(Dân trí) - Ông Hải tay xách xô thức ăn, đứng giữa công viên Biển Đông thổi vài hồi còi. Cả ngàn con chim bồ câu sà xuống, vây quanh. Ông Hải bắt đầu rải thức ăn cho chim ăn.
Ông Hải tay xách xô thức ăn, đứng giữa công viên Biển Đông thổi vài hồi còi. Cả ngàn con chim bồ câu sà xuống, vây quanh. Ông Hải bắt đầu rải thức ăn cho chim ăn.
Hàng ngày, đều đặn lúc 7h30 sáng và 16h30 chiều, ông Lê Minh Hải (sinh năm 1966) cho chim ăn, bất kể ngày mưa ngày nắng. Đây là công việc mà ông Hải đã duy trì 11 năm nay, từ khi nhận nhiệm vụ chăm sóc và huấn luyện chim bồ câu ở công viên Biển Đông.
Người đàn ông mặc đồng phục nhân viên Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng xách xô thức ăn ra giữa sân công viên Biển Đông, ở vị trí đẹp nhất của công viên, thổi mấy hồi còi. Thoáng chốc, đàn chim bồ câu dồn tới, che kín một khoảng trời rồi sà xuống sân, vây quanh người thổi còi. Ông Hải bắt đầu rải thức ăn cho chim ăn. Đàn chim thi nhau mổ, nhặt thức ăn được rải khắp dưới nền gạch.
"Giờ ăn của chim đã được cố định nhiều năm nay. Ăn uống cũng phải đúng giờ để tạo thói quen và tốt cho sức khỏe", ông Hải nói.
Ông Hải cho biết, những năm trước, khi chưa có dịch bệnh, khách du lịch thường xuyên đến đây để chụp hình, vui đùa cùng đàn chim. Đây cũng là điểm chụp ảnh cưới lý tưởng cho nhiều đôi uyên ương.
"Để có thể xếp hình, xếp chữ, số lượng chim phải nhiều. Hiện số lượng chim ít hơn so với bình thường nên không đủ để xếp hình", ông Hải cho hay.
Hàng ngày, công việc của ông Hải bắt đầu vào 6h sáng. Việc đầu tiên khi đến vườn chim của ông là kiểm tra xem có con nào bị bệnh, có con nào "hy sinh" không. Nếu thấy đàn chim bị mất trộm, ông Hải sẽ báo cáo lên cho Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng. Công việc buổi sáng của ông Hải thường kết thúc vào lúc 9h.
Buổi chiều, ông Hải vệ sinh bên ngoài chuồng trại và cho chim ăn một lần nữa, công việc thường kết thúc vào lúc 17h. Một tuần, ông Hải sẽ vệ sinh bên trong chuồng trại một lần.
Chăm sóc đàn chim hàng ngày nên ông Hải bắt bệnh cho chúng rất nhanh. Chỉ cần nghe tiếng chim kêu, nhìn dáng đi hay chất thải của chim... là ông Hải có thể biết chúng bị bệnh gì.
Chim không may bị thương, ông Hải cẩn thận chăm sóc, nuôi ở lồng riêng, đợi đến khi hồi phục mới thả về chung với đàn.
Khó khăn nhất khi chăm sóc chim bồ câu là khi chim mắc bệnh đậu mùa bởi bệnh này chưa có thuốc đặc trị mà chỉ có thuốc phòng bệnh thôi. Những thời điểm giao mùa, ông Hải phải kiểm tra thường xuyên. Ngoài cho chim uống thuốc kháng sinh, ông Hải còn cho chim uống Vitamin C để tăng cường sức đề kháng.
Năm 2010, ông Hải được người bạn giới thiệu về Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng sau khi nghỉ việc ở Chi Cục thú y TP Đà Nẵng. Thời đó, ít người biết về chim, ông lại có chuyên môn nên được nhận vào làm việc và gắn bó với nghề nuôi bồ câu từ đó đến nay.
Lúc mới thành lập vườn chim, đàn chim ban đầu là những chú bồ câu Pháp. Tuy nhiên, do thời tiết, thổ nhưỡng không phù hợp, số bồ câu này chết dần. Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng buộc phải mua chim bồ câu ta thay thế.
Theo ông Hải, chim bồ câu có khả năng nhớ đường đi rất tốt. Có lần, ông Hải cột dây vào chân của 5-10 con chim bồ câu để đánh dấu rồi đưa chim lên Báo đảo Sơn Trà. Khi ông Hải chạy xe máy về vườn thì thấy chim đã về đủ. Chưa tin chắc lắm, ông Hải làm lại thêm vài lần nữa, kết quả vẫn như vậy.
Theo ông Hải, Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Đà Nẵng đang tính mua thêm 100 - 200 con bồ câu giống thuần chủng để lai tạo vì hiện đàn chim này đều đồng huyết và cận huyết.
Một năm 365 ngày, trừ khi ốm đau, gia đình có việc quan trọng ông Hải mới nghỉ. Còn lại dù là thứ Bảy, Chủ nhật, lễ, Tết gì ông Hải cũng đi làm. Nếu có việc, ông Hải tranh thủ những giờ rảnh trong ngày để giải quyết, còn việc cho chim ăn thì không thể bỏ.
"Dù công việc lặp đi lặp lại nhiều năm nhưng mỗi lần thổi còi cho chim ăn, nhìn thấy đàn chim bay sà xuống, vây quanh, tôi vẫn cảm thấy vui và luôn coi những chú chim như người thân của mình", ông Hải nói.
"Có lần tôi xin nghỉ phép nên Ban Quản lý bố trí người trực thay. Tuy nhiên, khi nghe tiếng còi lạ, nhiều chú chim không chịu xuống ăn, bị đói. Vậy nên từ đó đến nay, chỉ hôm nào có việc quan trọng tôi mới nghỉ còn không ngày nào tôi cũng đi làm cả", ông Hải tâm sự.
Công viên Biển Đông được xây dựng từ đầu đường Phạm Văn Đồng và chạy dọc theo bãi biển Đà Nẵng trên tuyến đường Hoàng Sa. Từ công viên nhìn ra là biển và bán đảo Sơn Trà.
Đây một trong những địa điểm diễn ra nhiều hoạt động trong mùa lễ hội của Đà Nẵng, cũng là điểm đến thường xuyên của những chiến hạm của Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ…
Năm 2009, vườn chim bồ câu được xây dựng tại Công viên Biển Đông thể hiện biểu tượng hòa bình của thành phố biển Đà Nẵng.