PhotoStory

Nơi chuyên sản xuất thứ mật ngọt ăn với bánh chưng ngày Tết

Thực hiện: Thanh Tùng

(Dân trí) - Hàng chục năm qua, có khoảng 20 hộ dân huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa vẫn giữ nghề nấu mật mía phục vụ nhu cầu ngày Tết. Đây được xem là thủ phủ mật mía tại Thanh Hóa.

Nơi chuyên sản xuất thứ nước chấm hảo hạng ăn với bánh chưng ngày Tết

Nơi chuyên sản xuất thứ mật ngọt ăn với bánh chưng ngày Tết - 1

Đến hẹn lại lên, từ tháng 9 Âm lịch, lò nấu mật mía của gia đình anh Nguyễn Văn Vinh (51 tuổi, ở phố Lâm Thành, thị trấn Kim Tân, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) lại đỏ lửa suốt ngày đêm để sản xuất, phục vụ nhu cầu dịp Tết. Năm nay, do giá mía tăng cao nên gia đình anh Vinh sản xuất vụ Tết Nguyên đán muộn hơn so với thường lệ. Mùa mật mía sẽ còn kéo dài tới tháng Giêng năm Quý Mão.

Nơi chuyên sản xuất thứ mật ngọt ăn với bánh chưng ngày Tết - 2
Nơi chuyên sản xuất thứ mật ngọt ăn với bánh chưng ngày Tết - 3

Gia đình anh Vinh có truyền thống làm nghề nấu mật mía đã gần 30 năm. Anh cho biết, trước kia người dân địa phương chủ yếu tận dụng nguồn mía dồi dào ở địa phương để sản xuất ra mật làm thực phẩm, phục vụ sinh hoạt hàng ngày.

"Tôi lớn lên đã thấy ông bà nấu mật. Ngày ấy chưa có phương tiện máy móc như bây giờ, người dân chủ yếu dùng trâu kéo để ép mía. Mật làm ra chỉ đủ dùng cho nhu cầu của gia đình. Khoảng 10 năm trở lại đây, nhu cầu sử dụng mật mía tăng lên, đặc biệt là dịp Tết. Nấu mật mía trở thành một nghề đem lại thu nhập khá cho người dân địa phương, làng nghề cũng hình thành từ đó", anh Vinh chia sẻ. 

Nơi chuyên sản xuất thứ mật ngọt ăn với bánh chưng ngày Tết - 4

Theo anh Vinh, mật mía là thứ dung dịch được chiết xuất hoàn toàn tự nhiên từ cây mía. Tuy nhiên, để tạo ra được thứ mật đặc trưng này phải trải qua rất nhiều công đoạn. Mỗi mẻ mật được chế biến trong thời gian từ 5 đến 6 tiếng. Trước tiên, thợ nấu mật chuẩn bị nguyên liệu là mía, đưa vào máy ép lấy nước. 

Nơi chuyên sản xuất thứ mật ngọt ăn với bánh chưng ngày Tết - 5
Nơi chuyên sản xuất thứ mật ngọt ăn với bánh chưng ngày Tết - 6
Nơi chuyên sản xuất thứ mật ngọt ăn với bánh chưng ngày Tết - 7

Nước mía sau đó được đưa vào lò nấu. Thông thường, các lò nấu mật dùng chảo cỡ lớn hoặc thùng phuy. Quá trình đun nấu diễn ra nhiều giờ, cho đến khi nước mía sủi bọt trắng trào ra, lớp mật cô đọng phía dưới đáy. Lúc này những người thợ sẽ vớt bỏ lớp bọt ở phía trên rồi dùng vải màn lọc lấy dòng mật sánh mịn, xong để nguội. 

Nơi chuyên sản xuất thứ mật ngọt ăn với bánh chưng ngày Tết - 8

Cũng theo anh Vinh, trung bình một tấn mía nguyên liệu sau quá trình đun nấu sẽ cho ra một tạ mật thành phẩm. 

Nơi chuyên sản xuất thứ mật ngọt ăn với bánh chưng ngày Tết - 9

Mật mía ngon phải đảm bảo các tiêu chí sánh mịn, lên màu nâu sẫm như cánh gián, mùi thơm nhẹ và vị ngọt dịu khi ăn. 

Nơi chuyên sản xuất thứ mật ngọt ăn với bánh chưng ngày Tết - 10

Vỏ mía sau khi ép ra sẽ được phơi khô, tận dụng làm nguyên liệu đốt lò nấu mật.

Nơi chuyên sản xuất thứ mật ngọt ăn với bánh chưng ngày Tết - 11

Mật mía thành phẩm được đóng vào can, chai nhựa để đưa đi tiêu thụ. Mật mía được nhiều người yêu thích dùng làm nước chấm với bánh chưng hoặc dùng để nấu bánh...  Mỗi năm gia đình anh Vinh xuất ra thị trường khoảng 50 tấn mật (chủ yếu là 5 tháng cuối năm), phục vụ thị trường các tỉnh phía Bắc và miền Trung.

Giá bán hiện nay là 16.000-17.000 đồng/kg mật. Do giá mía đắt nên sau khi trừ chi phí nguyên liệu đầu vào và tiền lương công nhân, vụ mật này gia đình anh Vinh có lợi nhuận khoảng 50 - 60 triệu đồng. 

Nơi chuyên sản xuất thứ mật ngọt ăn với bánh chưng ngày Tết - 12

Dù là nghề truyền thống, nhưng do công việc quá vất vả nên hiện ở địa phương này chỉ có khoảng 20 hộ giữ nghề nấu mật. 

Ông Vũ Văn Đạt - Bí thư Huyện ủy Thạch Thành cho biết, với nguồn nguyên liệu mía sẵn có ở địa phương, thời gian tới, chính quyền địa phương dự kiến xây dựng làng nghề nấu mật mía với quy mô lớn và quy hoạch bài bản, đảm bảo vệ sinh môi trường. Đồng thời, địa phương cũng lên kế hoạch sẽ xây dựng mật mía Thạch Thành thành sản phẩm thế mạnh.