DMagazine

Lời kể của người 6 tháng trong "tổ quỷ" Cotton fund và bí mật được tiết lộ

(Dân trí) - Một thanh niên cho biết đã vào "sào huyệt" Cotton fund, người muốn về sẽ bị phạt tới 10.000 USD. Ăn mướp đắng sống, mù tạt, nhảy cóc trên bàn chông... là hình phạt được áp dụng với người thiếu KPI.

Trong khi tìm hiểu câu chuyện về app Cotton fund, từng được phản ánh trong các bài viết Vỡ mộng khi đầu tư vào Cotton fund lấy lãi cao hơn 300 lần lãi ngân hàngHàng loạt nhà đầu tư Việt sập bẫy Cotton fund: "Chết" vì "thính thơm"? Dân trí tiếp cận được một thanh niên 23 tuổi. Anh này kể chuyện vừa từ "sào huyệt" Cotton fund tại Campuchia về hồi cuối tháng 9 vừa qua, đồng thời tiết lộ chiêu trò câu kéo của app này cũng như cuộc tháo chạy của anh và không ít người Việt khác... 

Lời kể về thứ việc nhẹ lương nghìn đô: Dụ người nạp tiền vào app

 Nguồn tin trên cho biết, đầu năm nay, anh lướt facebook thấy đăng nhiều tin Cotton fund tuyển dụng người sang Campuchia làm "việc nhẹ lương nghìn đô". Đây là công việc về game, đúng sở thích lại có mức lương 800-1.000 USD nên anh quyết liều, giấu gia đình bay từ Hà Nội vào TPHCM. Từ đó, anh tiếp tục đi xe khách xuống Long An rồi vượt biên sang Campuchia với sự trợ giúp của người Việt. 

Anh chỉ nhớ đường đi xa. Hôm ấy có 11 người nhưng lúc vượt biên gặp đội biên phòng nên có 7 người bị bắt lại. Anh cùng 3 người nữa trót lọt. 

Tới nơi, anh được đưa vào một công ty có khoảng 70-80 thanh niên Việt Nam để bắt đầu tìm nhà đầu tư từ app Cotton fund.

App được vận hành từ 22/4 và là một trong nhiều app được lập. Giai đoạn đầu, để lấy niềm tin của khách, app chưa cho khách đầu tư nhiều do nếu đầu tư nhiều thì số tiền rút ra sẽ lớn hơn số tiền nạp vào, công ty không thể gồng lỗ.  

Đến giai đoạn giữa, khi lượng nhà đầu tư đông đảo, công ty thấy sắp đủ mục tiêu thì sẽ tung ra các chiêu trò để nhà đầu tư dồn hết tiền vào các gói lớn, sau đó công ty báo "ngân hàng bảo trì" và yêu cầu nhà đầu tư nộp 30% trên tổng số tiền trong tài khoản để "hốt cú chót". Đến ngày 29/9, công ty bắt đầu không trả lãi nhà đầu tư. Số tiền thu về lên tới vài chục tỷ đồng.

Biết lừa đảo nhưng không còn đường lui do muốn về phải nộp 10.000 USD (Video: Minh Hoàng).

Không chỉ Cotton fund, cứ mỗi khi lập ra một app mới, khi mức lãi đạt khoảng 50 tỷ đồng, công ty sẽ đóng app.

Nguồn tin này nói thêm, buổi sáng, các nhân viên vận hành app Cotton fund mở hệ thống ra, kiểm tra hệ thống xem những ai rút tiền. Khi đó, họ phải liên hệ với những người này để hỏi lý do vì sao khách rút, lý do có chính đáng không, có khả năng nạp lại không. Sau đó, họ đi kết bạn làm quen với khách mới rồi nói chuyện với khách cũ, chăm sóc họ xem họ có ý định rút tiền nạp tiền thế nào, phân tích cho họ nghe lợi hại.

Buổi tối, họ lại tạo ra những hoạt động cho các nhà đầu tư vào chơi và tương tác với nhau, mục đích là để người mới nhìn vào thấy nhóm này đông, hoạt động sôi nổi, uy tín.

"Nhưng họ không hề biết trong nhóm đấy đa phần đều là nick ảo do nhân viên tạo ra. Mỗi người 7-8 cái nick ảo, tha hồ người tung kẻ hứng, người hỏi người trả lời rôm rả trên trang chủ fanpage của Cotton fund", thanh niên trên tiết lộ.

Đối với khách chăm sóc lẻ, sau khi nói chuyện và thuyết phục mà khách vẫn không tin, thì nhân viên không cố nài nỉ mà giả vờ buông. Nhân viên sẽ nói rằng khách cứ đi tìm hiểu khắp nơi hoặc họ mời khách vào nhóm để xem mọi người kiếm tiền mỗi ngày dễ dàng ra sao.

"Nhưng thực chất trong các nhóm ấy, đa số là người của công ty cài cắm vào, người này tung người kia hứng để tạo sự sôi nổi đáng tin. Ngày nào cũng phải up các hóa đơn nạp tiền rồi rút tiền lên nhóm, nhưng thực chất đa số các hóa đơn đó toàn được bọn em… photoshop với làm hóa đơn ảo rồi đẩy lên", thanh niên nói.

Cũng theo người này, trong những cái hóa đơn đó dù là tên giả nhưng nhân viên lại dùng mặt thật để phòng khi nhà đầu tư khác hỏi chuyện hoặc call video kiểm chứng thì "diễn" mới sâu. Còn hóa đơn rút tiền thì nhân viên lấy 2 điện thoại soạn tin nhắn gửi sang nhau, hoặc photoshop hoặc bảo công ty cộng tiền ảo vào để chụp đưa lên.

"Cứ mưa dần thấm lâu, mọi người nhìn vào thấy ngon ăn tin tưởng và… cắn câu ", nguồn tin tiết lộ. Theo anh này, ai càng tham càng lỗ. 

Công ty dạy phân tích tâm lý cẩn thận. Ví dụ, khi tiếp cận khách, cần tìm hiểu khách có tiền hay không. Nếu khách không có tiền nhưng làm công nhân - công việc phải quen nhiều người thì tiếp cận họ bằng cách nói anh chị không cần đầu tư mà chỉ cần giới thiệu cho mọi người để ăn hoa hồng 3 mức 12-6-3% mà Dân trí đã phản ánh và thưởng "nóng". Cứ người này mời người kia, như hệ thống đa cấp.

Những khách làm công nhân có ít tiền, lương 9 triệu/tháng và muốn tham gia đầu tư, sẽ được dạy phân tích rằng "anh chị bỏ ra một tháng lương đầu tư vào gói 9,2 triệu đồng, một ngày thu về 184.000 đồng tiền lãi". Gói này có thời hạn chỉ 7 ngày, 7 ngày nếu khách có việc bận hoặc không chơi nữa có thể rút về được gốc.

"Tự nhiên một ngày có 184.000 đồng thì lấy tiền đó đổ xăng, ăn uống thoải mái luôn. Bên em công nhân đa phần chơi gói này, không tin em cho anh chị vào nhóm mà xem...." là những câu tư vấn như "rót mật vào tai" từ phía nhân viên app. 

Khi "con mồi" đã "cắn câu", nhân viên lại phân tích "anh chị không nên rút tiền về mà cứ dồn lãi, dồn lương vào để chơi gói cao hơn, tiền 184.000 đồng một ngày tiêu sinh hoạt phí còn không hết thì rút về làm gì, đến lương anh chị lại thêm vào để nâng lên gói 1.000 USD và được nhận 552.000 đồng/ngày có sướng hơn không".

Công ty này chia ra từng tệp khách riêng, khách giàu thì nhân viên sẽ liên tục gửi hóa đơn những tài khoản ảo nạp nhiều tiền và rút được nhiều tiền để đánh vào lòng tham. Người giàu lại muốn giàu thêm, những khách này nhân viên tư vấn đầu tư hẳn gói lớn. Ví dụ như khách đầu tư gói 1 tỷ đồng, một ngày rút được 69 triệu đồng, sau một tháng khách lãi hơn 2 tỷ đồng, gấp đôi cả tiền gốc, ngày nào khách cũng rút được.

Lời kể của người 6 tháng trong tổ quỷ Cotton fund và bí mật được tiết lộ - 1

Theo lời kể của nhân vật, những khách hàng càng tham lam càng lỗ nặng (Ảnh: Minh Hoàng).

Nhiều khách tham tiền thì "cắn câu". Khi khách "cắn câu" đủ sâu và nhân viên cảm nhận khách đã cạn tiền, không thể nạp thêm được nữa sẽ lập tức bị khóa tài khoản và nhà đầu tư sẽ không rút được đồng nào.

"Chỉ cần nạp tiền vào là xác định mất rồi, vì có muốn rút hay không hoàn toàn do phía công ty quyết định. Nếu nhân viên đánh giá "con mồi" này vẫn còn tiền và có khả năng lôi kéo thêm nhiều người thì công ty mới xuất tiền cho rút. Ngược lại nạp vào phát mất luôn", nhân viên khẳng định.

Ngoài ra, các nhân viên cũng phải "nuôi" facebook. Cụ thể, họ sẽ tìm một nick facebook có đầy đủ hình ảnh, thông tin và hay cập nhật. Họ sẽ lập một nick tương tự, hàng ngày quan sát xem nick facebook thật đăng gì thì nick facebook ảo cũng đăng hệt vậy. Thanh niên này kể đã có lần bị chính chủ facebook thật phát hiện, họ đăng lên mạng và bảo mọi người cảnh giác.

Bắt nhảy cóc trên bàn chông, đánh bằng dùi cui điện nếu thiếu KPI

Một ngày nhân viên không được phép âm tiền, lượng tiền dụ khách nộp vào phải nhiều hơn lượng tiền cho khách rút ra. "Hôm nay khách rút 50 triệu đồng tiền lãi thì phải nghĩ cách làm sao để khách nộp vào trên 50 triệu. Con số đấy phải tăng theo ngày, ngày hôm sau phải cao hơn ngày hôm trước, nếu không sẽ bị phạt", người này nói.

"Nhẹ thì phải ăn mướp đắng sống, ăn mù tạt, chống đẩy, hoặc đi bộ trên bàn chông bằng nhựa. Nặng hơn là phải nhảy cóc, nhảy lò cò trên bàn chông dài 2m. Phải nhảy hết 2m đó nhưng ít nhất là 7 lần. Có nhiều nhân viên "chơi chiêu" chỉ nhảy 2 cái là hết bàn chông nhưng bị bắt nhảy lại. Hoặc công ty sẽ bắt đứng dẫm chân trần lên bàn chông từ 20 đến 30 phút. Nhẹ nhất là sẽ bị trừ thẳng vào lương, từ 10 đến 100 USD, tùy vào % hoàn thành KPI", thanh niên tiết lộ.

Nhiều nhân viên làm việc cho Cotton fund bị dí dùi cui điện (Video: Minh Hoàng).

Có những nhân viên để đủ chỉ tiêu số lượng khách quy định phải nhờ người nhà đóng giả nhà đầu tư tham gia đầu tư ở mức thấp nhưng không thể qua mặt công ty được. Quản lý giám sát hết khi phát hiện nhà đầu tư trùng địa chỉ IP, nhân viên sẽ bị phạt bằng cách đánh dùi cui điện. Nhưng nó sẽ không đánh âm thầm mà nó lôi các nhân viên này đánh công khai trước mặt các nhân viên khác để dằn mặt.

Lương là 1.000 USD/tháng, được trả vào ngày 15 hàng tháng nhưng để đạt được mức lương này, mỗi nhân viên phải đạt chỉ tiêu mỗi tháng "dụ" trên 20 khách.

"Nếu chỉ mời được 15-20 khách sẽ bị trừ 100 USD, dưới 15 khách bị trừ 200 USD, dưới 10 khách phạt 300 USD. Công ty có 70-80 nhân viên, ai cũng cố phải làm đạt KPI của mình" thanh niên cho biết.

Nhân viên phải làm việc từ 8h30 sáng đến 22h30, làm 14 tiếng một ngày, liên tục không nghỉ. Nghỉ một ngày trừ 200 USD tiền nghỉ và 33 USD chuyên cần.

Thanh niên này từng chứng kiến có người bị dí dùi cui điện. 

Nếu đạt KPI, mức thu nhập là 1.000 USD. Người này kể chưa từng có ai vượt KPI, chỉ đạt là tốt lắm rồi.

Khi sang Campuchia, thanh niên quen được nhiều bạn bè. "Những người ở đây độ tuổi khoảng 18-35 tuổi. Tôi quan sát thì thấy có nhiều hoàn cảnh lắm, người vì trốn nợ, người vì không có tiền, có người thi hành xong án, không biết làm gì nên sang đây", anh kể. 

Thanh niên này nói ban đầu không biết sang Campuchia là để làm app trên, anh mặc định là làm về game. Một thời gian sang đây, anh mới biết công việc là như vậy, anh cũng giấu gia đình, chỉ nói sang Campuchia làm về công nghệ. 

Đã sang thì không có đường lui

Khi được hỏi vì sao biết đây là lừa nhưng vẫn tiếp tục, người này cho biết khi đã sang rồi thì không có đường lui, chưa kể cũng nghe được nhiều chuyện rỉ tai nhau ở bên đó về kết cục nếu trốn đi. Thực tế, thanh niên này kể có nhiều người đã trốn về, một số khác muốn về đã phải chật vật nhờ gia đình xoay xở tiền để chuộc về. Chưa kể, hợp đồng làm việc là 6 tháng, vi phạm hợp đồng cũng đồng nghĩa sẽ mất tiền. 

Khi về nước, thanh niên này phải nộp lại hết các nick facebook lại để các nhân viên ở đó tiếp tục đi "dụ con mồi". Để tránh cảm giác tội lỗi, anh tạo facebook ẩn danh, nhắn cho các khách hàng cũ rút tiền ngay lập tức vì đó là lừa đảo. 

Thanh niên này sống trong một khu có 6 tòa nhà, cách biển Phú Quốc khoảng 60km. Nhưng ngoài tòa nhà của mình, anh chưa bao giờ được sang những khu khác. 

Anh nhớ lại, đêm 18/9, công an Campuchia truy quét tội phạm trên phạm vi lớn từ Phnom Penh đến địa phận Thái Lan. Công an truy lùng tất cả khu và không báo trước nên các công ty vận hành app lừa đảo trong đó có app Cotton fund tá hỏa đem nhân viên đi trốn. Cuộc trốn chạy từ công ty này sang công ty khác kéo dài đến đêm 21/9. Sang ngày 22/9 thì thanh niên này xin về.

Lời kể của người 6 tháng trong tổ quỷ Cotton fund và bí mật được tiết lộ - 2

Nơi làm việc tại Campuchia khi nhìn trên bản đồ vệ tinh (Ảnh: Minh Hoàng).

"Hợp đồng của em là 6 tháng, khi hết hợp đồng app vẫn chạy nốt mấy ngày nữa. Em về khi app đang chạy nên bị phạt 1.400 USD, tương đương 33,4 triệu đồng. 6 tháng em làm, trừ ăn uống với tiền phạt đi em còn gửi về cho gia đình được gần 2.000 USD, tương đương hơn 46 triệu đồng", thanh niên cho biết.

Nguồn tin chia sẻ thêm, không ít thanh niên Việt Nam đi làm app này bị âm tiền, phải nhắn gia đình gửi tiền sang giải cứu. Thời gian đầu công ty bắt đền 10.000 USD/người và rất nhiều người không có tiền phải cầu cứu gia đình gửi tiền sang vì không chịu nổi nữa.

"Vì công an đang mạnh tay nên công ty không dám làm căng, giảm tiền phạt cho nhân viên đòi về và tăng lương cho nhân viên chịu ở lại để tiếp tục vận hành các app lừa đảo mới", nguồn tin tiết lộ.

Thanh niên cho biết thêm, trên đường đi trốn từ công ty này sang công ty khác, có xe khách cuối cùng do tài xế người Campuchia chở đã bị một số thanh niên làm Cotton fund người Việt Nam xông lên khống chế tài xế, yêu cầu mở cửa và họ chạy thẳng đến đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia, nhờ đại sứ quán hỗ trợ để về nước.

Nội dung: Nguyễn Văn Hải - Thảo Thu 

Video: Minh Hoàng