DMagazine

Tương lai nào cho Nga, châu Âu, Mỹ sau làn sóng doanh nghiệp rời Nga?

(Dân trí) - Chiến sự Nga - Ukraine là nguồn cơn chính khiến cho không ít doanh nghiệp đã và đang rút khỏi Nga. Các bên được gì, mất gì, tương lai nào cho nền kinh tế Nga, châu Âu và Mỹ?

 DANH SÁCH NỐI DÀI

Sau khi xung đột Nga - Ukraine xảy ra, BP và Shell nói rằng họ sẽ rút các khoản đầu tư vào dầu khí trị giá hàng tỷ USD ở Nga.

General Motors, Volvo và Volkswagen đã ngừng bán ô tô ở Nga.

Apple đã ngừng bán iPhone và các sản phẩm khác, hạn chế quyền truy cập vào Apple Pay và cấm các ứng dụng tuyên truyền của Nga.

Nike và Ikea đóng cửa các cửa hàng.

Disney và WarnerMedia tạm dừng phát hành phim mới.

Quỹ tài sản có chủ quyền trị giá 1.300 tỷ USD của Na Uy cho biết họ sẽ thoái vốn cổ phần của 47 công ty Nga và trái phiếu chính phủ Nga.

Danh sách vẫn còn tiếp tục...

Các chuyến hàng là ô tô đã bị tạm dừng giao hàng. Bia ngừng chảy. Các tàu chở hàng ngừng cập cảng. Các công ty dầu mỏ cắt đường ống dẫn của họ.

Nhà kinh tế học Mary Lovely, thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson ở Washington, Mỹ, cho biết: "Không một công ty, một tập đoàn đa quốc gia nào muốn bị mắc kẹt bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây".

Cùng với việc cần tuân thủ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga, các công ty ngày càng nhận thức được nguy cơ tiềm ẩn về uy tín của việc tiếp tục hoạt động kinh doanh như bình thường ở nước này. Trong khi đó, một số viện dẫn các tiêu chuẩn trách nhiệm doanh nghiệp của riêng họ để rút lại. Họ cũng bày tỏ quan ngại về hoàn cảnh của người dân Ukraine khi cuộc chiến gây ra thiệt hại ngày càng lớn cho dân thường và khiến hơn 1,5 triệu người phải di dời.

Tương lai nào cho Nga, châu Âu, Mỹ sau làn sóng doanh nghiệp rời Nga? - 1

Nhân viên đặt những tấm chắn bằng gỗ lên cửa sổ của cửa hàng Louis Vuitton ở Kiev vào ngày 24/2 (Ảnh: Sergei Supinsky/AFP/Getty Images).

Moscow cũng đã có lệnh tạm thời hạn chế các nhà đầu tư nước ngoài bán tài sản tại Nga. Thủ tướng Mikhail Mishustin cho biết điều này sẽ giúp các nhà đầu tư đưa ra "một quyết định được cân nhắc" thay vì chống chọi với áp lực chính trị của các lệnh trừng phạt. Không rõ biện pháp đó có thể ảnh hưởng như thế nào đến nỗ lực rút khỏi Nga của các tập đoàn.

Đối mặt với việc sụt giảm doanh thu, một số thương hiệu bán lẻ đã thông báo quyết định đóng cửa hàng và tạm dừng bán hàng trực tuyến. Những người khác viện lý do lo ngại về an toàn là lý do để tạm thời ngừng bán hàng tại nước này.

Đầu tiên là Nike. Hãng thông báo rằng họ "không thể đảm bảo" việc vận chuyển các đơn đặt hàng đến các khách hàng ở Nga. "Do đó, các giao dịch mua hàng hóa trên website và ứng dụng Nike tạm thời không khả dụng ở khu vực này", công ty cho biết trên trang web tiếng Nga của mình. Công ty cũng tạm thời đóng cửa tất cả cửa hàng của mình ở Nga. Nike có khoảng 116 cửa hàng trong nước và cho biết hãng không thể hoạt động an toàn ở đó trong thời gian khủng hoảng đang diễn ra.

Trong khi đó, Adidas thông báo họ đã kết thúc hợp đồng tài trợ với giải bóng đá của Nga. Cả Under Armour và Puma cũng cho biết họ đang dừng các chuyến hàng trực tuyến đến Nga.

Một nhà bán lẻ đáng chú ý khác là Ikea đã đóng cửa tất cả địa điểm ở Nga. Công ty ngừng sản xuất tại Nga cũng như tất cả các hoạt động xuất nhập khẩu ra khỏi Nga và Belarus. Trong một tuyên bố, công ty thừa nhận rằng quyết định này sẽ ảnh hưởng đến 15.000 nhân viên Ikea trong khu vực. "Chúng tôi đã đảm bảo ổn định việc làm và thu nhập trước mắt", Ikea cho biết trong thông cáo.

Apple cũng thông báo ngừng bán hàng tại Nga. Ngày 1/3, công ty cho biết họ đã ngừng bán các sản phẩm trong khu vực và sẽ chỉ cung cấp một số dịch vụ kỹ thuật số ở đó, chẳng hạn như Apple Pay và iTunes. Doanh số bán hàng của khách hàng Nga ước tính mang lại khoảng 7 tỷ USD doanh thu hàng năm cho Apple, chiếm khoảng 2% tổng doanh thu của hãng.

Ngày 2/3, nhà bán lẻ thời trang nhanh H&M đã thông báo rằng họ tạm thời đóng cửa tất cả hoạt động bán hàng tại Nga. Tập đoàn H&M hiện điều hành 168 cửa hàng ở Nga, theo trang web của công ty. Trong một tuyên bố, công ty cho biết họ "lo ngại về những diễn biến bi thảm ở Ukraine" và đã đóng cửa tất cả các cửa hàng H&M ở Ukraine vì sự an toàn của khách hàng và các cộng sự.

Thương hiệu áo khoác của Canada là Goose cũng đưa ra thông báo tương tự trong tuần này, cho biết họ sẽ ngừng tất cả các hoạt động bán buôn và thương mại điện tử ở Nga trong các cuộc tấn công vào Ukraine. Mango có trụ sở tại Tây Ban Nha, có 800 nhân viên ở Nga, cũng đã thông báo rằng họ tạm thời ngừng hoạt động ở đó.

Tương lai nào cho Nga, châu Âu, Mỹ sau làn sóng doanh nghiệp rời Nga? - 2

Cửa hàng IKEA ở Moscow, Nga (Ảnh: Reuters).  

Các nhà bán lẻ thời trang trực tuyến của Anh là Boohoo và Asos cũng đã đình chỉ bán hàng tại Nga. Ngày 3/3, nhà bán lẻ hàng giảm giá TJX cho biết trong một hồ sơ chứng khoán rằng họ sẽ bán 25% cổ phần của mình trong nhà bán lẻ hàng may mặc giá rẻ của Nga Familia, có hơn 400 cửa hàng ở Nga. Theo kết quả của việc bán, TJX cho biết họ có thể phải báo cáo các khoản phí tổn thất.

Simeon Siegel, giám đốc điều hành và nhà phân tích cấp cao tại BMO Capital Markets, chia sẻ, những quyết định hoạt động này đặt ra "câu hỏi về mức độ nghiêm trọng về thời gian" và chưa thể xác định được toàn bộ tác động. Siegel nói thêm rằng, "từ quan điểm của một nhà bán lẻ, việc cố gắng xác định tác động và thách thức trên quy mô toàn cầu đặt ra thêm một câu hỏi về môi trường vĩ mô vốn đã phức tạp".

Còn Craig Johnson, người sáng lập nhóm tư vấn nhà bán lẻ CGP, cho biết ông hy vọng rằng các nhà bán lẻ hoặc thương hiệu có sự hiện diện ở Trung và Đông Âu có khả năng đã phát triển các kế hoạch dự phòng, nếu không thực hiện. Johnson nói: "Các kế hoạch dự phòng là quan trọng nhất đối với nhân viên tại cửa hàng và văn phòng. Nhưng chúng cũng bao gồm các kế hoạch về an ninh mạng và bảo mật vật lý, thông tin liên lạc của nhà cung cấp và công chúng, cũng như cắt hoặc trì hoãn việc giao nhận hàng hóa đã được bảo đảm".

Tuy vậy, vẫn có những thương hiệu đi ngược thị trường. Một số thương hiệu xa xỉ vẫn đang bán sản phẩm cho khách hàng Nga trong thời điểm hiện tại, bao gồm các nhà sản xuất trang sức Cartier và Bulgari.

TÁC ĐỘNG TỪ CHIẾN SỰ TRONG GÓC NHÌN DOANH NGHIỆP

Hòa nhập vào làn sóng dừng hoạt động tại Nga, một số nhà bán lẻ đã tạm đóng cửa các cửa hàng của mình ở Nga. Những hành động này như thể tín hiệu cho thấy quan điểm của họ về tình hình chiến sự Nga - Ukraine hoặc cũng có thể là do các doanh nghiệp này không thể tiếp tục hoạt động kinh doanh do bị ảnh hưởng phần nào từ những lệnh trừng phạt về kinh tế.

Một số nhà bán lẻ đã cảnh báo các nhà đầu tư rằng xung đột Nga - Ukraine có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của họ trong năm nay, trong đó có Victoria's Secret. Theo thương hiệu này, tình hình xung đột có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận là vì có thêm những ràng buộc nhất định về chuỗi cung ứng. "Tình trạng bất ổn toàn cầu" cũng như giá cả tăng cao, thị trường không chắc chắn là những yếu tố có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của thương hiệu này trong những tháng sắp tới.

Chuck Grom, nhà phân tích của Gordon Haskett, cho biết mối quan tâm lớn nhất đối với nhiều nhà bán lẻ có thể sẽ là thời gian diễn ra cuộc khủng hoảng. "Cuộc khủng hoàng càng kéo dài, càng có nhiều vấn đề nảy sinh", Grom nói. "Nói cách khác, người tiêu dùng sẽ dành nhiều thời gian hơn để hiểu tình hình".

Tương lai nào cho Nga, châu Âu, Mỹ sau làn sóng doanh nghiệp rời Nga? - 3

(Ảnh: Moskva News Agency).

Các nhà bán lẻ đang cố gắng đánh giá nhu cầu trong tương lai, cố gắng thu hút người tiêu dùng quay trở lại khi mà Covid-19 đã bớt trở thành mối lo. Tuy vậy, tình hình đang có khả năng trở nên phức tạp hơn. 

Nhà bán lẻ quần áo American Eagle Outfitters có trụ sở tại Pittsburgh, Mỹ cho biết rằng họ đang xem xét cuộc chiến giữa Nga và Ukraine trong quá trình dự báo triển vọng kinh doanh. Giám đốc tài chính Michael Mathias cho biết rằng nhà bán lẻ nhận thức được nhiều yếu tố đang xảy ra, đó là lạm phát gia tăng, ảnh hưởng từ chuỗi cung ứng, cuộc chiến ở Ukraine. Mathias nói: "Chúng tôi giữ quan điểm thận trọng trong bối cảnh hiện nay". Thương hiệu này cho hay, thu nhập của họ sẽ giảm trong nửa đầu năm nay, phần lớn là do chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao. Công ty dự kiến thu nhập sẽ phục hồi trong nửa cuối năm.

Hãng bán lẻ đồ lót Victoria's Secret, vốn có ít sự hiện diện ở Nga, cũng nhắc sơ bộ đến cuộc chiến. Trong báo cáo kết quả tài chính quý IV/2021, công ty cho biết lạm phát và "tình trạng bất ổn toàn cầu" sẽ tạo ra một môi trường đầy thách thức trong những tháng tới. Victoria's Secret đã đưa ra một triển vọng ảm đạm cho quý đầu tiên nhưng cho hay họ tin rằng kết quả sẽ tốt hơn vào quý III năm nay. 

Còn Giám đốc điều hành chuỗi cửa hàng bách hóa Kohl Michelle Gass, khi được hỏi về tình hình ở Ukraine và nó có thể ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động kinh doanh thì trả lời rằng: "Chúng tôi đã dự tính về một môi trường kinh doanh có nhiều bất ổn". Gass nói trong cuộc gọi. "Chúng tôi sẽ theo dõi tình hình một cách sát sao và phản hồi nhanh chóng".

David Ritter, giám đốc điều hành tại Alvarez & Marsal Consumer Retail Group, thì cho biết: "Chúng tôi chờ đợi những hướng dẫn từ các nhà bán lẻ". Ritter tiếp tục lưu ý rằng: "Ukraine không chỉ trở thành một nút của chuỗi cung ứng quan trọng mà còn là một trung tâm công nghệ, nơi tập trung nhiều công ty công nghệ bán lẻ và nhà bán lẻ có nhân viên kỹ thuật". Ritter cũng chỉ ra thực tế rằng Nga có thể không phải là một thị trường lớn đối với nhiều thương hiệu, và các nhà bán lẻ đa quốc gia có thể sẽ bớt kỳ vọng vào thị trường Nga trong trường hợp xung đột tiếp tục kéo dài.

TÁC ĐỘNG THẾ NÀO ĐẾN MỸ, CHÂU ÂU VÀ NGA?

Trước hết, việc các công ty, nhà bán lẻ dừng hoạt động tại Nga có thể tác động mạnh đến người tiêu dùng Mỹ. Các công ty, từ nhà sản xuất thực phẩm đến nhà sản xuất ô tô, có thể sẽ phải chịu gánh nặng lớn hơn từ giá dầu tăng vọt và những vấn đề đau đầu về chuỗi cung ứng đang diễn ra. Giá tăng thì người tiêu dùng phải gánh chịu.

David French, Phó Chủ tịch cấp cao về quan hệ chính phủ tại National Retail Federation, tập đoàn thương mại bán lẻ hàng đầu cho biết: "Các nhà bán lẻ Mỹ sẽ chịu tác động khi chi phí năng lượng cao hơn do sự gián đoạn của thị trường năng lượng. Giá lương thực cũng là một vấn đề lớn vì Ukraine và Nga là những vùng sản xuất nông nghiệp lớn. Đó có lẽ là những tác động lớn nhất ngay lập tức".

Ông nói thêm rằng nhiều nhà bán lẻ có trụ sở tại Mỹ có khả năng sẽ giảm sự liên quan với Nga và Ukraine. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng Ukraine là một trung tâm gia công về công nghệ thông tin cho nhiều công ty lớn. Do đó, nếu cuộc khủng hoảng ở quốc gia này tiếp tục kéo dài, sẽ có thể có nhiều vấn đề lớn hơn phát sinh đối với các doanh nghiệp.

Tương lai nào cho Nga, châu Âu, Mỹ sau làn sóng doanh nghiệp rời Nga? - 4

Công ty công nghệ Mỹ cũng nằm trong làn sóng rút khỏi Nga (Ảnh: Getty Images).

French nhấn mạnh rằng ngay cả trong thời kỳ đại dịch, người tiêu dùng đã báo cáo rằng niềm tin của họ đang giảm nhưng đồng thời họ vẫn mua sắm như thể niềm tin của người tiêu dùng đang tăng lên. Theo NRF, doanh số bán lẻ trong dịp lễ năm 2021 đã tăng kỷ lục 14,1% so với năm trước, bất chấp lạm phát và biến thể Omicron đang lan rộng.

Nhà phân tích Simeon Siegel của BMO Capital Markets cũng có cùng quan điểm. Ông nói: "Bỏ qua vấn đề nhân loại lớn lao, chúng ta đã học được nhiều bài học từ đại dịch Covid-19 và mọi người thực sự rất giỏi trong việc tránh để mình bị làm phiền lòng bởi các rắc rối".

Đối với phương Tây, các chuyên gia kinh doanh cho rằng, các công ty phương Tây có những tính toán kinh tế liên quan đến quyết định rút khỏi Nga khi nền kinh tế suy giảm khiến nước này trở thành nơi đầu tư kém hiệu quả. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng điều này có thể tạo ra bước ngoặt trong gần 30 năm kinh doanh của phương Tây ở Nga.

Shon Hiatt, phó giáo sư quản lý và tổ chức tại Đại học Nam California, nói với ABC News rằng trong nền kinh tế toàn cầu, các công ty sẽ ít bị ảnh hưởng sau khi ngừng hoạt động ở Nga. "Đây không phải là sự thoái vốn như chúng ta đang thấy với BP hoặc các công ty dầu mỏ khác", Hiatt nói. "Đối với các công ty này, đây chỉ là một sự sụt giảm nhỏ ở thị trường Nga so với các thị trường khác".

Theo ông, cần quan sát cộng đồng doanh nghiệp trong vài tháng tới và chắc chắn sẽ có rất nhiều điều thú vị. Tùy thuộc vào thời gian cuộc xung đột diễn ra và nếu Nga thành công, các tập đoàn trên khắp thế giới sẽ phải đưa ra quyết định chính, ngăn chặn bất kỳ hành động nào của chính phủ. "Hầu hết các công ty tin rằng việc tạm dừng hoạt động là một chiến lược nhỏ. Họ tin rằng trong một vài tháng, mọi thứ có thể trở lại bình thường. Tình hình vẫn đang diễn biến phức tạp", theo Hiatt. 

Đối với Nga, niềm tin được xây dựng trong nhiều thập kỷ giữa các công ty phương Tây và công ty của họ đã "tan vỡ" khi căng thẳng và xung đột nổ ra. Một số người cho rằng niềm tin này có thể không bao giờ lấy lại được.

Evan Siddall, Giám đốc điều hành của Công ty Cổ phần Quản lý Đầu tư Alberta (AIMCo - chuyên quản lý nhiều loại quỹ khác nhau) cho biết sau cuộc khủng hoảng ở Ukraine, công ty đã tiến hành xem xét toàn bộ danh mục đầu tư của mình "để đảm bảo danh mục đầu tư phù hợp với các giá trị và giá trị trên toàn diện". Điều đó có nghĩa là xem xét liệu các khoản đầu tư có ở các quốc gia "nơi có mối quan tâm về pháp quyền và khả năng đầu tư của các khu vực tài phán đó hay không", ông nói.

Khi cuộc chiến Nga - Ukraine kết thúc, các công ty châu Âu và Mỹ khó có khả năng quay trở lại Nga. Gary Hufbauer, một thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson bình luận, ngay cả khi Nga có động thái xoay chuyển hứa hẹn một môi trường công khai và minh bạch, các công ty sẽ vẫn lưỡng lự về quyết định liệu có nên quay trở lại.