Thu nhập nghìn "đô" khi đi lao động tại Nhật Bản, Hàn Quốc

Sơn Nguyễn

(Dân trí) - "Lao động đi theo chương trình thực tập sinh kỹ năng tại Nhật có thu nhập 1.200 - 1.400 USD/tháng, còn người đi làm việc theo chương trình EPS tại Hàn Quốc nhận trung bình 1.400 - 1.800 USD/tháng"...

Đó là chia sẻ của Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Gia Liêm về mức thu nhập của lao động Việt Nam làm việc tại hai thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc.

Mức thu nhập hấp dẫn

Theo Bộ LĐ-TB&XH, Việt Nam có hơn 600.000 lao động đang làm việc tại 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, mỗi năm chuyển về gần 4 tỷ USD ngoại tệ theo đường chính ngạch, chưa kể các kênh khác.

Trong đó Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan là thị trường truyền thống thu hút trên 90% lao động Việt Nam. Cụ thể Nhật Bản hiện có 250.000 người; Đài Loan 230.000 người và Hàn Quốc gần 50.000 người.

Thu nhập nghìn đô khi đi lao động tại Nhật Bản, Hàn Quốc - 1

Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH, Nguyễn Gia Liêm.

Trong số gần 50.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc, các lĩnh vực hoạt động rất đa dạng, từ sản xuất chế tạo, xây dựng tới nông nghiệp, ngư nghiệp, thông qua nhiều hình thức.

Phó Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước cho biết, sau đại dịch Covid-19, các nước Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan có nhu cầu tuyển dụng rất nhiều lao động từ nước ngoài, trong đó có Việt Nam làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp, công trường, trong lĩnh vực nông nghiệp rất lớn.

"Ngoài thị trường Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan), chúng ta sẽ mở rộng đưa người lao động đi làm việc ở các nước Đông Âu, Trung Đông như Đức, Australia", ông Liêm chia sẻ, lao động Việt Nam cần cù, chịu khó, chăm chỉ và tiếp thu công việc nhanh nên được doanh nghiệp nước ngoài ưa thích, mong muốn tiếp nhận.

Phó Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước cho biết, kế hoạch năm 2022, dự kiến có 90.000 người đi làm việc tại nước ngoài. Tuy nhiên, đến hết tháng 7/2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 81.429 người (lao động nữ 29.999 người).

Phần lớn lao động đi làm việc ở nước ngoài vẫn tập trung vào các thị trường truyền thống. Cụ thể, Nhật Bản: 45.754 người;  Đài Loan: 29.987 người; Hàn Quốc: 1.523 lao động; Singapore: 1.292 người; Đông Âu: 1.242 người; Trung Quốc 558 người; còn lại các thị trường khác.

Người lao động có mức thu nhập bình quân từ 1.500 - 2.000 USD/tháng và được hưởng quyền lợi và các chế độ bảo hiểm theo quy định dành cho lao động nước ngoài tại Hàn Quốc và theo hiệp định song phương giữa hai nước về bảo hiểm xã hội được ký vào tháng 12/2021.

Đối với lao động kỹ thuật, (visa E7) đi làm việc theo hợp đồng cá nhân ký trực tiếp với doanh nghiệp Hàn Quốc, hoặc thông qua các hợp đồng cung ứng lao động ký giữa doanh nghiệp Việt Nam với đối tác Hàn Quốc. Ngoài ra, người lao động đang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS cũng có thể thi để chuyển đổi sang lao động kỹ thuật với visa E7.

Những lao động này cư trú và làm việc dài hạn tại Hàn Quốc (trên 5 năm) với mức lương từ 2.000 - 2.500 USD/tháng. Hiện có khoảng 3.535 lao động kỹ thuật đang làm việc tại Hàn Quốc chủ yếu trong lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin, hàn, cơ khí, vận hành máy...

Thu nhập nghìn đô khi đi lao động tại Nhật Bản, Hàn Quốc - 2

Lao động Việt Nam cần cù, chịu khó, chăm chỉ và tiếp thu công việc nhanh nên được doanh nghiệp nước ngoài ưa thích, mong muốn tiếp nhận.

Ngoài ra, từ năm 2016, Bộ LĐ-TB&XH đã kiến nghị Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc theo hình thức hợp tác giữa các địa phương của hai nước, qua đó đã tạo điều kiện cho người nông dân Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc để học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm canh tác, thu hoạch, bảo quản và phân phối sản phẩm nông nghiệp.

Trong đó, đi theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (Chương trình EPS) là kênh phái cử lao động chủ yếu sang Hàn Quốc. Từ năm 2004 đến nay có hơn 100.000 lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc và hiện có gần 28.000 lao động đang làm việc (visa E9) tại Hàn Quốc theo Chương trình này.

Cơ hội làm việc lâu dài ở Nhật Bản, Hàn Quốc

Theo lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH, thời gian của lao động làm việc tại Hàn Quốc là 4 năm 10 tháng, tại Nhật Bản là 5 năm. Ông Liêm đưa ra lời khuyên, nếu lao động có khả năng ngoại ngữ khá nên đăng ký chương trình chuyển đổi tư cách làm việc ở vị trí cao hơn.

"Ở Hàn Quốc, người lao động có thể được tiếp tục quay trở lại làm việc theo hình thức visa E9 hoặc chuyển sang làm lao động kỹ thuật cao (Visa E7). Visa E7 đem lại mức lương rất cao, được hỗ trợ sinh hoạt phí, bảo lãnh cho người thân sang sinh sống và làm việc ở nước sở tại.

Với chương trình IM Japan, sau 5 năm, các bạn có thể chuyển sang lao động đặc định với thu nhập cao hơn rất nhiều vì đã có tư cách là lao động làm việc chính thức theo quy định của Nhật Bản", ông Liêm nói.

Thu nhập nghìn đô khi đi lao động tại Nhật Bản, Hàn Quốc - 3

Nhà tuyển dụng phỏng vấn các ứng viên có nhu cầu tìm kiếm việc làm.

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho biết, Chính phủ nước này vừa điều chỉnh chính sách tiếp nhận lao động nước ngoài sang làm việc trong các ngành kỹ thuật, như đóng tàu (thợ hàn, sơn, điện) theo hướng tăng số lượng, giảm yêu cầu trình độ chuyên môn và kinh nghiệm làm việc. Việc này nhằm tăng sức cạnh tranh cho ngành công nghiệp đóng tàu của Hàn Quốc.

Hàn Quốc tăng chỉ tiêu tuyển dụng với lao động nước ngoài lên mức tối đa bằng 20% tổng số lao động người Hàn đang làm việc tại doanh nghiệp. Trong khi chỉ tiêu áp dụng những năm qua với thợ hàn đóng tàu là 600 và thợ sơn đóng tàu là 300.

Nước này hiện có 7 tập đoàn đóng tàu và 335 công ty vệ tinh, sử dụng hơn 22.100 lao động trong nước. Với việc cho phép tuyển dụng lao động nước ngoài theo chương trình thị thực E7 tối đa bằng 20% lao động trong nước, số lượng người tuyển dụng có thể lên gần 4.500.

Người tốt nghiệp đại học trở lên được miễn yêu cầu về kinh nghiệm làm việc; lao động tốt nghiệp bậc trung cấp, cao đẳng trở lên cần ít nhất hai năm kinh nghiệm tính từ lúc được cấp bằng hoặc có chứng chỉ nghề.

"Ngày 8/8, Chính phủ Hàn Quốc cho biết sẽ tăng hạn ngạch lao động nước ngoài trong 5 ngành công nghiệp, nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động hiện nay.

Trước đây, các doanh nghiệp đóng tàu chỉ nhận vài nghìn chỉ tiêu lao động nước ngoài làm việc tại nhà máy thì hiện nay con số này tăng lên chục nghìn người/năm", ông Liêm cho biết, đây là cơ hội cho lao động có trình độ kỹ thuật, kỹ năng nghề cao sang Hàn Quốc làm việc.

Tuy nhiên, rất nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng vấn đề này để tổ chức đào tạo, đưa người lao động đi Hàn Quốc. Một số trường hợp thu thêm tiền nhưng điều kiện của lao động Visa E7 rất khắt khe, ngoài trình độ thì phải có văn bằng, chứng chỉ phù hợp và kinh nghiệm làm việc theo yêu cầu của phía Hàn Quốc.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước lưu ý, người lao động muốn tham gia chương trình có thể liên hệ, tìm hiểu thông tin Cục quản lý lao động ngoài nước qua số điện thoại 024.3824.9517 hoặc website: dolab.gov.vn tránh việc lãng phí thời gian, tiền bạc, cũng như nguy cơ bị lừa đảo bởi tổ chức, cá nhân trái phép.