Xuyên đêm cán, cắt, cung cấp 2 tạ miến Tết mỗi ngày
(Dân trí) - Để đủ hàng cung ứng cho thị trường ngày Tết, người dân ở làng nghề miến gạo Thăng Long, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa "cày ngày cày đêm". Mỗi ngày, một xưởng cho ra lò hơn 2 tạ miến gạo đặc sản.
Từ đầu tháng Chạp, gia đình anh Trần Hữu Toàn (làng Tân Giao, xã Thăng Long, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) phải huy động các thành viên trong gia đình, thuê thêm người lao động để tăng công suất làm miến gạo xuất ra thị trường dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Anh Toàn cho biết, nghề làm miến gạo ở làng Tân Giao có truyền thống từ xa xưa. Năm 2016, Tân Giao được công nhận là làng nghề làm miến gạo. Những ngày cận Tết, dạo quanh các đường làng, ngõ xóm ở Tân Giao, đâu đâu cũng bắt gặp cảnh phơi miến, các xưởng làm miến đỏ lửa đêm ngày.
Theo anh Toàn, Tết là vụ sản xuất lớn nhất trong năm. Từ đầu tháng 9 (Âm lịch) đến hết tháng Chạp, làng nghề bắt đầu tăng công suất.
"Vào đợt cao điểm, mỗi ngày gia đình tôi làm 2 tạ, nếu thuê thêm người làm thì sản xuất khoảng 6-9 tạ miến mỗi ngày, riêng tháng Chạp, chúng tôi làm khoảng 15 tấn gạo, ước khoảng 6-10 tấn miến", anh Toàn cho biết thêm.
Theo anh Toàn, để làm ra sản phẩm miến gạo ngon phải trải qua nhiều công đoạn. Nguyên liệu chính để làm miến là gạo tẻ, loại gạo gia đình anh Toàn sử dụng là gạo Khang Dân. Gạo sau khi nhặt sạch sạn được đưa đi ngâm khoảng 2-4 giờ đồng hồ, sau đó xay thành bột nước.
Hỗn hợp gạo xay được đưa vào bao tải ép khô, cho vào máy đùn thành sợi.
Những sợi miến sau đó được nhúng qua nước lạnh, đưa lên giàn phơi. Đây là công đoạn phụ thuộc nhiều vào thời tiết, thông thường họ làm miến vào những ngày nắng. Thời tiết nắng ấm giúp sợi miến có độ dẻo dai và thơm ngon hơn.
Những mẻ miến hoàn thiện được người dân khẩn trương thu gom. "Phải mất nhiều công đoạn mới làm ra được sợi miến hoàn chỉnh. Vì vậy khi làm một mẻ miến phải cần nhiều nhân công, mỗi người một việc, có những hôm khách đặt nhiều, chúng tôi thức cả đêm để làm mới đủ hàng cho khách", anh Toàn chia sẻ.
Miến gạo Thăng Long được đóng gói xuất ra thị trường. Theo anh Toàn, với đặc trưng sợi miến dai, ngon, miến gạo Thăng Long được nhiều người ưa thích. Miến sau khi đóng gói sẽ được các đại lý từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước đặt hàng.
Nhờ làm miến gạo, dịp cuối năm, các hộ dân ở làng Tân Giao có thu nhập khá, hộ ít cũng thu về 30-40 triệu đồng, hộ nhiều 50-70 triệu đồng.