Công nhân vui Tết ở nhà trọ, nghẹn ngào mong ước trong năm mới
(Dân trí) - Trong căn phòng trọ chưa tới 10m2, anh Hữu Văn (44 tuổi, quê ở Long An) ngồi buồn xo khi ngồi nghĩ lại một năm đầy khó khăn với bản thân và gia đình. Nhiều lúc anh chực trào nước mắt vì thương con.
Cố gắng vì con
Anh Hữu Văn thể hiện rõ nỗi buồn trên gương mặt khá điển trai, khi nhìn vợ và con gái 7 tuổi phải ngồi thu lu trong căn trọ chật hẹp,
Trước đây, anh cũng từng là công nhân tại nhà máy sản xuất giày ở quận Bình Tân. Cống hiến cho công ty hơn 10 năm, nhưng anh lại nhận được tờ giấy thông báo bản thân là một trong những nhân sự sẽ bị sa thải.
Bỗng dưng thất nghiệp ở độ tuổi ngoài 35, nam công nhân xin việc mãi mới được nhận vào làm nhân viên bán hàng cho một công ty mỹ phẩm. Thu nhập được tính dựa trên hoa hồng sản phẩm. Lắm lúc, anh Văn chỉ kiếm được 4-5 triệu đồng/tháng vì kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu.
Tiền chỉ đủ lo cho cuộc sống sinh hoạt hằng tháng nên vợ chồng anh chưa từng mơ đến cảnh được thoát khỏi căn trọ chật hẹp để sống trong ngôi nhà của riêng họ. Hơn nữa, ba mẹ ở quê đều đã lớn tuổi, nhà lại đông anh em, anh Văn khó có thể đưa vợ con về sống cùng.
"Tôi ước mình có thể cho con cuộc sống tốt đẹp hơn", anh nghẹn ngào.
Lúc nước mắt chực trào, người đàn ông chợt liếc thấy sấp giấy khen mà con gái để trên đầu tủ. Khoe thành tích học tập của con, anh Văn thể hiện sự tự hào trong ánh mắt và nụ cười.
"Dù khó khăn, vợ chồng tôi vẫn cố cho con ăn học đến nơi, đến chốn, để không phải vất vả như ba mẹ. Con chính là động lực để chúng tôi cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn này", anh Văn trải lòng.
Ngồi trong căn trọ nhỏ, nữ công nhân Nguyễn Thị Phượng (39 tuổi, quê tại tỉnh Bến Tre), trải lòng rằng Tết này, chị và con gái cũng không về quê mà ở lại thành phố.
Một mình nuôi con, chị Phượng cho hay tiền làm ra chỉ đủ chi trả đời sống sinh hoạt hằng ngày. Nhiều năm bám trụ thành phố lớn, đến giờ chị vẫn chưa có khoản dư nào. Chi phí di chuyển, mua sắm dịp Tết lại đắt đỏ, chị và con gái đành gác lại cảnh quây quần bên gia đình đêm giao thừa.
Nhìn bát canh trên kệ bếp đã nguội lạnh, chị Phượng ứa nước mắt. Nữ công nhân kể nhiều đêm chị khó ngủ vì quá nhớ mẹ, nhớ bữa cơm nhà. Chị trải lòng bản thân là chị cả trong gia đình, nhưng chẳng thể chăm lo được cho mẹ và các em.
"Mẹ ở quê đã lớn tuổi, nhưng vẫn phải tự bươn chải, lo cho bản thân. Nghĩ đến cảnh đó, tôi lại rơi nước mắt", chị Phượng nghẹn ngào.
Năm nay, công ty phục hồi sản xuất, công ty có đơn hàng, chị Phượng được tăng ca trở lại. Nhờ vậy, chị sắm được áo mới cho con, gửi một ít về quê để mẹ mua chút bánh, mứt.
"Tôi may mắn khi con gái rất ngoan và yêu thương mẹ. Con lúc nào cũng động viên tôi cố gắng. Bản thân con cũng nỗ lực học tập, để sớm đi làm, kiếm tiền đỡ đần cho mẹ. Dù không được về quê đón Tết nhưng mẹ con tôi cũng thấy an ủi, vì còn chỗ dựa tinh thần", nữ công nhân nói, ánh mắt đầy vẻ hi vọng.
Mong chờ tương lai tốt hơn
Chiều muộn, chị Cao Thị Diệu (35 tuổi, quê tại tỉnh Thanh Hóa) tranh thủ nhờ con trai phụ một tay, rồi lái xe máy mang hàng ra chợ bán. Cứ mỗi cuối tuần, nữ công nhân lại đi nhặt ve chai rồi ra chợ mua hàng bán lại để kiếm thêm thu nhập.
Đối với chị Diệu, chỉ có như vậy thì chị mới đủ sức nuôi 2 con nhỏ. Năm ngoái, công ty thiếu đơn hàng, cắt giờ làm, thu nhập sụt giảm khiến gia đình chị rơi vào cảnh thiếu trước hụt sau.
Giờ đây, dù công ty đã cho tăng ca, thu nhập phục hồi trở lại nhưng chị Diệu vẫn chưa thôi ám ảnh cảnh túng thiếu đó. Vì thế, chị chủ động tìm thêm việc, tăng thu nhập để có khoản dư tích cóp, đề phòng lúc nguy cấp.
"Ai cũng gặp khó khăn như nhau, chỉ còn cách tự nỗ lực, vượt qua điều đó. Chúng tôi chỉ có thể hi vọng năm sau mọi thứ tốt đẹp hơn để đỡ phần vất vả", chị Diệu nói, rồi phóng xe đi nhanh cho kịp giờ bán ở chợ.
Chị Trắng (35 tuổi, quê tại tỉnh Kiên Giang) cũng tranh thủ ngày cuối tuần, nhận hàng gia công về nhà làm thêm. Trước đây, vợ chồng chị cùng là thợ sơn. Nhưng từ khi mang thai và sinh con, chị Trắng phải nghỉ việc. Hằng ngày, chị chỉ kiếm được 40.000 đồng từ việc gia công tại nhà.
"Dù không nhiều nhưng được đồng nào hay đồng đó, phụ tiền chợ cho chồng đỡ áp lực. Tết đến, chúng tôi cũng cố gắng về quê thăm ba mẹ, hưởng mùa lễ trọn vẹn sau một năm vất vả", chị Trắng nói.
Chị Nguyễn Thị Kim Hồng, chủ trọ trên đường Trần Thanh Mại (phường Tân Tạo A, quận Bình Tân), gửi dòng tin nhắn vào nhóm chung của khu trọ, với nội dung: "Năm nay anh chị em trong khu trọ ai không về quê thì báo lại với em, để em có kế hoạch hỗ trợ cho phù hợp".
Nữ chủ trọ nở nụ cười tươi, cho biết đây là lần đầu tiên chị cảm thấy hạnh phúc khi không ai phản hồi tin nhắn của mình.
"Mọi người không trả lời nghĩa là phần lớn đều về quê đón Tết hoặc có khả năng chi trả trong những ngày ở lại thành phố", chị Hồng chia sẻ.
Trời tối dần, "thủ phủ" nhà trọ bắt đầu có tiếng í ới của trẻ con. Nhiều công nhân hỏi thăm nhau "Tết Nguyên đán này có về quê thăm gia đình hay không".
Nghe câu hỏi ấy, có người cười trừ, lắc đầu, nhưng cũng có người "bấm bụng", nói: "Thôi ráng về thêm năm nữa cho vui, Tết mà".
Ảnh: Trịnh Nguyễn