DNews

Rót tiền vào kênh đầu tư nào dịp cuối năm?

Thảo Thu

(Dân trí) - Gần 7.000 độc giả tham gia khảo sát của báo Dân trí về kênh đầu tư ưu tiên dịp cuối năm. Phần đông người đầu tư coi vàng là kênh hấp dẫn.

Rót tiền vào kênh đầu tư nào dịp cuối năm?

Cùng thời điểm này năm trước, lãi suất ở mức cao ngất ngưởng, có ngân hàng trả lãi trên 10-11%/năm. Chưa kể, không ít ngân hàng vẫn "vượt rào", sẵn sàng trả thêm cho người gửi tiền nếu là khách quen, VIP…

Các khoản tiền gửi với lãi suất cao sau một năm đã đến lúc đáo hạn, song lãi suất lại xuống thấp kỷ lục trong những tháng cuối năm. Nhà đầu tư đang phân vân rót tiền vào đâu dịp này. Các kênh chứng khoán hay bất động sản - vốn "lên ngôi" trong giai đoạn dịch Covid-19 - hiện đã không còn là lựa chọn hấp dẫn số một với các nhà đầu tư trước những yếu tố bất định của vĩ mô.

Báo Dân trí thực hiện khảo sát với gần 7.000 độc giả về kênh đầu tư ưu tiên dịp cuối năm. Kênh đầu tư được lựa chọn nhiều nhất gây bất ngờ.

Vàng (48%)

48% độc giả tham gia bình chọn cho rằng vàng là kênh đầu tư ưu tiên dịp cuối năm.

Phiên giao dịch đầu tiên của năm nay, giá vàng miếng SJC được các cửa hàng lớn niêm yết ở mức 66-66,7 triệu đồng/lượng (mua - bán). Hiện tại, vàng được niêm yết trong vùng giá 71-72 triệu đồng/lượng (mua - bán), tức tăng 5 triệu đồng, khoảng 7,5%. Trừ đi chênh lệch 2 chiều mua - bán, nhà đầu tư vàng có thể lãi hơn 4 triệu đồng, tức tỷ suất sinh lời khoảng 6%.

Vàng trong nước cũng nhiều lần nổi "sóng" từ đầu năm. Tuy nhiên, mức cao nhất từng ghi nhận là khoảng 72,2 triệu đồng/lượng ở chiều bán. Mức giá kỷ lục được ghi nhận của kim loại quý này là 74,4 triệu đồng/lượng vào tháng 3 năm ngoái.

Rót tiền vào kênh đầu tư nào dịp cuối năm? - 1

Vàng là một trong những kênh đầu tư được ưa chuộng (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Thực tế, khi bàn đến việc đa dạng hóa danh mục đầu tư, vàng thường được nhắc đến như một tài sản phòng thủ tốt. Nhiều nhà đầu tư đổ xô vào kim loại quý này trong thời kỳ kinh tế bất ổn. Không giống như cổ phiếu hoặc trái phiếu, vàng được cho là sẽ giữ giá trị ở hầu hết mọi nền kinh tế.

Tuy nhiên, giống như bất kỳ khoản đầu tư nào, hiệu suất đầu tư của vàng có thể dao động theo thời gian. Nhà đầu tư có thể thường xuyên xem xét việc nắm giữ vàng và tái cân bằng danh mục để đảm bảo chiến lược đầu tư vẫn phù hợp với mục tiêu của bản thân.

Nếu tỷ lệ vàng trong danh mục đầu tư quá lớn do giá tăng, việc tái cân bằng có thể giúp nhà đầu tư quản lý rủi ro và duy trì danh mục đa dạng. Không ít chuyên gia đưa ra con số nắm giữ 5-20% danh mục đầu tư cá nhân bằng vàng.

Gửi tiết kiệm (21%)

Xu hướng giảm lãi suất bắt đầu từ tháng 4 năm nay, sau khi Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành 4 lần liên tiếp, trong đó có 3 lần giảm trần lãi suất huy động. Ngược chiều với xu hướng thắt chặt tiền tệ của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và nhiều nước khác trên thế giới, Phó thống đốc Đào Minh Tú nói: "Ngân hàng Nhà nước muốn truyền thông điệp giảm lãi suất".

Lãi suất tối đa mà các ngân hàng thương mại được phép huy động cho khoản tiền gửi dưới 6 tháng giảm từ 6% xuống còn 4,75%/năm.

Điều này kéo theo mặt bằng lãi suất tiết kiệm giảm về dưới 6%/năm tại hầu hết nhà băng.

Chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân Nguyễn Thị Thùy Chi đưa ra lời khuyên, nếu thu nhập hiện tại của bạn đã đủ để chi trả các chi phí hàng tháng, bạn không nên chỉ đầu tư vào các lớp tài sản tạo ra dòng tiền. Chẳng hạn, nếu chỉ đem đi gửi tiết kiệm, dòng tiền này sẽ bị "bào mòn" bởi lạm phát và ảnh hưởng đến hiệu suất đầu tư.

"Lãi suất tiết kiệm hiện đã không còn hấp dẫn, tuy nhiên, một phần tỷ trọng vẫn nên để vào lớp tài sản này để danh mục của bạn cân bằng về thanh khoản và tối ưu về rủi ro", chuyên gia tư vấn.

Bất động sản (14%)

Trong bối cảnh lãi suất ngân hàng thấp, không ít nhà đầu tư chuyển hướng rót vốn vào bất động sản với kỳ vọng về bảo toàn dòng vốn, sinh lời. Với kênh bình chọn của báo Dân trí, 14% độc giả tham gia khảo sát ưu tiên kênh bất động sản.

Theo bà Nguyễn Hoài An - Giám đốc cấp cao chi nhánh Hà Nội của CBRE Việt Nam - khi đầu tư bất động sản, mỗi nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro khác nhau và cũng tùy vào thời điểm thị trường để lựa chọn phân khúc hợp lý.

Nhà đầu tư thường mong muốn khả năng tăng giá nhanh nhất trong thời gian ngắn nhất. Tuy nhiên, theo chuyên gia, thị trường hiện nay không nhiều cơ hội như vậy và nếu có, cũng sẽ chứa nhiều rủi ro.

Rót tiền vào kênh đầu tư nào dịp cuối năm? - 2

Thị trường bất động sản tại Hà Nội (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Ông Võ Hồng Thắng - Giám đốc thị trường DKRA Group - cho biết, các chính sách bán hàng, quà tặng, chiết khấu thanh toán hấp dẫn, linh hoạt đang được nhiều chủ đầu tư áp dụng mạnh tay hơn để tăng cường tiếp cận khách hàng tiềm năng. Đây là cơ hội cho những người đang có tiền mặt muốn sở hữu một bất động sản có giá hợp lý và pháp lý hoàn thiện.

Chứng khoán (11%)

Chứng khoán từng là kênh đầu tư "vua" giai đoạn dịch Covid-19. Vượt ngoài dự đoán của giới phân tích, VN-Index năm 2021 tăng 35,7%, nằm trong nhóm chỉ số chứng khoán đi lên mạnh nhất thế giới.

Năm 2022 thị trường lại nhiều biến động, khi VN-Index giảm 32,78% từ vùng giá gần 1.500 điểm xuống 1.007 điểm. Vốn hóa thị trường cũng mất hơn 31%, từ 5,83 triệu tỷ đồng xuống 4,02 triệu tỷ đồng, đứt chuỗi tăng về quy mô kéo dài từ năm 2011.

Sau "cơn ác mộng" năm 2022, các nhà đầu tư thua lỗ kỳ vọng sẽ lấy lại những gì đã mất sau khi rút ra nhiều bài học. Nhiều câu hỏi được đặt ra về việc tài sản cần phân bổ thế nào, các ngành nào nên ưu tiên hoặc tránh xa, và đâu là những biến số cần theo dõi.

Bà Đỗ Hồng Vân - Trưởng nhóm phân tích dữ liệu chứng khoán của FiinGroup - cho biết định giá P/E - hệ số giá trên lợi nhuận cổ phiếu - hiện ở mức 13,1 lần, thấp hơn trung bình giai đoạn từ 2015 đến nay và cho biết có nhiều nhận định cho rằng định giá thị trường đang ở mức rất hấp dẫn.

Tuy nhiên, bà Vân cho rằng nhà đầu tư cần nhìn sâu hơn từng lớp ngành, lớp cổ phiếu bên trong để đánh giá định giá thực sự của thị trường. Bởi nếu trừ ra 2 nhóm tài chính và bất động sản, P/E hiện khoảng 23,5 lần - trong vùng đỉnh giá lịch sử của thị trường và thậm chí cao hơn định giá khi VN-Index vượt mốc 1.500 điểm.

Chuyên gia từ công ty chuyên cung cấp các dịch vụ phân tích dữ liệu tài chính khuyên nhà đầu tư cần tập trung vào các cổ phiếu có triển vọng tăng trưởng kết quả kinh doanh tốt để tránh rủi ro phải trả giá cho các kỳ vọng lợi nhuận quá đà. Đơn vị này đưa ra một số nhóm ngành khả quan gồm công nghệ thông tin, thủy sản, may mặc, thép, dầu khí, hóa chất, bất động sản khu công nghiệp…

Trái phiếu (2%)

Ông Trần Lê Minh - Tổng giám đốc VIS Rating - đơn vị chuyên về xếp hạng tín nhiệm - nói 2022-2023 là thời kỳ thị trường trái phiếu "giảm tốc".

Cụ thể, năm nay là thời kỳ thị trường trái phiếu điều chỉnh sau giai đoạn phát triển nhanh trong một thời gian dài. "Năm ngoái, những gì chúng ta thấy là cú sốc về thanh khoản trong thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Điều này đã tạo ra nhiều vấn đề cho các nhà phát hành, dẫn đến xu hướng lãi và gốc trái phiếu không được thanh toán đúng hạn", ông Minh nói.

Rót tiền vào kênh đầu tư nào dịp cuối năm? - 3

Tổng giá trị mệnh giá trái phiếu đang lưu hành (Ảnh: VIS Rating).

Thời gian qua, Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp còn dư nợ trái phiếu có trách nhiệm với nghĩa vụ nợ, cân đối dòng tiền để thanh toán đúng hạn. Các công ty gặp khó khăn có thể căn cứ Nghị định 08 để đàm phán với nhà đầu tư hoán đổi nợ bằng tài sản hợp pháp hoặc thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu. Với trường hợp gia hạn trái phiếu, thời gian tối đa không quá 2 năm.

Ông Nguyễn Hoàng Dương - Phó vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính) - khuyến nghị nhà đầu tư phải đánh giá được rủi ro, tiếp cận đầy đủ thông tin doanh nghiệp và trái phiếu phát hành.

"Nhà đầu tư cần thận trọng với các dịch vụ tư vấn, phân biệt giữa trái phiếu doanh nghiệp và tiền gửi ngân hàng. Phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mới được mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ", ông Dương lưu ý.

Đại diện Bộ Tài chính nói nhà đầu tư cần hiểu rủi ro của trái phiếu là gắn với doanh nghiệp phát hành, không liên quan đến tổ chức phân phối, như các ngân hàng thương mại. Nhà đầu tư trước khi mua trái phiếu phải ký cam kết về tiếp cận thông tin, còn các tổ chức cung cấp dịch vụ hoặc bên bán phải xác nhận cung cấp tài liệu liên quan cho nhà đầu tư.

Kênh khác: Tiền số, chứng chỉ quỹ… (2%)

Chứng chỉ quỹ là loại chứng khoán xác nhận quyền sở hữu của nhà đầu tư đối với một phần vốn góp của quỹ đầu tư chứng khoán, mệnh giá chào bán ra công chúng là 10.000 đồng. Đây cũng được coi là bằng chứng xác nhận quyền sở hữu, quyền lợi, trách nhiệm của nhà đầu tư với phần góp vốn của mình.

Ông Huỳnh Hoàng Phương - Giám đốc Nghiên cứu và phân tích đầu tư của FIDT - đơn vị chuyên về quản lý gia sản - nhận định đầu tư góp vốn vào các quỹ đầu tư thông qua mua chứng chỉ quỹ chưa được đón nhận rộng rãi tại Việt Nam.

Nguyên nhân là đa phần mọi người thấy xa lạ với các lớp tài sản mới, đặc biệt là tài sản vô hình. Chưa kể, thị trường chứng chỉ quỹ tại Việt Nam chưa đa dạng và ngành tài chính cá nhân chưa phát triển, mới trong giai đoạn hình thành.

Rót tiền vào kênh đầu tư nào dịp cuối năm? - 4

Chứng chỉ quỹ là loại hình đầu tư an toàn (Ảnh minh họa: Mỹ Tâm).

Về tiền số, thị trường này tăng mạnh giai đoạn 2021, có lúc đạt vốn hóa 3.000 tỷ USD khi giá Bitcoin tăng kỷ lục, kéo theo cơn sốt NFT, meme coin, metaverse… Nhiều người trẻ coi tiền số là một trong những con đường ít ỏi để làm giàu.

Tuy nhiên, mùa đông tiền số năm 2022 khiến vốn hóa thị trường này bốc hơi 1.000 tỷ USD và làm nhiều nhà đầu tư sợ hãi. Đây cũng có thể coi là một trong những lý do khiến nhà đầu tư e ngại kênh này.

Gần đây, Bitcoin - đồng tiền số nổi tiếng nhất và thường mang tính dẫn dắt thị trường này - hiện ở vùng giá cao nhất từ tháng 5/2022. Phiên ngày 25/11, có thời điểm giá Bitcoin vượt 38.000 USD, trước mong đợi của nhà đầu tư về sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) với quỹ hoán đổi danh mục (ETF) Bitcoin giao ngay.

Việc quỹ ETF BTC có thể được phê duyệt (dự kiến tháng 1/2024) được cho là có thể sẽ tạo ra đợt biến động mới đối với thị trường tiền số.