DNews

Cặp vợ chồng suýt bị bố mẹ từ mặt vì bỏ phố về quê làm nông nghiệp sạch

Thanh Tùng

(Dân trí) - Bỏ phố về quê làm nông trên mảnh đất khô cằn nên có lần anh Lê Phú Thanh ở tỉnh Thanh Hóa suýt bị bố mẹ từ mặt. Sau nhiều năm, vợ chồng anh đã biến vùng đất hoang ấy thành nông trại rau sạch.

Cặp vợ chồng suýt  bị bố mẹ từ mặt vì bỏ phố về quê làm nông nghiệp sạch

Biến cố gia đình tạo nên cơ duyên với nông nghiệp sạch

Nông trại chuyên sản xuất thực phẩm sạch rộng hơn 1ha của gia đình anh Lê Phú Thanh (SN 1987) ở cánh đồng xã Hoằng Đạo, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Anh Thanh cho biết, vợ chồng anh đến với nghành nông nghiệp xuất phát từ cơ duyên. 

Anh Thanh và chị Nguyễn Thị Hảo cùng học Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp Hà Nội. Năm 2011, sau khi tốt nghiệp, anh chị làm việc tại tỉnh Nam Định rồi kết hôn.

Cặp vợ chồng suýt  bị bố mẹ từ mặt vì bỏ phố về quê làm nông nghiệp sạch - 1

Từ biến cố gia đình, anh Thanh bén duyên với nghề nông nghiệp (Ảnh: Thanh Tùng).

Năm 2018, chị Hảo sinh con thứ 2, nhưng cháu bé bị thiếu tháng, vợ chồng anh Thanh phải nghỉ việc, ra Bệnh viện phụ sản Trung ương trông con rồi chuyển hẳn về quê sinh sống. Thời gian ở quê, không tìm được việc làm thích hợp, anh Thanh dốc toàn bộ vốn, vay mượn bạn bè thuê 1.500m2 nhà màng tại phường Quảng Thịnh, thành phố Thanh Hóa để trồng rau.

Nhưng chỉ hoạt động được một thời gian, dịch Covid-19 bùng phát, anh Thanh thất bại trong lần đầu lập nghiệp ở quê nhà. "Vụ đó tôi mất trắng hơn 200 triệu đồng, toàn bộ tài sản có được coi như đổ sông, đổ bể", anh Thanh nói.

Cặp vợ chồng suýt  bị bố mẹ từ mặt vì bỏ phố về quê làm nông nghiệp sạch - 2

Vấp ngã nhưng anh Thanh không từ bỏ đam mê với nông nghiệp sạch (Ảnh: Thanh Tùng).

Tưởng chừng thất bại lần đó khiến anh Thanh thay đổi suy nghĩ. Nhưng những năm tháng "chân lấm, tay bùn" đã biến anh từ một người chuyên về kỹ thuật "nổi máu" làm nông.

Năm 2019, anh Thanh quyết định thuê hơn 1ha đất hoang hóa, khó canh tác của người dân xã Hoằng Đạo, huyện Hoằng Hóa để trồng rau, hoa màu theo hướng thuận tự nhiên (không dùng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ, trừ sâu…).

Theo anh Thanh, khi quyết định lựa chọn về quê làm nông nghiệp, nhiều người thân trong gia đình can ngăn, phản đối. Thậm chí, có thời gian bố mẹ anh suýt từ mặt.

Cặp vợ chồng suýt  bị bố mẹ từ mặt vì bỏ phố về quê làm nông nghiệp sạch - 3

Những sản phẩm tại nông trại của gia đình anh Thanh đều nói không với thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật (Ảnh: Thanh Tùng).

"Bố mẹ là người đã trải qua những tháng ngày vất vả với nghề nông để nuôi con ăn học. Vì vậy khi thấy vợ chồng tôi về quê làm ruộng, bố mẹ khá bất ngờ và không muốn tôi theo hướng đi này. Có lần khuyên bảo không được, bố suýt từ mặt tôi. Nhưng thấy tôi quá đam mê nên ông bà chẳng còn cách nào khác", anh Thanh tâm sự.

Cách trồng rau không giống ai, dùng cỏ làm hàng rào sinh học

Ông chủ nông trại cho hay, khu đất anh thuê lại là cánh đồng hoang hóa, mùa nắng khô cằn, mùa mưa ngập úng. Thời gian đầu khởi nghiệp đối với anh vô cùng vất vả. Nhiều tháng trời hai vợ chồng thức khuya, dậy sớm để cải tạo đất, đồng thời tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm làm các mô hình nông nghiệp sạch theo hướng hữu cơ.

Sau khi tìm hiểu kỹ, anh Thanh bắt đầu trồng dưa chuột, rau, củ quả theo vụ mùa. 

Cặp vợ chồng suýt  bị bố mẹ từ mặt vì bỏ phố về quê làm nông nghiệp sạch - 4

Vợ chồng anh Thanh bỏ phố về quê tìm niềm vui với đồng ruộng (Ảnh: Thanh Tùng).

Không bao lâu, vùng đất hoang hóa đã được vợ chồng anh Thanh phủ xanh bởi những luống rau. Điều đặc biệt, trong khuôn viên nông trại, anh Thanh còn trồng thêm cỏ làm hàng rào sinh học. Anh cho biết, nhiều khi nhìn cánh đồng toàn cỏ dại, người dân địa phương nghĩ anh bị "gàn", không biết cách trồng trọt.

"Tôi muốn sản phẩm của mình làm ra phải đảm bảo an toàn với người tiêu dùng. Bởi vậy mà tôi nói không với các loại thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp", anh Thanh nói.

Ông chủ nông trại chia sẻ, việc trồng hàng rào sinh học bằng cỏ dại nhằm tạo nơi trú ẩn cho rắn, chim, chuột, bọ phát triển. Những con vật này có lợi trong việc tiêu diệt côn trùng, sâu bệnh gây hại. "Không cần dùng đến thuốc, chuột, chim sẽ giúp giảm bớt sâu bệnh. Tuy vậy, khi sâu bệnh quá nhiều, tôi và vợ phải ra vườn bắt từng con sâu", anh Thanh nói.

Cặp vợ chồng suýt  bị bố mẹ từ mặt vì bỏ phố về quê làm nông nghiệp sạch - 5

"Chỉ có làm nông nghiệp mới phù hợp với sở thích và đam mê của bản thân", anh Thanh nói (Ảnh: Thanh Tùng).

Theo anh Thanh, làm nông nghiệp sạch đã khó, nhưng tìm kiếm thị trường tiêu thụ còn khó hơn. Thời gian đầu, vợ chồng anh Thanh phải thay nhau mang rau ra chợ bán, nhưng rất ít người quan tâm. Bên cạnh đó, việc sản xuất rau an toàn theo hướng hữu cơ mới chỉ đáp ứng được nhu cầu người dân trong vùng và thành phố Thanh Hóa chứ chưa thể trở thành quy mô hàng hóa lớn như trồng rau "công nghiệp".

"Ban đầu nhìn thấy rau có mẫu mã xấu do bị sâu ăn lá nên khách hàng không ưa chuộng. Ngồi cả buổi ở chợ không ai mua, tôi và vợ phải cầm bó rau đi khắp nơi để mời chào, bán rẻ để cắt lỗ", anh Thanh chia sẻ.

Rút kinh nghiệm, vợ chồng anh Thanh bàn nhau quay clip về các công đoạn trồng, canh tác rau sạch, đồng thời công bố bảng đánh giá tiêu chuẩn và chất lượng các loại rau được cơ quan kiểm định chứng nhận trên các nền tảng mạng xã hội. Sau hơn 2 năm, đến nay, thương hiệu sản phẩm rau sạch của gia đình anh được nhiều người quan tâm, đón nhận.

Cặp vợ chồng suýt  bị bố mẹ từ mặt vì bỏ phố về quê làm nông nghiệp sạch - 6

Hàng ngày, vợ chồng anh Thanh dậy sớm ra đồng cuốc đất, trồng cây (Ảnh: Thanh Tùng).

Anh Thanh cho biết, thị trường chủ yếu của anh hiện nay là người dân trên địa bàn thành phố Thanh Hóa và Hà Nội. Bên cạnh đó, vợ chồng anh Thanh còn tham gia nhóm những người trẻ làm nông nghiệp theo hướng hữu cơ tại Thanh Hóa để học tập kinh nghiệm làm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, cách tiếp thị, quảng bá sản phẩm trên nền tảng số.

"Tuy mới là bước khởi đầu nhưng mỗi năm vợ chồng tôi cũng kiếm được hơn 100 triệu đồng. Nếu so với các nông trại khác, doanh thu này chưa đáng kể, nhưng tôi vui vì những sản phẩm nông nghiệp sạch của gia đình đã được người dân đón nhận, tin tưởng. Cho đến bây giờ, trải qua nhiều gian nan, tôi mới nhận ra chỉ có làm nông dân mới phù hợp với bản thân mình", anh Thanh nói.

Cặp vợ chồng suýt  bị bố mẹ từ mặt vì bỏ phố về quê làm nông nghiệp sạch - 7

Nông trại của gia đình anh Thanh còn tạo việc làm cho 2-3 lao động thường xuyên (Ảnh: Thanh Tùng).

Ông chủ nông trại cũng bật mí, thời gian tới, ngoài việc trồng rau theo mùa vụ, anh sẽ triển khai cây trồng chủ lực để ổn định đầu ra, mở rộng thị trường.

Ông Lê Bá Quyết, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoằng Hóa, cho biết vài năm qua, mô hình nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn đang tạo ra hiệu quả kinh tế tốt. Điển hình như một số xã Hoằng Đạo, Hoằng Giang…

Theo ông Quyết, mô hình của gia đình anh Thanh là mô hình nông trại khá mới mẻ. Do quy mô còn nhỏ nên chưa đem lại nguồn thu như kỳ vọng.

"Việc sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ có nhiều ưu điểm hơn so với các mặt hàng khác, nhưng thường gặp khó về cạnh tranh thị trường. Tuy nhiên, khi đã có thị trường, đây là mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao", ông Lê Bá Quyết nói.