Bên trong phòng cách ly điều trị trẻ mắc bệnh sởi ở TPHCM
(Dân trí) - Những ngày vào viện chăm sóc cháu, người bà sợ mình đã nhiễm bệnh sởi nên thấy ai đến gần cũng yêu cầu tránh xa. Điều này khiến nhiều phụ huynh hiểu lầm rằng bà lập dị, khó chịu.
Bên trong khu điều trị bệnh sởi tại bệnh viện có số ca nhiễm cao nhất TPHCM
Tính từ đầu năm 2024 đến nay, tổng số ca sốt phát ban nghi sởi được ghi nhận trên địa bàn TPHCM là 597 ca, trong đó có 346 trẻ đã dương tính với bệnh sởi.
Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, khi 9 quận, huyện đã đủ điều kiện để công bố dịch, Sở Y tế TPHCM đã chỉ đạo triển khai ngay 2 nhóm giải pháp quan trọng. Đó là nhóm giải pháp tiêm bù, tiêm bổ sung vaccine sởi và nhóm giải pháp bảo vệ trẻ thuộc nhóm nguy cơ.
Chiều 14/8, tất cả giường bên trong căn phòng 401 có dán chữ "cách ly" của khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) đều kín trẻ nằm. Các em đều có điểm chung là nhiễm bệnh sởi biến chứng nặng.
Liên tục lấy tay xoa đầu con trai 2 tuổi đang nằm mệt nhoài, chị Ngọc (29 tuổi, quê Đồng Tháp) cho biết, gia đình chị sống ở quận Bình Tân (TPHCM). Vì làm công nhân phải tăng ca liên tục nên khi bé đến lịch tiêm chủng sởi, vợ chồng chị lại quên mất. Khoảng 1 tuần trước, bé K. (con chị Ngọc) xuất hiện những cơn sốt cao, ban đầu chị cứ nghĩ con bị bệnh ban đỏ, nhưng khi đưa bé đến viện, các bác sĩ xác định bé K. đã mắc bệnh sởi.
"Từ trước đến giờ, gia đình tôi chưa có ai mắc bệnh sởi. Con tôi có tiền sử nhiễm trùng máu từ nhỏ, nên tôi sợ bé có thể biến chứng nặng. Mấy ngày nay, cháu được truyền dịch liên tục. Bác sĩ cũng chưa biết con tôi khi nào có thể xuất viện", chị Ngọc chia sẻ.
Ở giường bên cạnh, cô T. (64 tuổi, quê Bến Tre), cũng liên tục dỗ dành, nâng đầu cháu trai mới 9 tháng tuổi. Theo lời người phụ nữ, cháu ngoại cô từ lúc mới sinh đã bị viêm phổi, nên thường xuyên ra vào viện.
Mấy ngày trước, cháu cô vừa xuất viện về thì lại lên cơn mệt, lừ đừ. Ban đầu, người bà tưởng cháu uống ít nước nên mệt, sốt. Nhưng vài ngày sau khi bé phát ban, gia đình mới tức tốc đưa vào viện. Lúc này, bác sĩ báo bé đã mắc bệnh sởi nặng, cần nhập viện.
"Ngày bé tròn 9 tháng tuổi, đủ tuổi tiêm thì lại phát bệnh sởi. Cách đây 30 năm, mấy đứa con tôi cũng từng bệnh này rồi, nhưng cứ xông hơi và uống thuốc tán ở nhà là hết, không hiểu sao giờ lại nặng vậy.
Mấy ngày qua chăm sóc bé, tôi sợ mình nhiễm bệnh rồi nên phụ huynh hay cháu nào ở khoa khác đến gần là tôi cũng kêu né ra. Có người còn hiểu lầm rằng tôi khó chịu, lập dị", cô T. tâm sự.
Một bệnh nhi mắc sởi với triệu chứng dễ nhận biết là mẩn đỏ nổi khắp người, được cách ly và điều trị tại khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1.
Bà Th., bà của bé M. (8,5 tháng tuổi) bất ngờ khi cháu mình phải nhập viện điều trị sởi sau khi lên cơn phát ban, vì tưởng bệnh này có thể trị ở nhà. Những ngày qua khi chứng kiến cháu phải can thiệp bằng nhiều biện pháp, người thân của bệnh nhi rất lo lắng.
"Cháu tôi sốt 5 ngày mới phát ban. Tôi muốn nhắn nhủ mọi người, khi em bé nóng sốt phải chú ý theo dõi và đưa đi viện ngay. Dù sao có bác sĩ điều trị ở bệnh viện cũng yên tâm hơn ở nhà", bà Th. nói.
Trao đổi với phóng viên, bác sĩ Tiêu Châu Thy, khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, khoảng 1 tháng trở lại đây, số ca mắc sởi nhập viện tăng rõ rệt, dao động 40-50 trường hợp mỗi ngày.
Độ tuổi thường gặp là trẻ dưới 9 tháng tuổi (chưa đến tuổi chích ngừa) và một số bệnh nhi trên 2 tuổi.
Tất cả trẻ đều chưa tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ mũi vaccine ngừa sởi. Có 1 trường hợp bị bệnh nền xương đá, suy giảm miễn dịch, nên biến chứng suy hô hấp nặng khi bị sởi, phải thở CPAP.
Theo bác sĩ Thy, trẻ mắc bệnh sởi có thể gặp những biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, suy dinh dưỡng kéo dài, viêm kết mạc mắt, sẹo giác mạc. Nặng hơn, trẻ có thể phải thở máy và nguy hiểm tính mạng.
Bệnh nhi chuyển biến nặng và khó thở được y bác sĩ cấp cứu và lắp ống thở bằng máy trong phòng cách ly.
Mẹ của một bệnh nhi tranh thủ chợp mắt khi dỗ được con ngủ sau nhiều giờ quấy khóc vì cơn đau.
Các y bác sĩ tại khoa Nhiễm - Thần kinh (BV Nhi đồng 1) làm việc căng thẳng, túc trực 24/24 tại các phòng bệnh để theo dõi và cấp cứu kịp thời cho các bệnh nhi mắc sởi.
Trong mùa dịch năm nay, tại khu Hồi sức Nhiễm của Bệnh viện Nhi đồng 1 đã ghi nhận một ca bệnh nhi sởi tử vong, với bệnh nền nặng.
Do đó, bác sĩ khuyến cáo phụ huynh phải chích ngừa cho trẻ đầy đủ, đúng lịch. Nếu trẻ chưa đến tuổi tiêm, cha mẹ cần chú ý khi đưa trẻ đến nơi công cộng, hạn chế tiếp xúc với đám đông, các trẻ có triệu chứng sốt ho, phát ban…