kiểm soát giá thuốc trong các cơ sở y tế công. Chính phủ đã quy định mức giá cho 153 loại thuốc generic.
Những loại thuốc này được sử dụng phổ biến trong các chương trình y tế công cộng và các trung tâm chăm sóc sức khỏe ban đầu. Việc kiểm soát giá giúp duy trì mức giá hợp lý cho các loại thuốc thiết yếu, nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí cho người dân.
Các cơ sở y tế công cộng, đặc biệt là các trung tâm chăm sóc sức khỏe ban đầu và bệnh viện nhà nước, được khuyến khích mua các loại thuốc trong danh mục thuốc thiết yếu quốc gia (EML) với mức giá đã được quy định. Điều này đảm bảo rằng người dân khi sử dụng dịch vụ y tế công sẽ không phải trả mức giá quá cao cho các loại thuốc cơ bản.
Đàm phán giá mua sắm thuốc công
Giá thuốc trong khu vực công được xác định thông qua quá trình đàm phán giá mua sắm với các nhà cung cấp. Chính phủ sử dụng giá tham chiếu quốc tế làm cơ sở cho các cuộc đàm phán này, nhằm đảm bảo rằng giá thuốc ở Indonesia không cao hơn so với mức giá quốc tế.
Việc đàm phán giá này thường áp dụng cho các loại thuốc generic, giúp giảm chi phí mua sắm công và đảm bảo nguồn cung ổn định.
Việc đàm phán giá đã giúp hạn chế tình trạng giá thuốc bị đẩy lên quá cao so với thị trường quốc tế.
Khuyến khích sử dụng thuốc generic
Một trong những trọng tâm của chính sách quản lý giá thuốc tại Indonesia là khuyến khích sử dụng thuốc generic thay thế cho các loại thuốc bản quyền.
Chính phủ đã thiết lập một danh sách các thuốc generic được khuyến khích sử dụng trong các cơ sở y tế, nhằm giảm thiểu chi phí điều trị và đảm bảo khả năng tiếp cận thuốc cho mọi đối tượng người dân, đặc biệt là những người có thu nhập thấp.
Kiểm soát giá thuốc trong khu vực tư nhân
Trong khu vực tư nhân, các chính sách kiểm soát giá không được áp dụng rộng rãi như trong khu vực công. Chính phủ không quy định giá cho các loại thuốc bản quyền và chỉ kiểm soát một số ít các loại thuốc generic.
Điều này dẫn đến mức giá thuốc trong khu vực tư nhân thường cao hơn đáng kể so với khu vực công. Khảo sát cho thấy giá thuốc bản quyền trong khu vực tư nhân có thể cao gấp 22,78 lần so với giá tham chiếu quốc tế, trong khi giá thuốc generic cao gấp 2,78 lần.
Giải trình về các vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, thuốc là mặt hàng đặc biệt nên việc quản lý giá thuốc cũng rất quan trọng.
"Chúng ta đã nghe có bài báo nói tại sao giá thuốc tăng vô tội vạ dù quản lý từ 2016?", Bộ trưởng Bộ Y tế nêu thực tế việc quản lý đã có từ năm 2016 nhưng rất khó khăn.
Với tính chất mặt hàng đặc biệt và quy định về quản lý giá bán buôn đã được triển khai thực hiện từ năm 2016 đến nay, bà Đào Hồng Lan đánh giá là rất hiệu quả. Nữ Bộ trưởng cũng nhìn nhận giá thuốc trong những năm qua có tăng, song phù hợp với diễn biến thị trường.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan đánh giá, trong Luật Dược 2016 và Luật Giá năm 2023 quy định về việc thực hiện việc kê khai thuốc bán buôn dự kiến. Nội dung này trong quá trình tiếp thu ý kiến đại biểu cũng đổi thành biện pháp công bố dự kiến giá bán buôn tại dự luật.
Theo Bộ trưởng, các luật đã góp phần quản lý giá thuốc ở Việt Nam, giúp giá thuốc tương đối ổn định trong thời gian qua.