Oải vì lãi suất đi vay
(Dân trí) - Có doanh nghiệp xuất khẩu nói năm 2021 vay ngân hàng 4%/năm thì năm nay lãi suất đã tăng lên 8-9%/năm cho khoản vay 4-6 tháng. Có bên kể lãi suất đã tới hơn 16%/năm. Doanh nghiệp than oải vì lãi suất.
Cần vốn, anh Minh - chủ một doanh nghiệp tư nhân ở Đà Nẵng đến ngân hàng và được hướng dẫn làm hồ sơ. Tuy nhiên mức giảm so với bảng lãi suất hiện hành mà doanh nghiệp đang phải vay thường chỉ là 0,5 điểm % (chẳng hạn từ 9%/năm giảm về còn 8,5%/năm) và hỗ trợ trong 3 tháng. Cho rằng mức giảm không đáng kể, lại mất thời gian làm thủ tục nên anh không tham gia gói hỗ trợ này.
"Lãi suất tăng chóng mặt, không hề giảm. Đỉnh điểm doanh nghiệp của tôi bị tăng lãi suất cao nhất lên đến 16,2%/năm cho khoản vay có kỳ hạn 5 năm. 2 năm Covid vừa qua doanh nghiệp đã tiêu hết tiền còn hiện tại không tiếp cận được nguồn vốn. Chắc thời gian tới sẽ có nhiều doanh nghiệp không thể cầm cự nổi", anh Minh chia sẻ với Dân trí. Một vấn đề khác được anh chia sẻ thêm là giấy phép kinh doanh không thể triển khai dự án mới do các cơ quan quản lý sợ trách nhiệm, không dám ký.
"Ngân hàng Nhà nước đang giải quyết ở tầng vĩ mô. Và thực tế doanh nghiệp chưa nhận được các ưu đãi từ chính sách giảm lãi suất. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước phải có chỉ đạo rõ nét để các ngân hàng cấp dưới làm sao có chính sách cụ thể khi doanh nghiệp cần vay. Ngân hàng thương mại vẫn bảo chờ văn bản hướng dẫn. Theo tôi hiểu còn nhiều vướng mắc, không dễ tiếp cận nguồn vốn giá rẻ này. Ngân hàng thương mại cũng sàng lọc khách hàng", chủ một doanh nghiệp thuộc quận Long Biên (Hà Nội) nói với Dân trí.
Theo phản ánh, lãi suất với các khoản nợ cũ cũng chưa giảm. Phần lớn doanh nghiệp đang vay ở mức bình quân trên 10%/năm. Thậm chí, các thủ tục hành chính còn có thêm yêu cầu mặc dù không quy định trong văn bản.
Cũng chia sẻ với Dân trí, một doanh nghiệp sản xuất gia dụng lớn tại Hà Nội cho biết hiện lãi vay chưa thay đổi nhiều và ở mức 7-8%/năm.
Từ TPHCM, một doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, xuất khẩu cũng than thở với Dân trí về mức lãi suất vay xuất khẩu - một trong những lĩnh vực ưu tiên - mà đơn vị này đang phải đi vay là 8-9%/năm, cho kỳ hạn 4-6 tháng. "2 năm trước, chúng tôi đi vay với lãi suất chỉ 4%/năm, và mức thực tế doanh nghiệp xuất khẩu chịu được là khoảng 5-6%/năm thôi", ông nói. Dù thế, ông cho biết doanh nghiệp của mình còn "may mắn chán vì vay được vốn", khi mà có không ít công ty khác muốn vay cũng không vay được.
Doanh nghiệp loay hoay tìm vốn
Tiếp cận tín dụng được cho là khó khăn hàng đầu của doanh nghiệp. Nhận xét trên được rút ra từ khảo sát PCI 2022 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) .
Theo đó, tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng có xu hướng giảm dần trong thời gian gần đây. Cụ thể, tại thời điểm năm 2017, tỷ lệ doanh nghiệp có khoản vay từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng là 49,4%. Đến các năm 2018 và 2019, tỷ lệ có tiếp cận tín dụng lần lượt là 45% và 43%. Năm 2020, trong bối cảnh dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện, vẫn có 42,9% doanh nghiệp đang có khoản vay từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp đang có khoản vay từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng chỉ còn 35,4% trong năm 2021. Đến năm 2022, tỷ lệ này chỉ còn là 17,8%.
Tiếp cận tín dụng là khó khăn chung của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, song doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ và nhỏ đang là nhóm khó tiếp cận tín dụng hơn cả trong năm 2022.
Báo cáo trên cũng cho biết nhóm các doanh nghiệp có quy mô vốn từ 3 tỷ đồng trở xuống, tỷ lệ doanh nghiệp đang tiếp cận tín dụng chỉ là 11,3%, thấp hơn đáng kể so với các nhóm còn lại. Với nhóm có quy mô vốn từ trên 3 tỷ đến 10 tỷ đồng, tỷ lệ này là 20,5%. Tỷ lệ doanh nghiệp đang có khoản vay ngân hàng ở nhóm doanh nghiệp quy mô vốn 10-20 tỷ đồng là 28,3%. Ở các nhóm còn lại, tỷ lệ doanh nghiệp đang tiếp cận vốn cũng chỉ xung quanh mức 25-35%.
Đối với gói hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách Nhà nước qua các ngân hàng thương mại cho các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19, 29,5% doanh nghiệp có biết tới chương trình này song chỉ khoảng 2% cho biết đã nhận được khoản vay theo chương trình hỗ trợ lãi suất 2%.
Khảo sát PCI 2022 đã xác nhận trở ngại này, khi có tới 74,8% doanh nghiệp cho biết điều kiện cho vay khó khăn là trở ngại lớn nhất đối với các doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục tiếp cận khoản vay theo gói hỗ trợ lãi suất 2%. Bên cạnh đó, cũng có 12,3% doanh nghiệp phản ánh về sự thiếu minh bạch trong quy trình thủ tục, 5,6% doanh nghiệp cho biết thời hạn cho vay ngắn và 7,5% doanh nghiệp gặp những khó khăn khác trong quá trình thực hiện thủ tục tiếp cận khoản vay theo gói hỗ trợ lãi suất 2%.
Trường hợp không thể vay vốn được từ các ngân hàng, các doanh nghiệp vẫn phải xoay xở từ những nguồn khác để có vốn kinh doanh. Năm 2022, 75,5% doanh nghiệp vay mượn từ người thân, bạn bè, tăng đáng kể so với con số 51% từng ghi nhận trong báo cáo PCI 2021.
Có 24,3% doanh nghiệp tìm tới các nguồn khác như huy động từ cổ đông, vay từ doanh nghiệp khác hoặc cầm cố, bán tài sản của doanh nghiệp. Tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn từ tổ chức tín dụng khác như công ty cho thuê tài chính, quỹ tín dụng nhân dân là 21%. Khoảng 10,9% doanh nghiệp vay cán bộ ngân hàng, tổ chức tín dụng không qua thủ tục chính thức trong năm 2022.
Đáng nói, 12,5% doanh nghiệp đã phải xoay sang vay tín dụng đen với lãi suất cao. Năm 2021, tỷ lệ này là 4%. Khảo sát PCI ghi nhận lãi suất trung bình các khoản tín dụng đen là khoảng 46,5%/năm, gấp khoảng 5,5 lần so với lãi suất trung bình năm của các khoản vay từ ngân hàng.
Mới đây, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các thành phần trong nền kinh tế. Tuy nhiên, ông cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời hiệu quả. Các chính sách cần mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, phát huy nguồn vốn tín dụng ưu tiên, giảm lãi suất nhằm hướng tới giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp.
Lãnh đạo TPHCM mong muốn lãi suất sẽ giảm về mức 7-8%/năm. Đây là thách thức nhưng mong muốn về mặt cân đối vĩ mô và Ngân hàng Nhà nước sẽ ngồi lại bàn bạc để giải pháp về vốn, tín dụng để giải quyết vốn lưu động cho các doanh nghiệp.
Ông mong hệ thống ngân hàng tiếp tục nghiên cứu kéo dài chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thông qua giãn hoãn, khoanh nợ xấu với trường hợp khó khăn chậm thanh toán. Đối với các khoản vay mới, ông đề nghị các ngân hàng nghiên cứu điều kiện phù hợp, hướng đến không siết tín dụng, xem xét đánh giá trên tỷ lệ thế chấp phù hợp. Với doanh nghiệp có đơn hàng thì đề nghị áp dụng cho vay tín chấp.
Để ngân hàng giảm lãi suất...
Chia sẻ với Dân trí, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho biết để các ngân hàng giảm lãi suất cho vay cần phải có 2 yếu tố. Thứ nhất, chi phí vốn của ngân hàng phải thấp. Thứ hai, rủi ro doanh nghiệp được vay phải thấp. Nếu rủi ro của doanh nghiệp thì cao không thể có lãi suất thấp được.
Tại thời điểm này, môi trường kinh doanh của doanh nghiệp rủi ro cao nên ngân hàng khó có thể bù trừ rủi ro thấp được. Trong khi đó, lãi suất huy động của ngân hàng phụ thuộc vào lạm phát. Thực tế hiện nay lạm phát thực cao hơn mức 4% nên chi phí vốn của ngân hàng vẫn duy trì mức 7-9% như hiện nay.
Theo chuyên gia, chính 2 lý do trên khiến lãi suất cao nên dù Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước muốn giảm nhưng các ngân hàng thương mại không thể giảm được.
"Doanh nghiệp muốn có vốn để phục hồi, kinh doanh, chi phí vốn phải thấp. Trong khi đó, ngân hàng đối diện rủi ro cao, phải huy động với lãi suất cao. Có lẽ họ như đứng ở hai bên bờ sông mà không thể gặp nhau được. Làm sao để họ gặp nhau, làm sao để ngân hàng giảm lãi suất, doanh nghiệp vay được là bài toán rất khó...", ông Hiếu phân tích.
Chia sẻ với Dân trí về vấn đề này, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, cho biết lãi suất hiện nay bình thường chứ không cao.
Về bản chất, lãi suất tuân theo quy luật thị trường. Dưới góc độ ngân hàng, việc cho vay hiện nay có rủi ro cao, phương án kinh doanh của doanh nghiệp chưa khả thi cũng như không có tài sản đảm bảo. Để bù đắp rủi ro, ngân hàng buộc phải tăng lãi suất. Ngoài ra lãi suất huy động cao nên lãi suất cho vay cao là điều đương nhiên. Tại các nước, lãi suất đầu vào của ngân hàng ở mức rất thấp, thậm chí âm nên lãi suất đầu ra sẽ thấp.
"Doanh nghiệp không có lỗi, mà vấn đề nằm ở tình trạng khó khăn chung của nền kinh tế cùng với các biến động trên kinh tế thế giới. Để giải quyết vấn đề cần tháo bỏ những ràng buộc pháp lý cũng như chính sách điều hành kinh tế vĩ mô cần ổn định và dự báo tốt hơn", ông Đức cho biết.
Kỳ vọng vào loạt giải pháp hỗ trợ
Ngày 21/4 vừa qua, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký ban hành Nghị quyết số 58 của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025.
Những chính sách này nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững cả về số lượng, chất lượng.
Nghị quyết nêu ra 4 nội dung chính trong nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai trong ngắn hạn.
Một trong những nội dung là hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước.
Trong đó, Ngân hàng nhà nước cần chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tập trung vốn tín dụng phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích phát triển theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đẩy mạnh triển khai Nghị định số 31/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Còn Bộ Tài chính cần triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã được các cấp có thẩm quyền ban hành để thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó là tập trung nghiên cứu, hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền quyết định để sớm triển khai vào thực tế các giải pháp giảm tiền thuê đất đối với doanh nghiệp, rà soát trình Chính phủ điều chỉnh mức thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh trong nước.
3 nội dung khác trong Nghị quyết gồm: tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý nhằm khơi thông nguồn lực cho đầu tư sản xuất kinh doanh; khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường trong nước; tập trung hỗ trợ doanh nghiệp cơ hội, ổn định việc làm cho người lao động; đẩy mạnh triển khai chính sách, giải pháp hỗ trợ người lao động, đào tạo, đào tạo lại, đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động. Các Bộ, ngành, địa phương đều được giao nhiệm vụ cụ thể liên quan đến các nội dung này.
Nội dung: Mộc An