PhotoNews

Những điểm đến tri ân dịp tháng 7 trên “đất lửa” Quảng Trị

Thực hiện: Tiến Thành

(Dân trí) - Những ngày tháng 7, Quảng Trị trở thành điểm đến tri ân thiêng liêng. Thành cổ, sông Thạch Hãn, nghĩa trang Trường Sơn… là những “địa chỉ đỏ” khắc ghi sự hy sinh lớn lao của các anh hùng liệt sỹ.

Những điểm đến tri ân dịp tháng 7 trên “đất lửa” Quảng Trị - 1

Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị nằm ở trung tâm phường Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị, là công trình kiến trúc quân sự được xây dựng từ thời nhà Nguyễn.

Nơi đây trở thành biểu tượng bất tử của tinh thần chiến đấu kiên cường trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đặc biệt là 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa năm 1972.

Những điểm đến tri ân dịp tháng 7 trên “đất lửa” Quảng Trị - 2

Ngày nay, Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị không chỉ là điểm tham quan lịch sử mà còn là nơi tưởng niệm linh thiêng, nhắc nhở thế hệ hôm nay về những hy sinh to lớn của các anh hùng, liệt sỹ vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Những điểm đến tri ân dịp tháng 7 trên “đất lửa” Quảng Trị - 3

Sông Thạch Hãn là chứng nhân lịch sử hào hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đặc biệt gắn liền với cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972.

Biết bao chiến sĩ đã vượt sông ra trận và mãi mãi nằm lại dưới lòng sông, khiến Thạch Hãn trở thành biểu tượng thiêng liêng của sự hy sinh và lòng yêu nước.

Hằng năm, vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sỹ cũng như các ngày lễ lớn của đất nước, đặc biệt là dịp tưởng niệm 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, lễ hội hoa đăng trên sông Thạch Hãn lại được tổ chức trang trọng và xúc động. 

Những điểm đến tri ân dịp tháng 7 trên “đất lửa” Quảng Trị - 4

Đền thờ các Anh hùng liệt sỹ Đường 20 Quyết Thắng là công trình tưởng niệm nằm tại xã Thượng Trạch, tỉnh Quảng Trị. Đây là nơi ghi công và tri ân hàng nghìn bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã anh dũng hy sinh khi mở đường, giữ đường Trường Sơn - đặc biệt là tại cung đường 20 Quyết Thắng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Những điểm đến tri ân dịp tháng 7 trên “đất lửa” Quảng Trị - 5

Cụm di tích Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải nằm trên vĩ tuyến 17, thuộc tỉnh Quảng Trị. Đây từng là giới tuyến tạm thời chia cắt hai miền Nam - Bắc sau Hiệp định Geneve năm 1954.

Cầu Hiền Lương và dòng sông Bến Hải đã trở thành biểu tượng đau thương của đất nước bị chia cắt, đồng thời cũng là nơi thể hiện ý chí kiên cường và khát vọng thống nhất non sông của dân tộc Việt Nam.

Những điểm đến tri ân dịp tháng 7 trên “đất lửa” Quảng Trị - 6

Ngày nay, Cụm di tích Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải là điểm đến trong hành trình về nguồn, thu hút đông đảo du khách đến tìm hiểu lịch sử và tưởng niệm một thời kỳ bi hùng của đất nước.

Những điểm đến tri ân dịp tháng 7 trên “đất lửa” Quảng Trị - 7

Di tích lịch sử Địa đạo Vịnh Mốc là một công trình ngầm độc đáo và có giá trị lịch sử đặc biệt, nằm tại xã Cửa Tùng, tỉnh Quảng Trị. Với chiều dài hơn 2km, địa đạo Vịnh Mốc gồm ba tầng ngầm sâu từ 10m đến hơn 20m, chạy xuyên qua lớp đất đỏ bazan rắn chắc.

Công trình này không chỉ đơn thuần là một nơi trú ẩn mà còn được xem như một “ngôi làng dưới lòng đất”, minh chứng sống động cho ý chí quật cường, tinh thần đoàn kết và sự sáng tạo phi thường của người dân Quảng Trị trong thời kỳ chiến tranh.

Những điểm đến tri ân dịp tháng 7 trên “đất lửa” Quảng Trị - 8

Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn nằm trên đồi Bến Tắt, thuộc xã Cồn Tiên, tỉnh Quảng Trị. Đây là nơi yên nghỉ của hơn 10.000 liệt sỹ đã hy sinh trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Với không gian rộng lớn, trang nghiêm và đầy tính biểu tượng, nghĩa trang Trường Sơn không chỉ là nơi tưởng niệm thiêng liêng mà còn là biểu tượng bất tử của tinh thần chiến đấu anh dũng và sự hy sinh cao cả vì độc lập, tự do của dân tộc.

Những điểm đến tri ân dịp tháng 7 trên “đất lửa” Quảng Trị - 9

Nhà báo Phạm Tuấn Anh, Tổng Biên tập báo Dân trí dâng hương phần mộ liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn trong chuỗi hoạt động hướng tới kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2025) của báo Dân trí, Bệnh viện 19-8 Bộ Công an và Công ty Cổ phần Dược phẩm Pharmacity.

Những điểm đến tri ân dịp tháng 7 trên “đất lửa” Quảng Trị - 10

Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9 tọa lạc bên Quốc lộ 9, thuộc địa phận phường Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Đây là nơi yên nghỉ của hơn 10.000 liệt sỹ, chủ yếu là bộ đội chủ lực, thanh niên xung phong, cán bộ chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên mặt trận Đường 9 và đất bạn Lào trong kháng chiến chống Mỹ.

Những điểm đến tri ân dịp tháng 7 trên “đất lửa” Quảng Trị - 11

Đoàn công tác của báo Dân trí, Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an) và Công ty Cổ phần Dược phẩm Pharmacity viếng Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Đường 9.

Với không gian trang nghiêm, hài hòa giữa thiên nhiên và kiến trúc tưởng niệm, Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Đường 9 là điểm đến thiêng liêng, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và lòng tri ân sâu sắc của dân tộc đối với những người đã hy sinh vì Tổ quốc. 

Những điểm đến tri ân dịp tháng 7 trên “đất lửa” Quảng Trị - 12

Di tích Quốc gia Trường Bồ Đề, tọa lạc trên đường Trần Hưng Đạo, phường Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị (cách Thành cổ Quảng Trị khoảng 1km). 

Trong chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, Trường Bồ Đề trở thành chốt chiến đấu quan trọng của lực lượng giải phóng, đánh trả hàng trăm đợt phản kích của quân địch.

Dù bom đạn phá hủy gần như toàn bộ thị xã Quảng Trị, nhưng trường Bồ Đề là công trình duy nhất còn sót lại giữa đống đổ nát, với những bức tường chi chít vết đạn là minh chứng sống động cho sự khốc liệt của chiến tranh.

Những điểm đến tri ân dịp tháng 7 trên “đất lửa” Quảng Trị - 13

Di tích lịch sử Sân bay Tà Cơn tại xã Khe Sanh, tỉnh Quảng Trị. Đây là một trong những căn cứ điểm quân sự chiến lược của quân đội Mỹ những năm 1966-1968 tại chiến trường Khe Sanh. Đồng thời cũng là nơi ghi dấu chiến tích oanh liệt của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ.

Sân bay Tà Cơn từng được quân đội Mỹ xem như một pháo đài "bất khả chiến bại". Nhưng từ tháng 2 đến tháng 7/1968, trước những cuộc tiến công giải phóng Khe Sanh của Quân đội Nhân dân Việt Nam, quân đội Mỹ không còn cách nào khác ngoài việc mở cuộc rút quân chiến thuật nhằm cứu hàng nghìn binh lính, đánh dấu việc quân đội Mỹ thất bại hoàn toàn trên chiến trường Quảng Trị.