DNews

Cây làm giàu khiến nông dân như "ngồi trên đống lửa"

Hạnh Linh

(Dân trí) - Nhiều hộ dân hiện chất đống nhiều tấn vỏ sợi gai xanh ở huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa không thể tiêu thụ. Loại cây công nghiệp vốn được kỳ vọng để làm giàu giờ lại khiến người trồng khốn đốn.

Cây làm giàu khiến nông dân như "ngồi trên đống lửa"

Người trồng gai xanh như "ngồi trên đống lửa"

10 tấn vỏ sợi gai xanh chưa bán được khiến bà Phạm Thị Thanh, thôn Cẩm Hoa, xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy như "ngồi trên đống lửa".

Năm 2020, gia đình bà Thanh ký hợp đồng hợp tác sản xuất và tiêu thụ vỏ khô cây gai xanh. Theo đó, doanh nghiệp sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm vỏ khô cây gai xanh của gia đình bà trong vòng 10 năm.

Cây làm giàu khiến nông dân như "ngồi trên đống lửa" (Video: Hạnh Linh).

Cây làm giàu khiến nông dân như ngồi trên đống lửa - 1

Bà Phạm Thị Thanh trao đổi với tác giả bên đống vỏ khô cây gai xanh bị ùn ứ (Ảnh: Hạnh Linh).

Giá vỏ khô cây gai xanh được chia thành 3 loại, loại 1 là 47.000 đồng/kg, loại 2 là 42.000 đồng/kg và 35.000 đồng/kg đối với loại 3.

Theo bà Thanh, sau khi được chính quyền địa phương vận động, nhận thấy cây gai xanh có nhiều ưu điểm, giá trị kinh tế cao, gia đình đã chuyển đổi 19ha mía sang trồng loại cây công nghiệp này. Cây phát triển, sinh trưởng tốt, gia đình thu lãi hơn 1 tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm cho 4 lao động.

Bà Thanh không nghĩ ở thời điểm hiện tại "cây làm giàu" lại trở thành nỗi lo với bà con. Trong kho của gia đình bà Thanh đang chất đống khoảng 10 tấn vỏ khô, ngoài ra còn 9ha gai xanh chưa thu hoạch.

"Giờ bà con không biết nên tiếp tục giữ hay phá bỏ. Tỉnh phải có trách nhiệm với đề án, có trách nhiệm với người dân", bà Thanh cho biết.

Cây làm giàu khiến nông dân như ngồi trên đống lửa - 2

Bà Thanh lo lắng khi 10 tấn hàng chưa bán được (Ảnh: Hạnh Linh).

Cạnh nhà bà Thanh, bà Thang Thị Nguyệt cũng "đứng ngồi không yên" bởi hơn 4 tấn vỏ khô cây gai xanh của gia đình chưa thể xuất bán.

Theo bà Nguyệt, vì đã hợp đồng với công ty nên bà không dám bán sản phẩm ra ngoài. Cây gai xanh không giống như những sản phẩm khác, nếu doanh nghiệp không thu mua, người sản xuất chỉ có nước đốt bỏ.

"Công ty không mua hàng nên khoảng gần 2 tấn gai trên đồi của gia đình tôi cũng chưa dám thu hoạch. Trồng gai xanh tuy thu nhập cao nhưng vất vả, nhiều công đoạn. Giờ họ "mang con bỏ chợ", người dân không biết kêu ai", bà Nguyệt lo lắng.

Ông Nguyễn Xuân Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Tú, cho biết toàn xã có 94ha cây gai xanh. Đây là loại cây hợp thổ nhưỡng, cho năng suất, sản lượng cao. Cây gai xanh cũng cho thu nhập cao hơn so với các loại cây trồng khác từ 20 đến 60 triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên, trước tình trạng thu mua như hiện nay thì số diện tích trên khó có thể giữ.

Cây làm giàu khiến nông dân như ngồi trên đống lửa - 3

Việc bảo quản gai xanh để giữ đúng độ ẩm là rất khó với khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa (Ảnh: Hạnh Linh).

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Hà Thanh Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Cẩm Thủy, cho biết nhận được phản ánh của bà con về việc doanh nghiệp chậm trả tiền hàng và tạm dừng thu mua cây gai xanh, UBND huyện đã có văn bản gửi doanh nghiệp.

Chính quyền địa phương đề nghị phía doanh nghiệp sắp xếp buổi làm việc để giải quyết những khó khăn, vướng mắc với người dân.

Ông Phạm Minh Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Thủy, cho biết, ngày 31/10, lãnh đạo Sở NN&PTNT Thanh Hóa, đại diện UBND huyện Cẩm Thủy làm việc với đại diện doanh nghiệp. Tại buổi làm việc, UBND huyện Cẩm Thủy đã đề nghị phía doanh nghiệp sớm chi trả tiền và thu mua sợi gai cho người dân. Đại diện doanh nghiệp nói sẽ trả dần cho bà con và cố gắng mua gai lại trong tháng 11.

Cây làm giàu khiến nông dân như ngồi trên đống lửa - 4

Việc phơi gai xanh phụ thuộc nhiều vào thời tiết (Ảnh: Hạnh Linh).

Thực hiện theo đề án phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh, đến tháng 12/2022 huyện Cẩm Thủy đã mở rộng được hơn 400ha. Tuy nhiên, đến tháng 6, tổng diện tích cây gai xanh lưu gốc trên địa bàn huyện là 345ha, giảm 74ha.

Hạn chế mở rộng vùng nguyên liệu

Ngày 24/4/2018 UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt Đề án phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh phục vụ nhà máy sản xuất sợi dệt tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Đề án được thực hiện ở địa bàn 12 huyện: Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Thọ Xuân, Như Xuân, Thường Xuân, Lang Chánh, Quan Sơn, Triệu Sơn, Quan Hóa, Bá Thước, Hà Trung và Hoằng Hóa.

Mục tiêu của đề án đến năm 2020 phát triển vùng nguyên liệu gai xanh với diện tích 3.000ha. Giai đoạn 2021-2025 mở rộng thêm diện tích 3.457ha, nâng tổng diện tích đất trồng cây gai xanh nguyên liệu đến năm 2025 là hơn 6.400ha. Định hướng đến năm 2030, tổng diện tích gai nguyên liệu ổn định hơn 6.400ha.

Cây làm giàu khiến nông dân như ngồi trên đống lửa - 5

Bà Thanh mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho người dân (Ảnh: Hạnh Linh).

Ngày 1/10/2021, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành quyết định mở rộng phạm vi đề án thêm 6 huyện, gồm: Yên Định, Thạch Thành, Hậu Lộc, Nông Cống, Như Thanh và Mường Lát.

Tuy nhiên, ngày 14/2, Sở NN&PTNT Thanh Hóa có văn bản gửi UBND các huyện trồng gai xanh nguyên liệu, trong đó có nội dung hạn chế trồng mới cây gai xanh.

Ông Vũ Quang Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa, cho biết, cuối năm 2022 diện tích cây gai xanh toàn tỉnh là 930ha, tại 18 huyện. Năm 2023 toàn tỉnh trồng mới được 12ha? Người dân chặt bỏ 161ha, số diện tích chặt bỏ chủ yếu là cây gai xanh mới trồng.

Theo ông Trung, giai đoạn 2018-2021, việc trồng cây gai xanh mang lại hiệu quả cao. Công tác thanh quyết toán của doanh nghiệp trong giai đoạn này đảm bảo.

Nửa cuối năm 2022, theo lý giải từ phía doanh nghiệp, ngành dệt may thế giới suy giảm; khủng hoảng kinh tế; đại dịch Covid-19 nên khả năng thu mua nguyên liệu không đảm bảo, công tác thanh khoản gặp khó khăn.

Cây làm giàu khiến nông dân như ngồi trên đống lửa - 6

Những chiếc máy tuốt vỏ gai, từng "kéo ra tiền" của gia đình bà Thanh được kéo về nhà (Ảnh: Hạnh Linh).

"Trước tình hình trên, Sở NN&PTNT làm việc với các huyện, doanh nghiệp. Năm 2023, Sở NN&PTNT Thanh Hóa có chỉ đạo, định hướng hạn chế mở rộng, không giao kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu, tập trung thâm canh diện tích gai đã trồng, đổi mới công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất cho người nông dân", ông Trung nói.

Về vấn đề chậm chi trả tiền cũng như không thu mua kịp thời sản phẩm gai xanh cho bà con, theo ông Trung, ngày 31/10, đại diện Sở NN&PTNT làm việc với huyện Cẩm Thủy và doanh nghiệp để giải quyết.

Như Dân trí đã phản ánh, tại huyện Lang Chánh, nhiều hộ dân trồng cây gai xanh với kỳ vọng thành cây thoát nghèo, giúp làm giàu. Tuy nhiên, sau 5 năm, nhiều hộ dân không còn mặn mà, thậm chí chặt bỏ loại cây này. Đề án phát triển cây gai xanh tại địa phương này gần như "phá sản".

Theo lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Lang Chánh, từ hàng chục ha cây gai xanh, đến nay, người dân phá bỏ, diện tích còn lại rất khiêm tốn.