DNews

Rót tiền vào đâu nửa cuối năm: Vàng, chứng khoán, gửi tiết kiệm hay đất?

Thảo Thu

(Dân trí) - Với nhà đầu tư không chuyên và vốn ít, vàng, chứng khoán đang là kênh đầu tư truyền thống mang lại hiệu suất sinh lời vượt trội so với gửi tiết kiệm, USD…

Rót tiền vào đâu nửa cuối năm: Vàng, chứng khoán, gửi tiết kiệm hay đất?

Lựa chọn kênh đầu tư hiệu quả trong bối cảnh kinh tế Việt Nam và thế giới tiềm ẩn nhiều biến số là bài toán khó với nhà đầu tư. Nửa năm trôi qua là thời điểm không ít nhà đầu tư muốn cân bằng lại danh mục đầu tư hiệu quả. Điều này còn tùy vào mức độ chấp nhận rủi ro cũng như tình hình phân bổ nguồn vốn của từng người.

Với các kênh đầu tư truyền thống, nhà đầu tư có nhiều lựa chọn song câu hỏi đặt ra là đâu mới là lựa chọn hấp dẫn trước những yếu tố bất định của vĩ mô.

Vàng

Phiên giao dịch đầu tiên năm nay, giá vàng miếng SJC được các cửa hàng lớn niêm yết ở mức 71-74 triệu đồng/lượng (mua - bán). Hiện tại, vàng được niêm yết trong vùng giá 74,98-76,98 triệu đồng/lượng (mua - bán).

Trừ đi chênh lệch 2 chiều mua - bán, nhà đầu tư vàng lãi gần 1 triệu đồng nếu mua vàng từ đầu năm và nắm giữ trong 6 tháng.

Trước đó, những tháng đầu năm, vàng trở thành kênh đầu tư có tỷ suất sinh lời vượt xa gửi tiết kiệm ngân hàng, chứng khoán… Phiên 10/5, giá vàng miếng SJC có thời điểm lên tới 92,5 triệu đồng/lượng.

Đà tăng của kim loại quý được thúc đẩy với nhiều yếu tố, từ nguồn cung eo hẹp của thị trường trong nước, nhu cầu tăng lên trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm giảm cho tới sự cộng hưởng với giá thế giới khi thị trường quốc tế có nhiều phiên lập kỷ lục.

Tuy nhiên, sau hàng loạt động thái của Ngân hàng Nhà nước như tổ chức đấu thầu vàng, giao các ngân hàng thương mại Nhà nước cùng bán vàng…, giá vàng đã "đổ đèo" và khiến tỷ suất sinh lời giảm mạnh.

Kênh vàng nhẫn hấp dẫn hơn, từ mức 62,95 triệu đồng/lượng bán ra cuối năm 2023, hiện được giao dịch ở 74,5 triệu đồng/lượng chiều mua vào. Vàng nhẫn có 3 đợt tạo "sóng" từ đầu năm và xác nhận nhiều phiên lập kỷ lục. Mức cao nhất của mặt hàng này là 77,45 triệu đồng/lượng.

Thực tế, giá vàng nhẫn bắt đầu tăng nhanh từ cuối tháng 10 năm ngoái. Mặt hàng này cùng hàm lượng và nguyên chất như vàng miếng SJC, song không bị gắn mác "độc quyền" bởi Nhà nước thông qua thương hiệu SJC.

Hiện giá vàng thế giới quy đổi theo tỷ giá chưa bao gồm thuế, phí thấp hơn giá vàng miếng khoảng 3,7-4,5 triệu đồng/lượng và vàng nhẫn là 3-4 triệu đồng/lượng, tùy thời điểm. Trước đó, chênh lệch giữa vàng trong nước và thế giới từng lên tới 16-20 triệu đồng/lượng.

Rót tiền vào đâu nửa cuối năm: Vàng, chứng khoán, gửi tiết kiệm hay đất? - 1

Vàng miếng có hiệu suất sinh lời thấp hơn vàng nhẫn (Ảnh: Mạnh Quân).

Ông Nguyễn Thế Hùng - chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư và kinh doanh vàng - đưa ra lời khuyên chỉ mua vàng như một tài sản cất giữ, đảm bảo giá trị chứ không đầu cơ, kiếm lời ngắn hạn. Đồng thời, nhà đầu tư cần tránh tâm lý đám đông, "đu đỉnh" nếu không muốn mất tiền. "Đầu tư vàng cần có kiến thức", chuyên gia khẳng định.

Khi bàn đến việc đa dạng hóa danh mục đầu tư, vàng thường được nhắc đến như một tài sản phòng thủ tốt. Nhiều nhà đầu tư đổ xô vào kim loại quý này trong thời kỳ kinh tế bất ổn. Không giống như cổ phiếu hoặc trái phiếu, vàng được cho là sẽ giữ giá trị ở hầu hết mọi nền kinh tế.

Tuy nhiên, giống như bất kỳ khoản đầu tư nào, hiệu suất đầu tư của vàng có thể dao động theo thời gian. Nhà đầu tư được khuyên thường xuyên xem xét việc nắm giữ vàng và tái cân bằng danh mục để đảm bảo chiến lược đầu tư vẫn phù hợp với mục tiêu của bản thân.

Nếu tỷ lệ vàng trong danh mục đầu tư quá lớn do giá tăng, việc tái cân bằng có thể giúp nhà đầu tư quản lý rủi ro và duy trì danh mục đa dạng. Không ít chuyên gia đưa ra con số nắm giữ 5-20% danh mục đầu tư cá nhân bằng vàng.

Chứng khoán

Chứng khoán là kênh thường được nhắc tới trong bối cảnh lãi suất thấp. Việc rót tiền vào chứng khoán giúp nhà đầu tư tối ưu hóa dòng tiền, tăng thêm thu nhập... Đây từng là kênh đầu tư "vua" giai đoạn dịch Covid-19 trước khi dần kém hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư.

6 tháng vừa qua, chứng khoán vẫn là kênh hút dòng tiền với tỷ suất sinh lời ở mức tốt. Thị trường khép lại nửa đầu với nhiều biến động mạnh nhưng xu hướng đi lên vẫn là chủ đạo. Sau nhịp điều chỉnh sâu hồi tháng 4, thị trường đã đảo chiều hồi phục mạnh mẽ. VN-Index leo lên trên 1.300 điểm, cao nhất trong vòng 2 năm, trước khi quay đầu điều chỉnh trong nửa cuối tháng 6.

Tính từ đầu năm, VN-Index tăng khoảng 13%. Từ mức 1.130 điểm hồi cuối năm ngoái, VN-Index hiện quanh 1.280-1.285 điểm.

Nửa đầu năm cũng chứng kiến mốc quan trọng của thị trường chứng khoán khi số lượng tài khoản đã vượt mốc 8 triệu, cao kỷ lục. Trong đó, phần lớn là tài khoản của nhà đầu tư cá nhân.

Rót tiền vào đâu nửa cuối năm: Vàng, chứng khoán, gửi tiết kiệm hay đất? - 2

Thị trường khép lại nửa đầu với nhiều biến động mạnh nhưng xu hướng đi lên vẫn là chủ đạo (Ảnh: Đăng Đức).

Chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân - quản lý gia sản Ngô Thành Huấn nhận định "chứng khoán sẽ được hưởng lợi nhất bởi đây là thị trường của sự kỳ vọng". Ông Huấn ví thị trường chứng khoán như một chiếc lò xo nhạy. Theo ông, thị trường chứng khoán đi trước nền kinh tế từ 3-6 tháng, chi phí cơ hội lớn. Đây cũng là kênh đầu tư có biên độ lớn.

Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lưu ý cổ phiếu là hình thức đầu tư rủi ro lớn hơn nhiều so với gửi tiết kiệm hay vàng. Mức hiệu suất sinh lời của kênh này, tùy thuộc vào từng ngành, từng cổ phiếu, thời điểm mua bán và chiến lược của từng nhà đầu tư cá nhân. Nhà đầu tư cần tập trung vào các cổ phiếu có triển vọng tăng trưởng kết quả kinh doanh tốt để tránh rủi ro phải trả giá cho các kỳ vọng lợi nhuận quá đà.

Nhìn về nửa cuối năm, Các chuyên gia đến từ Chứng khoán SSI nghiêng về kịch bản thị trường tiếp tục xu hướng tăng trưởng, dù các biến số rủi ro vẫn còn hiện diện và có thể khiến thị trường biến động.

Chỉ số P/E - đánh giá mối quan hệ giữa giá thị trường của cổ phiếu với thu nhập trên một cổ phiếu - ước tính năm 2024 của VN-Index hiện ở mức 11,5 lần, thấp hơn mức trung bình 5 năm là 13,4 lần. Các chuyên gia tại Chứng khoán SSI tin rằng, với mức định giá này thì "cửa tăng" của VN-Index vẫn sáng trong nửa cuối năm và sang năm 2025, nhất là khi tình hình kinh tế tiếp tục quá trình hồi phục.

Mới đây, Bộ Tài chính cũng cho biết cơ quan quản lý, nhà thầu KRX và thành viên thị trường gấp rút chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật, hoàn thiện các văn bản pháp lý; xây dựng kế hoạch chuyển đổi và diễn tập chuyển đổi để hệ thống KRX sẵn sàng đi vào vận hành. Hệ thống KRX được nhiều công ty chứng khoán, đơn vị phân tích và quỹ đầu tư tin rằng sẽ hỗ trợ nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.

Bất động sản

Bất động sản là một trong những kênh đầu tư truyền thống song chưa có chỉ số mang tính đại diện để có thể so sánh với các kênh đầu tư khác.

Thị trường địa ốc xuất hiện những khó khăn từ cuối năm 2022, nhưng sang năm 2023 thực sự "ngấm đòn" vì ách tắc pháp lý, nguồn vốn… Nguồn cung lẫn thanh khoản trên thị trường năm ngoái giảm mạnh, thậm chí đóng băng ở nhiều phân khúc.

Tuy nhiên, mới đây, theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), lượng khách hàng tìm kiếm và giao dịch nửa đầu năm nay tăng dần với mức cải thiện gần 30% so với cuối năm ngoái.

Đất nền, chung cư và nhà riêng phục hồi tốt hơn bất động sản nghỉ dưỡng hay biệt thự. Nhìn chung, thị trường địa ốc dần có dấu hiệu nhích lên nhờ trợ lực lớn từ môi trường lãi suất thấp và các động thái tháo gỡ pháp lý của cơ quan quản lý, dù chưa "rã băng" hoàn toàn.

Rót tiền vào đâu nửa cuối năm: Vàng, chứng khoán, gửi tiết kiệm hay đất? - 3

Bất động sản là một trong những kênh đầu tư truyền thống (Ảnh: Trần Kháng).

Còn theo dữ liệu trực tuyến của Batdongsan.com.vn, lượt tìm kiếm bất động sản trong 6 tháng đầu năm đang dần phục hồi sau khi "chạm đáy" vào cuối quý IV/2022 đầu quý I/2023. Tín hiệu phục hồi bắt đầu rõ nét hơn từ đầu quý I/2024 với biến động mạnh về mức độ quan tâm. Đây cũng là đặc điểm mang tính chu kỳ của thị trường bất động sản.

Các chuyên gia đến từ tổ chức xếp hạng VIS Rating lại nhận định khung pháp lý bất động sản mới sẽ hỗ trợ thúc đẩy tiến độ phát triển dự án và gia tăng nguồn cung nhà ở mới. Đơn vị này dự báo 3 luật về bất động sản được phê duyệt có hiệu lực sớm từ ngày 1/8 gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản sẽ giúp đẩy nhanh phê duyệt pháp lý dự án và cải thiện nguồn cung từ 2025.

Gửi tiết kiệm

Sau thời gian lãi suất tiền gửi tăng vọt vào cuối 2022, từ giữa năm ngoái, mức lãi tiền gửi điều chỉnh giảm liên tục.

Song từ đầu tháng 4, một số ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm. Xu hướng tăng diễn ra liên tục cho tới nay. Chỉ tính riêng tháng 6 vừa rồi, có ít nhất 24 ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất. Tính từ đầu tháng 7, cũng đã có 4 ngân hàng thông báo tăng lãi suất huy động, gồm NCB, Eximbank, SeABank và VIB.

Lãi suất được các ngân hàng điều chỉnh nhưng mức lãi vẫn thấp. Mặt bằng lãi suất của các ngân hàng đưa ra vào đầu năm cho kỳ hạn 6 tháng là từ 3%/năm đến 5%/năm. Trong đó, nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước gồm Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank chỉ trả lãi quanh 3%, các ngân hàng còn lại trả lãi cao hơn.

Mức tăng tập trung ở kỳ hạn dài, từ 12 tháng trở lên song không mạnh. Với kỳ hạn này, lãi suất các ngân hàng phổ biến trong khoảng từ 4,6%/năm đến 5,5%/năm. Mức lãi suất cao có thể dao động trong khoảng từ 5,5/năm đến 5,7%/năm.

Rót tiền vào đâu nửa cuối năm: Vàng, chứng khoán, gửi tiết kiệm hay đất? - 4

Mặt bằng lãi suất tiết kiệm khó quay lại mức cao như giai đoạn 2022 (Ảnh: Mạnh Quân).

Nhận định về việc các ngân hàng rục rịch tăng lãi suất trở lại 2 tháng này, chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình nói: "Điều này giúp người dân hưởng lợi gián tiếp khi kênh đầu tư tiền gửi bắt đầu hấp dẫn trở lại".

Trừ một số giai đoạn lãi suất tăng nóng, thông thường gửi tiết kiệm khó có khả năng sinh lời cao. Tuy vậy, gửi tiền ngân hàng có thanh khoản ổn định, an toàn, nên người dân vẫn chọn lựa.

Theo đánh giá của các công ty chứng khoán, năm nay ngân hàng còn ít dư địa giảm lãi huy động song mặt bằng lãi suất tiết kiệm khó quay lại mức cao như giai đoạn 2022. Mặt bằng lãi suất từ nay đến cuối năm được phần lớn các đơn vị dự báo tăng ở mức 0,5-1%/năm.

Các kênh đầu tư khác như trái phiếu, USD, tiền số…

USD không phải kênh trú ẩn sinh lời cao. Tính theo tỷ giá mua, bán chính thức của Vietcombank, USD từ đầu năm sinh lời khoảng 3%.

Tỷ giá USD/VND có những lúc biến động mạnh nhưng trong thời gian rất ngắn và sau đó cũng nhanh chóng "hạ nhiệt" dưới sự điều hành của Ngân hàng Nhà nước.

Với chính sách chống Đô la hóa nền kinh tế và kiểm soát tỷ giá linh hoạt của nhà điều hành tiền tệ, người giữ USD những năm trước thậm chí gần như không có lãi. Nếu tính đến chi phí cơ hội so với việc gửi tiết kiệm bằng tiền đồng, người mua còn chịu thiệt.

Rót tiền vào đâu nửa cuối năm: Vàng, chứng khoán, gửi tiết kiệm hay đất? - 5

USD sinh lời khoảng 3% từ đầu năm (Ảnh: Tiến Tuấn).

Với kênh trái phiếu, báo cáo tháng 6 của Bộ Tài chính cho thấy 110.200 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành riêng lẻ từ đầu năm. Về cơ cấu nhà đầu tư, tổ chức mua trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường sơ cấp chiếm 94,8% khối lượng phát hành, tập trung vào các tổ chức tín dụng (53,5%) và công ty chứng khoán (21,9%). Còn lại các nhà đầu tư cá nhân mua khoảng 5,2%.

Các đợt phát hành có lãi suất bình quân 7,41%/năm, kỳ hạn trung bình 3,78 năm. Hiện có 14,5% trái phiếu phát hành có điều khoản đảm bảo.

Tuy nhiên, tình hình thanh toán nghĩa vụ tài chính với trái chủ của các doanh nghiệp vẫn chưa khả quan. Các tổ chức phát hành mua lại khoảng 59.800 tỷ đồng trái phiếu trong nửa đầu năm, giảm 39% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), nửa cuối năm nay, ước tính sẽ có khoảng gần 140.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, phần lớn là bất động sản, chiếm tỷ trọng 42%.

Trong bối cảnh thị trường biến động hiện nay, các lựa chọn thay thế như trái phiếu thực sự trở lại. Sau "khủng hoảng" trái phiếu cuối năm 2022, nhà đầu tư cá nhân vẫn thận trọng với kênh đầu tư này.

Về tiền số, thị trường này tăng mạnh giai đoạn 2021, có lúc đạt vốn hóa 3.000 tỷ USD khi giá Bitcoin tăng kỷ lục, kéo theo cơn sốt NFT, meme coin, metaverse… Nhiều người trẻ coi tiền số là một trong những con đường ít ỏi để làm giàu.

Mùa đông tiền số sau đó diễn ra khiến nhiều nhà đầu tư e ngại kênh này. Tuy nhiên, kênh này dần hồi phục. Bitcoin - đồng tiền số nổi tiếng nhất và thường mang tính dẫn dắt thị trường này - từ đầu năm đã tăng khoảng 50%, trong bối cảnh các quỹ ETF Bitcoin được phê duyệt tại Mỹ hồi cuối tháng 1. Đây vốn được coi là loại tài sản rủi ro, nhà đầu tư được khuyên cẩn trọng với những phiên rung lắc.