DBiz

Khi các đại gia dồn lực trả nợ

Khổng Chiêm
Khi các đại gia dồn lực trả nợ

Những khoản nợ được thanh toán ngày cuối năm

Sạch nợ là giấc mơ lớn của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), sau khi Hoàng Anh Gia Lai sa lầy vào cao su năm 2016, mất thanh khoản, không có tiền trả lãi ngân hàng, không có tiền trả lương nhân viên. Nợ nần theo đuổi bầu Đức và Hoàng Anh Gia Lai trong nhiều năm qua cùng với những khoản lỗ vài nghìn tỷ đồng của doanh nghiệp. Nhiều lần, ông Đức nhấn mạnh quyết tâm xóa lỗ lũy kế, sạch nợ vào năm 2026.

Con đường trả nợ của bầu Đức gần đây dường như ngắn lại, Hoàng Anh Gia Lai đã thanh toán 2 lần tiền gốc nợ trái phiếu cho BIDV vào những ngày cuối cùng của năm 2024. Ngày 29/12/2024, công ty báo cáo thanh toán 206 tỷ đồng và ngày 30/12 trả thêm 824 tỷ đồng, đều là nợ gốc. Tổng nợ gốc đã trả là 1.030 tỷ đồng.

Sau 2 đợt thanh toán, Hoàng Anh Gia Lai còn 766 tỷ đồng nợ gốc trái phiếu. Số tiền lãi chưa thanh toán lũy kế đến ngày 29/12 là hơn 3.621 tỷ đồng.

Niềm vui giảm nợ của bầu Đức cũng song hành với sự hân hoan từ tỷ phú Trần Bá Dương - Chủ tịch Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico - mã chứng khoán: HNG). Đơn vị này công bố đã hoàn tất trả nợ theo thỏa thuận 3 bên giữa BIDV, HAGL Agrico và Hoàng Anh Gia Lai, đến ngày 31/12/2024 đã hoàn toàn sạch nợ.

Theo đó, số tiền HAGL Agrico đã trả là 4.228 tỷ đồng, bao gồm thanh toán 2.094 tỷ đồng khoản vay trực tiếp cho BIDV và thanh toán 2.134 tỷ đồng nợ cho Hoàng Anh Gia Lai liên quan đến gói trái phiếu phát hành năm 2016.

Sau khi hết nợ, HAGL Agrico cho biết sẽ nhận về tài sản theo 4 đợt với diện tích lên đến hàng chục nghìn hecta cây cọ dầu, cao su.

Hay Tập đoàn Novaland (mã chứng khoán: NVL) công bố mua lại trước hạn tối đa 7.000 tỷ đồng trái phiếu. Việc mua lại dự kiến diễn ra đến hết tháng 1 năm nay, gồm 21 lô trái phiếu, theo hình thức thỏa thuận giữa tập đoàn và các chủ sở hữu trái phiếu. Giá mua lại được tính bằng 100% mệnh giá, cộng thêm tiền lãi phát sinh tính đến ngày giao dịch.

Trong ngày 31/12/2024, Novaland đã mua lại trước hạn 5 lô trái phiếu với tổng giá trị 1.550 tỷ đồng. Trái phiếu mua lại nằm trong kế hoạch 7.000 tỷ đồng đã công bố trước đó. Như vậy, sau khi mua 5 lô nói trên, doanh nghiệp này vẫn còn 5.450 tỷ đồng trái phiếu cần mua.

Ngoài việc trả nợ, doanh nghiệp của ông Bùi Thành Nhơn cũng điều chỉnh giá chuyển đổi và tỷ lệ chuyển đổi cho lô trái phiếu trị giá 300 triệu USD. Giá chuyển đổi là 36.000 đồng/cổ phiếu với tỷ lệ chuyển đổi là 149.038 cổ phiếu lấy 1 trái phiếu.

Một doanh nghiệp khác gần đây cũng tất toán 1.000 tỷ đồng nợ trái phiếu trước hạn là Công ty Đầu tư Nam Long (mã chứng khoán: NLG). Công ty này đã mua lại trước hạn 2 lô trái phiếu phát hành hồi tháng 6 và tháng 12/2022, kỳ hạn 7 năm.

"Ông lớn" xây dựng Coteccons (mã chứng khoán: CTD) cũng vừa thanh toán hơn 452 tỷ đồng gốc, lãi trái phiếu đúng hạn cho lô trái phiếu phát hành từ năm 2022, kỳ hạn 3 năm. Như vậy, Coteccons sạch nợ trái phiếu.

Tập đoàn Kido (mã chứng khoán: KDC) mua lại trước hạn 250 tỷ đồng trái phiếu của lô phát hành năm 2021. Trước đó, doanh nghiệp do ông Trần Kim Thành làm Chủ tịch HĐQT cũng đã 2 lần mua lại trước hạn 500 tỷ đồng trái phiếu của lô trái phiếu kể trên, theo đúng cam kết với trái chủ.

Khi các đại gia dồn lực trả nợ - 1

Các doanh nghiệp đều cố gắng thu xếp trả nợ cuối năm (Ảnh: Tiến Tuấn).

Nỗ lực trả nợ, doanh nghiệp còn nợ bao nhiêu?

Khoản nợ trái phiếu hơn 1.030 tỷ đồng được doanh nghiệp bầu Đức trả cho BIDV đã làm giảm bớt gánh nặng tài chính của doanh nghiệp này. Tuy nhiên, áp lực vẫn còn đó.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024, tại ngày 30/9/2024, doanh nghiệp còn 7.223 tỷ đồng nợ vay tài chính ngắn và dài hạn. Trong đó, khoản nợ trái phiếu tại BIDV là hơn 4.130 tỷ đồng, chiếm phần lớn nợ vay. Còn nhiều chủ nợ ngân hàng khác phần lớn cho vay các khoản ngắn hạn.

Trong đó, chủ nợ lớn nhất là Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank) với 1.626 tỷ đồng, gấp đôi so với đầu năm. Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), lần lượt cho vay 459 tỷ đồng và 556 tỷ đồng.

Cùng với nợ vay, Hoàng Anh Gia Lai còn lỗ lũy kế hơn 626 tỷ đồng. Nếu năm 2024, công ty hoàn thành kế hoạch lãi 1.320 tỷ đồng thì có thể xóa lỗ lũy kế, biến một nửa giấc mơ của bầu Đức thành sự thật.

Về phần tỷ phú Trần Bá Dương, dù nỗ lực trả nợ cho bầu Đức nhưng HAGL Agrico vẫn còn nhiều khó khăn, vay nợ lớn và lỗ lũy kế lớn. Tại ngày 30/9/2024, HAGL Agrico có nợ vay tài chính 9.681 tỷ đồng. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là 5,2 lần. Nếu trừ đi khoản nợ với bầu Đức, doanh nghiệp của tỷ phú Trần Bá Dương còn vay nợ tài chính 8.662 tỷ đồng.

Chủ nợ lớn nhất của HAGL Agrico là Công ty cổ phần Nông nghiệp Trường Hải (Thaco Agri) - thành viên của Tập đoàn Trường Hải (Thaco), cũng do ông Trần Bá Dương đứng đầu. Ngoài ra, một số ngân hàng khác cũng là chủ nợ, như Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, 500 tỷ đồng), Ngân hàng Liên doanh Lào Việt - Chi nhánh Attapeu (405 tỷ đồng), tại ngày 30/9/2024.

Dù nỗ lực tái cấu trúc nhưng HAGL Agrico vẫn lỗ lũy kế 8.648 tỷ đồng tại ngày 30/9/2024. Cổ phiếu HNG cũng bị hủy niêm yết bắt buộc từ ngày 6/9/2024 do lỗ liên tiếp 3 năm (2021-2023).

Còn Novaland, tại ngày 30/9/2024, doanh nghiệp có nợ vay tài chính 59.836 tỷ đồng, vượt vốn chủ sở hữu và gấp 7,5 lần so với năm 2015. Trong đó, nợ vay tài chính ngắn hạn chiếm 63%; nợ vay trái phiếu là 38.881 tỷ đồng, phần lớn là trái phiếu ngắn hạn. Trước áp lực đáo hạn trái phiếu, Novaland đã nhiều lần đạt thỏa thuận tái cấu trúc trái phiếu, kéo dài kỳ hạn thanh toán với trái chủ hoặc hoán đổi nợ bằng tài sản...

Công ty Xây dựng Coteccons tại ngày 30/9/2024 có nợ vay gia tăng thêm đáng kể trong 3 tháng và chủ yếu là nợ tài chính ngắn hạn. Công ty có 2.293 tỷ đồng nợ tài chính ngắn hạn, tăng 774 tỷ đồng sau 3 tháng. Các khoản vay chủ yếu là vay ngân hàng.

Một điểm chung là để có dòng tiền trả nợ, doanh nghiệp của các đại gia đều cố gắng cải thiện tình hình kinh doanh, xoay sở các nguồn thu khác nhau. Hoàng Anh Gia Lai đã "khỏe" hơn trong 9 tháng đầu năm 2024 với lợi nhuận đạt 851 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước nhờ mảng trái cây nhiều thuận lợi.

HAGL Agrico của tỷ phú Trần Bá Dương cũng đang trong quá trình "tiếp sức" với dự án trồng cây ăn trái kết hợp chăn nuôi bò quy mô lớn ở Lào diện tích hơn 27.300ha, dự kiến mang lại lợi nhuận 2.450 tỷ đồng từ năm 2028.

Trong năm 2024, nhiều dự án của Novaland cũng được gỡ vướng pháp lý, tuy nhiên vẫn chưa đạt tiến độ mong muốn, gây ảnh hưởng đến công tác bán hàng cũng như bàn giao sản phẩm cho khách hàng. Từ đó, dòng tiền thu về từ các dự án chưa đạt mục tiêu đề ra, khiến việc thanh toán cho trái chủ chưa đạt như kế hoạch.

Tập đoàn cho biết đang tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện pháp lý tại các dự án trọng điểm tại Đồng Nai, Phan Thiết nhằm bàn giao, thu tiền bán sản phẩm, tạo dòng tiền kinh doanh.

Còn ông lớn Coteccons sau 3 năm tái cấu trúc đang vươn lên tìm chỗ đứng ở những lĩnh vực khác xây dựng dân dụng như xây dựng công nghiệp, làm dự án hạ tầng giao thông. Một số doanh nghiệp khác cũng trong tình cảnh tương tự, cố gắng tạo doanh thu, tạo dòng tiền từ những hoạt động kinh doanh cốt lõi.