DMagazine

TS Nguyễn Đức Kiên: "Nhân công giá rẻ không phải là điểm yếu của Việt Nam!"

(Dân trí) - "Nhiều người cho rằng nhân công giá rẻ của Việt Nam là điểm yếu, là bất lợi nhưng tôi không cho là vậy!", TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng nhấn mạnh.

TS Nguyễn Đức Kiên: "Nhân công giá rẻ

không phải là điểm yếu của Việt Nam!"

"Nhiều người cho rằng nhân công giá rẻ của Việt Nam là điểm yếu, là bất lợi nhưng tôi không cho là vậy!", TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng khẳng định.

Theo ông Kiên: "Cần nhìn vào thực tế, Việt Nam từ một nước thiếu ăn, không nhiều tích lũy mà duy ý chí muốn lên thẳng hiện đại, học theo mô hình của các nước phát triển thì khó thành hiện thực, là cách nghĩ "đốt cháy giai đoạn", TS Kiên lý giải.

"Chúng ta sẽ rơi vào tụt hậu nếu..."!

Trước bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức mới, cần tìm và tháo những nút thắt quan trọng, PV Dân trí đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội để làm rõ hơn câu chuyện kinh tế năm 2021 và những đột phá trong tìm kiếm nguồn lực phát triển mới cho quốc gia.

- Thưa ông, kết thúc năm 2020, Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới có tăng trưởng dương trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn. Ông có thể chia sẻ, đâu là động lực cho nền kinh tế năm vừa qua?

TS. Nguyễn Đức Kiên: Với tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2020 tăng 2,91% so với năm trước, Việt Nam thuộc nhóm nước có tăng trưởng cao nhất thế giới. Có rất nhiều yếu tố tạo nên điều này.

Nhưng tôi cho rằng, điều lớn lao nhất mà chúng ta thấy được qua khó khăn của đại dịch là sự chia sẻ. Chúng ta nhìn được thấy sự chia sẻ 3 bên giữa nhà nước, doanh nghiệp, người lao động.

TS Nguyễn Đức Kiên: Nhân công giá rẻ không phải là điểm yếu của Việt Nam! - 1

Chúng ta nhìn thấy được sự chia sẻ từ phía nhà nước đối với doanh nghiệp, người lao động, đó là các chính sách miễn, giảm phí, lệ phí, thuế; Chúng ta thấy sự chia sẻ của doanh nghiệp, người lao động với nhau qua các chiến dịch từ thiện, hỗ trợ của các doanh nghiệp, tình người, nghĩa đồng bào trong hoạn nạn, khó khăn, tang thương. Trong khó khăn, sự chia sẻ dù ít dù nhiều nhưng rất đáng quý.

Năm 2020, chúng tôi thấy một điều rõ ràng là động lực lớn nhất của đất nước ta duy trì được việc làm, là kiểm soát dịch thật tốt, tạo sự yên tâm cho doanh nghiệp, người dân làm ăn.

Những người mất việc, thất nghiệp đều được nhà nước hỗ trợ qua các gói cứu trợ như gói 62.000 tỷ đồng.

- Tổng kết lại năm 2020, một số chuyên gia vẫn cho rằng Việt Nam đang tăng trưởng dựa vào lao động giá rẻ, thâm dụng vốn và tài nguyên, ông nghĩ sao về thực trạng này?

Quan điểm của tôi hơi khác! Nhiều người cho rằng nhân công giá rẻ của Việt Nam là điểm yếu, là bất lợi nhưng tôi không cho là vậy. Các nước phát triển khác cũng phải trải qua những giai đoạn như Việt Nam hiện nay, điều quan trọng là họ tận dụng được, vượt qua và biết vươn lên những nguồn lực mới.

Cần nhìn vào thực tế, Việt Nam từ một nước thiếu ăn, không nhiều tích lũy mà duy ý chí muốn lên thẳng hiện đại, học theo mô hình của các nước phát triển thì khó thành hiện thực, là cách nghĩ "đốt cháy giai đoạn".

TS Nguyễn Đức Kiên: Nhân công giá rẻ không phải là điểm yếu của Việt Nam! - 2
TS Nguyễn Đức Kiên: Nhân công giá rẻ không phải là điểm yếu của Việt Nam! - 3

Nhân công của Việt Nam với chi phí hợp lý vẫn là lợi thế so sánh để chúng ta thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển. Làm ra 100 USD tiêu dùng ở Mỹ, ở Nhật, ở Hàn Quốc khác với giá trị 100 USD ở Việt Nam. Khi so sánh giữa các nước, họ dùng khái niệm sức mua tương đương của tiền tệ để so sánh.

Chúng ta có nhiều kỹ sư, nhà khoa học trẻ vẫn được doanh nghiệp, tập đoàn lớn trả lương rất cao, thậm chí nhiều tập đoàn họ còn lôi kéo trí thức, người giỏi ở nước ngoài về với mức lương tương đương.

Ở đây phải nói rõ là chúng ta cần nguồn lực chất lượng cao để doanh nghiệp trả lương tương xứng với giá trị họ tạo ra. Lao động nông nghiệp, không có kỹ năng, trình độ, khó đòi hỏi mức lương tương xứng với lao động các nước phát triển, chúng ta cần phải đào tạo, bồi dưỡng lao động để dần chuyển hóa họ thành lao động bậc cao, phục vụ chuỗi sản xuất.

Một trong những điểm yếu của chúng ta hiện nay đó là chưa biết tận dụng tối đa những thế mạnh. Nếu những lợi thế so sánh của quốc gia không tận dụng được, chúng ta dễ rơi vào tụt hậu.

Bên cạnh đó, chúng ta vẫn còn tình trạng phân tán nguồn lực, làm theo phong trào. Một thời điểm ồ ạt làm cái này, rồi ở một thời điểm khác lại ồ ạt làm cái khác, vỡ quy hoạch, tầm nhìn. Trước kia, chúng ta đâu đâu cũng nói chuyện làm gang thép, địa phương nào có biển cũng đòi mở cảng biển, rồi xây dựng sân bay, rồi địa phương nào cũng có khu công nghiệp - khu chế xuất, trong khi lợi thế cạnh tranh với nhau chưa khác biệt.

Câu chuyện này xuất phát từ cả nhà đầu tư, từ phía cơ quan quản lý. Một ông "chạy" theo lợi nhuận, một ông thiếu giảm sát hoặc có "chuyện này, chuyện khác" với doanh nghiệp. Đâu đó vẫn còn những chuyện này, cần rút kinh nghiệm, hướng tới sự bài bản, chuyên nghiệp, tránh thất thoát, lãng phí, sử dụng nguồn lực có hiệu quả.

Không thể có chuyện "ai làm hộ ai", "áp đặt"

- Có quan điểm cho rằng, để giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng Covid-19, điều cần là hỗ trợ từ chính sách, vốn và tiếp cận thông tin, trong đó quan trọng nhất là vốn. Nhưng nhiều doanh nghiệp đủ điều kiện hiện nay vẫn than khó khăn trong tiếp cận vốn, thông tin thị trường, đặc biệt thị trường nước ngoài, theo ông chúng ta cần giải pháp gì cho họ?

Câu hỏi này làm tôi nhớ đến một câu nói nổi tiếng: "Là một người lính chân chính phải ước mơ trở thành nguyên soái". Nghĩa là doanh nghiệp tham gia thị trường thì phải có ước mơ trở thành cánh chim đầu đàn.

TS Nguyễn Đức Kiên: Nhân công giá rẻ không phải là điểm yếu của Việt Nam! - 4

Dù không phải doanh nghiệp nào cũng có thể trở thành cánh chim đầu đàn, nhưng đã tham gia thị trường là phải nỗ lực hết sức.

Ở nền kinh tế thị trường, không thể có chuyện "ai làm hộ ai" hay "áp đặt" anh phải thế này thế kia. Đó là câu chuyện cạnh tranh, câu chuyện thị trường điều hòa các mối quan hệ theo một cách tự nhiên, không có bàn tay của Nhà nước.

Nhà nước không thể đưa vốn hay bắt người khác cho anh vay vốn, cũng không thể bán hộ doanh nghiệp sản phẩm. Nhà nước chỉ làm vai trò hỗ trợ, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, thủ tục thông thoáng, mở cửa thị trường… để tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.

Còn doanh nghiệp đi nhanh, đi chậm là phụ thuộc năng lực, sức khỏe của họ. Ngân hàng cũng là một cá thể kinh doanh, họ cũng thấy lợi ích nhưng cũng nhìn ra được rủi ro. Quan trọng ở đây, chúng ta phải quán triệt là hỗ trợ đến đâu có thể, còn lại không được sử dụng mệnh lệnh hành chính, nếu làm sẽ làm méo mó và thiên vị.

Câu chuyện vốn cũng nói rất nhiều rồi, nhưng theo tôi, quan trọng nhất vẫn là phương án kinh doanh của doanh nghiệp có khả thi không, nếu khả thi, họ hoàn toàn có thể vay được vốn, hoàn toàn có thể kêu gọi được nhà đầu tư. Nếu sản phẩm tốt, cạnh tranh, họ có thể tiếp cận được thị trường rất tốt.

- Năm 2021 được dự báo sẽ có rất nhiều thách thức đối với kinh tế Việt Nam, đại dịch Covid-19 vẫn phức tạp đe dọa thương mại toàn cầu, xung đột thương mại giữa nhiều nước lớn làm thay đổi chuỗi sản xuất, chuỗi thương mại và đặc biệt là vấn đề giữa Trung Quốc với Mỹ. Với nhận định của cá nhân ông thì sao?

Chúng tôi dự báo 2 kịch bản kinh tế năm 2021, trong đó có kịch bản vẫn còn dịch Covid-19 và kịch bản thứ 2 là dịch được kiểm soát hoàn toàn. Chúng tôi nghiêng về dự báo xu thế vẫn còn dịch và nó có thể kéo đến hết nửa đầu năm 2021.

Sở dĩ chúng tôi đưa nhận định như thế vì khả năng vắc xin đạt được miễn dịch cộng đồng cũng phải đến tháng 6, tháng 7 mới đạt được 50%.

Một cái căng thẳng nữa là hiện nay chủng mới lại xuất hiện. Covid-19 chủng mới ở Anh có tốc độ lây lan gấp nhiều lần so với chủng cũ. Hiện nay chúng ta đang ngồi đây nhưng nhiều nước dịch rất căng thẳng.

Thêm nữa, cũng phải chờ khoảng 100 ngày sau khi Mỹ có Tổng thống mới, chúng ta mới nắm được đường đi chính sách của họ như thế nào để đo lường chính sách của họ, bởi chính sách của Mỹ tác động đối với không chỉ các nước lớn mà cả thế giới.

Theo quan điểm của tôi trong 6 tháng đầu năm, kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn, cuối năm 2021 sẽ có trạng thái cân bằng mới, lúc đó có thể phát triển được. Nhìn chung nền kinh tế đạt mức tăng trưởng 6,5% sẽ rất khó khăn.

- Thị trường chứng khoán đang tăng điểm rất mạnh, trong khi đó, giá bất động sản vẫn không ngừng gia tăng, giá vàng neo ở ngưỡng cao... Ông có lo ngại kịch bản bong bóng tài sản trong ngắn hạn hay không?

Phải khẳng định, nguồn vốn trong xã hội còn nhiều. Chứng khoán Việt Nam hiện nay dao động ở mức gần 1.200 điểm, so với thời điểm thị trường chứng khoán Việt Nam rơi vào đổ vỡ năm 2006, hiện nay có nhiều khác biệt.

Ở thời điểm đó, tăng trưởng tín dụng vài chục %, ở thời điểm này tăng không cao chỉ khoảng 11-12% là cùng, lạm phát chỉ 4%, thời kỳ 2006 là 8-9%. Vẽ lên bức tranh như thế để thấy, sản xuất đang khó khăn, tiền thừa trong dân quay vào chứng khoán, bất động sản.

Chứng khoán thì tăng cao, tiền đổ vào ào ào, giá bất động sản tăng bất chấp đại dịch, tiền đang tích trữ trên thị trường tương đối lớn. Như vậy, rõ ràng chúng ta thấy lượng tiền nhàn rỗi của nhà đầu tư, người dân đổ vào các kênh tài sản lớn, khi kinh doanh khó khăn, chứ không phải lướt sóng bằng tiền vay ngân hàng, tiền qua các kênh tài chính. Điều này rất khác biệt so với những năm trước đây khi xảy ra khủng hoảng.

TS Nguyễn Đức Kiên: Nhân công giá rẻ không phải là điểm yếu của Việt Nam! - 5

- Hiện khu vực kinh tế Nhà nước đang có chuyển đổi khá chậm, nhiều doanh nghiệp chậm tái cơ cấu, cổ phần hóa để phát huy nguồn lực, hạn chế cách thức quản lý cũ. Theo ông, sắp tới chúng ta nên cải cách, khơi dậy nguồn lực của các tập đoàn, doanh nghiệp kinh tế Nhà nước như thế nào để họ xứng đáng là "những quả đấm thép"?

Tôi cho rằng, đổi mới doanh nghiệp không phải chỉ cổ phần hóa là xong, phải đổi mới quản trị, đổi mới tư duy. Nếu chỉ cổ phần hóa, bán 49% cổ phần, thoái vốn là xong thì chúng ta lại rơi vào làm việc theo cảm tính. Đổi mới kinh tế Nhà nước phải chuyển trạng thái của họ từ kế hoạch tập trung sang thị trường và hàng hóa.

Phải làm sao đặt doanh nghiệp nhà nước vào môi trường bắt buộc phải cạnh tranh, không có ưu ái và không có xin cho, từ đấy họ sẽ tự thay đổi, tự làm mới mình. Có doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, phá sản trở thành gánh nợ, nhưng có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước trở thành xương sống của nền kinh tế, phải đánh giá khách quan, đa chiều để không bị xử lý vụ việc, hiện tượng.

Tự đổi mới hoặc đổi mới đưa thêm thành phần kinh tế góp vốn, để có thêm vốn, đầu tư công nghệ mới, đổi mới phương thức quản trị doanh nghiệp, đổi mới vai trò chủ sở hữu doanh nghiệp... đó mới là gốc rễ của vấn đề, của quá trình chuyển đổi.

- Xin trân trọng cảm ơn ông vì buổi trò chuyện này!