DMagazine

Sốc khi đặt chân đến xứ người và kết quả ngoài mong đợi của lao động Việt

(Dân trí) - Chiếc ô tô lăn bánh qua lớp vỏ đạn rơi vãi trên đường, những lao động Việt Nam không ai nói câu gì. Người đàn ông mạnh mẽ cũng rơi nước mắt khi hai bên đường, dấu tích chiến tranh vẫn còn hiển hiện.

Chiếc ô tô lăn bánh qua lớp vỏ đạn rơi vãi trên đường, những lao động Việt Nam không ai nói với ai câu gì. Người đàn ông mạnh mẽ nhất cũng rơi nước mắt khi hai bên đường, dấu tích chiến tranh vẫn còn hiển hiện. 

Sốc khi đặt chân đến xứ người và kết quả ngoài mong đợi của lao động Việt - 1

Tốt nghiệp một trường cao đẳng nghề ở địa phương, anh Nguyễn Văn Thành (SN 1978, quê xã Đồng Thành, Yên Thành, Nghệ An) mưu sinh bằng nhiều nghề khác nhau. Đến khi lập gia đình, xây nhà xong thì anh Thành mắc nợ một khoản lớn.

Làm thợ ở quê thì may ra đủ ăn, biết bao giờ mới trả được nợ. Anh Thành tính đến phương án đi xuất khẩu lao động. Với tay nghề cơ khí sẵn có, anh ra Hải Phòng học thêm cơ khí công nghệ để có nhiều cơ hội hơn.

Năm 2012, anh Thành trúng tuyển vào một doanh nghiệp Hàn Quốc, thực hiện công trình xây dựng nhà máy nhiệt điện tại Libia, lương khởi điểm 20 triệu đồng. Thời điểm đó, đất nước Libia mới bước ra khỏi cuộc nội chiến chưa lâu, đang bắt tay vào công cuộc tái thiết đất nước.

"Xuống sân bay, tôi và 15 lao động Việt Nam, cùng 3 quản lý được đón lên ô tô, di chuyển quãng đường 500 cây số đến nơi làm việc. Mặc dù trước khi đi tôi đã tìm hiểu kỹ nhưng tận mắt chứng kiến cảnh tượng hai bên đường tôi không khỏi sốc và bật khóc. Dấu tích chiến tranh vẫn còn hiển hiện, ô tô lăn bánh trên mặt đường đầy vỏ đạn các loại. Nỗi sợ hãi bao trùm, cả xe lặng phắc, không ai nói với ai câu nào", anh Thành nhớ lại.

Sốc khi đặt chân đến xứ người và kết quả ngoài mong đợi của lao động Việt - 4

Tuy nhiên, nỗi lo lắng và sợ hãi ấy nhanh chóng bị đẩy lùi khi nhóm lao động Việt Nam đặt chân đến công trường. Mặc dù nằm biệt lập giữa sa mạc nhưng mọi điều kiện ăn ở, sinh hoạt mà đơn vị sử dụng lao động dành cho anh Thành và các đồng nghiệp không khác nào thiên đường. 

Anh được làm việc đúng chuyên môn kỹ thuật, được chuyên gia nước ngoài và đặc biệt là quản lý đánh giá cao về tay nghề, ý thức, kỷ luật lao động. Khi tổ máy đầu tiên phát điện cũng là lúc nhà thầu Hàn Quốc kết thúc phần công việc của mình tại đây, anh Thành may mắn là lao động Việt Nam duy nhất được chọn chuyển qua dự án khác tại Thổ Nhĩ Kỳ.

6 tháng làm việc ở Thổ Nhĩ Kỳ, anh cũng hết thời hạn hợp đồng và trở về nước. "Chia tay, quản lý Hàn Quốc tặng tôi chiếc điện thoại đời mới, trị giá 20 triệu đồng và hẹn có dịp sẽ tiếp tục hợp tác", anh Thành kể. 

Sốc khi đặt chân đến xứ người và kết quả ngoài mong đợi của lao động Việt - 5

Cơ duyên tái hợp với vị quản lý nước ngoài này đến sớm hơn dự kiến. Năm 2015, nhà thầu này thực hiện một công trình tại dự án lớn ở Hà Tĩnh và mời anh qua làm việc.

Thời gian đầu, anh Thành làm thợ chính và phụ trách đào tạo nhân lực tại chỗ để thi công công trình, sau đó được quản lý cho làm thầu phụ, "lời ăn, lỗ chịu". "Phần tôi nhận thầu phụ chuyên hàn thép trắng, độ khó rất cao. Họ đã ưu ái, tin tưởng mình như thế, mình không thể phụ lòng được", anh Thành cho hay.

Không chỉ lãi lớn về kinh tế với thu nhập 70-80 triệu đồng/tháng sau khi trừ chi phí, nhân công, mà qua lần tập làm ông chủ này, anh Thành học hỏi được nhiều về tổ chức sản xuất, quản trị. Khi dự án ở Hà Tĩnh kết thúc, quản lý Hàn Quốc mời anh vào Phú Quốc hợp tác tiếp nhưng anh Thành xin phép từ chối thịnh tình của ông, quyết định về Nghệ An lập nghiệp.

Sốc khi đặt chân đến xứ người và kết quả ngoài mong đợi của lao động Việt - 7

Anh Nguyễn Văn Thành chia sẻ: "Thực ra lúc đó tôi chưa có kế hoạch rõ ràng gì về những ngày sắp tới nên với những chứng chỉ nghề trong tay, tôi thi vào làm việc tại trung tâm dạy nghề ở huyện Tân Kỳ, Nghệ An.

Sau nửa năm, tôi thấy công việc này không phù hợp với mình nên khi có anh bạn rủ đầu tư mở xưởng cơ khí dân dụng, tôi nhận lời. Tôi quyết định tách ra để làm riêng thì gặp dịch Covid-19, mọi kế hoạch ngừng trệ nhưng đó cũng là khoảng thời gian để tôi tiếp tục cân nhắc, học hỏi và chuẩn bị các điều kiện cần thiết. Cuối năm 2021, ở tuổi 43, tôi lập doanh nghiệp riêng của mình".

Doanh nghiệp của anh Thành hoạt động trong lĩnh vực dạy nghề cơ khí dân dụng và cơ khí công nghệ, khóa đầu tiên có hơn 20 học viên đăng ký theo học.

Với nghề cơ khí công nghệ, đây là lĩnh vực theo anh Thành, tại Việt Nam chưa có lực lượng lao động dồi dào trong khi nhu cầu được dự báo là khá cao, đương nhiên cơ hội việc làm và thu nhập cũng sẽ khá hơn. Nhóm học viên đăng ký lĩnh vực cơ khí công nghệ được tuyển chọn kỹ và sẽ phải đóng phí đào tạo.

Riêng học viên cơ khí dân dụng được đào tạo theo hình thức vừa học, vừa làm. Nghĩa là số học viên này sẽ được tạo việc làm và rèn dũa tay nghề thông qua các công trình do công ty nhận về.

Sau 2 tuần đào tạo cơ bản, các học viên bắt tay vào thực hành  dưới sự giám sát, hướng dẫn của giáo viên với mức thu nhập 200.000 đồng/ngày, khi tay nghề vững hơn sẽ nâng lên 300.000 đồng/ngày công thực tế, ngoài ra sẽ được bao ăn, ở trong thời gian học.

Kết thúc khóa học, các học viên vừa có một khoản tích lũy, vừa được cấp chứng chỉ nghề theo đúng năng lực của mình qua kỳ thi sát hạch theo quy định, nếu có nhu cầu sẽ được công ty tạo việc làm. 

Sốc khi đặt chân đến xứ người và kết quả ngoài mong đợi của lao động Việt - 9

Hiện anh Thành đang có kế hoạch tổ chức đào tạo ngoại ngữ để học viên có ưu thế hơn khi quyết định lựa chọn con đường xuất khẩu lao động. Chia sẻ về dự định này, anh Thành cho biết, ý tưởng này xuất phát từ chính những trải nghiệm trong quá trình ra nước ngoài làm việc của bản thân.

"Tôi xuất ngoại nhưng vốn tiếng Anh bập bõm, không đủ giao tiếp nên việc trao đổi, truyền đạt thông tin với đồng nghiệp, quản lý hạn chế, bởi vậy cơ hội học hỏi, nâng cao tay nghề cũng bị ảnh hưởng", anh Thành cho biết thêm. 

Theo thống kê, trong giai đoạn 2013-2022, tỉnh Nghệ An đưa được gần 119.500 lao động ra nước ngoài làm việc, trong đó có khoảng 62% lao động đã qua đào tạo. Mặc dù chưa có khảo sát cụ thể nhưng nhiều lao động có xu hướng quay trở lại con đường xuất khẩu lao động khi hết hạn hợp đồng, hoặc trốn ra ngoài, cư trú bất hợp pháp và trở thành lao động chui.

Điều này không chỉ khiến chính bản thân người lao động phải đối diện với nhiều nguy cơ mà gây hệ lụy đối với công tác xuất khẩu lao động của địa phương. Đơn cử, thời điểm này, có 3 huyện, thị của Nghệ An đang bị dừng việc đưa lao động đi xuất khẩu. Nguyên nhân của xu hướng này được cho là do chênh lệch quá cao về thu nhập giữa đi xuất khẩu và làm việc trong nước, trong tỉnh.

Sốc khi đặt chân đến xứ người và kết quả ngoài mong đợi của lao động Việt - 11

Theo ông Trần Quốc Tuấn - Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An, lao động hết thời hạn xuất khẩu trở về nếu có nhu cầu thành lập doanh nghiệp hoặc hoạt động theo hình thức hộ sản xuất, kinh doanh được vay vốn ưu đãi theo quy định.

Nếu có nhu cầu việc làm sẽ được trung tâm tư vấn, giới thiệu tham gia tuyển dụng vào các doanh nghiệp nước ngoài nhưng khó đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng ở các vị trí cao, đặc biệt là về ngoại ngữ. Còn nếu làm công nhân bình thường thì họ lại khó chấp nhận vì mức thu nhập quá thấp so với khi làm việc nước ngoài.

Sốc khi đặt chân đến xứ người và kết quả ngoài mong đợi của lao động Việt - 14

Với số vốn và kinh nghiệm tích lũy trong quá trình làm việc ở nước ngoài, người lao động có ưu thế lớn để khởi nghiệp hay tìm kiếm công việc thu nhập có mức chấp nhận được khi trở về.

Tuy nhiên, cơ hội sẽ cao hơn đối với các vị trí việc làm có thu nhập khá hoặc cao như quản đốc, quản lý phân xưởng, kỹ sư bậc cao... ở các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam nếu người lao động có thêm các chứng chỉ về ngoại ngữ. Từ câu chuyện của anh Nguyễn Văn Thành hay anh Lê Lương Nguyên, anh Lê Quốc Đại - những người khởi nghiệp thành công khi xuất khẩu lao động trở về mà chúng tôi đã đề cập trong loạt bài này là minh chứng rõ nét nhất. 

"Xuất khẩu lao động là một chủ trương cũng như một kênh giải quyết việc làm đúng hướng. Tuy nhiên, người lao động cần xác định con đường dài hơi hơn, tức là ngoài mục tiêu về kinh tế, cần tích lũy kinh nghiệm, nâng cao tay nghề và vốn ngoại ngữ để khi hết thời hạn hợp đồng, có nhiều cơ hội việc làm thu nhập cao hoặc gây dựng sự nghiệp khi trở về", ông Tuấn nói.

                                Nội dung: Hoàng Lam - Nguyễn Tú

                                Thiết kế: Thủy Tiên