Hành trình đưa các Anh về với “đất Mẹ”:
Bài 2: Những người “tù trưởng” với sứ mệnh thiêng liêng
(Dân trí) - Gần 20 năm qua, đội K52 (Bộ CHQS tỉnh Gia Lai) đã tìm kiếm, hồi hương được 1.428 hài cốt liệt sỹ. Trong đó là sự đóng góp của những lãnh đạo đội K52 và cựu chiến binh, những người bên kia chiến tuyến.
Những người “tù trưởng” của đội K52
Gần 20 năm qua, đội K52 (Bộ CHQS tỉnh Gia Lai) đã đi bộ hàng nghìn km trên nước bạn Campuchia để thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam đã hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh.
Trong sự đóng góp của toàn đội phải kể đến những người lãnh đạo đội K52 qua các thời kỳ đã trực tiếp “dầm mưa, dãi nắng”, đưa ra những quyết định quan trọng ảnh hưởng đến sự thành công, thất bại của mỗi chuyến đi.
Để tìm hiểu về những khó khăn của đội K52, chúng tôi đã tìm về gặp Đại tá Vũ Văn Sơn- Nguyên Đội trưởng Đội K52 (Giai đoạn từ năm 2010 – 2017).
Khác hẳn với suy nghĩ về một vị Đại tá về hưu, ông Sơn đang khoác trên mình một bộ quần áo bình dị và ở trong một căn nhà rẫy để chăm gần 2ha đất với đủ loại cây ăn quả, cây công nghiệp.
Dưới ánh điện lập lòe trong căn nhà rẫy ngoài rìa TP.Pleiku (Gia Lai), Đại tá Sơn nhớ về kí ức gắn liền với đội K52. Ông Sơn kể, năm 1979 ông là quân tình nguyện Việt Nam sang giúp nước bạn Campuchia để cùng chiến đấu chống lại thế lực diệt chủng Pol Pot.
Sau nhiều năm chiến đấu và đi học, đến năm 2004 – 2005, ông Sơn được phân về đội K52 công tác và có cơ hội trở về chiến trường xưa để tìm kiếm lại những đồng đội của mình đã ngã xuống vì độc lập của dân tộc.
Nhưng bắt đầu năm 2010, ông Sơn là đội trưởng đội K52 để cùng các cán bộ, chiến sỹ trên con đường tìm hài cốt đồng đội ở nước bạn.
Ông Sơn tâm sự, trước năm 2010 công việc tìm kiếm dễ dàng hơn bởi nơi chôn cất các liệt sỹ thường được xác định rõ ràng và người dân địa bàn cũng hỗ trợ nhiều trong việc cung cấp thông tin vị trí.
Nhưng từ năm 2010 trở đi, công tác tìm kiếm vô cùng khó khăn khi không có người chỉ đường, địa hình đi phải vào rừng già, hang động…vị trí xác định chỗ chôn cất cũng mập mờ tốn rất nhiều thời gian, công sức tìm kiếm.
Chính vì vậy, ông đã cùng ban chỉ huy và cán bộ, chiến sỹ đội K52 tập trung tìm kiếm những tư liệu về các trận đánh, sơ đồ chôn cất, mai táng liệt sỹ. Đồng thời, liên hệ chặt chẽ với chính quyền và nhân dân nước bạn để tranh thủ sự giúp đỡ tìm kiếm thông tin…
Trên cơ sở đó, đơn vị tổ chức phân tích, so sánh, đối chiếu với hồ sơ quy tập các năm trước để sàng lọc, khoanh vùng, chốt địa bàn, đưa vào kế hoạch cụ thể, chi tiết, làm cơ sở quy tập. Để đưa ra một quyết định cho vị trí, hướng đi sắp tới, người đội trưởng phải bàn bạc, đánh giá cụ thể sau đó mới tiến hành di chuyển.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, người đội trưởng phải phối hợp chặt chẽ với đội để đưa ra những suy đoán dựa trên những nghiên cứu, kinh nghiệm rút ra “Quy luật chôn cất, mai táng” hoặc quy luật “Tìm mộ thứ hai trở lên khi xác định được mộ thứ nhất”, hoặc sáng kiến “đào hào theo hình chữ chi”; “dùng thuốn thăm dò”... nhằm tìm hài cốt liệt sỹ quyết không bỏ sót mộ nào.
“Kỷ niệm mình nhớ nhất khi thực hiện nhiệm vụ trên nước bạn Campuchia là tại 2 huyện thuộc tỉnh Stung Treng. Lúc đó, gần 2 ngày trời, đội K52 đi trên những con thuyền gỗ đơn sơ để vượt dòng Mê Công vào 2 huyện Xiêng Bang và Xiêng Boot (tỉnh Stung Treng, Campuchia)”, ông Sơn bộc bạch.
Theo chỉ dẫn của người dẫn đường, đội K52 đã đào khu vực đã xác định với mong muốn tìm được những đồng đội đã ngã xuống. Sau đó, đội K52 đã tìm được hơn 20 hài cốt liệt sỹ tại huyện Xiêng Bang.
Nhiều ngày đó, đội K52 đã mở rộng tìm kiếm nhưng không phát hiện thêm được liệt sỹ nào và đội đang có ý định sẽ kết thúc công tác tìm kiếm.
"Tuy nhiên, lòng tôi vẫn thấy không yên, trưa đó nằm ngủ thấy một điều gì đó nên lúc dậy tôi đã cùng cán bộ, đào thêm một vị trí ngay gần lán trại và đã tìm được thêm một liệt sỹ. Tôi nghĩ đây là cái duyên và sự mong mỏi của các chiến sỹ đã ngã xuống..." - ông Sơn kể.
Khi Đại tá Vũ Văn Sơn về hưu, Thượng tá Nguyễn Xuân Toản - Đội trưởng Đội K52 tiếp tục nhiệm vụ thiêng liêng mà các bậc cha, anh đã giao lại. Tiếp nối chiến tích vẻ vang trên mặt trận tìm kiếm các hài cốt của đồng đội xưa, anh Toản đã cùng các cán bộ, chiến sỹ K52 ngày đêm sương gió trên đất bạn Campuchia.
Anh Toản chia sẻ: “Chiến tranh đã đi xa nhưng người thân có chiến sỹ đã ngã xuống vì Tổ Quốc vẫn đang đi thì hài cốt để đưa về đất mẹ. Hàng ngày, hàng giờ họ đang mong mỏi, hy vọng tìm được thông tin về phần mộ liệt sỹ”.
Ông kể, nhiều lần nâng được một phần hài cốt phủ trong lớp đất dày ở độ sâu hơn 7m, đội đã cùng khóc vì sung sướng, hạnh phúc vỡ oà khi đã tìm được các anh. Đây cũng là động lực để anh em quên hết mệt mỏi, gian nan nhằm cùng nhau bước tiếp trên cuộc hành trình chưa có hồi kết
“Có một lần, đội K52 chúng tôi tìm được hài cốt mộ liệt sỹ có tên tuổi, quê quán rõ ràng. Lúc này, tổ chức đã trao cho chúng tôi vinh dự được đưa hài cốt về với quê hương. Đoàn xe đưa hài cốt về tới đầu xã đã thấy sự long trọng của chính quyền địa phương, gia đình liệt sỹ ra đón…Đưa tận tay gia đình hài cốt liệt sỹ tại nghĩa trang huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, mẹ liệt sỹ đã khóc và ôm tôi vào lòng rồi nói: “Mẹ cảm ơn con, đây là tâm nguyện cuối cùng của mẹ đã ấp ủ hàng chục năm nay. Đôi tay tôi cũng ôm chặt lấy người mẹ già tóc bạc rồi chỉ nói được câu… “Mẹ”, anh Toản xúc động kể lại.
“Chỉ mong đưa các Anh về với đất Mẹ”
Để quy tập, hồi hương hàng ngàn liệt sỹ thì không thể không nhắc đến những người cựu chiến binh đã ngày đêm vượt núi cheo leo cùng các đội tìm hài cốt liệt sỹ của Bộ CHQS tỉnh Gia Lai, Quân Đoàn 3…
Trải qua cuộc chiến đấu, giờ đây những người cựu chiến binh tiếp tục trên hành trình tìm lại đồng đội xưa đang nằm giữa núi rừng. Họ coi đây như một sứ mệnh, nhiệm vụ thiêng liêng với một mong muốn duy nhất là “đưa các Anh trở về với đất Mẹ”.
Ông Lã Mạnh Tùng (SN: 1953 Hải Hà, Hải Hậu, Nam Định) kể: Hồi xưa, ông Tùng công tác tại tiểu đoàn đặc công trên mặt trận Tây Nguyên. Từ năm 1969, ông Tùng đã chiến đấu trên mặt trận Tây Nguyên. Sau đó, năm 1978 - 1979 ông Tùng tiếp tục chuyển sang mặt trận Campuchia.
Đến năm 1994, ông Tùng xuất ngũ về quê sinh sống. Sau đó, ông Tùng đã trở lại chiến trường xưa để cùng với những đội quy tập liệt sỹ nhằm phối hợp tìm lại 7 liệt sỹ cũng là những người đồng đội xưa để đưa về an nghỉ tại nghĩa trang huyện Chư Păh (nay là huyện Ia Grai, Gia Lai).
Đến năm 2008, ông Tùng tiếp tục trở lại để phối hợp cơ quan chức năng đến chiến trường trong trận đánh 42 ở căn cứ Biển Hồ và đã tìm được những hố chôn tập thể.
Từ đó, đến nay vào mỗi mùa khô hàng năm, ông Tùng đều từ tỉnh Nam Định vào phối hợp cùng với đội tìm kiếm của Quân đoàn 3 và các Đội K51, K52, K53 để cùng vượt rừng, ngày đêm cùng các đội tìm kiếm hài cốt liệt sỹ.
Mới đây là ông Võ Cơ (SN: 1939, Thương Binh hạng 2/4, thôn Thượng An 3, xã Song An, Thị xã An Khê, Gia Lai) đã tìm kiếm những người biết về liệt sỹ Nguyễn Khắc Tâm. Tuy tuổi cao nhưng ông Võ Cơ vẫn đi khắp nơi để hỏi về thông tin, sau đó chỉ vị trí chôn cất cho đội K52.
Dựa trên thông tin mà ông Võ Cơ cung cấp, đội K52 phối hợp với Ban chỉ huy quân sự Thị xã An Khê, chính quyền địa phương để tiến hành đào và tìm kiếm. Đúng như thông tin ông Võ Cơ cung cấp, vào 15h ngày 30/06/2020 đã tìm thấy hài cốt liệt sỹ trên sườn núi, cạnh khe suối thôn Thượng An 3, xã Song An.
Điều đặc biệt, phải kể đến khi đội K52 đã phối hợp với Ban Chỉ đạo 24 thị xã An Khê đã vận động, cảm hóa được những người bên kia chiến tuyến là ông Huỳnh Văn Sỹ (người lính Việt Nam Cộng hòa) nhằm trình báo về câu chuyện được giữ kín sau 50 năm (tại mặt trận tại An Khê năm 1968).
Từ thông tin của ông Sỹ, Đội K52 đã quy tập được ngôi mộ chung chôn 25 hài cốt liệt sĩ và 6 mộ lẻ nằm tại Gò Sặc (thuộc tổ dân phố 1, phường An Bình, thị xã An Khê).
Mới đây, là ông Nguyễn Thiệt (Phường Tây Sơn, Thị xã An Khê) đã cung cấp cho đội K52 thông tin và giúp tìm kiếm được 2 liệt sỹ trên địa bàn. Từ cách làm tốt công tác dân vận đã góp phần giúp cho đội có thêm nhiều nguồn thông tin quý phục vụ công tác tìm kiếm mộ liệt sĩ hiệu quả hơn.