DBiz

Thấy gì từ việc Novaland đổi đơn vị kiểm toán sau "cú trượt" lợi nhuận?

Khổng Chiêm
Thấy gì từ việc Novaland đổi đơn vị kiểm toán sau "cú trượt" lợi nhuận?

Đổi đơn vị kiểm toán sau gần 10 năm đồng hành

Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland - mã chứng khoán: NVL) vừa công bố thay đổi đơn vị kiểm toán từ Công ty TNHH PwC (Việt Nam) sang Công ty TNHH Kiểm toán và Dịch vụ Tin học Moore AISC. Moore AISC sẽ thực hiện kiểm toán các báo cáo tài chính của Novaland trong năm tài chính 2024.

PwC là công ty kiểm toán thuộc nhóm Big4 (4 công ty kiểm toán lớn nhất thế giới), đã thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính cho Novaland kể từ năm 2015 đến nay, tức đã gần 10 năm.

Tuy nhiên, năm 2022-2023, trên báo cáo tài chính hợp nhất, PwC đều đưa ra vấn đề cần nhấn mạnh là một số yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Novaland. Các yếu tố được nhắc đến liên quan đến khả năng thanh toán và tái cấu trúc các khoản nợ vay, nợ trái phiếu của tập đoàn này cũng như các giải pháp tạo dòng tiền để tài trợ cho các hoạt động kinh doanh.

Gần đây nhất, Novaland cũng chậm công bố thông tin báo cáo tài chính soát xét nửa đầu năm 2024, dẫn đến bị đưa vào diện chứng khoán bị cảnh báo. Giải trình lý do, công ty cho biết số lượng hồ sơ, giao dịch chứng từ tăng cao nên các thủ tục kiểm toán, thu thập, đánh giá thông tin liên quan việc hoàn thành báo cáo soát xét của đơn vị kiểm toán (PwC) đòi hỏi nhiều thời gian hơn.

Trên báo cáo soát xét nửa đầu năm, lợi nhuận sau thuế của Novaland chuyển từ tự lập lãi 345 tỷ đồng sang lỗ 7.327 tỷ đồng. Giải trình nguyên nhân, Novaland cho biết lý do chủ yếu đến từ việc trích lập dự phòng tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và giảm lợi nhuận theo yêu cầu của đơn vị kiểm toán.

Cụ thể, công ty giảm lợi nhuận sau thuế 4.358 tỷ đồng do kiểm toán đề nghị trích lập dự phòng tiền thuê đất, tiền sử dụng đất phải nộp của dự án 30,1ha Nam Rạch Chiếc, TP Thủ Đức, TPHCM (dự án Lakeview City - chủ đầu tư là Công ty TNHH Phát triển Quốc tế Thế kỷ 21).

Một lý do khác khiến lợi nhuận sau soát xét giảm sâu, theo Novaland, là đơn vị kiểm toán đề nghị điều chỉnh giảm doanh thu hoạt động tài chính từ hoạt động cho vay, hợp tác kinh doanh 2.991 tỷ đồng và thu nhập khác 55 tỷ đồng từ phạt vi phạm hợp đồng phát sinh trong kỳ nhưng chưa thu được bằng tiền tại ngày 30/6. Các khoản này sẽ được ghi nhận khi hoàn tất thu tiền.

Còn lại, 268 tỷ đồng là khoản điều chỉnh giảm do trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho và điều chỉnh tăng giảm các khoản chi phí khác.

Trên báo cáo này, PwC tiếp tục chỉ ra nhiều vấn đề cho thấy sự tồn tại của các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Novaland.

Theo đó, tập đoàn có thể có khả năng không thực hiện thành công một trong nhiều kế hoạch, kết hợp với các sự kiện và điều kiện khác trong tương lai, có thể khiến doanh nghiệp không thể tiếp tục hoạt động liên tục. Vì vậy, tập đoàn có thể không thu hồi được giá trị tài sản và thanh toán được các khoản nợ phải trả của mình trong điều kiện kinh doanh bình thường.

Không đưa ra kết luận ngoại trừ nhưng PwC lưu ý người đọc khoản lỗ lũy kế 7.327 tỷ đồng và dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 4.127 tỷ đồng tại ngày 30/6. Ngoài ra tính đến 30/6, tập đoàn đã vi phạm một số cam kết liên quan đến các khoản vay và trái phiếu doanh nghiệp.

Thấy gì từ việc Novaland đổi đơn vị kiểm toán sau cú trượt lợi nhuận? - 1

Novaland đổi đơn vị kiểm toán trên báo cáo tài chính kiểm toán 2024 (Ảnh minh họa: NVL).

Nói về việc đổi đơn vị kiểm toán, thông tin website Novaland công bố rằng qua thực tế làm việc, tập đoàn đánh giá dịch vụ kiểm toán do PwC cung cấp trong thời gian qua không đáp ứng yêu cầu cần thiết để thực hiện và đảm bảo tiến độ kiểm toán, soát xét báo cáo tài chính theo quy định về công bố thông tin đối với công ty niêm yết.

Đồng thời, PwC cũng trực tiếp dẫn tới việc Novaland đã thực hiện chậm trễ nghĩa vụ công bố thông tin tại một số thời điểm trong năm 2023 và 2024. Novaland và PwC chưa thống nhất được tiến độ làm việc để phát hành báo cáo kiểm toán năm 2024 đúng quy định pháp luật.

Novaland nêu chọn đơn vị kiểm toán mới trên cơ sở đáp ứng nhiều tiêu chí: là đơn vị kiểm toán có uy tín; có năng lực, kinh nghiệm trong việc cung cấp dịch vụ kiểm toán cho các công ty bất động sản; không có mâu thuẫn về lợi ích khi cung cấp dịch vụ cho tập đoàn. Bên cạnh đó, tập đoàn của đại gia Bùi Thành Nhơn chọn đơn vị mới vì danh tiếng của đơn vị này. 

"Sức khỏe" Novaland trong thời gian gắn bó với PwC

Kể từ năm 2015 đến nay, khi PwC bắt đầu kiểm toán cho Novaland, tập đoàn này đã trải qua nhiều bước thăng trầm. Giai đoạn 2015-2016, doanh nghiệp có doanh thu dưới 10.000 tỷ đồng, lợi nhuận dưới 2.000 tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, từ năm 2017 đến 2022, doanh thu mỗi năm đến trên 10.000 tỷ đồng (trừ năm 2020), còn lợi nhuận đều từ 2.000 tỷ đồng trở lên, thậm chí năm 2020 còn đạt 3.906 tỷ đồng.

Từ năm 2023 đến nay, cả doanh thu và lợi nhuận đều sụt giảm. Thậm chí trong 9 tháng đầu năm, Novaland đã lỗ 4.377 tỷ đồng. Khoản lỗ này đã bào mòn phần lợi nhuận tích lũy của doanh nghiệp. Tính tại ngày 30/9, Novaland còn lãi lũy kế hơn 9.361 tỷ đồng, giảm 31% so với cuối năm trước.

Novaland sau chừng đó năm cũng liên tục gia tăng quy mô tài sản. Nếu năm 2015, tổng tài sản của doanh nghiệp chỉ đạt gần 16.093 tỷ đồng thì đến ngày 30/9, số này đã gấp 14 lần, lên hơn 232.029 tỷ đồng. Novaland cũng thuộc top doanh nghiệp đầu ngành có tổng tài sản lớn trên sàn chứng khoán.

Đi liền với gia tăng quy mô tài sản, hàng tồn kho của Novaland cũng tăng mạnh, khi doanh nghiệp liên tiếp mở rộng quy mô, đầu tư nhiều đại đô thị lớn ở nhiều tỉnh, thành khác nhau. Tại ngày 30/9, giá trị tồn kho là 145.006 tỷ đồng, gấp 20 lần so với cuối năm 2015. Novaland có tồn kho chiếm 62% tổng tài sản, khi nhận ở nhiều dự án bất động sản đang xây dựng, một số khác ở dự án đã hoàn thành.

Cùng với quá trình phình to của hàng tồn kho, nợ vay của Novaland cũng tăng dần. Tại ngày 30/9, doanh nghiệp có nợ vay tài chính 59.836 tỷ đồng, vượt vốn chủ sở hữu và gấp 7,5 lần so với năm 2015. Trong đó, nợ vay tài chính ngắn hạn chiếm 63%; nợ vay trái phiếu là 38.881 tỷ đồng, phần lớn là trái phiếu ngắn hạn.

Trước áp lực đáo hạn trái phiếu, Novaland đã nhiều lần đạt thỏa thuận tái cấu trúc trái phiếu, kéo dài kỳ hạn thanh toán với trái chủ hoặc hoán đổi nợ bằng tài sản...