Trẻ mắc sởi nằm Bệnh viện Nhi đồng 1 tăng mạnh, chỉ một ca có tiêm vaccine

Hoàng Lê

(Dân trí) - Trong số hàng chục trẻ mắc sởi đang điều trị tại bệnh viện chuyên khoa Nhi tuyến cuối ở TPHCM, chỉ có một ca đã tiêm một mũi vaccine ngừa bệnh.

Ngày 12/8, trao đổi với phóng viên Dân trí, bác sĩ chuyên khoa 2 Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) cho biết, số bệnh nhân sởi mà nơi này tiếp nhận điều trị đang tăng cao.

Cụ thể, khoảng thời gian trước đó, trung bình có 20-25 ca nhiễm sởi nhập viện/tuần. Nhưng hiện tại, số lượng bệnh nhi mới vào khoa tăng gấp rưỡi. Tính đến sáng nay (12/8), có 52 ca sởi đang nằm điều trị nội trú tại khoa Nhiễm - Thần kinh.

Trẻ mắc sởi nằm Bệnh viện Nhi đồng 1 tăng mạnh, chỉ một ca có tiêm vaccine - 1

Trẻ mắc bệnh sởi, điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (Ảnh: BS).

Trong đó, có 8 trường hợp nặng, biến chứng viêm phổi. Một số trẻ có bệnh nền nặng như bệnh lý tim bẩm sinh, huyết học, xơ gan, hội chứng ruột ngắn, thận hư, phổi mãn tính… khiến nguy cơ trong quá trình điều trị lớn hơn.

Đáng chú ý, trong số hàng chục trẻ mắc bệnh sởi đang điều trị, chỉ có duy nhất một ca đã được cha mẹ cho tiêm một mũi vaccine ngừa bệnh. Tất cả trường hợp còn lại đều chưa tiêm vì nhiều lý do.

Bác sĩ Quy phân tích, trẻ chưa tiêm ngừa sởi có 3 dạng. Thứ nhất, chưa đủ tuổi tiêm (với những trường hợp dưới 9 tháng tuổi). Thứ hai, trẻ đủ tuổi, đến lịch nhưng nhiều cha mẹ không có nhiều kinh nghiệm chăm sóc con cái, không nhận định được tầm quan trọng của việc phòng bệnh sởi nên quên đưa đi tiêm.

Trường hợp còn lại là những phụ huynh chủ động không cho con tiêm vì nhiều lý do, như sợ trẻ có sức khỏe yếu tiêm vào sẽ bị biến chứng, theo trào lưu anti vaccine…

Trẻ mắc sởi nằm Bệnh viện Nhi đồng 1 tăng mạnh, chỉ một ca có tiêm vaccine - 2

Hầu hết các trường hợp mắc bệnh sởi nhập Bệnh viện Nhi đồng 1 đều chưa tiêm vaccine (Ảnh: BS).

Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 nhận định, thông thường dịch sởi sẽ quay trở lại theo chu kỳ 4-5 năm/lần. Đợt dịch gần nhất xuất hiện tại TPHCM là vào năm 2019 nên dịch sởi năm nay có thể diễn biến phức tạp.

Tiêm vaccine là biện pháp duy nhất để phòng bệnh, từ đó không lây truyền cho những người xung quanh.

"Những ca có bệnh nền, cha mẹ nên đưa trẻ đến tiêm ở bệnh viện chuyên khoa Nhi - nơi sẽ có những phòng khám sàng lọc, đánh giá cụ thể tình trạng trước tiêm. Đặc biệt, phụ nữ mang thai cũng phải đi chích ngừa, bởi khi mắc bệnh chẳng những có nguy cơ cho mẹ mà có thể dọa sẩy thai, con sinh non, nhẹ ký", bác sĩ Quy khuyến cáo.

Theo thông tin từ Sở Y tế TPHCM, tính từ đầu mùa dịch đến ngày 4/8, đã có 505 ca sốt phát ban nghi sởi, bao gồm 262 ca xét nghiệm dương tính. Hơn 50% là các ca bệnh ở tỉnh thành khác đến khám và điều trị tại Thành phố.

Trẻ mắc sởi nằm Bệnh viện Nhi đồng 1 tăng mạnh, chỉ một ca có tiêm vaccine - 3

Bác sĩ khuyến cáo, cha mẹ nên đưa con đi tiêm vaccine đầy đủ để phòng bệnh sởi (Ảnh: BS).

Toàn TPHCM đã có 48 phường xã thuộc 14 quận huyện có ca bệnh sởi xác định; 8 quận huyện có từ 2 phường xã trở lên có ca bệnh. Trong 116 ca xác định, có hơn 27% là trẻ dưới 9 tháng tuổi, hơn 78% là trẻ dưới 5 tuổi. Số bệnh nhân chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi chiếm đến 66%.

Đáng chú ý, trong đợt dịch này, các bệnh viện của Thành phố đã ghi nhận 3 trường hợp tử vong liên quan đến bệnh sởi. Cả 3 trẻ này đều mắc những bệnh lý mạn tính, dẫn đến biến chứng nặng và không qua khỏi dù được tích cực điều trị.

Còn theo thống kê của Viện Pasteur TPHCM, đến hết ngày 28/7, toàn khu vực phía Nam có 1.147 trường hợp sốt phát ban nghi sởi được báo cáo. Trong đó, có 481 ca có xét nghiệm dương tính. Số ca sốt phát ban nghi sởi tăng gấp 5,5 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm