Về làng làm miến xứ Thanh ngày giáp Tết nguyên đán

(Dân trí) - Để kịp những chuyến hàng phục vụ nhu cầu của người dân  trong và ngoài tỉnh dịp Tết Nguyên đán, vào những ngày cuối năm, làng sản xuất miến gạo Thăng Long (xã Thăng Long, huyện Nông Cống, Thanh Hóa) phải tất bật làm cả ngày lẫn đêm.

Nhộn nhịp ngày cuối năm

Bước chân vào cổng làng nghề, đâu đâu cũng thấy miến, miến được phơi trên khắp các đường làng, tường bao, vườn nhà, trong sân, ngoài ngõ ở mỗi gia đình.

Gia đình ông Lê Bá Phiệt (thôn Tân Giao, xã Thăng Long, huyện Nông Cống) là một trong những hộ có nhiều năm gắn bó lâu với nghề sản xuất miến gạo.

Về làng làm miến xứ Thanh ngày giáp Tết nguyên đán - 1

Hơn chục năm qua, đều đặn mỗi ngày, vợ chồng ông Phiệt vẫn cần mẫn thức khuya dậy sớm để làm ra những sợi miến gạo. Dịp cuối năm, mọi quỹ thời gian đều được gia đình dồn vào việc làm miến để kịp hàng phục vụ nhu cầu của người dân dịp Tết.

“Ngày thường, mỗi ngày gia đình tôi sử dụng 2 - 2,5 tạ gạo nhưng vào những tháng giáp Tết thì mỗi ngày dùng 4 - 5 tạ gạo và huy động thêm con, cháu trong nhà để vừa phơi, vừa đóng gói sản phẩm. Mặc dù làm ngày, làm đêm nhưng miến ra đến đâu là hết đến đó. Trung bình mỗi tạ gạo lãi khoảng 150.000 - 200.000 đồng” - Ông Lê Bá Phiệt cho biết.

Cũng theo ông Phiệt, thời điểm hiện tại, chỉ còn hơn nửa tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, đơn hàng ngày càng nhiều, nhưng sợ không làm kịp nên gia đình không dám nhận thêm.

Về làng làm miến xứ Thanh ngày giáp Tết nguyên đán - 2
Về làng làm miến xứ Thanh ngày giáp Tết nguyên đán - 3

Ðể làm ra được những sợi miến trong, thơm ngon, các công đoạn như chọn gạo, ngâm, xay bột, chạy sợi, phơi… đều được gia đình làm cẩn thận, kỹ lưỡng và sạch sẽ.

Là một trong những người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề, chị Lê Thị Thủy, cơ sở sản xuất Hoa Thủy, thôn Tân Giao cho biết: "Hiện gia đình tôi có 2 cơ sở, mỗi ngày sản xuất khoảng 5 tạ gạo để làm nguyên liệu sản xuất miến, cho ra khoảng 4,7 tạ miến thành phẩm với giá bán 15.000 đồng/kg. Ðể làm ra được những sợi miến trong, thơm ngon, các công đoạn như chọn gạo, ngâm, xay bột, chạy sợi, phơi… đều được gia đình làm cẩn thận, kỹ lưỡng và sạch sẽ".

Về làng làm miến xứ Thanh ngày giáp Tết nguyên đán - 4
Về làng làm miến xứ Thanh ngày giáp Tết nguyên đán - 5

Để bảo đảm chất lượng sản phẩm sạch, an toàn, các hộ làm miến đều có cam kết với chính quyền địa phương là không sử dụng chất bảo quản, chất làm trắng.

Hiện nay, sản phẩm miến gạo Thăng Long hiện đã có thương hiệu, có chỗ đứng trên thị trường nên người dân chúng tôi rất phấn khởi. Đây sẽ là động lực để người dân xã Thăng Long tiếp tục xây dựng, gìn giữ và phát triển nghề truyền thống này.

Người dân Thăng Long cho biết, làm miến phải trải qua nhiều công đoạn và sản xuất theo quy trình liên hoàn nên người thợ làm không hết việc. Trước hết phải ngâm gạo từ 2 – 4 giờ và tùy từng mùa, mùa đông thường phải ngâm lâu hơn rồi mang ra xay với nước.

Gạo sau khi xay thành hỗn hợp bột loãng sẽ được cho vào bao vải để ép khô bằng những dàn đá nặng hoặc bàn ép quay tay. Sau khi bột khô, sẽ tiếp tục được cho bột vào máy đùn thành sợi miến.

Những sợi miến này sẽ được ủ trong vòng khoảng 5-7 giờ đồng hồ sau đó rũ qua nước lạnh và đem phơi khô trên sào...

Về làng làm miến xứ Thanh ngày giáp Tết nguyên đán - 6

 Miến được phơi trên khắp các đường làng, tường bao...

Nghề làm miến gạo tại xã Thăng Long đã tạo việc làm cho khoảng 300 lao động, với mức thu nhập bình quân 4-6 triệu đồng/người/tháng và đem về cho địa phương nguồn thu gần 15 tỷ đồng/năm.

Cùng với việc từng bước cải tiến kỹ thuật sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo việc làm cho người lao động thì vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được chính quyền địa phương và những hộ làm nghề sản xuất miến gạo Thăng Long quan tâm.

Để bảo đảm chất lượng sản phẩm sạch, an toàn, các hộ làm miến đều có cam kết với chính quyền địa phương là không sử dụng chất bảo quản, chất làm trắng, luôn bảo đảm các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Vào mỗi dịp Tết, do nhu cầu thị trường tăng cao nên năm nào khách bán buôn từ các nơi cũng phải đến đây gom hàng và đặt trước các hộ sản xuất miến gạo từ tháng 10 âm lịch để có hàng bán khi Tết đến xuân về.

Nghề có từ những năm 90!

Ông Trương Hữu Hoa, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ miến gạo Thăng Long chia sẻ, nghề làm miến gạo ở xã Thăng Long đã có từ những năm 90 của thế kỷ trước. Trước kia, người dân làm miến hoàn toàn thủ công nên năng suất thấp, hiệu quả không cao.

Những năm gần đây, người làm miến đã chủ động đầu tư máy móc vào một số công đoạn sản xuất nên năng suất cao hơn nhiều, thu nhập từ nghề làm miến gạo vì thế cũng được cải thiện đáng kể.

Về làng làm miến xứ Thanh ngày giáp Tết nguyên đán - 7

Sau khi phơi khô, miến được đưa vào đóng gói theo đơn đặt hàng của thị trường.
 

Để tiếp tục nhân rộng, phát triển làng nghề, tới đây Hợp tác xã làng nghề miến gạo Thăng Long sẽ chú trọng hơn nữa việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua việc tham gia trưng bày, giới thiệu tại các hội chợ và tiếp cận với các siêu thị, cửa hàng tiện ích tại các địa phương. Bên cạnh đó, Hợp tác xã sẽ xây dựng chuỗi sản xuất theo mô hình tập trung, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm "Miến gạo Thăng Long".

Làng miến gạo Thăng Long làm nghề miến từ lâu đời và đã được UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận là làng nghề từ năm 2016. Cả làng có gần 60 hộ tham gia sản xuất miến gạo; trong đó tập trung đông nhất ở thôn Tân Giao.

Về làng làm miến xứ Thanh ngày giáp Tết nguyên đán - 8

Thương hiệu miến đã có từ những năm 90 của thế kỷ trước.

Mới đây, UBND huyện Nông Cống đăng ký thành công nhãn hiệu tập thể “Miến gạo Thăng Long” cho sản phẩm miến gạo Thăng Long, Nông Cống. Đặc biệt, miến gạo Thăng Long cũng được chọn là 1 trong 2 sản phẩm để xây dựng OPCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) của huyện Nông Cống.

Hiện nay, sản phẩm miến gạo Thăng Long Long được tiêu thụ ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh, được khách hàng đánh giá cao về chất lượng. Những ngày cuối năm, không khí nhộn nhịp của làng nghề càng làm cho không khí Tết như gần hơn.

Bình Minh