Cách doanh nghiệp Nga sống sót trong vòng vây trừng phạt
(Dân trí) - Theo Bloomberg, các công ty lớn nhỏ ở Nga đang mạnh tay đầu tư để thay thế các thiết bị và phần mềm nước ngoài hoặc xây dựng chuỗi cung ứng mới để tiếp cận các thị trường thay thế.
Dữ liệu của Bloomberg Economics cho thấy, chi phí đầu tư cố định của Nga đã tăng 6% trong năm nay, thay vì giảm 20% như dự đoán ban đầu.
Tuy nhiên, cũng như các lệnh trừng phạt nhằm vào xuất khẩu năng lượng của Nga nhằm làm giảm doanh thu của Điện Kremlim, hoạt động đầu tư cũng dự báo nhiều rủi ro phía trước.
Nhưng đây là yêu cầu sống còn đối với các doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế bị bao vây bởi các lệnh trừng phạt. Ngân hàng trung ương Nga cho biết, đại đa số doanh nghiệp đã tăng cường đầu tư hoặc giữ nguyên trong năm 2022. Điều đó giúp giải thích tại sao GDP của Nga chỉ giảm 2% trong năm qua, thấp hơn nhiều so với dự đoán nền kinh tế sẽ sụp đổ ngay sau khi cuộc xung đột nổ ra vào cuối tháng 2 năm ngoái.
Khi Nga đang đối phó với tình trạng thiếu hụt do lệnh trừng phạt thì nhiều doanh nghiệp tư nhân mới mọc lên, với sự hỗ trợ của các khoản vay hoặc trợ cấp của nhà nước.
Tại khu vực Pskov phía tây nước Nga, một nhà máy dự kiến sản xuất pin công nghiệp nhằm thay thế hàng nhập khẩu đã được xây dựng. Một doanh nghiệp hóa chất được thành lập tại Chuvashia trên sông Volga cũng có kế hoạch sản xuất hydro peroxide với số lượng đủ để đáp ứng nhu cầu trong nước. Hay như gần Moscow, các cơ sở cũng bắt đầu sản xuất thiết bị thủy lực và dược phẩm.
Bà Maria Romanovskaya, một trong số doanh nhân của Nga đang chờ sự hỗ trợ của nhà nước để đưa nhà máy sản xuất mỹ phẩm do bà thành lập đi vào hoạt động. Đây là khoản đầu tư mà bà đã bỏ ra vào năm ngoái sau khi các thương hiệu phương Tây rời bỏ Nga. Bà đã nộp đơn xin chính phủ tài trợ xây dựng nhà máy và phát triển dây chuyền sản xuất riêng.
Sự biến mất của nhiều mặt hàng nhập khẩu đã trở thành một trong những khó khăn đối với nền kinh tế Nga hiện nay. Nhưng điều này buộc Nga phải phát triển dựa trên các công nghệ kém tinh vi hơn mà ngân hàng trung ương nước này gọi là "công nghiệp hóa ngược".
Và việc chính phủ và các doanh nghiệp Nga rót tiền vào nền kinh tế cũng phản ánh sự cấp thiết của việc phải phát triển cơ sở hạ tầng thương mại mới thay thế cho những thị trường phương Tây mà Nga buộc phải từ bỏ, dù đã từng tiêu tốn hàng trăm tỷ USD để xây dựng.
Ví như, gã khổng lồ khí đốt Gazprom phải tăng gấp đôi chi phí đầu tư lên mức kỷ lục trong năm nay để chuyển hướng xuất khẩu sang phía đông.
Tương tự, các nhà sản xuất dầu cũng tăng cường chi tiền đầu tư cho cơ sở hạ tầng và tàu chở dầu để phục vụ cho việc xuất khẩu sang các thị trường mới.
Severstal, một trong những nhà sản xuất thép lớn nhất của Nga, gần như giữ nguyên chi phí đầu tư. Họ cũng chuyển đầu tư ra khỏi các dự án có nguy cơ gián đoạn nguồn cung thiết bị từ phương Tây hoặc bị hạn chế xuất khẩu.
Các tổ chức cho vay nhà nước như ngân hàng VTB và Ngân hàng Nông nghiệp Nga cũng đang đầu tư vào các dự án tương tự nhằm thay thế phần mềm nước ngoài bằng các giải pháp trong nước.
Với sự dồi dào về tiền mặt, các doanh nghiệp Nga đang sẵn sàng đầu tư vào các lĩnh vực mà nước này ấp ủ từ lâu. Chỉ riêng chương trình cho vay ưu đãi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa là 300 tỷ rúp (tương đương 4,3 tỷ USD).
Tuy nhiên, theo Bloomberg, những thiệt hại do sự cô lập kinh tế sẽ tăng lên theo thời gian và có khả năng Nga phải chấp nhận cả những sản phẩm đắt đỏ mà kém chất lượng hơn.
Với hầu hết công ty, ưu tiên lúc này của họ là sống sót hơn là phát triển. Một khảo sát của Ngân hàng trung ương Nga cho thấy, chỉ có 1/4 doanh nghiệp nhỏ và vừa sẵn sàng tăng chi tiêu vốn, còn với các doanh nghiệp lớn con số này là 1/3.
Sergey Yanchukov, người sở hữu tập đoàn Mangazeya kinh doanh từ khai thác mỏ đến phát triển bất động sản, cho biết việc đầu tư đang đi đúng hướng. "Thời kỳ khó khăn rồi cũng sẽ qua, các dự án sẽ vẫn tồn tại, chúng là dài hạn, vì vậy chúng tôi sẽ không dừng lại", ông nói.