Loạt nút thắt về tiếp cận vốn cho doanh nghiệp SME: Chuyên gia đề xuất gì?
(Dân trí) - Ngân hàng Nhà nước rốt ráo trong việc giải phóng vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng còn số tăng trưởng chưa nhiều so với kỳ vọng. Các chuyên gia đưa ra nhiều lý do và đề xuất.
Tại tọa đàm trực tuyến "Gỡ nút thắt về vốn cho doanh nghiệp SME" diễn ra ngày 22/6 do Báo Dân trí tổ chức, ông Trần Anh Quý - Trưởng phòng Tín dụng chính sách Nhà nước, Vụ Tín dụng các ngành Kinh tế, Ngân hàng Nhà nước - cung cấp số liệu đến cuối năm 2022, dư nợ tín dụng với doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) tăng trưởng 8,28% so với cuối năm 2021, chiếm khoảng 19% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Còn nếu tính đến tháng 4 năm nay, dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 2,239 triệu tỷ đồng, tăng 2,46% so với cuối năm 2022, chiếm trên 18% tổng dư nợ nền kinh tế.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước và các chuyên gia tại tọa đàm đều thừa nhận mức tăng trưởng tín dụng còn thấp so với kỳ vọng.
Doanh nghiệp gặp khó khăn, khả năng hấp thụ vốn yếu
Theo ông Trần Anh Quý, mức tăng thấp do khả năng hấp thụ vốn yếu.
Theo đó, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi diễn biến khó khăn, nhiều yếu tố bất ổn của nền kinh tế thế giới. Trong nước, hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa bị cũng suy giảm cả về kết quả kinh doanh cũng như hiệu quả hoạt động, khiến cầu đầu tư giảm và hoạt động tín dụng giảm tương ứng.
Ông nhắc lại câu chuyện doanh nghiệp thiếu đơn hàng, đặc biệt các doanh nghiệp về dệt may, da giày, công nghiệp hỗ trợ, chế biến gỗ, thực phẩm xuất khẩu… dẫn đến phải cắt giảm lao động, buộc rút khỏi thị trường.
"Các doanh nghiệp cũng phải đối mặt chi phí sản xuất tăng cao, khiến hoạt động càng thua lỗ. Nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp phải hoãn, dừng, chuyển đổi để đối phó khó khăn trước mắt", ông Quý thông tin.
Ngoài ra, ông cho biết một số nhóm khách hàng khi tiếp cận có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng được thủ tục vay vốn, còn nhiều vướng mắc pháp lý cũng như việc tiếp cận tín dụng doanh nghiệp tiếp tục hạn chế, do quy mô nhỏ, năng lực quản trị điều hành thấp. "Những điểm yếu này tiếp tục bộc phát nhiều hơn so với giai đoạn trước kia", ông thông tin.
Sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro bị đánh giá cao hơn khi doanh nghiệp khó chứng minh được hiệu quả kinh doanh như chi phí đầu vào, nguyên liệu nhập khẩu cao còn đầu ra thì giảm. Các ngân hàng khó có điều kiện hạ chuẩn cho vay.
Việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khai thác được cơ hội trong hội nhập quốc tế, qua các kênh Nhà nước như quỹ bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa… chưa phát huy được hết tính ưu việt cũng như sứ mệnh trong việc hỗ trợ.
"Tất cả điểm đó là nguyên nhân chung dẫn đến việc khó tiếp cận vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như khiến các tổ chức tín dụng khó cho vay", ông nhấn mạnh.
Nguồn lực cho vay có giới hạn, doanh nghiệp phải cạnh tranh
Còn theo chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, nguồn lực để cho vay trong nền kinh tế có giới hạn. Ông Bình dẫn số liệu tổng dư nợ của chúng ta hiện nay cho toàn bộ nền kinh tế là khoảng 12,2 triệu tỷ đồng. Tổng nguồn vốn huy động của nền kinh tế hiện cũng khoảng 12,3 triệu tỷ đồng.
"Với mức như vậy thì mức tổng huy động của toàn bộ ngân hàng cho vay đã vượt quá khoảng 1,2 lần so với GDP", ông nói.
Trong bối cảnh đó, theo ông Bình, các doanh nghiệp nhỏ vừa phải cạnh tranh khốc liệt với các doanh nghiệp khác. "Một tập đoàn lớn, một khoản vay của họ có thể bằng khoản vay của 10.000 doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ cộng lại. Sự cạnh tranh là rất lớn", ông Bình nhấn mạnh.
Theo chuyên gia, trước đây, tín dụng cho nhóm doanh nghiệp SME chỉ là 5-10% nhưng nay đã nâng được lên khoảng 18%. Ông nhận định đây là nỗ lực rất lớn của toàn ngành ngân hàng.
Một nguyên nhân khác khiến khách hàng và ngân hàng chưa gặp được nhau, theo ông Bình, là do yêu cầu về chuẩn mực cho vay của ngành ngân hàng. Tất cả ngân hàng hiện nay đều phải nâng chuẩn mực, đáp ứng chuẩn Basel II, Basel III. Song song với đó, ngoài những yêu cầu về an toàn vốn, mức vốn tối thiểu, còn nhiều những tiêu chí khác như chất lượng tín dụng, tiêu chuẩn cho vay.
Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình cũng cho rằng, để nhà băng "gật đầu" cho doanh nghiệp SME vay vốn là không khó nhưng các quy trình vay vẫn cần tuân thủ quy định pháp luật hiện chặt chẽ, đặc biệt với việc cho doanh nghiệp vay, nếu không, ngân hàng cũng sẽ phải chịu trách nhiệm.
Năng lực quản trị, duy trì hệ thống sổ sách kế toán minh bạch, tuân thủ quy định pháp luật về lao động và bảo hiểm xã hội không cũng là những tiêu chí đầu tiên mà ngân hàng thẩm định.
"Doanh nghiệp có thể tốt nhưng sẽ rất khó để ngân hàng quyết định cho vay nếu ông chủ doanh nghiệp có hình ảnh xấu hay điều tiếng trong xã hội. Tất cả gắn chặt với nhau", ông Bình thông tin thêm.
Cuối cùng, ông Bình nhắc đến câu chuyện doanh nghiệp chưa quen với việc xây dựng lịch sử tín dụng, cũng như tìm cách để giao dịch qua ngân hàng, từ đó tạo lịch sử giao dịch uy tín.
"Nếu tôi từng giao dịch với ngân hàng A cách đây 10 năm, hiện tôi có nhu cầu vay vốn thì chắc chắn khả năng được duyệt sẽ cao hơn. Nhiều đơn vị chưa chú ý đến việc mở tài khoản tại ngân hàng và sau đó tất cả giao dịch như nộp thuế đều thể hiện qua đó", ông Bình nói và cho rằng chỉ cần chú ý đến những yếu tố tưởng chừng nhỏ này, năng lực của các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được nâng lên nhiều.
"Doanh nghiệp không còn nhu cầu nữa"
Bà Trịnh Thị Ngân - Trưởng ban cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (HanoiSME) - chỉ ra nguyên nhân phía ngân hàng và khách hàng chưa gặp được nhau một phần do doanh nghiệp không còn nhu cầu vay vốn.
Bà nói, khi doanh nghiệp có nhu cầu, có phương án sản xuất kinh doanh tốt thì chắc chắn ngân hàng sẽ tiếp cận. Đại diện HanoiSME cho rằng, doanh nghiệp cũng phải nhìn lại chính mình.
"Việc tiếp cận vốn khó khăn thì đúng là có khó khăn thật nhưng về phía doanh nghiệp, phương án sản xuất không rõ ràng, cụ thể", bà Ngân nhận định.
Theo bà Ngân, nguồn vay có thể không đưa vào mua nguyên vật liệu mà mục đích khác nên doanh nghiệp tiếp cận vốn khó là điều đương nhiên.
Doanh nghiệp đã có quá trình dài làm ăn tốt, ngân hàng dựa vào đó xếp hạng thì cũng là thuận lợi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo bà, trong giai đoạn này, doanh nghiệp không còn sản xuất được nữa. Do đó, khi chuyển đổi mặt hàng thì ngân hàng cũng phải đồng hành, cùng hỗ trợ họ để họ chuyển đổi mô hình sản xuất khác. Quá trình chuyển đổi mô hình sản xuất khác nó có những bước ban đầu không có lợi nhuận, khó có thể trả nợ ngay, có độ trễ thì dòng tiền quy định hàng tháng phải trả lãi nhưng chưa bán được hàng thì chưa trả lãi được.
"Khi sản xuất xong thì còn nhiều bước. Nên việc doanh nghiệp chuyển đổi mặt hàng hiện nay cũng là bài toán khó khăn của doanh nghiệp. Tuy nhiên vì sự tồn tại và phát triển thì họ phải chuyển đổi. Doanh nghiệp nhỏ tôi thấy sự chuyển đổi rất uyển chuyển. Gánh nặng về bảo hiểm sẽ nhẹ hơn các doanh nghiệp lớn", bà Ngân cho hay.
Bà Ngân đưa ra ví dụ về chuỗi M2 - chuyên bán thời trang may mặc. Theo bà, các công ty may hầu như đóng băng, ngày chỉ được vài triệu đồng doanh thu. Rủi ro rất lớn, hàng tồn đọng, lỗi mốt, thu hồi vốn khó chưa kể lạm phát, sức mua kém cũng ảnh hưởng đến cung cầu về vốn.
Đại diện các ngân hàng nói gì?
Về nút thắt trong câu chuyện tiếp cận vốn ngân hàng của doanh nghiệp nhỏ và vừa, đại diện Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) là ông Ngô Bình Nguyên - Giám đốc Khối Doanh nghiệp vừa và nhỏ - chỉ ra hàng loạt nguyên nhân. Trong đó phải kể đến việc các doanh nghiệp không có phương án kinh doanh hiệu quả, làm ngân hàng ngại cho vay. Theo ông, doanh nghiệp phải có các phương án tài chính, mô hình tài chính để phát triển được các sản phẩm, dịch vụ.
Ông Nguyên cũng chỉ ra những rào cản về pháp lý. Cụ thể, doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia các sân chơi cần phải có những am hiểu rõ để quản trị được chính rủi ro pháp lý cho bản thân họ và đáp ứng được cái yêu cầu về pháp lý khi mà giao dịch tín dụng với ngân hàng.
Nguyên nhân gây ra nút thắt còn là hạn chế về tài sản đảm bảo. Theo ông, ở thị trường Việt Nam, các giao dịch về quản trị dòng tiền, về mặt tài chính của doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn bị lẫn lộn giữa câu chuyện tài chính của doanh nghiệp và tài chính cá nhân. Họ có thể dùng dòng tiền của doanh nghiệp lại phục vụ cho một số hoạt động cá nhân và ngược lại.
"Sự không minh bạch đó bị lẫn lộn, dẫn đến là không nhìn thấy được bức tranh thực tế của doanh nghiệp, tạo ra điểm mờ và có thể gây nguy hiểm nếu đi đến các quyết định tín dụng cho doanh nghiệp", ông Nguyên nói.
Còn theo ông Nguyễn Văn Bách - Trưởng ban Chính sách Tín dụng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) - lại cho biết thực tế ngân hàng chủ động tiếp cận, nhưng nhiều doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, đơn hàng đi ít hơn so với trước đây.
"Khi ngân hàng tiếp cận, bản thân sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp không tốt, đem vốn đến mời chào nhưng mà doanh nghiệp không có nhu cầu vay", ông Bách thông tin.
"Các gói để hỗ trợ hạ lãi suất cũng đã được đưa ra và Agribank cũng chủ động giảm tiếp lãi suất. Thậm chí có những gói, tôi khẳng định là có khi thấp hơn lãi suất đầu vào để duy trì khách hàng", ông Bách bộc bạch.
Kỳ vọng doanh nghiệp có thêm kênh tiếp cận vốn
Sau những nút thắt khiến doanh nghiệp khó tiếp cận vốn ngân hàng, có ý kiến cho rằng, bên cạnh nguồn vốn ngắn và trung hạn từ phía nhà băng, doanh nghiệp phải tiếp cận thêm những nguồn vốn khác dài hạn hơn.
Trưởng phòng Tín dụng chính sách Nhà nước Trần Anh Quý đồng tình và cho rằng trong xu thế phát triển tài chính hiện tại, việc đa dạng hóa các kênh huy động vốn cho doanh nghiệp sẽ đáp ứng nhu cầu kinh doanh để đáp ứng nhu cầu thực tiễn, mở rộng các kênh huy động vốn. Ông chỉ ra 2 kênh dẫn vốn quan trọng là chứng khoán, trái phiếu.
Ông Quý nhắc lại câu chuyện tỷ lệ dư nợ tín dụng tính trên GDP nằm trong ngưỡng rủi ro và đã được nhiều tổ chức xếp hạng thế giới cảnh báo về sự phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng - điều không tốt cho an toàn kinh tế vĩ mô.
"Chúng tôi kỳ vọng sắp tới thị trường trái phiếu sẽ minh bạch hóa hơn, giúp các doanh nghiệp có kênh huy động vốn thực sự hiệu quả. Đó cũng là sự kỳ vọng và mong muốn của phía các cơ quan quản lý", ông Quý nói.
Ông Lê Duy Bình cũng nhấn mạnh khả năng cung ứng vốn trung và dài hạn của ngân hàng có giới hạn nhất định. "Chúng ta bắt buộc phải dựa vào các nguồn vốn khác", ông Bình nêu quan điểm.
Ông gợi ý các doanh nghiệp cân nhắc kênh cổ phiếu. Theo ông, khai thác vốn từ kênh này sẽ giúp doanh nghiệp có thêm cổ đông, thêm người cam kết với doanh nghiệp, không chỉ về vốn mà còn công nghệ, thị trường và nhiều vấn đề khác.
Với kênh trái phiếu, vị chuyên gia nhận định sự phát triển "thần kỳ" của một số doanh nghiệp lớn đã tác động tiêu cực, gây mất niềm tin đến việc huy động vốn thông qua trái phiếu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa thời gian qua. "Nhưng đây vẫn là thị trường tiềm năng đối với huy động vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng", ông Bình khẳng định.
Ông cho rằng nếu cơ quan quản lý có những biện pháp, cơ chế pháp lý tốt và tạo ra nền tảng thuận lợi hơn thì chắc chắn niềm tin đó sẽ được phục hồi.
Còn bà Trịnh Thị Ngân thì đề cập tới câu chuyện giải ngân các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp. "Chúng tôi mong các quỹ Nhà nước đã ban hành sẽ có hướng dẫn doanh nghiệp nhưng được thụ hưởng. Đôi khi chính sách ban hành ra, tiền để một góc thôi chứ chả cho doanh nghiệp sinh lời được. Hà Nội cũng có quỹ 3.000 tỷ đồng nhưng để duyệt vay được vốn rất khó", bà Ngân đưa ra đề xuất.
Nội dung: Thảo Thu