(Dân trí) - Sau 10 năm vận hành, sức nóng từ các phiên họp của Hội đồng tiền lương quốc gia chưa bao giờ vợi bớt. Hoạt động đàm phán thường gay cấn, nảy lửa… đến phút cuối.
Sau 10 năm vận hành, sức nóng từ các phiên họp của Hội đồng tiền lương quốc gia chưa bao giờ vợi bớt. Với việc đại diện của nhà nước, người lao động, chủ sử dụng được trao quyền, hoạt động đàm phán thường gay cấn, nảy lửa… đến phút cuối.
Theo định nghĩa trong Bộ luật Lao động 2019, lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Quy định về tiền lương thuộc khu vực hành chính sự nghiệp đã xuất hiện từ những năm 60 của thế kỷ XX. Bấy giờ, mức lương tối thiểu chỉ 27 đồng 3 hào. Theo các chuyên gia, lương tối thiểu chưa được xây dựng bài bản như bây giờ, nhưng cũng đã được điều chỉnh theo hướng như hiện nay.
Nếu như thời kỳ trên quy định bằng tiền, thì vào năm 1988, lương tối thiểu lại được định bằng gạo.
Từng 4 năm ngồi "ghế nóng" của Hội đồng tiền lương quốc gia, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nguyên Chủ tịch hội đồng chia sẻ, điều chỉnh lương tối thiểu là câu chuyện dài. Từ khi trở thành thành viên của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), Việt Nam đã xây dựng lương tối thiểu theo kinh nghiệm quốc tế.
Đặc biệt, khi Bộ luật Lao động năm 2012 được ban hành, kể từ năm 2013, lần đầu tiên Việt Nam có Hội đồng tiền lương quốc gia, có nhiệm vụ tư vấn cho Chính phủ điều chỉnh, công bố mức lương tối thiểu vùng.
Việc này thể hiện sự quyết tâm lớn trong chủ trương tiếp tục đổi mới chính sách tiền lương theo kinh tế thị trường, phù hợp với quá trình hội nhập. Cơ chế đàm phán lương nhằm phát huy vai trò, sự đồng thuận của các bên đại diện cơ quan Chính phủ, đại diện người lao động và người sử dụng lao động tham gia vào quá trình xác định và điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng áp dụng trong doanh nghiệp.
Hội đồng tiền lương quốc gia có tối đa 18 thành viên, trong đó có 5 thành viên là đại diện của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, 5 thành viên đại diện của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và 5 thành viên đại diện của tổ chức đại diện người sử dụng lao động…
Nguyên Thứ trưởng Phạm Minh Huân giữ vai trò Chủ tịch hội đồng đầu tiên.
Phải đến năm 2021, khi Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực, việc xác định lương tối thiểu vùng toàn diện, đầy đủ hơn cả. Bên cạnh mức lương tối thiểu theo tháng, lần đầu tiên có quy định về mức lương tối thiểu theo giờ.
Theo nguyên Thứ trưởng Phạm Minh Huân, lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho người lao động giản đơn nhất. Hiện nay, lương tối thiểu xác định dựa trên mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.
"Lương tối thiểu không bao giờ ấn định được bằng một mốc cụ thể mà luôn biến động theo điều kiện kinh tế - xã hội. Có thời kỳ lương tối thiểu chỉ cao hơn chuẩn nghèo, lúc đó xác định lương tối thiểu làm sao để đời sống người lao động không bị tha hóa", nguyên Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia chia sẻ.
Chính vì vậy, trong những năm qua, cả những năm tiếp theo nữa, lương tối thiểu vẫn cần phải được tính toán, cân đong, đo đếm. Trước khi có Hội đồng tiền lương quốc gia, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, lắng nghe các bên về dự thảo điều chỉnh lương tối thiểu có phù hợp hay không.
Sau khi có Hội đồng tiền lương quốc gia, đại diện các bên được trao quyền có trách nhiệm ngồi vào bàn đàm phán. Theo ông Huân, việc đàm phán tiền lương đã thúc đẩy cơ chế đối thoại, thương lượng rõ rệt hơn.
Thực tế, những người làm chính sách luôn mong muốn người lao động có mức lương tốt. Song vẫn cần sự cân nhắc giữa mong muốn của người lao động và khả năng đáp ứng của doanh nghiệp. Chính vì vậy, ở vai trò cơ quan quản lý nhà nước, Chủ tịch Hội đồng tiền lương phải lắng nghe và thuyết phục hai bên để tìm được một mức điều chỉnh lương hài hòa, chấp nhận được.
"Không có phương án tăng lương hài lòng cho tất cả", ông Huân nhấn mạnh.
Lý giải về việc phải có mặt của nhà nước trong Hội đồng tiền lương, ông Huân cho biết, lương được điều tiết theo thị trường, là quyết định giữa bên bán và bên mua. Tuy nhiên, để bảo vệ những người lao động yếu thế, cần có quy định mức "sàn" tiền lương để họ không bị rơi xuống dưới lưới an sinh.
Nguyên Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia cho hay: "Động vào quyền lợi, các bên "chiến đấu" rất gay gắt, đặc biệt là các hiệp hội. Thực tế, hoạt động đàm phán lương ở nhiều quốc gia lên đến hàng chục phiên. Ở Việt Nam, quy định 3 phiên là mức hợp lý. Nếu hai bên (người lao động và chủ sử dụng) không nghe nhau thì nhà nước phải quyết. Rất may, những năm qua chưa xảy ra tình trạng phải kéo dài việc đàm phán".
Sau khi Hội đồng tiền lương quốc gia vận hành được 1 năm, bắt đầu từ năm 2014, khi cả hai bên đều đã có kinh nghiệm thì các phiên đàm phán diễn ra hết sức căng thẳng. Khi đó, ở vị trí Chủ tịch hội đồng, ông Huân phải tắt điện thoại khi gần đến ngày đàm phán lương.
"Không ít cuộc họp của Hội đồng, đại diện hai bên đập bàn, đập ghế khi đàm phán về lương. Khi sự căng thẳng lên cao, bản thân tôi lúc ấy là Chủ tịch Hội đồng phải gặp riêng từng bên để thuyết phục", ông Huân kể.
Năm nay, 2023, Hội đồng tiền lương quốc gia đã hoạt động được 10 năm. Thông thường, hội đồng sẽ họp phiên đầu tiên vào tháng 7, 8 và khoảng tháng 10 sẽ đề xuất đề Chính phủ quyết định có tăng lương tối thiểu vào năm sau hay không và mức tăng cụ thể.
Những năm qua, lương tối thiểu liên tục được điều chỉnh tăng lên để đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.
Song, do hoàn cảnh kinh tế - xã hội khác nhau, Hội đồng tiền lương quốc gia luôn có sự linh hoạt. Vừa qua, đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến kinh tế, xã hội, sản xuất, kinh doanh, việc làm và đời sống của người lao động, đến năm 2022, hội đồng tiền lương vẫn tiếp tục họp, đặt lên bàn cân giữa các yếu tố để xem xét mức tăng.
Trong bối cảnh người lao động khó khăn, không thể gắng thêm nữa, Hội đồng tiền lương quốc gia đã đề xuất và Chính phủ thống nhất ban hành Nghị định tăng lương tối thiểu từ 1/7/2022 thay vì 1/1 như mọi năm (sớm hơn thông lệ 6 tháng). Mức tăng lương là 6%, áp dụng đến hết 31/12/2023.
Lần đầu tiên, quy định về mức lương tối thiểu theo giờ cũng đã được ban hành.
Ông Phạm Trọng Nghĩa, Ủy viên chuyên trách Ủy ban xã hội của Quốc hội nhận định, Hội đồng tiền lương quốc gia được thành lập là bước tiến bộ lớn, thể hiện vai trò của các bên trong quan hệ lao động. Nhà nước có vai trò "bà đỡ" trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người lao động.
"Việc thành lập hội động biểu hiện việc thực hiện cơ chế 3 bên của Việt Nam, ghi nhận vai trò của nhà nước trong việc xác lập mối quan hệ lao động. Theo quy định, Hội đồng có vai trò xác định mức lương tối thiểu vùng và tư vấn cho Chính phủ về chính sách tiền lương. Hội đồng họp liên tục, định kỳ để đề xuất Chính phủ quyết định, công bố điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng", ông Nghĩa cho biết.