DMagazine

"Sự khác nhau giữa tư bản thân hữu và tư bản dân tộc là tinh thần dân tộc"

(Dân trí) - Theo ông Phạm Hà, Chủ tịch kiêm CEO Lux Group, kinh doanh là chính đạo cuộc đời và doanh nhân cần đạt được thành công trên thương trường bằng sự tử tế và cái tâm.

Doanh nhân Phạm Hà: "Sự khác nhau giữa tư bản thân hữu và tư bản dân tộc là tinh thần dân tộc"

Doanh nghiệp của ông Phạm Hà thuộc lĩnh vực lữ hành và sở hữu các du thuyền 5 sao. Trong cuộc trò chuyện với Dân trí, ông Phạm Hà thường xuyên nhấn mạnh đến sự tử tế trong kinh doanh. 

Sai mà không biết sửa, biết luật mà vẫn cố làm sai để vụ lợi thì có kết quả xấu

Những năm qua, nhất là năm 2022 chứng kiến sự vi phạm pháp luật của nhiều doanh nhân. Nhìn thẳng thắn thì họ chắc chắn làm sai luật song cũng không ít ý kiến cho rằng ở nước ta ranh giới đúng sai đôi khi không rõ ràng, các văn bản dưới luật cao hơn luật, dẫn đến tình trạng "sai vẫn phải làm". Góc nhìn của ông ra sao?

- Thể chế tạo ra con người, con người nào thì cơ chế ấy, cơ chế do con người tạo ra. Nếu luật không phục vụ lợi ích xã hội mà chỉ phục vụ một nhóm người thì luật không nghiêm và dẫn đến cơ chế "xin - cho". Đã là luật thì không cần văn bản dưới luật, có lẽ chúng ta nên thay đổi thực trạng này.

Xã hội chỉ phát triển được khi mọi người làm kinh doanh đều phải thượng tôn pháp luật, đúng luật và luật đúng. Thế hệ doanh nhân như chúng tôi cũng già nửa đời người rồi, lớn lên sau ngày đất nước được thống nhất, được ăn học đàng hoàng và tiếp thu nhiều cái mới, nên chúng tôi luôn mong muốn kinh doanh tử tế, đúng luật. Sai mà không biết sửa, biết luật mà vẫn cố làm sai để vụ lợi thì có kết quả xấu.

Thuộc thế hệ doanh nhân sinh ra khi đất nước bắt đầu thống nhất, ông nghĩ gì về sự tự do, trong nghĩa rộng nhất của khái niệm này?

- Khái niệm tự do không chung định nghĩa và giống nhau giữa các quốc gia, thể chế và mỗi con người. Một số điều về tự do được hiến định như tự do tư tưởng, tôn giáo, tự do biểu đạt, tự do báo chí… Con người phải thượng tôn pháp luật thì xã hội mới đạt được sự văn minh.

Tự do là biết quy luật và hành động theo quy luật. Cá nhân tôi cho mình là tự do và hạnh phúc vì được làm điều mình thích và thích điều mình làm, tự hào về điều mình làm. Kinh doanh là chính đạo cuộc đời và doanh nhân cần đạt được thành công bằng sự tử tế và hạnh phúc.

Sự khác nhau giữa tư bản thân hữu và tư bản dân tộc là tinh thần dân tộc - 1
Sự khác nhau giữa tư bản thân hữu và tư bản dân tộc chính là tinh thần dân tộc. Tinh thần quý tộc thành tín, đạo nghĩa và trách nhiệm.
Doanh nhân Phạm Hà

Ông được coi là truyền nhân của vị doanh nhân dân tộc, "vua" tàu thủy Bạch Thái Bưởi. Nghiên cứu sâu về cuộc đời cụ khiến ông rút ra được điều gì lớn lao về việc kinh doanh tử tế?

- Có câu "Nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Bưởi". Cụ Bạch Thái Bưởi chỉ xếp thứ 4 nhưng lưu danh và học sinh được học về cụ, đạo kinh doanh, thành công và hạnh phúc, để lại nhiều bài học hay về kinh doanh. Kinh doanh ở cụ chính là giúp đồng bào, phụng sự đồng bào, tạo thế và lực cho lớp doanh nhân đủ mạnh, tự tôn dân tộc, mang tầm quốc gia dân tộc, dân quốc phú cường giành độc lập, cạnh tranh sòng phẳng và thắng người Hoa có tiền và người Pháp có quyền hồi đầu thế kỷ 20.

Sự khác nhau giữa tư bản thân hữu và tư bản dân tộc chính là tinh thần dân tộc. Tinh thần quý tộc thành tín, đạo nghĩa và trách nhiệm. Cụ tử tế với chính mình, người nhà, người làm, đồng nghiệp và đồng bào. Cụ Bạch Thái Bưởi kinh doanh bằng sự tử tế, có tầm nhìn, sứ mệnh cao cả, giao thương hàng hóa và tự do đi lại cho người Việt, lấy khách hàng làm trung tâm, phục vụ từ tâm với chính đồng bào mình. Như vậy triết lý kinh doanh của cụ rất bền vững và trường tồn, xứng đáng để lớp doanh nhân hậu bối ngày nay học hỏi.

Cầm tinh con Mèo, năm nay cũng là năm Quý Mão, ông nhìn nhận ra sao về sự tinh khôn và lanh lợi của con vật này? Trong kinh doanh, đặc biệt với đặc thù của môi trường kinh doanh nước ta, sự tinh nhanh, thậm chí trong một số trường hợp đôi khi là cả sự khôn lỏi, có phải là tố chất cần phải có của người làm kinh doanh?

- Trong 12 con giáp Việt Nam ta có con mèo, Trung Quốc có con thỏ, nhiều bạn tôi là người Hoa cũng rất nhanh nhạy, linh hoạt uyển chuyển trong cuộc sống và công việc.

Không biết cầm tinh con mèo thì thế nào nhưng tôi luôn cố gắng chính trực, tập trung, linh hoạt cũng như thường xuyên đổi mới sáng tạo. Tôi cũng kiên định, kinh doanh cũng phải có đạo kinh doanh, có tầm nhìn, sứ mệnh giá trị cốt lõi mới dẫn đường tới thành công và hạnh phúc. Tầm nhìn của mình ở đâu thì tương lai ở đó.

Môi trường kinh doanh Việt Nam dần ổn định, có khung pháp lý, tuy nhiên cũng chưa hẳn giống nhau ở các nơi, giữa cấp trung ương và địa phương. Nhiều lĩnh vực chưa có trong luật và còn rất mới như lĩnh vực kinh doanh du thuyền, vật liệu, cảng... quy chuẩn chưa có nên cũng khó cho doanh nghiệp.

Những người làm kinh doanh như chúng tôi phải tư duy toàn cầu và hoạt động địa phương sao cho phù hợp. Thật sự có nhiều lúc tôi cũng gặp phải rất nhiều thách thức, đau đầu với câu hỏi nên làm đúng theo luật hay "lách" một chút thì có thể công việc sẽ thuận lợi hơn? Tuy nhiên, ý nghĩ đó chỉ thoáng qua mà thôi, bởi vì tôi quan niệm đã kinh doanh là phải tử tế.

Chúng tôi chỉ có một ông chủ, ông chủ này trả lương, thưởng và có thể đuổi việc bất kỳ ai

Trong ngành du lịch, tử tế cũng là cần thiết. Chúng ta gần như chưa giải quyết tận gốc rễ nạn "chặt chém" du khách quốc tế. Thực tế, có lần tôi chứng kiến khách nước ngoài vào một quán ăn ở Hà Nội thì chủ nói giá cao hơn hẳn khách bản địa. Hay như lái xe taxi "chém" khách tây tới 500.000 đồng cho một cuốc xe chỉ 2-3km. Theo ông thì cần làm gì để chấm dứt những hành động làm xấu xí hình ảnh du lịch Việt Nam này?  

- Khi xã hội còn nhiều vấn đề cần giải quyết thì sự tử tế là xa xỉ. Du lịch, suy cho cùng, là điểm đến, trải nghiệm và ký ức. Khi bị lừa đảo và có trải nghiệm tệ, khách sẽ không đến nữa và truyền tai lại cho 12 người khách tiềm năng. Vậy chúng ta có lợi hay có hại? Liệu những người làm du lịch "chặt chém" như vậy có hiểu được thế nào là "lợi bất cập hại" không?

Sự khác nhau giữa tư bản thân hữu và tư bản dân tộc là tinh thần dân tộc - 2

Ông Hà cho rằng, Chính phủ cần coi du lịch là một ngành kinh tế, từ đó ban hành những chính sách phát triển bền vững (Ảnh: Ngô Linh).

Sự tử tế cũng đến từ giáo dục. Nó là máy cái của xã hội. Con người cần đối xử tốt với đồng bào mình, biết yêu thương bản thân, gia đình cộng đồng, biết yêu thương thấu cảm, chấp nhận sự khác biệt thì mới biết phục vụ người khách, không lừa lọc người khác. Kinh doanh phải cùng thắng lợi mình, lợi nhân viên và lợi khách hàng, cùng nhau "win-win" thì mới bền lâu.

"Chém" ví tiền của du khách được một lần sẽ không có lần thứ 2 và mất 12 khách hàng tiềm năng. Mỗi doanh nghiệp kinh doanh tử tế, mỗi người đều tử tế, xã hội sẽ văn minh và phát triển, vui lòng khách đến vừa lòng khách đi. Chúng tôi luôn tâm niệm kinh doanh bền vững, tuyên bố quyền khách hàng được 100% sự thỏa mãn nếu không hoàn tiền. Chúng tôi chỉ có một ông chủ thôi, đó là Khách Hàng - người trả lương, trả thưởng và có thể đuổi việc bất kỳ ai trong công ty.

Có lẽ đến lúc phải có sự phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương, các hiệp hội liên quan đến du lịch, chủ trì là Cục Du lịch thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhằm thực hiện một chiến dịch có thể tạm gọi là "làm sạch du lịch". Chúng ta cần chung tay dọn dẹp những thứ độc hại, "rác rưởi" như vấn nạn dai dẳng "chặt chém" du khách quốc tế, cạnh tranh bẩn, kinh doanh thiếu lành mạnh trong ngành công nghiệp không khói này. Theo ông điều này phải được giải quyết ra sao?

- Trước hết, về mặt tư duy chiến lược, Chính phủ cần coi du lịch là một ngành kinh tế, từ đó ban hành những chính sách phát triển bền vững. Chúng ta cần coi sự thỏa mãn của khách hàng làm trọng tâm và đặt họ làm trung tâm.

Con người làm du lịch cũng phải được đào tạo có đủ năng lực thái độ, kỹ năng và sự hiểu biết. Nâng cao truyền thông giáo dục để xã hội nhận thức về kinh tế du lịch và kinh doanh tử tế khách mới đến rồi quay lại, thay vì một đi không trở lại như báo chí đã phản ánh nhiều lần.

Có một thực tế "khổ lắm nói mãi", đó là du lịch Việt Nam không thể cạnh tranh với Thái Lan về cách làm kinh doanh du lịch chuyên nghiệp và tử tế. Chả lẽ người dân nước ta không làm nổi những việc đơn giản như ngừng đeo bám du khách ép họ mua hàng lưu niệm, hay bán đúng giá sản phẩm cho người nước ngoài hay sao, thưa ông?

- Có lẽ Việt Nam nên học Thái Lan cách làm du lịch, toàn dân làm du lịch, tất cả cho du lịch. Người Thái Lan, phải công nhận một cách nghiêm túc là làm du lịch bền vững, có bản sắc, khách đến nhiều lần tiêu tiền nhiều hơn, ai cũng được vui vì hưởng lợi.

Thái Lan có chiến lược phục hồi hậu Covid-19, nhưng nước ta thì không. Dịch Covid-19 làm chúng ta chậm lại, nên coi đây là cơ hội suy nghĩ lại, định vị lại, xem lại và đi chậm lại nhưng chắc và bền hơn. Muốn cạnh tranh du lịch với họ hãy bắt đầu tự sửa mình từ những việc làm nhỏ nhất, như anh đã nêu ra rất trúng ở câu hỏi này.

Xin cảm ơn ông!

Nội dung: Thành Trung

Ảnh: NVCC