Bầu Đức bán trái cây thu 2 đồng lãi 1 đồng, tỷ phú Trần Bá Dương chật vật
Trái cây gồm chuối, sầu riêng, bưởi là một trong những ngành kinh doanh chủ lực của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán: HAG). Ngoài ra, tập đoàn còn có doanh thu từ bán heo, các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ...
Trong quý III, trái cây đem lại doanh thu thuần hơn 880 tỷ đồng, chiếm 61% cơ cấu. Lũy kế 9 tháng, mảng này giúp doanh nghiệp của bầu Đức thu gần 2.884 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước.
Không chỉ đóng góp lớn vào cơ cấu, mảng trái cây còn có biên lợi nhuận gộp khá cao, khi đạt khoảng 52% vào quý III và 46% trong 9 tháng. Tức, doanh nghiệp thu 2 đồng có thể lãi 1 đồng - một con số đáng mơ ước, thậm chí cho thấy hiệu quả cao hơn hẳn những ngành nghề đặc thù như bất động sản.
Một doanh nghiệp khác là Công ty cổ phần Đầu tư Cao su Đắk Lắk trồng sầu riêng cũng đem lại kết quả tốt. Theo báo cáo tài chính quý III, doanh thu sầu riêng đạt 17,7 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp gần 70%. Tức, doanh nghiệp thu 10 đồng thì lãi 7 đồng.
Trước đó, vào quý IV/2023, Cao su Đắk Lắk cũng đã thu được hơn 2 tỷ đồng từ sầu riêng, ghi nhận biên lợi nhuận gộp khoảng 85%.
Ngược lại, Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico - mã chứng khoán: HNG) lại thua lỗ. Ông chủ tập đoàn Trường Hải (Thaco) Trần Bá Dương tiếp quản doanh nghiệp này từ bầu Đức vào năm 2021 nhưng đến nay vẫn miệt mài xóa lỗ lũy kế và có nhiều quý kinh doanh thua lỗ.
Trong quý III, doanh thu từ bán trái cây đạt gần 50 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn bán trái cây cao hơn 76% doanh thu, nên mảng này lỗ. Lũy kế 9 tháng, tình hình diễn ra tương tự.
Giải trình, công ty cho biết, sản lượng cây ăn trái quý III chỉ đạt 2.903 tấn, giảm 56% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu đến từ diện tích vườn chuối thu hoạch trong kỳ giảm so với cùng kỳ (từ 1.920ha giảm còn 494ha). Do diện tích vườn chuối trồng lâu năm, chất lượng và năng suất không còn đạt hiệu quả nên công ty phải dừng chăm sóc để tập trung làm lại mặt bằng, cải tạo vườn cây để nâng cao chất lượng và hiệu quả.
Đồng thời, công ty đang triển khai mô hình xí nghiệp, đầu tư hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị cơ giới hóa, áp dụng quy trình kỹ thuật mới để ổn định về sản lượng, nâng cao năng suất và chất lượng mang lại hiệu quả trong thời gian tới.
Trái cây chưa "cứu" được bức tranh tổng thể
Doanh thu từ sầu riêng đã tăng lên đáng kể và đóng góp vào thành công của Công ty Đầu tư Cao su Đắk Lắk trong quý III. Nhờ sầu riêng tăng doanh thu và giá mủ cao su ở mức cao, doanh nghiệp lãi gần 42 tỷ đồng, gấp gần 4 lần cùng kỳ, cũng là mức lãi cao nhất trong nhiều quý trở lại đây.
Để mở rộng diện tích trồng, mới đây Hội đồng quản trị công ty thông qua chủ trương thanh lý hơn 36ha vườn điều của công ty con Công ty TNHH Cao su Đắk Lắk tại Lào (Daklaoruco) để trồng sầu riêng trong năm 2025.
Doanh nghiệp muốn thanh lý theo hình thức chào giá cạnh tranh, giá khởi điểm cho hơn 36ha là vào khoảng 123 triệu Lak (Kip Lào), tương đương khoảng 143 triệu đồng. Giá khởi điểm được xác định dựa trên số lượng cây điều được kiểm kê trên từng lô hoặc trên diện tích điều đã cưa cắt phục hồi, chiều cao cây chỉ còn lại 1m nên tính theo giá bán củi.
Còn tại Hoàng Anh Gia Lai, bầu Đức từng thừa nhận "chết" vì nông nghiệp và "sống" cũng từ nông nghiệp. Sau khi đứng lên từ cú sốc giá cao su năm 2016, Hoàng Anh Gia Lai đã chọn lấy ngắn nuôi dài, trồng cây ngắn ngày như ớt, chuối, chanh dây nhằm có dòng tiền. Trong đó, cây chuối đã giúp tập đoàn vượt khó.
Tính đến 30/9, tập đoàn có 7.000ha trồng chuối và gần 2.000ha trồng sầu riêng - 2 loại cây chủ lực. Tình hình kinh doanh mảng trái cây khởi sắc giúp doanh nghiệp của bầu Đức có lãi trong quý III và 9 tháng.
Tuy nhiên, công ty vẫn phải đối mặt với tình hình nợ vay khá áp lực. Tại ngày 30/9, doanh nghiệp còn 4.126 tỷ đồng nợ vay tài chính ngắn hạn và 3.097 tỷ đồng nợ vay tài chính dài hạn. Tổng nợ vay đã giảm 645 tỷ đồng so với đầu năm, tuy nhiên áp lực trả nợ ngắn hạn vẫn rất lớn.
Trong phần nợ ngắn hạn, Hoàng Anh Gia Lai có 2.606 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn ngân hàng, 1.231 tỷ đồng trái phiếu trong nước đến hạn trả trong 1 năm và 330 tỷ đồng vay dài hạn ngân hàng đến hạn trả trong 1 năm.
Cũng theo công bố, tại ngày 30/9, doanh nghiệp chậm thanh toán hơn 4.501 tỷ đồng gốc, lãi trái phiếu cho Ngân hàng BIDV, bao gồm số tiền lãi hơn 3.486 tỷ đồng và 1.015 tỷ đồng tiền gốc. Thời gian dự kiến thanh toán trong quý IV.
Lý do chậm thanh toán được đưa ra là chưa thu đủ nguồn tiền từ khoản nợ của Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (hiện đã thỏa thuận lộ trình trả nợ 3 bên) và chưa thanh lý được một số tài sản không sinh lợi.
Dù đã nỗ lực nhưng tính đến 30/9, công ty còn lỗ lũy kế 626 tỷ đồng. Trong một lần bày tỏ quyết tâm, bầu Đức nói đang miệt mài xóa lỗ lũy kế và mong muốn dứt điểm hết lỗ vào năm nay. Kết quả kinh doanh quý IV sẽ trả lời cho mục tiêu này của bầu Đức.
Còn HAGL Agrico, không chỉ mảng trái cây thua lỗ, doanh nghiệp còn gặp khó với mảng cao su. Trong quý III, công ty của tỷ phú Trần Bá Dương chỉ ghi nhận doanh thu cao su gần 90 tỷ đồng mà giá vốn cao hơn, gần 98 tỷ đồng. Công ty cho biết tổng diện tích vườn cao su đã trồng hoàn thiện là 15.192ha, tuy nhiên diện tích có thể khai thác hiệu quả chỉ đạt 4.932ha, chiếm 32%.
Theo quy định của chuẩn mực kế toán, công ty đang hạch toán trích chi phí khấu hao cho toàn bộ diện tích vườn cây cao su đã hình thành tài sản cố định kể cả các vườn cây không cho thu hoạch, dẫn đến doanh thu không bù đắp đủ chi phí.
Một nguyên nhân khác khiến HAGL Agrico thua lỗ là chi phí tài chính phát sinh hơn 116 tỷ đồng trong kỳ. Trong đó, lỗ chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản công nợ có gốc ngoại tệ hơn 54 tỷ đồng, chi phí lãi vay phát sinh từ gốc vay trước đây của các dự án cao su, cọ dầu hơn 62 tỷ đồng.
Gặp khó trong kinh doanh, HAGL Agrico tiếp tục lỗ lũy kế gần 8.648 tỷ đồng. Trước đó, công ty có 3 năm, liên tục (2021-2022- 2023) đều lỗ, nên theo quy định, cổ phiếu đã bị hủy niêm yết bắt buộc. Tại ngày 30/9, nợ vay tài chính của công ty ở mức 9.681 tỷ đồng, trong đó 85% là nợ vay ngắn hạn.
Để tìm ra hướng đi mới, trong kế hoạch đề ra từ đầu năm, HAGL Agrico sẽ đầu tư dự án sản xuất trồng cây ăn trái kết hợp chăn nuôi bò quy mô lớn tại tỉnh Attapeu và tỉnh Sekong (Lào), giai đoạn 2024-2028. Quy mô dự án 27.384ha và tổng vốn đầu tư là 18.090 tỷ đồng.
Dự kiến từ năm 2028, dự án này dự kiến mang lại 13.500 tỷ đồng doanh thu và 2.450 tỷ đồng lợi nhuận mỗi năm. Công ty sẽ có trái cây tươi xuất khẩu gồm chuối, dứa, xoài, bưởi, sầu riêng; trái cây chế biến xuất khẩu; các loại bò giống, bò thịt. Kế hoạch này có thể đưa HAGL Agrico sang "trang mới" hay không, cần chờ đợi thời gian.