Người Trung Quốc yêu vàng khi bất động sản, chứng khoán "nguội"

Huỳnh Anh

(Dân trí) - Mặc dù giá vàng liên tục biến động mạnh trong thời gian gần đây, nhiều người dân Trung Quốc vẫn đi mua vàng và xem vàng là nơi trú ẩn an toàn cuối cùng.

Nhu cầu mua vàng tăng

Caibai là một trong những cửa hàng trang sức có từ năm 1956 và rất nổi tiếng ở Bắc Kinh.

Tại tầng 1, cửa hàng trưng bày đồ trang sức và vật dụng bằng vàng. Phía trên là một tầng dành riêng cho đá quý và một tầng khác chuyên bán ngọc bích. Nhưng vào những ngày gần đây, tầng trên cùng mới là tầng đông khách nhất.

Ngay lối vào tầng này là những biểu đồ giá vàng thể hiện sự tăng giá đều đặn trong những tháng gần đây. Khách hàng đều là những người kín đáo và họ sẽ quan sát rất lâu trước khi hỏi mua. Nhiều trong số những khách hàng này không có tài sản lớn mà chỉ có những khoản tiết kiệm khiêm tốn.

Cửa hàng này bán vàng với nhiều loại trọng lượng, từ đồng xu nhỏ 1-30 gram có hình gấu trúc được ngân hàng trung ương chứng nhận cho đến thỏi vàng khắc hình 12 con giáp, nặng 50, 100 hoặc 300g.

Người Trung Quốc yêu vàng khi bất động sản, chứng khoán nguội - 1

Những thỏi vàng tại cửa hàng trang sức Caibai ở Bắc Kinh, Trung Quốc (Ảnh: Reuters)

Một khách hàng tên Lu hỏi nhân viên bán hàng liệu có thể xem kỹ hơn một miếng vàng nhỏ. Ông thừa nhận rằng mình thường mua vài miếng mỗi năm. "Trong bối cảnh hiện tại, đây là cách an toàn nhất để đầu tư tiền", ông Lu chia sẻ với Le Monde. Anh Wang Anmei, nhân viên bán hàng tại cửa hàng này, cho biết ngày càng có nhiều khách hàng như ông Lu đến mua vàng.

"Vàng trở nên đáng tin cậy. Mọi người nghĩ đó là khoản đầu tư tốt nhất. Họ đang do dự đầu tư vào chứng khoán và bất động sản trong khi vàng tiếp tục tăng", Wang giải thích.

Tại cửa hàng Caibai, nhân viên đeo găng tay đen, cẩn thận nhặt miếng vàng mà khách hàng chỉ định đặt lên cân, báo trọng lượng 100g. 

Một khách hàng khách trong cửa hàng là bà Wang Guiping. Bà đang đi loanh quanh các quầy trưng bày một lúc, do dự nhìn vào các miếng vàng nhỏ. Bà cho biết mình đã đầu tư vào chứng khoán nhưng không thành công vì không có chuyên môn.

Bà nghe các phương tiện truyền thông nói vàng là tài sản trú ẩn an toàn, là tương lai mới cho các nhà đầu tư. Con trai bà đã đầu tư một ít vàng thông qua ứng dụng ngân hàng của anh ấy, còn bà thích thứ gì đó hữu hình hơn, như một miếng vàng nhỏ.

"Nhưng tôi sợ đã quá muộn. Nếu tôi mua khi giá đỉnh thì sẽ lại thua lỗ", bà chia sẻ với Le Monde.

Kênh trú ẩn an toàn

Theo dữ liệu của Hiệp hội Vàng Trung Quốc, người tiêu dùng nước này đã mua 308,9 tấn vàng trong quý I, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2023. Sức hút của vàng khiến doanh số kim cương lao dốc từ năm ngoái đến nay. 

Trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới còn phục hồi chậm sau đại dịch và thị trường bất động sản khủng hoảng, vàng vẫn là nơi trú ẩn an toàn tuyệt đối với một số người dân.

Cùng với đó, giá bất động sản vẫn chưa ổn định. Chính vì vậy, người Trung Quốc đổ xô vào vàng, góp phần đẩy giá kim loại quý này lên cao.

Không chỉ người dân quan tâm, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã bổ sung 225 tấn vàng vào kho dự trữ trong năm ngoái, con số kỷ lục kể từ năm 1977.

Tuy nhiên, theo dữ liệu mới công bố, PBOC đã không mua bất kỳ một lượng vàng nào trong tháng 5. Tổng lượng vàng dự trữ của nước này vẫn đứng tại 2.264 tấn, chấm dứt 18 tháng liên tiếp mua vào.

Người Trung Quốc yêu vàng khi bất động sản, chứng khoán nguội - 2

Lượng vàng dự trữ và tỷ trọng vàng trong dự trữ ngoại hối của PBOC liên tục tăng mạnh (Ảnh: WGC).

Ngân hàng này bắt đầu tăng cường dự trữ vàng kể từ tháng 11/2022, dẫn đến làn sóng mua vào của các ngân hàng trung ương trên thế giới trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng.

Đáng chú ý, PBOC là một trong những tổ chức mua vàng mạnh nhất thế giới. Năm ngoái, họ là ngân hàng trung ương mua nhiều vàng nhất, với lượng mua ròng 7,23 triệu ounce, theo Hội đồng Vàng thế giới (WGC).

Dù vậy, việc giá liên tiếp lập đỉnh mới trong 2 tháng qua dường như đã ghìm lại nhu cầu của cơ quan này. Trong tháng 4, PBOC đã giảm mua vào so với các tháng trước đó.

Theo Le Monde, Reuters