DNews

Nữ chiến sĩ Biệt động Sài Gòn được mẹ lập bàn thờ khi còn sống

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Chỉ trong 10 năm, bà Sáu Túy 6 lần nhận tin những người thân yêu nhất hy sinh. Khi ấy, mẹ bà Túy cũng không nghĩ con gái có thể sống sót trở về sau một trận chiến ác liệt.

Nữ chiến sĩ Biệt động Sài Gòn được mẹ lập bàn thờ khi còn sống
Nữ chiến sĩ Biệt động Sài Gòn được mẹ lập bàn thờ khi còn sống - 1
Nữ chiến sĩ Biệt động Sài Gòn được mẹ lập bàn thờ khi còn sống - 2

Bà Lại Thị Kim Túy (SN 1948, biệt danh là Sáu Túy, quê Đức Hòa, Long An) là chiến sĩ thuộc đơn vị Biệt động Sài Gòn vùng III cánh Tây Nam, Phân khu II.

Trong cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc, bố, 3 anh trai, em gái út và chồng của bà đã anh dũng hy sinh.

Mất 6 người thân năm 19 tuổi, khóc cạn khô nước mắt

64 năm trước, bà Sáu Túy bắt đầu hoạt động cách mạng khi vừa tròn 13 tuổi. Từ một cán sự hội phụ nữ, bà chuyển sang hoạt động trong đoàn thanh niên và được chọn làm bí thư. Bà được phân công nhiệm vụ liên lạc và dẫn đường cho cán bộ, chiến sĩ vào hoạt động trong thành phố. 

"Thời ấy, ban ngày chúng tôi phải trốn dưới hầm bí mật để tránh sự truy lùng của địch. Có những hôm nước trong hầm ngập đến ngang ngực nhưng vẫn phải chịu ướt lạnh cho đến đêm mới chui ra khỏi hầm để thay quần áo. Ánh sáng trong hầm le lói, thức ăn lại vô cùng khan hiếm", bà nhớ lại.

Nữ chiến sĩ Biệt động Sài Gòn được mẹ lập bàn thờ khi còn sống - 3
Nữ chiến sĩ Biệt động Sài Gòn được mẹ lập bàn thờ khi còn sống - 4

Khi ấp chiến lược được địch thiết lập, căn cứ bị san bằng, bà và đồng đội buộc phải chuyển địa bàn, đồng nghĩa với việc tạm thời mất liên lạc với gia đình.

Nói đến đây, bà Túy bật khóc nức nở. Bà không ngờ rằng lần rời đi đó lại lần cuối cùng bà gặp mặt 6 người thân thương nhất. 

"Ngày 19/7/1962, tôi hay tin anh trai hy sinh khi đang chiến đấu tại huyện Đức Hòa. Gương mặt anh bị địch bắn nát, xác khi được đưa về đã phân hủy nặng. Khi ấy, trái tim tôi tan nát, trong lòng vô cùng căm phẫn. Nỗi đau chưa nguôi ngoai thì đến năm 1967, tôi nhận tin chồng - một Bí thư Đảng ủy xã - bị địch bắn chết, hy sinh vào đúng ngày kỷ niệm 2 năm kết hôn.

Tôi và mẹ khóc chưa cạn nước mắt thì 21h ngày 3/5/1968, bố của tôi khi đang đi công tác thì trúng đạn pháo của địch. Chỉ 5 tiếng sau, em gái út chỉ mới 17 tuổi của tôi cũng hy sinh khi đang trên đường trở về chiến khu.

Nữ chiến sĩ Biệt động Sài Gòn được mẹ lập bàn thờ khi còn sống - 5
Nữ chiến sĩ Biệt động Sài Gòn được mẹ lập bàn thờ khi còn sống - 6

Tháng 12/1969, một người anh trai khác của tôi cũng hy sinh trong lúc cùng đồng đội đánh vào đồn của địch. Lúc ấy, anh tôi bị thương, không chạy thoát được. Quân địch trói hai chân anh vào xe bò, kéo lê về căn cứ khiến anh đau đớn, không qua khỏi. 3 năm sau, thêm một người anh trai của tôi cũng hy sinh", bà Túy kể lại.

Từng ký ứa như một lần nữa cứa sâu vào tim, khiến câu nói của bà liên tục bị ngắt quãng.

Nữ chiến sĩ Biệt động Sài Gòn được mẹ lập bàn thờ khi còn sống - 7

Chỉ trong 10 năm, bàn thờ nhà bà đã đặt 6 tấm di ảnh, nhưng lúc ấy bà Túy lại không thể quay về để thắp một nén nhang. Căn nhà tranh, vách đất từng rộn rã tiếng nói cười ở vùng quê cách mạng Đức Hòa giờ chỉ còn mẹ bà Túy cô đơn, một mình lo hương khói cho chồng, con.

"Ngọn lửa chiến đấu trong tôi ngày càng bùng cháy. Tôi nguyện hy sinh tất cả cho hòa bình, độc lập dân tộc, như vậy mới có thể xoa dịu được nỗi đau mất mát", bà khẳng định.

Mẹ ngỡ tôi đã chết rồi

Năm 1967, khi nhận lệnh tham gia chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, bà Sáu Túy gạt nước mắt, không hề do dự đăng ký ngay. Khi đó, bà là nữ chiến sĩ duy nhất trong 44 người thuộc đơn vị Biệt động Sài Gòn vùng III, cánh Tây Nam. Đơn vị bà nhận lệnh bám địa bàn Phú Thọ Hòa.

Mồng hai, mồng ba Tết, địch phản công ác liệt, vây kín mặt đất. Trên trời, trực thăng phát loa yêu cầu đơn vị đầu hàng. Tiếng súng, tiếng bom như xé nát trời đất.

"Khi địch tràn vào đồn Phú Thọ Hòa, chúng tôi nắm tay nhau, đồng thanh hô vang thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh! Thà hy sinh tất cả, nhất định không làm nô lệ. Giữa khói lửa, tiếng thề ấy vang lên mãnh liệt, không một ai run sợ. Nghĩ lại khoảnh khắc đó, lòng tôi nghẹn lại, thương anh em vô cùng", bà Túy bộc bạch.

Nữ chiến sĩ Biệt động Sài Gòn được mẹ lập bàn thờ khi còn sống - 8
Thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh! Thà hy sinh tất cả, nhất định không làm nô lệ. Đó là câu nói cuối cùng của đồng đội trong thời khắc sinh tử.
Bà Lại Thị Kim Túy Nữ chiến sĩ Biệt động Sài Gòn, đơn vị vùng III cánh Tây Nam, Phân khu II

Đồng đội của bà xông ra chiến đấu từng đợt. Thế nhưng, lát sau mọi thứ lại im bặt, không một ai xông ra có cơ hội trở về.

Trong trận chiến đó, 38 chiến sĩ mãi mãi nằm lại ở tuổi 18, đôi mươi. Đơn vị chỉ còn bà Túy, 1 chỉ huy, 1 chính trị viên và 3 chiến sĩ sống sót. 

"Sau trận đó, tôi trở về quê thăm mẹ thì thấy trên bàn thờ không biết từ bao giờ đã có di ảnh của mình. Mẹ tôi không tin vào mắt mình, còn tôi thì ôm chầm lấy bà. Hai mẹ con run rẩy như sắp ngất, bật khóc nức nở. Mẹ ngỡ tôi đã chết rồi.

Chiến tranh quá đỗi khốc liệt, nếu tôi chết trong trận chiến đó, mẹ tôi không biết sẽ nương tựa vào ai. Mất mát quá lớn, tôi và nhiều chiến sĩ khác chỉ có 1 ước mơ, chính là nhanh chóng giành lấy hòa bình cho dân tộc", bà Túy xúc động, nói.

Vỡ òa ngày đất nước thống nhất

Sau trận chiến khốc liệt ấy, bà Túy gạt nước mắt, tiếp tục ra chiến khu học tập, rồi trở về xây dựng cơ sở, vận chuyển vũ khí, làm liên lạc viên trong lòng địch. Năm 1974, bà tham gia Lữ đoàn 316 Đặc công Biệt động, chuẩn bị tiến về giải phóng Sài Gòn.

Ngày 30/4/1975, khi quân giải phóng tiến vào Sài Gòn, bà Túy cùng đồng đội hành quân từ Dầu Tiếng (Bình Dương) xuyên qua Củ Chi, Hóc Môn để tiến về trung tâm.

Nữ chiến sĩ Biệt động Sài Gòn được mẹ lập bàn thờ khi còn sống - 9
Nữ chiến sĩ Biệt động Sài Gòn được mẹ lập bàn thờ khi còn sống - 10

"Hay tin giành chiến thắng, chúng tôi ai nấy đều hừng hực khí thế. Trên đường hành quân vào Sài Gòn, tôi bị mảnh đạn của địch găm vào chân. Chỉ huy bảo tôi di chuyển về phía sau, nhưng tôi nhất quyết không đồng ý. Tôi nén đau, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.

Càng tiến về trung tâm Sài Gòn, càng nghe tiếng reo hò của người dân, bước chân của chúng tôi ngày càng mạnh mẽ. Chúng tôi chạy thật nhanh, để cảm nhận 2 chữ hòa bình mà hàng triệu người đã anh dũng nằm xuống mới có được", bà kể lại, giọng đầy kiên quyết.

 Giờ đây, dù đã 77 tuổi nhưng bà vẫn quán xuyến việc nhà, tham gia nhiều công tác chính trị xã hội địa phương. Hằng năm, bà đều trở về nơi mình đã từng hoạt động cách mạng, thắp nhang tưởng nhớ, tổ chức ngày giỗ cho những đồng đội đã ngã xuống vì Tổ quốc.

Bà tích cực vận động xây nhà tình nghĩa, hỗ trợ người nghèo, chăm sóc cựu chiến binh, trẻ em tàn tật, tặng quà và bảo hiểm y tế. Bà từng đón đồng đội bệnh tật về nhà chăm sóc.

Cứ mỗi dịp 27/7, bà lại chuẩn bị quà, thăm nghĩa trang và tham gia các hoạt động giao lưu truyền thống. Ngoài ra, bà cũng đã hỗ trợ địa phương xác minh danh tính cho 23 trong số 38 đồng đội hy sinh trong cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968.

Với những đóng góp của mình, bà Lại Thị Kim Túy đã được Nhà nước trao tặng Huân chương kháng chiến hạng II, huy chương chiến sĩ hạng I, II, III.

Nữ chiến sĩ Biệt động Sài Gòn được mẹ lập bàn thờ khi còn sống - 11
Nữ chiến sĩ Biệt động Sài Gòn được mẹ lập bàn thờ khi còn sống - 12

"Tôi muốn trả ơn cuộc đời vì tôi được sống, trả ơn những chiến sĩ đã hy sinh vì hòa bình dân tộc. Tôi mong thế hệ sau phải cố gắng học tập, rèn luyện và phát triển đất nước. Ông cha đã đổ xương máu để giành độc lập, các cháu phải giữ truyền thống uống nước nhớ nguồn. Hòa bình có được không phải dễ, có được rồi, các cháu phải cố mà giữ", nữ chiến sĩ nghẹn ngào.

Ảnh: Nguyễn Vy