(Dân trí) - Trong mỗi phiên họp đàm phán của Hội đồng tiền lương quốc gia, các bên thường đề xuất những mức tăng lương khác biệt. Không ít phiên, một trong các bên đã dùng quyền dừng đàm phán, bức bối bỏ về…
Trong mỗi phiên họp của Hội đồng tiền lương quốc gia, các bên thường đưa ra đề xuất mức tăng lương khác biệt, khoảng cách có thể lên đến gần 20%. Không ít phiên họp, một trong các bên tham gia đã dùng quyền dừng đàm phán, bức bối bỏ về…
Sức nóng của các phiên họp Hội đồng tiền lương quốc gia vẫn luôn được nhắc lại hàng năm. Chủ tịch Hội đồng đại diện cho nhà nước sẽ lắng nghe lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (đại diện người lao động) và Liên đoàn thương mại Việt Nam (VCCI, đại diện cho giới chủ) đưa ra những lập luận về các mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng.
Sau khi Hội đồng tiền lương quốc gia được thành lập, ra mắt không lâu (tháng 8/2013, phiên họp của Hội đồng bàn về tăng lương tối thiểu vùng cho năm 2014 bắt đầu. Năm 2013, mức lương tối thiểu vùng IV chỉ 1.650.000 đồng, và của vùng I là 2.350.000 đồng. Trong những phiên họp đầu tiên, phía đại diện người lao động và đại diện giới chủ đưa ra mức lương đề xuất chênh lệch nhau khoảng 20%.
Tính toán về mức sống tối thiểu, chỉ số giá tiêu dùng CPI và tăng trưởng GDP, Tổng Liên đoàn Lao động đề xuất tăng lương tối thiểu vùng bình quân 29,5%, áp dụng ở cả 4 vùng. Ngược lại, phía VCCI đưa ra con số khiêm tốn hơn rất nhiều, 10%.
Sau nhiều phiên đàm phán "nảy lửa", VCCI không chấp nhận mức điều chỉnh phía đại diện người lao động đưa ra vì quá sức chịu đựng của doanh nghiệp. Các phiên thương lượng tiếp tục diễn ra, khoảng cách thu hẹp dần, tiền lương tối thiểu vùng năm đó chốt lại là tăng gần 15% so với năm 2013, nâng mức lương vùng I lên 2.700.000 đồng.
Trao đổi xung quanh câu chuyện đàm phán lương tối thiểu vùng, ông Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, nguyên thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia (từ năm 2013-2018) cho biết, lúc bấy giờ, mức lương tối thiểu chỉ đáp ứng được 75% nhu cầu sống tối thiểu của lao động.
Theo đó, tại vùng tính lương theo khu vực I, một người lao động cần khoảng 2.300 Kcal/ngày để tạm ổn định sức lao động, duy trì cuộc sống, tương đương với mức lương doanh nghiệp phải trả tối thiểu từ 3.500.000 đồng/tháng. Nhưng thực tế, lương chốt lại mới chỉ 2.700.000 đồng/tháng.
Trong khi đó, Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII xác định thực hiện điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội, khả năng chi trả của doanh nghiệp để đến năm 2020 mức lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình.
Để đưa mức lương tối thiểu tiệm cận mức sống tối thiểu, đến năm 2020, năm 2014, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất mức tăng 22,9% trong khi mức đề xuất của VCCI chỉ từ 10%-12%.
Với nguyên Viện trưởng Vũ Quang Thọ, những phiên họp của Hội đồng tiền lương quốc gia luôn đem lại nhiều xúc cảm. Đây là nơi được người lao động dõi theo từng hoạt động, đặt kỳ vọng được nâng lương để cải thiện đời sống còn nhiều khó khăn.
"Tôi chỉ là một trong 5 thành viên của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, nói tiếng nói bênh vực người lao động. Có không ít áp lực mà tôi luôn phải tâm niệm… cùng lắm thôi việc", ông Thọ đã từng suy nghĩ.
Thông thường, trong những phiên đàm phán đầu tiên, mức chênh lệch mà hai bên đề xuất rất lớn. "Có phiên chúng tôi đề xuất tăng 14%, nhưng phía VCCI đề xuất không tăng. Lúc này, chúng tôi chỉ muốn đứng lên đi về, dừng đàm phán", ông Thọ kể.
Khi đó, lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã can ngăn, thuyết phục Hội đồng ngồi nghe VCCI trình bày, không đồng thuận thì sẽ tiếp tục phản bác, thương lượng tiếp. Nguyên Viện trưởng Viện công nhân công đoàn kể: "Phía giới chủ nâng lên, đặt xuống mãi mới chấp nhận tăng lương ở mức 3%, không bõ bèn gì".
Dù đã dừng việc tham gia Hội đồng tiền lương quốc gia từ năm 2018, song đến nay ông Thọ vẫn không thể quên những kỷ niệm trong lần đàm phán lương năm 2016 tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc).
Thời điểm đó, phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tính toán, còn 16% nữa thì lương tối thiểu vùng "đuổi kịp" mức sống tối thiểu. Vậy, còn 2 lần họp Hội đồng tiền lương nữa có thể sẽ quyết được.
Phiên họp trước đó tại Đồ Sơn (Hải Phòng), đại diện người lao động đề xuất tăng 11,11%, trong khi đó VCCI chỉ đưa ra mức tăng từ 4-5%. Sau phiên này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hạ mức đề xuất xuống còn 10% và phía đại diện giới chủ "nới" lên mức 6,5%, vẫn vênh nhau 4,5%.
Phiên họp thứ 2 diễn ra sau một tuần, đầy gay cấn. "Sau những lần đấu tranh căng thẳng, mỗi bên nâng lên và hạ xuống vài %. Lúc bấy giờ, bộ phận kỹ thuật đưa ra mức tăng từ 7-10%. Phía VCCI vẫn co kéo mãi mới lên thêm chút xíu", ông Thọ thuật lại.
Họp từ sáng, kéo dài tới 12h trưa, phía VCCI mới chấp nhận mức tăng lên 7,3%. Tuy vậy, phía Tổng Liên đoàn Lao động vẫn chưa thỏa mãn so với mức đề xuất ban đầu và đã quyết định bỏ về, không ở lại dùng cơm trưa.
Hội đồng tiền lương quốc gia sau đó đi tới thống nhất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 tăng 7,3% so với năm 2016. Phương án tăng này của Hội đồng Tiền lương được báo cáo Thủ tướng xem xét ban hành. Nếu được thông qua, lương tối thiểu vùng mới sẽ áp dụng từ ngày 1/1/2017.
Ông Phạm Minh Huân, nguyên Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia nhớ lại, lúc đó, báo chí còn ví von Hội đồng "lên rừng, xuống biển để họp lương". Lý do chọn những địa điểm xa Hà Nội đôi chút để họp cũng để bảo mật thông tin, để có không gian thoải mái cho tất cả các thành viên Hội đồng nêu ý kiến, phân tích thẳng thắn.
"Nhiều phiên họp gay cấn lắm, lúc hai bên căng lên thì đập bàn đập ghế là chuyện bình thường", ông Huân cười nhắc lại.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia 3 năm kể: "Họp lương mới biết thế nào là dừng phiên, không đàm phán của Tổng Liên đoàn. Thông thường, phía đại diện người lao động đưa ra mức tăng rất cao, còn phía giới chủ lại cố gắng kìm giữ. Tuy nhiên, việc tranh luận này giúp cải thiện vấn đề tiền lương.
"Lương là kết quả tương hỗ cung - cầu. Vì năng lực mặc cả của người lao động còn yếu nên cung cầu thường gặp nhau ở mức rất thấp. Vì vậy, cần đến lương tối thiểu làm nền tảng", bà Hương chia sẻ.
Lương tối thiểu được xác định dựa trên nhiều yếu tố, trong đó có mức sống tối thiểu. Đây là vấn đề thường gây tranh cãi tại các phiên họp của Hội đồng tiền lương quốc gia.
"Lương tối thiểu được tính một phần để người lao động chi trả nuôi con, chi phí dành cho lương thực thực phẩm và phi lương thực thực phẩm như dịch vụ giáo dục, y tế, nhà ở, đi lại…Vấn đề đặt ra ở đây là những chi phí sống tối thiểu đó được tính đủ chưa, mức tính như thế nào?", nguyên Thứ trưởng Phạm Minh Huân nói.
Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhận định, nhu cầu sống tối thiểu của lao động là căn cứ hết sức quan trọng trong việc xác định mức lương tối thiểu vùng.
Hiện nay, Việt Nam cũng như hầu hết các nước trên thế giới đang sử dụng phương pháp tính dựa vào nhu cầu tiêu dùng tối thiểu của người lao động để xác định nhu cầu sống tối thiểu. Theo đó, nhu cầu tiêu dùng của người lao động, bao gồm nhu cầu về lương thực, thực phẩm, nhu cầu phi lương thực, thực phẩm của bản thân người lao động và nhu cầu cấp dưỡng với người phụ thuộc.
Nhu cầu sống tối thiểu là một yếu tố động, không dễ xác định chính xác. Bên cạnh đó, pháp luật chưa quy định các tiêu chí cụ thể để xác định "nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ" để cơ quan có thẩm quyền công bố "nhu cầu sống tối thiểu".
Tính toán về mức sống tối thiểu của Tổng Liên đoàn Lao động đưa ra kết quả có phần cao hơn so với phép tính của bộ phận kỹ thuật thuộc Hội đồng Tiền lương quốc gia (khoảng 3%) và thấp hơn kết quả công bố của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch - Đầu tư. Đây là nguyên nhân dẫn đến những "lệch pha", khó khăn trong đàm phán tiền lương.