Mặt tối sau cuộc chiến chip bán dẫn của các cường quốc
(Dân trí) - Mỹ đang cố gắng giảm sự phụ thuộc vào chip bán dẫn của Trung Quốc. Tuy nhiên, nhu cầu không như kỳ vọng cùng tình hình kinh doanh ảm đạm đã khiến Mỹ hụt hơi trong cuộc chiến này.
Cơn sốt chip bán dẫn
Ngành bán dẫn đang được Mỹ cực kỳ chú trọng đầu tư nhằm giành lại vị thế trước Trung Quốc. Chip bán dẫn thường được sử dụng rộng rãi trong xã hội lẫn quân sự, từ các smartphone, xe điện cho đến hệ thống tên lửa, máy bay, xe tăng hay tàu chiến.
Hiện hãng sản xuất chip nổi tiếng nhất thế giới là TSMC lại đang ở quá gần Trung Quốc Điều này khiến Mỹ lo lắng.
Cơn sốt chip bán dẫn bắt đầu bùng nổ từ năm 2022 khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ký đạo luật mới với 52 tỷ USD ngân sách hỗ trợ nhằm đưa các nhà máy sản xuất chip vào thị trường Mỹ.
Thế nhưng, một cản trở rất lớn trong ngành này là Mỹ không có đủ lao động lành nghề do đã bỏ bê mảng sản xuất chip suốt hàng chục năm. Trong khi đó, mảng sản xuất chất bán dẫn lại đòi hỏi số lượng lớn chuyên viên, kỹ thuật viên, kỹ sư được đào tạo bài bản nhằm sản xuất các sản phẩm công nghệ có độ tinh vi cao.
Ước tính của Hội công nghiệp bán dẫn Mỹ (SIA) và tổ chức Oxford Economics cho thấy nền kinh tế số 1 thế giới sẽ thiếu khoảng 70.000 lao động trong ngành bán dẫn vào năm 2030.
Chính vì vậy, Mỹ đã nhanh chóng tổ chức Quick Start, chương trình đào tạo hợp tác giữa tập đoàn sản xuất bán dẫn lớn với các trường học.
Bang Arizona của Mỹ đang là nơi tập trung của các dự án bán dẫn đầy hứa hẹn với kỳ vọng sẽ đào tạo nên hàng nghìn kỹ thuật viên cho các nhà máy sau này.
Điều đặc biệt là những chương trình của Quick Start chỉ kéo dài 10 ngày nhằm đào tạo những kiến thức và kỹ năng cơ bản nhất để người lao động có thể làm việc trong các nhà máy. Những người muốn đào tạo chuyên sâu có thể tiếp tục theo các khóa học khác.
Tuy nhiên, những người tốt nghiệp từ các chương trình và khóa học tương tự trên khắp nước Mỹ bắt đầu nhận ra một sự kỳ lạ rằng họ không dễ dàng kiếm việc như cam kết.
Thậm chí, tương lai của các dự án bán dẫn hay những khóa học này còn chẳng chắc chắn nếu kết quả chiến thắng cuộc bầu cử năm nay không thuộc về Tổng thống Joe Biden.
Những mặt tối dần xuất hiện
Các công ty hàng đầu trong lĩnh vực bán dẫn vừa tiếp tục có một quý kinh doanh khó khăn khi nhu cầu thị trường vẫn ở mức yếu. Điều này khiến doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành suy giảm mạnh.
Trong dự báo mới nhất, Samsung Electronics cho biết lợi nhuận hoạt động của công ty sẽ giảm 35% trong quý IV/2023 so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này tệ hơn nhiều so với kỳ vọng của các chuyên gia kinh tế và đánh dấu quý sụt giảm lợi nhuận thứ 6 liên tiếp do tình cảnh ảm đạm chung trong ngành bán dẫn.
Microchip Technology cũng cho biết, doanh thu của hãng trong quý cuối năm cũng sẽ giảm khoảng 22% do lượng hàng xuất xưởng thấp hơn và môi trường kinh doanh còn nhiều khó khăn.
Tuy vậy, theo các chuyên gia, tình hình có thể sẽ cải thiện khi nhu cầu chip trên toàn cầu sẽ dần phục hồi vào quý II năm nay. Lĩnh vực xe điện và trí tuệ nhân tạo (AI) có thể phát triển hơn và khuyến khích các nhà sản xuất chip lớn tăng sản lượng, từ đó thúc đẩy kinh tế toàn cầu.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng đang cố gắng giảm sự phụ thuộc vào các con chip thế hệ cũ được sản xuất tại Trung Quốc nhằm cạnh tranh trong "cuộc chiến chip bán dẫn".
Theo các chuyên gia, chip kích thước lớn là thế mạnh của Trung Quốc. Những con chip này tận dụng công nghệ từ 10-20 năm trước nhưng vẫn được sử dụng trong nhiều loại hàng hóa từ máy rửa bát, máy giặt đến xe điện, thậm chí có trong cả một số thiết bị quân sự.
Theo chuyên gia Megan Hogan của Viện Kinh tế quốc tế Peterson, Mỹ muốn chiến thắng trong cuộc chiến chip bán dẫn thì phải dẫn đầu lĩnh vực sản xuất tiên tiến và giảm sự phụ thuộc vào các chip truyền thống của Trung Quốc.
"Những con chip đời cũ làm nền tảng cho mọi thứ, từ máy rửa chén đến hệ thống vũ khí quân sự. Giống như lĩnh vực năng lượng mặt trời, Trung Quốc có thể loại bỏ các đối thủ cạnh tranh nước ngoài thông qua chiến lược giá rẻ. Mỹ và nhiều quốc gia vẫn đang phụ thuộc vào những con chip đời cũ của Trung Quốc", ông nói với Business Insider.
Bên cạnh yếu tố kinh tế khó khăn, việc giải ngân chậm và sự không chắc chắn của Mỹ về chính sách hỗ trợ bán dẫn khiến nhiều dự án bị lùi thời hạn.
Tháng 12 năm ngoái, khoản trợ cấp đầu tiên của Mỹ mới được phân bổ, nghĩa là chậm gần 1 năm rưỡi sau khi chúng được ký. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch xây dựng nhà máy của TSMC khi họ đang cần vốn từ Mỹ.
Hệ quả của sự chậm giải ngân là nhiều tập đoàn cũng lùi tiến độ để chờ đợi các gói giải ngân tiếp theo.
Thậm chí yếu tố bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 cũng ảnh hưởng đến tâm lý các doanh nghiệp bán dẫn. Trong khi Tổng thống Joe Biden là người thông qua đạo luật về chip bán dẫn nhưng đối thủ nặng ký Donald Trump lại chưa chắc đã ủng hộ điều này.
Điều này khiến cả Samsung và TSMC đều phải hoãn dự án mở rộng nhà máy sản xuất chip của mình tại Mỹ từ năm 2024 sang năm 2025 để chờ đợi kết quả.
Thêm vào đó, những tiêu chuẩn khắt khe về môi trường cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Bà Gina Raimondo, Bộ trưởng thương mại Mỹ, cho biết những yêu cầu đánh giá về ảnh hưởng môi trường từ các nhà máy chip sẽ làm chậm tiến độ dự án.
Những "đứa con rơi"
"Tôi theo học chương trình vì chúng đơn giản, không tốn kém và có cam kết rằng sẽ kiếm được việc làm ngay lập tức với mức lương cao hơn là nhân viên phục vụ nhà hàng đồ ăn nhanh", anh Collin Gardner, người tham gia Quick Start, chia sẻ với Business Insider.
Thế nhưng anh Gardner dần nhận ra sự thật sau khi tốt nghiệp khóa học, đó là nhu cầu công việc chẳng hề cao như cam kết. Kinh tế khó khăn, ngân sách chậm phân bổ, sự suy giảm của các dự án cùng tình trạng hạ nhiệt cuộc đua bán dẫn với Trung Quốc đang khiến nhiều lao động hụt hẫng.
Ban đầu, những tập đoàn như TSMC hay Intel đã hợp tác xây dựng nên Quick Start, một chương trình đào tạo chỉ 300 USD học phí với lời cam kết tuyển dụng cho mức lương tối thiểu 30 USD/giờ.
Thậm chí những ai muốn đào tạo chuyên sâu thành chuyên viên có thể vừa học vừa làm để thăng tiến. Thế nhưng lời cam kết này dần khác xa so với thực tế.
Chương trình Quick Start mới cấp chứng chỉ cho 700 người thì đã phải tạm đóng cửa vì nhu cầu tuyển dụng không đáp ứng nổi lượng lao động dư thừa.
Hiện khoảng 300 người nữa đang trong danh sách chờ được Quick Start cấp nốt bằng. Tuy nhiên kỳ vọng của những lao động này có phần khó khăn khi nhiều nhà máy bán dẫn vẫn chưa hoàn thành hoặc không tăng sản lượng lên được mức cam kết trước đó.
Theo Business Insider, nhu cầu của ngành bán dẫn đang giảm mạnh khiến các doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô tuyển dụng, đi ngược lại với cam kết khi tuyển dụng.
Thậm chí, nhiều doanh nghiệp buộc phải sa thải lao động và biến những sinh viên tốt nghiệp các khóa học thành "con rơi". Khảo sát vào tháng 6/2023 cho thấy 31% lao động tốt nghiệp Quick Start tìm được việc làm, khoảng 58% chưa được tuyển dụng và 11% thì đã từ bỏ tìm kiếm công việc do quá thất vọng.
Giám đốc Leah Palmer của Trường cao đẳng Mesa-Arizona cho biết bà và các cộng sự của Quick Start đã gặp gỡ hơn 30 quản lý nhân sự của các hãng bán dẫn nhưng kể từ cuối năm 2023 nhưng những công ty này vẫn rất dè dặt về nhu cầu tuyển dụng.
"Họ gần như không đưa ra được câu trả lời khi chúng tôi hỏi về nhu cầu tuyển dụng lao động trong tương lai. Chẳng doanh nghiệp nào muốn nói về điều này, kể cả Intel hay TSMC cũng chẳng đưa ra bất kỳ phản hồi nào", giám đốc Palmer chia sẻ với Business Insider.
"Điều này chẳng có gì lạ. Trong quá khứ, ngành công nghiệp bán dẫn cũng đã từng bất ngờ thuê rất nhiều lao động để bắt kịp xu hướng rồi sa thải hàng loạt sau đó. Nếu doanh số bán hàng không như ý thì họ sẽ từ chối tuyển dụng thêm", giáo sư Gary Burley, cựu nhân viên đã làm việc tại Intel 20 năm, thừa nhận.