DNews

Bị lừa tiền triệu khi mua vé ca nhạc qua mạng ở TPHCM

Hoàng Hướng

(Dân trí) - Không săn kịp vé các chương trình ca nhạc ở TPHCM, nhiều người lên mạng xã hội tìm kiếm đầu mối bán lại vé, sau đó bị kẻ gian lừa đảo.

Bị lừa tiền triệu khi mua vé ca nhạc qua mạng ở TPHCM

Chị N.T.T.T. (35 tuổi, ngụ TP Đà Lạt) vừa bị lừa gần 10 triệu đồng sau khi mua vé dự một chương trình ca nhạc ở TPHCM hôm 19/10.

Theo chị T., concert chị muốn tham gia mở bán vé từ cuối tháng 9, tuy nhiên vì số lượng vé có hạn, chỉ sau 1 giờ mở bán, toàn bộ số vé của chương trình này đã bán hết. Những người chưa kịp mua vé muốn tham gia chương trình phải lên các trang mạng xã hội tìm đầu mối chuyển nhượng.

Từ đây, một số đối tượng lừa đảo đã dùng nhiều chiêu trò để lừa tiền của người có nhu cầu mua vé. Số tiền bị lừa từ vài trăm đến vài chục triệu đồng, thậm chí lên đến hàng tỷ đồng.

Lợi dụng lòng tin

Chia sẻ với Dân trí, chị T. cho biết, sau khi chị đăng tải bài viết tìm mua vé chương trình nói trên, một tài khoản Facebook có tên "Nguyễn Trung Kiên" chủ động nhắn tin muốn nhượng lại vé cho chị này.

Ban đầu, Kiên nói nhượng vé tại khu vực đứng với giá 2 triệu đồng (giá gốc 1,8 triệu đồng). Đồng thời bán lại cho chị T. bộ nón, áo của chương trình với giá 700.000 đồng. Sau vài ngày trao đổi lấy lòng tin, Kiên tiếp tục nhắn tin cho chị T. ngỏ ý nâng hạng ghế ngồi đặc biệt với giá 3,5 triệu đồng. Thấy giá cả hợp lý, nên chị T. chuyển thêm cho người này 1,5 triệu đồng.

Sau khi nhắn tin nhiều ngày, chị T. tin tưởng coi Kiên như một người bạn. Thời gian đó, Kiên nhiều lần nhắn tin mượn tiền chị T., chị này đã cho Kiên mượn 4,5 triệu đồng. Tổng số tiền chị T. bỏ ra mua vé và cho Kiên mượn là gần 10 triệu đồng.

Đến ngày hẹn xuống TPHCM tham gia chương trình, chị T. liên lạc nhưng không thấy Kiên trả lời, sau đó phát hiện tài khoản này đã khóa nên chị T. mới biết lừa đảo. Vụ việc được chị T. trình báo cơ quan chức năng ngay sau đó.

"Người này giới thiệu cùng ở chung tỉnh với tôi, nên tôi mới tin tưởng. Sau khi biết mình bị lừa, tôi đăng tải bài viết lên nhằm cảnh báo cho nhiều người khác tránh gặp phải tình trạng tương tự. Đáng nói, dưới bài viết của tôi, nhiều người cho biết từng là nạn nhân của tài khoản này", chị T. chia sẻ.

Bị lừa tiền triệu khi mua vé ca nhạc qua mạng ở TPHCM - 1

Chị T. đăng tải bài viết cảnh báo lên mạng xã hội (Ảnh: Chụp màn hình).

Tương tự chị P.Q. (18 tuổi, ngụ quận Tân Phú) cho biết, đầu tháng 10, Q. muốn tham gia một chương trình ca nhạc nên chủ động liên hệ một tài khoản đăng bán vé trên mạng xã hội. Người này chào bán vé với giá 1,8 triệu đồng, thấy giá cả hợp lý Q. chuyển 1 triệu đồng tiền đặt cọc.

Đến gần ngày chương trình diễn ra, người bán nhắn tin yêu cầu Q. chuyển thêm 800.000 đồng để chuyển vé. Sau khi thực hiện giao dịch, Q. lập tức bị tài khoản này chặn.

Vài ngày sau, một tài khoản khác nhắn tin chào mời, người này bày tỏ đồng cảm vì biết Q. bị lừa. Sau khi lấy lòng tin, người này liên tục năn nỉ Q. mua vé giá 2,2 triệu đồng với lý do đang cần đóng tiền phòng trọ gấp.

Rút kinh nghiệm lần đầu, Q. yêu cầu giao dịch trực tiếp, tuy nhiên người này cho hay đang ở TP Hà Nội nên phải chuyển cọc. Vài ngày sau, người bán chuyển mã vé dưới dạng mã QR, yêu cầu Q. thanh toán đủ số tiền. Sau khi chuyển khoản, Q. nhờ bạn kiểm tra và phát hiện vé giả.

"Do đây là lần đầu tôi mua vé tham gia chương trình nên không hiểu rõ về giá vé và cách phân biệt thật giả. Sau hai lần, tôi bị lừa tổng cộng 4 triệu đồng, đây là số tiền tôi dành dụm từ nhiều tháng qua", Q. cho hay.

Người bán cũng thành...nạn nhân

Nhiều người bỏ tiền cọc vé sau đó bị chặn, số khác bị dẫn dụ lừa với số tiền lớn hơn. Một số người gom vé bán lại cũng thành nạn nhân bởi lừa đảo.

Anh N.D.L. (người bán vé) cho hay, ngày 19/10, anh bán vé trực tiếp tại một chương trình ca nhạc ở TPHCM. Trong lúc giao dịch, anh đưa mã vé và mã thanh toán để khách tính tiền, vị khách rời đi ngay sau đó.

Thời điểm trên, lượng khách quá đông, anh L. không chú ý tiền trong tài khoản, sau khi kiểm tra, anh tá hỏa vì chưa nhận được tiền. Lần khác, anh này lên mạng đổi vé hạng VIP cho khách, sau đó bị lừa 3,8 triệu đồng.

"Thực sự tôi quá sơ suất, không kiểm soát kỹ nên mới bị người mua lừa. Đây là một trong những trường hợp lừa đảo nhỏ, còn có những vụ lừa đảo 20 đến 30 triệu. Hiện tại các trang nhóm bán lại vé trên mạng xã hội đến quản lý trang cũng là lừa đảo. Thật sự người mua không biết làm sao để phòng tránh", anh M. cho hay.

Trong các hội nhóm liên quan mua, bán vé chương trình ca nhạc trên mạng xã hội không khó để bắt gặp những nạn nhân bị lừa đảo mua vé qua mạng. Một số hội nhóm đã tổng hợp danh sách những tài khoản có dấu hiệu lừa đảo để cảnh báo thành viên.

Bị lừa tiền triệu khi mua vé ca nhạc qua mạng ở TPHCM - 2

Nhiều người đăng bài cảnh báo lừa đảo mua vé tại các chương trình ca nhạc (Ảnh: Lam Giang).

Anh Trần Xuân Hòa (23 tuổi, quản lý một trang mua bán trao đổi vé các chương trình ca nhạc trên mạng xã hội) cho biết, hiện tại các chương trình ca nhạc, sự kiện bán vé theo hai dạng là vé cứng và vé điện tử. Vé cứng thường được mua trực tiếp, hoặc qua các trang bán vé chính thức của sự kiện. Với loại vé này, một số kẻ lừa đảo chuyên nghiệp đã in vé giả bán ra thị trường.

Trong khi đó, với dạng vé điện tử (vé dưới dạng mã QR code), kẻ lừa đảo có thể mua 1 vé thật, sau đó bán lại cho nhiều người. Tuy nhiên với dạng vé này khi đến trực tiếp tại sự kiện, kiểm soát vé chỉ chấp nhận một lần quét mã do đó có nhiều người khi đến sự kiện mới phát hiện mình bị lừa.

Ngoài ra, một số người lập các trang Fanpage, hội nhóm sau đó giả dạng làm trung gian cho người bán và người mua. Khi người mua chuyển tiền, cuộc giao dịch cũng chấm dứt.

"Thông thường lừa đảo xuất hiện nhiều sau khi các chương trình bán hết vé, cháy vé. Những kẻ này đánh vào tâm lý nóng vội, ham rẻ, lần đầu đi sự kiện, chưa nắm rõ về giá của người mua để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản", anh Hòa nói.

Theo Luật sư Châu Minh Khoa (Đoàn luật sư TPHCM), thời gian qua, tình hình hoạt động của các đối tượng tội phạm lừa đảo thông qua không gian mạng diễn biến phức tạp, các đối tượng lừa đảo bằng nhiều hình thức với các thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Hai ngày trước, Công an TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, vừa khởi tố vụ án để điều tra vụ một người phụ nữ trình báo bị lừa hơn 6,8 tỷ đồng khi mua vé xem ca nhạc qua mạng.

Sử dụng thủ đoạn gian dối bằng hình thức bán vé trực tuyến để chiếm đoạt tài sản của người khác có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự phụ thuộc vào mức độ vi phạm.

Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội..., người dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản bị phạt tiền từ 2 đến 3 triệu đồng.

Trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội phạm, đối tượng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Bộ Luật hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017, với khung hình phạt thấp nhất là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Bị lừa tiền triệu khi mua vé ca nhạc qua mạng ở TPHCM - 3

Một concert tổ chức tại TPHCM thu hút đông đảo người hâm mộ tham gia (Ảnh: Khoa Nguyễn).

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Việc mua vé chương trình ca nhạc bằng hình thức trực tuyến là phù hợp vì tính thuận tiện, tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, người mua vé nên cẩn trọng việc kiểm tra trong quá trình mua vé trực tuyến để tránh rơi vào thủ đoạn lừa đảo trực tuyến của các đối tượng tội phạm.

"Khi mua vé trực tuyến nên kiểm tra kỹ thông tin của đơn vị bán vé, có xác nhận được quyền phân phối vé chương trình của ban tổ chức. Không nên mua vé thông qua bên thứ ba trung gian, không nên mua vé tại các Fanpage, hội nhóm, website, cá nhân không rõ thông tin", luật sư Khoa khuyến cáo.