DBiz

"Nỗi ám ảnh" vẫn chưa nguôi với bầu Đức và Hoàng Anh Gia Lai

Khổng Chiêm
"Nỗi ám ảnh" vẫn chưa nguôi với bầu Đức và Hoàng Anh Gia Lai

Lãi hơn 1.056 tỷ đồng năm 2024 nhưng vẫn lỗ lũy kế

Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán: HAG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2024.

Trong quý cuối năm này, doanh nghiệp do ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) làm Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) đạt doanh thu thuần gần 1.500 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 81%, còn hơn 205 tỷ đồng.

Nguyên nhân chính nằm ở lãi từ hoạt động tài chính giảm 1.440 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước vì được miễn giảm chi phí lãi vay. Kỳ này, công ty không phát sinh khoản lãi này.

Tính chung cả năm 2024, doanh nghiệp của bầu Đức đạt doanh thu thuần hơn 5.693 tỷ đồng, giảm 12% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế hơn 1.056 tỷ đồng, giảm 41%.

Năm thứ 3 liên tiếp, Hoàng Anh Gia Lai đã đạt mức lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng nhưng công ty vẫn chưa hoàn thành kế hoạch đề ra. So với kế hoạch doanh thu 7.750 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.320 tỷ đồng đặt ra đầu năm, tập đoàn này chưa hoàn thành mục tiêu, mới thực hiện được lần lượt 73% doanh thu và 80% lợi nhuận.

Không chỉ vậy, mục tiêu phấn đấu và "nỗi ám ảnh" của bầu Đức cũng chưa thể hoàn thành. Trong cuộc họp với cổ đông hồi tháng 5/2024, bầu Đức thừa nhận "lỗ lũy kế là nỗi ám ảnh nhất đời tôi". Ông khẳng định bản thân và công ty đang nỗ lực để xóa lỗ lũy kế, phấn đấu đến cuối năm 2024 phải xóa khoản mục này bằng nhiều cách khác nhau.

Tuy nhiên, theo kết quả báo cáo, đến cuối năm 2024, Hoàng Anh Gia Lai còn lỗ lũy kế gần 426 tỷ đồng. Như vậy, tập đoàn có thể cần thêm ít nhất một năm nữa để đạt được mục tiêu xóa lỗ lũy kế đã đeo đẳng nhiều năm.

Cũng vì lỗ lũy kế nên cổ phiếu HAG vẫn trong diện chứng khoán bị cảnh báo, theo lần cập nhật gần nhất của Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) hồi tháng 10/2024. Bầu Đức cũng thừa nhận lỗ lũy kế là rào cản giữa tập đoàn với nhiều quỹ lớn, nhà đầu tư tổ chức. Chỉ cần Hoàng Anh Gia Lai hết lỗ lũy kế, họ sẽ đầu tư.

Tập trung cho trái cây

Hoàng Anh Gia Lai cho biết vẫn đang tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp với các sản phẩm chủ đạo là chuối, sầu riêng và heo. Tính đến 30/9, tập đoàn có 7.000ha trồng chuối và gần 2.000ha trồng sầu riêng - 2 loại cây chủ lực.

Về cơ cấu, trái cây vẫn là mảng chủ đạo đem lại nguồn thu cho doanh nghiệp. Trong năm 2024, mảng này đạt doanh thu gần 4.244 tỷ đồng, tăng 40% so với năm trước. Biên lợi nhuận gộp mảng trái cây vẫn ở mức cao, đạt 49,3%.

Ngược lại, doanh thu từ bán heo, bán sản phẩm hàng hóa đều giảm mạnh, lần lượt giảm 49% và 57% trong năm 2024. Riêng trong quý IV/2024, mảng bán heo còn lỗ gộp gần 50 tỷ đồng còn bán sản phẩm hàng hóa lỗ gộp 69 tỷ đồng. 

Tập đoàn cũng đẩy mạnh đầu tư cho lĩnh vực trái cây. Tại ngày 31/12/2024, Hoàng Anh Gia Lai đầu tư hơn 5.010 tỷ đồng cho chi phí xây dựng cơ bản dở dang và hầu hết đều phục vụ cho nông nghiệp. Trong đó, chi phí phát triển vườn cây ăn quả lớn nhất, đạt 3.931 tỷ đồng, tăng 162 tỷ đồng so với đầu năm. Dự án chăn nuôi đạt 966 tỷ đồng, giảm 17 tỷ đồng.

Nỗi ám ảnh vẫn chưa nguôi với bầu Đức và Hoàng Anh Gia Lai - 1

Chuối là một trong những loại trái cây chủ lực của Hoàng Anh Gia Lai (Ảnh: HAG).

Nỗ lực trả nợ nhưng nợ ngắn hạn vẫn vượt tài sản ngắn hạn

Vào những ngày cuối cùng của năm 2024, Hoàng Anh Gia Lai gây chú ý trên thị trường khi dồn lực thanh toán 1.030 tỷ đồng nợ gốc trái phiếu cho Ngân hàng BIDV.

Nhờ đó, công ty này đã trút được một phần gánh nặng nợ. Theo báo cáo tài chính, trong năm 2024, doanh nghiệp đã giảm được 868 tỷ đồng nợ vay. Tại ngày 31/12/2024, tập đoàn còn nợ vay tài chính 7.002 tỷ đồng nhưng áp lực trả nợ vẫn "căng" khi nợ vay tài chính ngắn hạn chiếm đến 82%, ở mức 5.748 tỷ đồng.

Trong đó, tập đoàn vay ngắn hạn ngân hàng hơn 3.426 tỷ đồng, vay trái phiếu đến hạn trả trong vòng một năm hơn 1.918 tỷ đồng, vay dài hạn ngân hàng đến hạn trả trong vòng một năm hơn 344 tỷ đồng.

Hai chủ nợ mới của Hoàng Anh Gia Lai là Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) với khoản vay gần 2.000 tỷ đồng và Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank) với khoản vay 110 tỷ đồng đã xuất hiện tại ngày cuối năm 2024, trong khi cùng kỳ năm trước không có. Khoản vay 750 tỷ đồng với Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank) đã được tất toán.

Trên báo cáo, khoản nợ trái phiếu với BIDV còn ghi nhận gần 3.090 tỷ đồng, bao gồm 1.918 tỷ đồng đến hạn trả trong vòng một năm.

Tuy nỗ lực trả nợ nhưng Hoàng Anh Gia Lai còn đối mặt với tình trạng nợ ngắn hạn vẫn vượt quá giá trị tài sản ngắn hạn. Cụ thể, tài sản ngắn hạn của tập đoàn tại ngày cuối năm 2024 là 7.495 tỷ đồng, thấp hơn 3.601 tỷ đồng so với nợ ngắn hạn. Nợ ngắn hạn đã tăng 14% trong năm qua, lên gần 11.096 tỷ đồng.

Lượng tiền mặt đạt gần 150 tỷ đồng, rất nhỏ so với tổng tài sản nhưng đã gấp 3,5 lần so với cuối năm 2023. Hoàng Anh Gia Lai cũng có khoản phải thu ngắn hạn, dài hạn lớn, ở mức 8.899 tỷ đồng, chiếm 40% tổng tài sản.