Những công ty nào đang rút khỏi Nga?
(Dân trí) - Những công ty nào, trong lĩnh vực nào đang rời khỏi Nga và tại sao những doanh nghiệp khác lại đang do dự?
30 năm trước khi Liên Xô sụp đổ, các doanh nghiệp phương Tây đã tăng cường hiện diện tại Nga. Sự xuất hiện của các công ty lớn này là dấu hiệu cho sự khởi đầu một kỷ nguyên mới với việc người Nga trở thành người tiêu dùng cuồng nhiệt của nhiều thương hiệu từ chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh McDonald's đến quần jean Levi's và nhiều mặt hàng xa xỉ.
Nhưng giờ đây, sau khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra, ngày càng có nhiều công ty tuyên bố ngừng hoạt động tại Nga.
Vậy những công ty nào, trong lĩnh vực nào đang rời khỏi Nga và tại sao những doanh nghiệp khác lại đang do dự?
"Ông lớn" đồ ăn nhanh và nước giải khát
McDonald's, Coca-Cola, Starbucks và Heineken là những công ty lớn nhất tuyên bố đang ngừng hoạt động kinh doanh tại thị trường Nga sau khi chịu sức ép phải hành động ngày càng tăng.
McDonald's cho biết họ đã tạm thời đóng cửa khoảng 850 nhà hàng tại Nga. Starbucks cũng cho biết 100 quán cà phê của họ tại Nga sẽ đóng cửa.
Bà Anna MacDonald, Giám đốc quỹ tại Amati Global Investors, cho rằng các công ty ban đầu vẫn kín tiếng về cuộc xung đột nhưng đã phải hành động vì các cổ đông "không chịu" tiếp tục làm ăn tại Nga.
Theo bà, việc tiếp tục làm ăn tại Nga đang ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của họ và "nếu tiếp tục làm như vậy là hoàn toàn không phù hợp".
Pepsi, thương hiệu nước giải khát có sự hiện diện tại Nga lớn hơn nhiều so với đối thủ Coca-Cola, cũng cho biết đang tạm dừng sản xuất và bán Pepsi cũng như các thương hiệu toàn cầu khác tại Nga. Tuy nhiên, công ty có 20.000 nhân viên tại đây cho rằng họ sẽ tiếp tục cung cấp các sản phẩm khác.
Những công ty thực phẩm như Nestlé, Mondelez, Procter & Gamble và Unilever cũng đã ngừng đầu tư vào Nga nhưng cho biết sẽ tiếp tục cung cấp các mặt hàng thiết yếu.
Trong khi đó, British American Tobacco thông báo sẽ bán hoạt động kinh doanh của mình tại Nga do "không còn bền vững trong môi trường hiện tại".
Bán lẻ
Hãng mỹ phẩm lớn nhất thế giới L'Oreal và đối thủ Estee Lauder đều đang đóng cửa hàng và ngừng bán hàng trực tuyến tại Nga.
Estee Lauder, với các thương hiệu bao gồm Michael Kors, DKNY, Clinique và Bobbi Brown, đã có mặt tại đất nước này khoảng 30 năm và Nga là nơi có doanh số bán hàng cao nhất.
Trên thực tế, năm ngoái Nga là thị trường bán lẻ lớn thứ 5 trên toàn cầu của các thương hiệu châu Âu, trị giá 337,2 tỷ bảng Anh. Vì vậy, một số thương hiệu không muốn "cắt đường lui" của mình, nếu có cơ hội sẽ quay trở lại vào một ngày sau đó.
Đó là lý do nhiều công ty, bao gồm cả các nhà bán lẻ xa xỉ khác như Burberry và Chanel, chỉ đơn giản nói rằng họ đang "đình chỉ" bán hàng và tạm thời đóng cửa các cửa hàng thay vì tuyên bố rút lui hoàn toàn, Chris Weafer - Giám đốc điều hành của Công ty tư vấn Macro -visory Limited - cho biết.
Theo ông, với các lệnh trừng phạt hạn chế các hình thức thanh toán và sự không chắc chắn về giá cả trong tương lai cũng như sự cuồng nhiệt của người tiêu dùng, môi trường kinh doanh đang "cực kỳ thách thức" khiến cho các quyết định tạm ngừng dễ dàng hơn.
Chẳng hạn, các nhà bán lẻ thời trang lớn nhất thế giới như H&M và Inditex, chủ sở hữu Zara, có 502 cửa hàng ở nước này, đã đình chỉ bán hàng ở Nga, với lý do tình hình ở Ukraine. Các thương hiệu khác như Nike cho biết họ hiện không thể đảm bảo giao hàng cho khách hàng ở Nga.
Theo Maureen Hinton của công ty tư vấn bán lẻ GlobalData, nhiều thương hiệu có khả năng sẽ làm theo. Boohoo, gã khổng lồ nội thất Thụy Điển Ikea và nhà bán lẻ quần áo Nhật Bản Uniqlo, ban đầu vẫn tiếp tục mở cửa 49 cửa hàng ở Nga và nói rằng quần áo là "nhu cầu thiết yếu của cuộc sống", cũng nằm trong số những thương hiệu đã cắt đứt quan hệ tại Nga.
Ngay cả Levi's, thương hiệu quần jean đã trở thành biểu tượng kinh doanh hậu Xô Viết ở Nga, cũng đã đóng cửa các cửa hàng. Hãng quần jean Mỹ này cho biết khoảng 4% doanh số thuần của họ đến từ Đông Âu và Nga trong năm ngoái.
Công nghệ
Samsung, nhà cung cấp điện thoại di động hàng đầu ở Nga, cho biết sẽ tạm dừng các chuyến hàng đến nước này nhưng không nói liệu các cửa hàng của họ có đóng cửa hay không.
Hãng Sony và Nintendo của Nhật Bản cũng đã đình chỉ việc cung cấp máy chơi game tại thị trường Nga. Sony cũng đã đình chỉ việc ra mắt trò chơi đua xe "Gran Turismo 7" tại thị trường này.
Apple cũng đã tạm dừng bán toàn bộ sản phẩm của hãng này tại Nga và hạn chế một số dịch vụ khác như Apple Pay và Apple Maps. Các cửa hàng của nhà sản xuất iPhone cũng đã đóng cửa.
Đối với một công ty như Apple đang bán các sản phẩm nhập khẩu thì đó là một quyết định tương đối dễ thực hiện, ông Chris Weafer nhận xét.
"Nhiều công ty không muốn làm ăn với Nga nữa vì những gì đang xảy ra ở Ukraine", ông nói và giải thích hoạt động kinh doanh ở Nga có thể có lợi nhuận nhưng "phần còn lại của thế giới quan trọng hơn" khi đề cập đến rủi ro danh tiếng.
Một số công ty công nghệ cũng hạn chế các phương tiện truyền thông liên kết với Điện Kremlin đăng bài trên các nền tảng của họ. Facebook đã bị chặn tại Nga sau khi công ty này từ chối ngừng kiểm tra thực tế và dán nhãn nội dung từ các tổ chức truyền thông nhà nước Nga.
Trong khi đó, TikTok đã chặn tất cả nội dung không phải tiếng Nga ở Nga và ngừng phát trực tiếp.
Công ty tư vấn
Các hãng luật và các công ty tư vấn lớn nằm trong số những công ty đầu tiên thiết lập hiện diện tại Nga sau khi Liên Xô sụp đổ nhưng hầu như hoạt động không có gì nổi bật.
Tất cả công ty trong nhóm kiểm toán Big 4 như Deloitte, KPMG, EY và PricewaterhouseCoopers (PwC) đều cho biết không còn công ty thành viên nào ở Nga sau khi cuộc chiến nổ ra. Công ty luật hàng đầu Freshfields cho biết không còn làm việc với bất kỳ khách hàng nào có liên quan đến nhà nước Nga.
Một số khác cho biết đang xem xét dữ liệu khách hàng và các công ty liên kết ở Nga.
Hãng dầu và khí đốt
Khi cuộc xung đột tại Ukraine nổ ra, các hãng năng lượng ngay lập tức đã phải chịu áp lực. Điều đó càng được tăng cường khi Anh, Mỹ công bố lệnh cấm hoặc hạn chế dầu mỏ và khí đốt của Nga.
BP dù sở hữu lượng lớn cổ phần tại gã khổng lồ năng lượng Nga Rosneft nhưng chỉ trong vòng vài ngày kể từ khi cuộc chiến bắt đầu, công ty này đã thông báo tạm dừng hoạt động.
Tiếp đó là Shell, ExxonMobil và Equinor cũng cam kết cắt giảm đầu tư vào Nga sau áp lực từ các cổ đông cũng như chính phủ và công chúng.
Trong khi đó, Total Energies, một công ty lớn khác tại Nga, cũng cho biết sẽ không tài trợ cho các dự án mới ở nước này. Nhưng không giống như các công ty cùng ngành khác, hãng dầu khí của Pháp không có kế hoạch bán các khoản đầu tư hiện có của họ tại đây.
Vẫn chưa rõ điều gì sẽ xảy ra với các khoản đầu tư đó, liệu cuối cùng chúng có được bán, thu lại một phần giá trị hay đơn giản sẽ bị xóa sổ với mức tổn thất lớn.
Nhóm ngành giải trí
Những người hâm hộ ở Nga muốn đi xem các phim "bom tấn" mới của Warner Bros sẽ không thể xem được nữa khi công ty này ngừng phát hành các phim mới ở Nga.
Nhà sản xuất phim của Mỹ cùng Disney và Sony đã rút các buổi chiếu tại Nga. Disney cũng đã tạm dừng các kênh truyền hình của mình tại nước này.
Netflix, một công ty mới gia nhập thị trường Nga, cũng đã đình chỉ dịch vụ tại nước này và tạm dừng tất cả dự án trong tương lai.
Tất cả công ty này đều cho rằng quyết định của họ là dựa trên "cuộc khủng hoảng nhân đạo" ở Ukraine chứ không phải là kết quả của lệnh trừng phạt.
Cả 3 hãng thu âm lớn trên thế giới - Sony, Warner và Universal - đều đã đóng cửa văn phòng tại Nga. Spotify cũng thông báo sẽ hủy dịch vụ đăng ký của mình, mặc dù phiên bản miễn phí do quảng cáo tài trợ vẫn sẽ hoạt động.
Tài chính
Các "ông lớn" thanh toán như Visa, Mastercard, American Express và PayPal cũng đang rút khỏi thị trường Nga.
Song các ngân hàng Nga đã phớt lờ các tác động của thông báo này đối với khách hàng. Sberbank cho biết thẻ mang thương hiệu Visa và Mastercard sẽ tiếp tục hoạt động trên lãnh thổ Nga bởi tất cả khoản thanh toán ở Nga đều thông qua hệ thống quốc gia.
Tuy nhiên, thẻ phát hành trong nước sẽ không hoạt động ở nước ngoài và thẻ do nước ngoài phát hành sẽ không hoạt động được trong nước.
Ngân hàng đầu tư Mỹ Goldman Sachs là ngân hàng ở Phố Wall đầu tiên cho biết đang cắt giảm hoạt động kinh doanh tại Nga. Ngay sau đó là JPMorgan cũng cho biết sẽ làm như vậy để tuân thủ quy định và yêu cầu cấp phép.
Ngân hàng cho vay Đức Deutsche Bank, vốn vấp phải chỉ trích vì không có kế hoạch rút vốn, cũng cho biết đang thực hiện các bước để rút vốn, cam kết "không có bất kỳ hoạt động kinh doanh mới nào ở Nga nữa".
Ô tô
Jaguar Land Rover, General Motors, Aston Martin và Rolls-Royce là những nhà sản xuất ô tô đã tạm dừng giao xe cho Nga do cuộc xung đột, trong khi nhà sản xuất thiết bị xây dựng JCB đã tạm dừng mọi hoạt động tại đây.
Ô tô là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Anh sang Nga, nhưng chỉ 1% ô tô của Anh đến Nga trong năm ngoái.
Nhà phân tích đầu tư Russ Mould cho rằng, bất kỳ quyết định ngừng xuất khẩu nào cũng không phải đặc biệt tốn kém và quyết định sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu vì lo ngại liệu các khoản thanh toán có đến được hay không.
Dù sao, vận chuyển ô tô đến Nga cũng vấp phải khó khăn hơn khi hai hãng vận tải biển lớn nhất thế giới là MSC và Maersk tạm ngừng các tuyến đường đến và đi từ Nga, ngoại trừ vận chuyển thực phẩm, y tế và trợ cấp nhân đạo.
Những công ty nào vẫn ở lại?
Trong khi danh sách các công ty rời đi đang ngày một tăng lên thì vẫn có những công ty vẫn ở lại.
Đáng chú ý là các công ty thực phẩm lớn như Burger King vẫn chưa rút lui. Một số công ty cũng gặp khó khăn hơn trong việc thoát ra, ngay cả nếu áp lực gia tăng trong những ngày tới hay những tuần tới.
Để trả đũa các lệnh trừng phạt từ các nước phương Tây, Moscow đã cấm bán tài sản của Nga. Vì vậy, các công ty được khuyến khích đầu tư vào Nga trong những năm gần đây đang bị "khóa chặt" với các doanh nghiệp, nhân viên và chuỗi cung ứng địa phương.
Chẳng hạn như Marks & Spencer có 48 cửa hàng ở Nga nhưng lại được điều hành bởi một công ty nhượng quyền Thổ Nhĩ Kỳ có tên FiBA. Marks & Spencer cho biết họ đang ngừng vận chuyển hàng hóa cho FiBA ở Nga, nhưng các cửa hàng ở nước này vẫn mở cửa.
Restaurant Brands International, công ty sở hữu Burger King, nói với BBC rằng các cửa hàng ở Nga của họ được điều hành bởi các đơn vị nhượng quyền mà họ đã có "thỏa thuận pháp lý lâu dài" không dễ thay đổi.
Còn Yum Brands, công ty sở hữu KFC và Pizza Hut, cho biết họ đang tạm ngừng hoạt động tại các nhà hàng KFC của Nga mà công ty sở hữu, đồng thời hoàn tất thỏa thuận với bên nhận nhượng quyền chính để tạm dừng hoạt động của Pizza Hut.