Chuyên gia nói về app kiểu Cotton fund: Đừng tin vào các bữa trưa miễn phí
(Dân trí) - Theo chuyên gia Lâm Minh Chánh, có 5 điều cần được xem xét trước khi ai đó ra quyết định đầu tư vào một tài sản, sản phẩm đầu tư kiểu Cotton fund.
Ông Lâm Minh Chánh, chuyên gia tài chính cá nhân, sáng lập và là Giám đốc Học viện Kinh doanh và tài chính BizUni, chia sẻ với Dân trí quanh câu chuyện các app đa cấp, trong đó có app Cotton fund rộ lên thời gian qua mà Dân trí từng phản ánh trong 2 bài viết Vỡ mộng khi đầu tư vào Cotton fund lấy lãi cao hơn 300 lần lãi ngân hàng và Hàng loạt nhà đầu tư Việt sập bẫy Cotton fund: "Chết" vì "thính thơm"?
Vì sao đã có rất nhiều cảnh báo từ truyền thông về các app lừa đảo nhưng không ít người dân vẫn bị dụ dỗ hết lần này đến lần khác thưa ông?
- Nhiều người sẽ có thể cảm thấy khó hiểu về hiện tượng người dân vẫn bị lừa hết lần này đến lần khác dù đã được truyền thông cảnh báo khá nhiều về các loại hình lừa đảo lừa đảo đầu tư tài chính. Có người còn thất vọng về người Việt, tại sao lại nhiều người lại thiếu hiểu biết và tham như vậy để bị dính chấu liên tục. Thật ra, trên thế giới, người dân các nước khác hàng ngày đều bị dính bẫy.
Mô hình lừa đảo đầu tư tài chính được phát hiện năm 1919, được thực hiện bởi Ponzi. Từ đó đến nay, lừa đảo đầu tư tài chính vẫn liên tục xảy ra.
Mô hình lừa đảo Ponzi được định nghĩa là một dạng lừa đảo đầu tư, huy động vốn theo hình thức đa cấp lấy tiền huy động của người góp vốn sau để trả lãi cho người góp vốn trước đó. Tiếng Anh gọi là "robbing Peter to pay Paul" (cướp tiền của Peter trả cho Paul).
Người huy động vốn sẽ vẽ một dự án, một doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả và đang cần huy động vốn để phát triển. Người huy động vốn cam kết trả mức lãi suất cao cho nhà đầu tư và sẽ dùng những ví dụ về các nhà đầu tư đã nhận lãi cao, để tiếp tục chiêu dụ những nhà đầu tư mới.
Người huy động vốn sẽ trả hoa hồng rất cao cho những người giới thiệu nhà đầu tư. Người giới thiệu có thể không phải là nhà đầu tư, mà cũng có thể là nhà đầu tư. Tức là nhà đầu tư cũ giới thiệu nhà đầu tư mới và hưởng hoa hồng từ việc giới thiệu đó. Vì thế người ta còn gọi mô hình lừa đào này là mô hình tài chính đa cấp Ponzi.
Lừa đảo tài chính sẽ chết khi lượng tiền người sau không đủ cho những người trước, hoặc khi những người sáng lập rút tiền và im lặng biến mất.
Hiện nay, với sự tiện lợi của app như nộp tiền nhanh, lan truyền rộng, hoạt động xuyên biên giới, lừa đảo tài chính ngày càng sinh sôi nảy nở, biến hóa dưới nhiều dạng khác nhau.
Ở Việt Nam, các app này cũng liên tục xuất hiện, làm mưa làm gió hại biết bao người bị mất tiền. Tìm trên Google chúng ta sẽ thấy rất nhiều vụ. Chính tôi đã tham gia góp phần vạch trần những vụ như mỏ vàng Insider 21, tiền ảo One Coin, máy đào tiền ảo Sky Mining, TMĐT MyAlladinz, Skyway …
Người dân các nước, đặc biệt là các nước nghèo hay đang phát triển sẽ có tỷ lệ dính đa cấp nhiều vì hai lý do đơn giản. Thứ nhất là họ thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức để nhận diện sự phi lý của các mô hình lừa đảo đầu tư tài chính. Thứ hai là lòng tham lam. Khi trở nên tham vì sự hứa hẹn của các mô hình này, nhà đầu tư sẽ quên hết mọi hiểu biết mà mình có, sẽ quên hết những thông tin mình tiếp nhận được và trở thành nhà đầu tư phi lý trí, tham lam. Và cứ thế họ như thiêu thân lao vào đầu tư tài chính.
Thời gian vừa qua có câu chuyện của app Cotton fund, và Dân trí cũng đã phản ánh về tình cảnh dở khóc dở mếu của những người đầu tư vào app này, vậy có quản được các app kiểu Cotton fund?
- Tất cả doanh nghiệp lừa đảo tài chính, các app kiểu app huy động vốn từ công chúng thì đã vi phạm Luật Chứng khoán 2019; Nghị định155/2020/NĐ-CP. Nhà nước hoàn toàn có thể xử lý những app huy động từ công chúng mà chưa có giấy phép.
Trong trường hợp các app có dấu hiệu lừa đảo, lách từ huy động vốn từ công chúng qua hình thức hợp tác đầu tư thì Nhà nước vẫn có thể quản lý bằng cách yêu cầu các doanh nghiệp, app này trình bày phương án làm gì để tiền có thể sinh ra với lãi suất cao như vậy và quản lý chặt chẽ dòng tiền của những doanh nghiệp, app này. Nếu dòng tiền không được đưa vào thực hiện đúng tinh thần hợp đồng hợp tác đầu tư thì xử lý ngay.
Các cơ quan liên quan như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an phối hợp thành lập Đội đặc nhiệm chuyên truy tìm và xử lý các doanh nghiệp, app có dấu hiệu lừa đảo… thì sẽ xử lý được, hạn chế tối đa các vụ việc.
Có cách nào thu được thuế từ những hoạt động huy động vốn qua các app này?
- Mọi hoạt động kinh doanh, đầu tư của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đều phải chịu trách nhiệm trả các loại thuế gián thu như thuế giá trị gia tăng (VAT) và các thuế trực thu như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế nhà đất. Các cơ quan thuế thuộc bộ Tài chính hoàn toàn có quyền thu thuế và chế tài những người đóng thuế.
Nhiều app đã lấy được của nhà đầu tư hàng trăm tỷ đồng rồi đóng lại. Người đầu tư phản ánh app Cotton fund cũng đang khiến họ đứng ngồi không yên vì có hiện tượng. Vậy có cách nào để giúp nhà đầu tư lấy được tiền từ những app thế này không?
- Các cơ quan Nhà nước, nếu đủ nguồn lực và có sự quyết tâm dẹp app Cotton fund và các app khác, thì có thể điều tra hành vi của họ: Tiền họ huy động được của dân không được đưa vào dự án mà chuyển đi đâu đó. Theo tôi biết hành vi đó có thể phạm tội về hình sự "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" quy định tại điều 175 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 như sau: Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó, hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có khả năng nhưng cố tình không trả; hoặc sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản". Tài sản phải có giá trị từ 4 triệu đồng trở lên thì mới phạm vào tội này.
Tuy vậy, số tiền mà các app trong đó có Cotton fund lấy được là bao nhiêu và những người bị bắt có tài sản để đền bù hay không lại là vấn đề khác.
Pháp luật Việt Nam có cách nào can thiệp hiệu quả để hạn chế tình trạng này tái diễn bởi hiện trụ sở của đa số công ty này đều đóng ở nước ngoài và hầu như không có ràng buộc pháp lý gì với các nhà đầu tư Việt Nam?
- Như đã nói ở trên, những công ty tại Việt Nam và những người đại diện các công ty tại Việt Nam sẽ phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Và Việt Nam có thể can thiệp việc chuyển tiền ra nước ngoài của các doanh nghiệp này.
Ông có nhận xét gì về app Cotton fund mà Dân trí vừa phản ánh?
- Khác với các app đầu tư tài chính khác là hoạt động ngầm, app Cotton fund trên rất bạo gan, và cũng rất khôn ngoan, khi thành lập công ty văn phòng một cách chính thức và tuyển dụng người có uy tín tham gia. Nhờ vậy họ huy động tiền nhanh thu tiền lớn, chứ không thu bạc lẻ các như các app ngầm.
Là chuyên gia về tài chính cá nhân, ông có lời khuyên gì với những nhà đầu tư vào Cotton fund vừa rồi nói riêng, với người dân Việt Nam nói chung?
- Trước khi ra quyết định đầu tư vào một tài sản, sản phẩm đầu tư nào chúng ta cần phải xem xét nắm rõ 5 điều sau:
Điều 1: Nắm rõ cơ sở hoặc tính pháp lý của sản phẩm. Nhà nước, pháp luật có bảo vệ chúng ta không?
Điều 2: Nắm rõ "uy tín tài chính", độ tin cậy của người bán, người giữ phần "cán" tài sản mà ta đã đầu tư.
Điều 3: Hiểu rõ nguyên tắc vận hành, tạo ra lợi nhuận của tài sản hay sản phẩm. Nếu không hiểu rõ ràng, không hiểu sâu thì không đầu tư.
Điều 4: Nhận diện những rủi ro tiềm ẩn của tài sản hoặc sản phẩm đó, cách giảm thiểu, quản lý rủi ro. Bất cứ ai mời chào đầu tư mà nói dự án không có rủi ro, nhà đầu tư chắc chắn có tiền thì không đầu tư.
Điều 5: Luôn nhớ rằng "không bao giờ có một bữa trưa miễn phí". Tức là không dự án nào trên giới có thể hứa hẹn lãi suất cao gấp 2-3 lần ngân hàng (20%, 30%), chưa nói là lãi suất lên đến 100%, 1.000%. Vì thế chúng ta hãy nói không với tất cả sản phẩm cam kết lợi nhuận cao.
Áp dụng những điều này, đặc biệt là điều thứ 5, chúng ta sẽ không bị dính nguy cơ bị lừa đảo đầu tư tài chính.
Xin cảm ơn ông!