Sau lũ, dân chong đèn "săn" tôm đất, kiếm nửa triệu đồng ngày giáp Tết
(Dân trí) - Sau mỗi mùa lũ, tôm đất lại xuất hiện ở đầm Ô Loan. Đây là nguồn lợi thủy sản đặc biệt, người tiêu dùng rất ưa chuộng, nhờ đó mà người khai thác kiếm được thu nhập khá mỗi đêm chong đèn.
Đầm Ô Loan thuộc huyện Tuy An (Phú Yên) với diện tích mặt nước khoảng 1.300 ha. Vào năm 1996, đầm này đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là thắng cảnh cấp quốc gia.
Đầm Ô Loan là nơi có nguồn lợi thủy hải sản đa dạng, phong phú, trong đó có loại tôm đất xuất hiện sau lũ tươi ngon, là một đặc sản quý. Nhờ khai thác loài tôm này, người dân quanh đầm ngày càng có cuộc sống ấm no hơn.
Theo người dân địa phương, việc đánh bắt tôm đất thường bắt đầu từ 17h chiều ngày hôm trước và thu lưới vào 5h sáng hôm sau.
Với hàng chục năm mưu sinh trên đầm Ô Loan, ông Nguyễn Dô (70 tuổi, trú tại xã An Cư, huyện Tuy An) cho biết: "Tôm đất bắt đầu sinh sôi nảy nở sau đợt lũ tháng 10 âm lịch và kết thúc vào khoảng tháng 2 năm sau. Thường những năm lũ sớm thì ngư dân trúng đậm tôm đất và ngược lại".
"Vào năm "trúng" mùa tôm đất, mỗi đêm, ngư dân kiếm được 3 - 4 kg, còn năm mất mùa thì chỉ được 1 - 2kg. Giá tôm đất hiện tại dao động từ 170.000 đồng đến 220.000 đồng/kg, tùy kích cỡ, nhờ đó mà người khai thác cũng kiếm được thu nhập khá từ nghề này" - ông Dô chia sẻ.
Người dân thường dùng chấn đăng (lưới) để khai thác loài tôm này. Đặc biệt, người khai thác còn dùng đèn dầu thắp sáng trong đêm để dẫn dụ tôm vào chấn.
Ông Cao Thái Nhân - Chủ tịch UBND xã An Cư cho biết, nghề khai thác tôm đất giải quyết việc làm cho khoảng 100 người ở địa phương với thu nhập trung bình từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng/ngày. Cá biệt một số năm trúng mùa, người dân kiếm khoảng 500.000 đồng/ngày.
"Với nghề này, địa phương khuyến cáo người dân dùng chấn đăng để khai thác, tuyệt đối cấm các dụng cụ đánh bắt hủy diệt như kích điện, lờ bóng Thái Lan… để nguồn lợi thủy sản tiếp tục sinh sôi nảy nở, từ đó mới có thể khai thác bền vững, lâu dài" - Chủ tịch UBND xã An Cư chia sẻ.
Được biết, vì đây là loài thủy sản tươi ngon và khai thác hoàn toàn ngoài tự nhiên nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Do đó, trên bờ đầm Ô Loan gần như lúc nào cũng có người trực chờ để thu mua tôm đất.
Sau khi được thu mua, tôm đất sẽ được vận chuyển vào các chợ ở thành phố và các nhà hàng, điểm ăn uống phục vụ người dân, khách du lịch.