DNews

Tín chỉ carbon: Thu tiền thật từ việc "bán không khí"

Phương Liên

(Dân trí) - Tín chỉ carbon giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu mà còn giảm chi phí vận hành, tạo ra nguồn thu cho doanh nghiệp. Vậy cần hiểu sao cho đúng về tín chỉ carbon?

Tín chỉ carbon: Thu tiền thật từ việc "bán không khí"

Tín chỉ carbon là gì?

Tín chỉ carbon (carbon credit) là chứng nhận mang tính thương mại, thể hiện quyền sở hữu về lượng khí CO2 hoặc các loại khí nhà kính khác. Tín chỉ này đại diện cho quyền phát thải một tấn CO2 tương đương. Một tín chỉ carbon sẽ có giá trị bằng một tấn khí CO2 và ngược lại.

Tín chỉ carbon là giấy phép hoặc chứng chỉ có thể mua bán, cung cấp cho người nắm giữ tín chỉ quyền phát thải một tấn CO2 hoặc tương đương với một loại khí nhà kính khác.

Tín chỉ carbon: Thu tiền thật từ việc bán không khí - 1

Tín chỉ carbon nhằm giảm tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu (Ảnh: GP Solar).

Theo Học viện Tài chính Doanh nghiệp (Canada), mục tiêu chính của việc tạo ra tín chỉ carbon là giảm lượng khí thải CO2 và các loại khí nhà kính khác từ các hoạt động công nghiệp. Qua đó, giảm tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu. 

Tín chỉ carbon là chứng nhận để giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải lượng khí nhà kính, cụ thể là khí CO2.

Thị trường tín chỉ carbon là gì?

Thị trường tín chỉ carbon là một hệ thống giao dịch cho phép các tổ chức mua bán quyền phát thải khí nhà kính, cụ thể là CO2 giữa các công ty, đơn vị, tổ chức hoặc giữa các quốc gia tham gia vào mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 (Net Zero).

Thị trường mua bán tín chỉ carbon là một cơ chế kinh tế nhằm giảm lượng khí thải CO2 bằng cách đặt giới hạn phát thải và cho phép các công ty mua bán tín chỉ carbon.

Theo đó, mỗi doanh nghiệp, nhà máy sản xuất đều có một định mức về lượng khí thải nhà kính thải ra môi trường. Nếu cao hơn mức quy định, những đơn vị này sẽ phải mua thêm tín chỉ carbon để không vi phạm quy định chung về bảo vệ môi trường. Ngược lại, nếu lượng phát thải thực tế nhỏ hơn mức giới hạn thì đơn vị đó có thể bán số tín chỉ carbon chưa sử dụng cho các đơn vị khác.

Thị trường này được bắt nguồn từ Nghị định thư Kyoto của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, được thông qua vào năm 1997. Theo Nghị định thư Kyoto, các quốc gia có dư thừa quyền phát thải được bán cho hoặc mua từ các quốc gia phát thải nhiều hơn hoặc ít hơn mục tiêu cam kết.

Việc hình thành thị trường tín chỉ carbon thể hiện cam kết giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng Net Zero của các quốc gia, doanh nghiệp. Thị trường này cũng góp phần cụ thể hóa những chính sách về giảm phát thải khí nhà kính, phân bổ hạn ngạch phát thải, trao đổi tín chỉ carbon, tạo nguồn lực tài chính xanh…

Tín chỉ carbon: Thu tiền thật từ việc bán không khí - 2

Nếu lượng phát thải thực tế nhỏ hơn mức giới hạn thì đơn vị đó có thể bán số tín chỉ carbon chưa sử dụng cho các đơn vị khác (Ảnh: Renouvo).

Do CO2 là khí nhà kính quy đổi tương đương của mọi khí nhà kính nên các giao dịch được gọi chung là mua bán, trao đổi carbon, hình thành nên thị trường tín chỉ carbon.

Hiện nay, có 2 loại thị trường chính là thị trường carbon bắt buộc (mandatory carbon market) và thị trường carbon tự nguyện (voluntary carbon market).

Trong đó, thị trường carbon bắt buộc là thị trường mà việc mua bán carbon dựa trên cam kết của các quốc gia trong Công ước khung Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC) để đạt được mục tiêu cắt giảm khí nhà kính. Thị trường này mang tính bắt buộc và chủ yếu dành cho các dự án trong cơ chế phát triển sạch (CDM), cơ chế phát triển bền vững (SDM) hoặc cơ chế đồng thực hiện (JI).

Còn thị trường carbon tự nguyện là thị trường dựa trên cơ sở hợp tác thỏa thuận song phương hoặc đa phương giữa các tổ chức, công ty hoặc quốc gia. Bên mua tham gia vào các giao dịch trên cơ sở tự nguyện để đáp ứng các chính sách về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG) để giảm dấu chân carbon.

Thị trường tín chỉ carbon hoạt động như thế nào?

Việc buôn bán tín chỉ carbon được quản lý bởi chính phủ hoặc các tổ chức quốc tế chịu trách nhiệm đặt ra giới hạn về lượng khí nhà kính tính bằng một đơn vị CO2 có thể được thải ra. Do đó, các doanh nghiệp được phân bổ một lượng carbon cụ thể mà họ có thể thải ra hàng năm.

Nếu vượt quá giới hạn này, họ cần mua tín chỉ carbon hoặc đền bù carbon. Nếu không vượt quá giới hạn, họ có thể bán tín chỉ carbon chưa sử dụng hoặc các doanh nghiệp cần.

Các tổ chức, doanh nghiệp có thể hạn chế được lượng khí phát thải sẽ có thặng dư tín chỉ carbon. Doanh nghiệp có thể giữ lại để sử dụng trong tương lai hoặc đem bán trên thị trường carbon, miễn là tuân theo quy định của chính phủ.

Tín chỉ carbon giúp giảm thiểu lượng khí thải carbon đưa vào không khí, từ đó giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, như tăng nhiệt độ, mực nước biển tăng cao, và cảnh báo môi trường khắc nghiệt. Bằng cách này, tín chỉ carbon đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và sức khỏe của cộng đồng.

Tham gia vào thị trường tín chỉ carbon đòi hỏi các doanh nghiệp phải tìm kiếm các giải pháp sáng tạo để giảm thiểu khí thải. Điều này thúc đẩy sự phát triển của công nghệ xanh và tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp đầu tư và phát triển các công nghệ tiên tiến hơn, từ các nguồn năng lượng tái tạo đến công nghệ tiết kiệm năng lượng và hiệu suất cao.

Thu thập và phân tích dữ liệu về khí thải cung cấp cho doanh nghiệp góc nhìn rõ hơn về ảnh hưởng của họ đối với biến đổi khí hậu và môi trường. Dựa trên các báo cáo này, doanh nghiệp có thể đưa ra các biện pháp hiệu quả để giảm thiểu khí thải và tối ưu hóa quy trình sản xuất.

Tín chỉ carbon: Thu tiền thật từ việc bán không khí - 3

Tín chỉ carbon giúp giảm thiểu lượng khí thải carbon đưa vào không khí (Ảnh: International carbon registry).

Việc giảm thiểu lượng năng lượng tiêu thụ không chỉ giúp giảm bớt chi phí vận hành mà còn tăng cường lợi nhuận cho doanh nghiệp. Bằng cách sử dụng năng lượng hiệu quả hơn và tối ưu hóa quy trình sản xuất, doanh nghiệp có thể giảm bớt các chi phí liên quan đến năng lượng. Điều này không chỉ mang lại lợi ích ngay lập tức mà còn tạo ra một cơ sở vững chắc cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, thị trường tín chỉ carbon có thể góp phần thúc đẩy phát triển bền vững. Thị trường này tạo ra nguồn thu nhập mới cho các dự án và hoạt động giảm phát thải như trồng rừng, bảo vệ rừng, phát triển năng lượng tái tạo...

Qua đó, khuyến khích hợp tác quốc tế trong việc giải quyết biến đổi khí hậu. Các quốc gia có thể mua bán tín chỉ carbon với nhau, giúp các quốc gia đang phát triển có thêm nguồn lực để thực hiện các cam kết khí hậu của mình.

Thị trường carbon cũng tạo ra động lực kinh tế cho các doanh nghiệp giảm phát thải khí nhà kính. Doanh nghiệp có thể mua tín chỉ carbon từ các nguồn khác nếu họ vượt quá hạn ngạch phát thải được cấp. Điều này khuyến khích họ đầu tư vào các công nghệ sạch và hiệu quả hơn để giảm lượng khí thải.

Sở hữu tín chỉ carbon thể hiện cam kết của tổ chức đối với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Cũng giống như các thị trường đầu tư khác, tín chỉ carbon sẽ dựa trên những tiêu chuẩn và giúp mọi bên tham gia tìm hiểu, so sánh và cân nhắc đầu tư.

Sử dụng tín chỉ carbon là một cách để doanh nghiệp chứng minh sự cam kết của mình với bảo vệ môi trường. Khi thực hiện những cam kết này, doanh nghiệp sẽ thu hút sự yêu mến từ khách hàng, cộng đồng và các bên liên quan, từ đó tăng cường uy tín, gia tăng năng lực cạnh tranh trong ngành và trên thị trường.

Tiêu chuẩn tạo ra một môi trường đầu tư minh bạch và an toàn, thu hút vốn đầu tư vào các dự án bảo vệ và trồng rừng. Tiêu chuẩn thúc đẩy việc giảm phát thải khí nhà kính, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, một trong những thách thức lớn nhất của toàn cầu.

Bằng việc thúc đẩy sự chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo và sạch, tín chỉ carbon hỗ trợ trong việc giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và tạo ra một môi trường sống tốt đẹp hơn cho mọi người.