DMagazine

Cú "quay xe" ngoạn mục của người đàn ông mang 3 sổ đỏ đi tìm tương lai

(Dân trí) - Ngày ấy, phải cầm cố 3 sổ đỏ của bố mẹ và các chú mới đủ tiền đi xuất khẩu lao động, Đại "Nghệ" lên đường với nỗi lo... cả họ phải ra đường.

Ngày ấy, phải cầm cố 3 sổ đỏ của bố mẹ và các chú mới đủ tiền đi xuất khẩu lao động, Đại "Nghệ" lên đường với nỗi lo... cả họ phải ra đường.

Cú quay xe ngoạn mục của người đàn ông mang 3 sổ đỏ đi tìm tương lai - 1

Khi gây dựng được cơ đồ theo ước nguyện, việc làm không hết nhưng anh Lê Quốc Đại (SN 1979, quê Nam Đàn, Nghệ An) vẫn trầm ngâm khi kể về bước ngoặt của cuộc đời mà anh nói, đó là lựa chọn duy nhất để thoát nghèo hơn 15 năm trước. 

Năm 2005, với tấm bằng nghề cơ khí trong tay, anh Đại phiêu bạt từ Nam chí Bắc theo công trình của công ty. Với mức lương 600-750 nghìn đồng/tháng, anh công nhân khéo chi tiêu lắm mới đủ, không mong có thể giúp đỡ được gì cho cha mẹ và đàn em ở quê. Thế nhưng, đi xuất khẩu lao động thì anh Đại không dám, vì sợ bị lừa và thứ nữa là chi phí quá cao. Dẫu xác định đây là con đường thoát nghèo duy nhất nhưng anh Đại đành phải gác lại ước mơ.

Cú quay xe ngoạn mục của người đàn ông mang 3 sổ đỏ đi tìm tương lai - 3

Năm 2005, cơ duyên đến với anh khi công ty tổ chức kỳ thi tay nghề để tuyển chọn công nhân sang làm việc cho một đối tác Đài Loan. Từng tốt nghiệp trường nghề chuyên nghiệp, lại tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong quá trình làm việc, anh Đại đăng ký dự thi và trúng tuyển. "Mặc dù đi qua công ty, yên tâm là không sợ bị lừa, sang đó có công việc ổn định, phù hợp với tay nghề, thu nhập cao nhưng thời điểm đó, chi phí xuất cảnh lên tới 4.600 USD (tương đương 84 triệu đồng) cũng là vấn đề lớn. Tôi về thuyết phục bố mẹ và các chú cho mượn sổ đỏ thế chấp ngân hàng lấy tiền, may là các cụ ủng hộ. Tôi lên đường sang Đài Loan sau khi 3 chiếc sổ đỏ đã "yên vị" trong ngân hàng. Lúc đó, trong đầu chỉ nghĩ nếu chuyến đi này có gì bất trắc thì cả họ chỉ có nước... ra đường. Thời đó anh em xuất khẩu lao động thường đùa nhau "84 triệu bóp chặt đời trai trẻ", bởi áp lực và gánh nặng về kinh tế khi đi xuất khẩu lao động rất lớn", anh Đại nhớ lại.  

Chính "gánh nợ" trên vai quá lớn nên lao động Việt Nam khi ra nước ngoài phải cố gắng, nỗ lực gấp nhiều lần để kiếm tiền. Và một điều quan trọng không kém là để người nước ngoài không được khinh thường người Việt Nam. "Người Việt Nam có thể vì nghèo mà phải xa Tổ Quốc, xa gia đình chứ không thể để cho họ nghĩ mình dốt hay lười mà nghèo", anh Đại nói. Tháng đầu tiên, cả lương, tiền làm thêm giờ được 6,8 triệu đồng, gấp 9 lần thu nhập ở quê nhà khiến anh Đại càng phấn khởi, yên tâm làm việc. Anh đăng kí làm thêm giờ, tranh thủ buổi tối, ngày nghỉ, ngày lễ học tiếng Trung để có thể học hỏi được nhiều hơn về kỹ thuật, tay nghề, kinh nghiệm từ chính kỹ sư nước bạn và chuyên gia Nhật Bản làm việc tại đây.

Sự siêng năng, ham học hỏi của anh Đại khiến giám đốc công ty nể và yêu mến hơn. Chính vị giám đốc ngoại quốc này đã tặng anh kỹ sư Việt Nam một chiếc áo phản quang để an toàn hơn khi đến lớp học tiếng Trung vào ban đêm. Nhờ tay nghề, kinh nghiệm, thu nhập của anh Đại tăng lên, được cất nhắc lên làm quản lý nhưng điều anh sung sướng nhất là khi ông giám đốc người nước ngoài tự hào nói với bạn bè: "Anh bạn Việt Nam này giỏi lắm!".

Cú quay xe ngoạn mục của người đàn ông mang 3 sổ đỏ đi tìm tương lai - 4
Cú quay xe ngoạn mục của người đàn ông mang 3 sổ đỏ đi tìm tương lai - 6

Gần 10 năm "bán sức" ở xứ người, anh Đại trả hết nợ ngân hàng, lấy 3 sổ đỏ về, lo được cho bố mẹ, định hướng và giúp các em công ăn việc làm và lãi thêm 2 mảnh đất ở thành phố Vinh. Năm 2014, hết hạn hợp đồng, anh về nước cùng kinh nghiệm trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, chứng chỉ tiếng Trung, kỹ thuật và tấm bằng lái ô tô. Bán một mảnh đất lấy tiền xây nhà nhưng nhà xây xong, "Việt Kiều" Đài Loan Đại "Nghệ" mắc nợ 100 triệu đồng, bắt đầu lại cuộc sống từ con số 0. "Thực ra lúc về, ông chủ có giới thiệu tôi vào làm việc tại nhà máy của công ty bên Hà Tĩnh, thu nhập cũng khá nhưng tôi nghĩ mình đi cả chục năm rồi, giờ nhận công việc ấy lại phải tiếp tục cảnh sống xa nhà nên quyết định từ chối ý tốt của ông. Thời điểm này, nhu cầu xây dựng quanh nhà tôi khá cao, tôi đến xin họ đảm nhận phần cơ khí, không lấy tiền công. Người nọ giới thiệu người kia, tôi dần dần khởi nghiệp từ chính cái nghề đã kiếm cơm ở nước ngoài ngay trên quê hương mình", anh Đại kể.

Cú quay xe ngoạn mục của người đàn ông mang 3 sổ đỏ đi tìm tương lai - 8

Tuy nhiên, thương hiệu Đại "Nghệ" nổi danh không phải từ những kết cấu bằng sắt trong xây dựng dân dụng mà ở lĩnh vực cơ khí sửa chữa. Những năm đó, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã đến và đặt xưởng sản xuất ở Nghệ An, toàn bộ máy móc, thiết bị được đưa từ nước họ sang nhưng việc sửa chữa hay thay thế linh kiện hỏng hóc khá nhiêu khê, hoặc gửi máy vào TP Hồ Chí Minh để sửa, thậm chí phải đợi chuyên gia từ trong đó ra. Có nhà máy gỗ xuất khẩu phải chờ đến 3 tháng nhưng máy phun sơn hút bụi vẫn chưa thể sửa được, ảnh hưởng lớn đến tiến độ sản xuất và đơn hàng.

Biết tin, anh Đại đến nhà máy "xin" sửa. Nói là xin bởi lẽ anh chỉ mong họ tạo điều kiện để kiểm nghiệm lại chính những gì đã học hỏi, tích lũy trong những năm tháng làm việc ở nước ngoài, không đặt nặng vấn đề tiền công. Mặc dù khá lưỡng lự nhưng thay vì tiếp tục chờ đợi, vị giám đốc người nước ngoài đồng ý cho anh Đại thử và vui sướng rút hẳn 5 triệu đồng ra thưởng khi sự cố được khắc phục một cách nhanh chóng đến không ngờ. Hiện, anh Đại là "thần y" quen thuộc của nhiều nhà máy, công xưởng trên địa bàn khi thiết bị, máy móc hiện đại gặp sự cố.

Cú quay xe ngoạn mục của người đàn ông mang 3 sổ đỏ đi tìm tương lai - 10

Từ xưởng cơ khí tại gia nằm trong khu công nghiệp Bắc Vinh (thành phố Vinh), năm 2016, anh Đại thành lập công ty chuyên về cơ khí kỹ thuật và chế tạo máy, kết cấu... Sau 2 năm, anh tạo được chỗ đứng vững chắc và dần mở rộng thị trường sang Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Hiện công ty của anh đang tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động, mức lương từ 10-14 triệu đồng/tháng. Công ty làm không hết việc, anh Đại phải san sẻ công việc cho các đối tác nhưng bản thân anh sẽ trực tiếp giám sát, hỗ trợ kỹ thuật để đảm bảo về chất lượng công trình. 

Nói về chặng đường đã qua, anh Đại luôn cho rằng bản thân mình gặp may, và quan trọng nhất là đã có lựa chọn đúng đắn bằng con đường xuất khẩu lao động.

"Tôi nghĩ rằng, xuất khẩu lao động là con đường thoát nghèo nhưng nếu không biết tích lũy đồng vốn và kinh nghiệm thì đó là thất bại. Nhưng có vốn, có kinh nghiệm nhưng không dám "liều" và đặc biệt không có sự định hướng cụ thể, rõ ràng thì khó phát huy những gì tích lũy được trước đó. Tôi may mắn là gặp được những người quản lý tốt, họ trao cho tôi cơ hội học hỏi, trao cho tôi kinh nghiệm và trao cho tôi - một người Việt Nam phải xa quê hương, gia đình đi làm thuê sự tự tin. Tôi được gặp những người anh, người chị giới thiệu tôi vào hội doanh nhân tiêu biểu, dù rằng thời điểm đó tôi mới chỉ là xưởng sản xuất quy mô gia đình. Chính các anh, các chị đã hướng dẫn, dìu dắt tôi gây dựng sự nghiệp, truyền đạt cho tôi kinh nghiệm quản trị điều hành - thứ mà thời điểm đó với tôi là con số 0", anh Đại chia sẻ. 

Cú quay xe ngoạn mục của người đàn ông mang 3 sổ đỏ đi tìm tương lai - 12

                              (Còn tiếp...)      

                                    Nội dung: Hoàng Lam - Nguyễn Tú

                                    Thiết kế: Đỗ Diệp