Bên trong phòng bệnh đặc biệt, nơi bác sĩ không muốn bệnh nhân "xuất viện"
(Dân trí) - Một ngày bệnh nhân còn đến lọc máu chạy thận cũng là thêm một ngày các y bác sĩ thành công trong nỗ lực giành giật sự sống, vốn dĩ đã rất mong manh của những phận người kém may mắn này.
Trung tâm tiết niệu và lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai, 16h30, khu vực chạy thận nhân tạo kín giường. Đây là những bệnh nhân chạy thận ca 3. Họ sẽ tiếp tục nằm tại đây đến 20h.
Cứ 2 ngày một lần, những bệnh nhân chạy thận chu kỳ lại đến đây nhờ máy móc lọc sạch máu thay cho 2 quả thận đã hỏng hoàn toàn. Mỗi lần như vậy, sự sống của họ lại được kéo dài thêm thời gian tính bằng… ngày.
Cơ sở này là một trong những trung tâm chạy thận nhân tạo lớn miền Bắc. Đây là nơi đang hàng ngày duy trì sự sống cho hơn 300 bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối. Trong số những bệnh nhân này, có người ở Hà Nội, có người ở vùng lân cận đi - về vài chục cây số, cũng có người đã bán hết nhà cửa ở quê, ở trọ 10, 20 năm trong "xóm chạy thận" Lê Thanh Nghị.
"Chúng tôi thường xuyên trong tình trạng quá tải", TS.BS Nguyễn Hữu Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm thận tiết niệu và lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ với PV Dân trí.
Để đáp ứng cho nhu cầu "khổng lồ" này, 3 ca chạy thận thường quy, mỗi ca kéo dài 4 tiếng được xếp gối nhau kín khít từng phút một từ 6h đến 20h.
Cơ số 70 máy chạy thận của trung tâm, trừ một số máy hỏng và máy dự phòng, luôn trong tình trạng hoạt động liên tục khoảng 12 tiếng/ngày. Thậm chí, những ngày này, để "chia lửa" cho một trung tâm chạy thận trên địa bàn gặp vấn đề về máy móc, những ca chạy thận chu kỳ kéo dài đến 0h.
Trong số các máy chạy thận tại trung tâm, đã có 32 máy vận hành hơn 10 năm đã lão hóa, số còn lại mới nhất cũng đã hoạt động được trên 6 năm. Các y, bác sĩ vẫn đang từng ngày chật vật tìm cách khắc phục những khó khăn về mặt phương tiện y tế.
Để đảm bảo sự vận hành liên tục của những cỗ máy là nỗ lực to lớn của đội ngũ cán bộ trung tâm. Tất cả đều ý thức được rằng: "máy dừng chạy, bệnh nhân ngừng sự sống".
Cùng với những guồng quay máy không ngừng nghỉ là những bước chân vội bất kể ngày đêm của lực lượng y bác sĩ.
Bên trong phòng mổ AVF (mổ cầu tay) của trung tâm hàng ngày vẫn diễn ra 4 - 5 ca mổ. Bình quân mỗi tháng 80 - 100 bệnh nhân được mổ cầu tay, con số này tương đương với lượng bệnh nhân của một trung tâm chạy thận 20 máy (3 ca/ngày) có thể đáp ứng.
Sau 30 phút lọc máu, một bệnh nhân nam cao tuổi chạy thận chu kỳ bất ngờ lên cơn tăng huyết áp kịch phát, phù phổi cấp. Nữ bác sĩ nhanh chóng chỉ định dùng thuốc hạ áp cho bệnh nhân. Sau xử trí bước đầu, bệnh nhân được chuyển gấp sang Khoa Cấp cứu và có thể phải đặt ống thở máy nếu điều trị nội khoa không đáp ứng.
"4 tiếng chạy thận cũng là 4 tiếng bệnh nhân đối mặt với các nguy cơ biến chứng, đặc biệt là các biến chứng tim mạch như cơn tăng huyết áp, hạ huyết áp có thể đe dọa trực tiếp đến tính mạng bệnh nhân.
Do đó, trong ca chạy thận, chúng tôi luôn trong trạng thái căng như dây đàn, khi cùng chia nhau theo dõi đồng thời hơn 50 bệnh nhân, để xử trí nhanh nhất có thể những biến cố có thể xảy ra", nữ bác sĩ (đề nghị được giấu tên) chia sẻ.
Máy móc chỉ có thể thay thế được phần nào chức năng của thận. Do đó, sức sống của các bệnh nhân cũng bị bào mòn dần theo thời gian.
Tại nơi đây, có bệnh nhân đã chạy thận 29 năm và rất nhiều người khác đã hơn một thập kỷ gắn liền với "quả thận máy".
"Những bệnh nhân chạy thận càng lâu, nguy cơ đối mặt với biến chứng càng cao. Biến chứng có thể xảy ra bất cứ lúc nào, chứ không riêng gì trong quá trình chạy thận. Đây là điều cả bác sĩ và bệnh nhân lo sợ nhất", BS Nguyễn Hữu Dũng bộc bạch, giải thích thêm rằng, không chỉ sức khỏe, bệnh nhân chạy thận còn kiệt quệ về kinh tế. Bất kỳ sự cố nào từ hỏng cầu tay cho đến nhồi máu cơ tim đối với bệnh nhân và cả gia đình đều là tai họa.
14 năm chạy thận nhân tạo, cô Nguyễn Thị Oanh (57 tuổi), quê tại Nam Sách, Hải Dương nước da đen sạm đi, cơ thể suy kiệt vì bệnh tật. Thế nhưng trong ánh mắt vẫn rực lên khát khao được sống.
"Tôi từng "chết hụt" một lần sau khi hôn mê 4 tiếng, còn những lần ngất đi vì tụt đường huyết thì không biết bao nhiêu mà kể. Với tôi, mỗi ngày trôi qua thấy mình còn sống đã là một niềm hạnh phúc", cô chia sẻ.
Hiếm có nơi nào tại bệnh viện, các bác sĩ không bao giờ muốn bệnh nhân "xuất viện" như ở đây. Vì một ngày bệnh nhân còn đến lọc máu cũng là thêm một ngày các y bác sĩ thành công trong nỗ lực giành giật sự sống, vốn dĩ đã rất mong manh của những phận người kém may mắn này.