"Đi vay ai chẳng thích, nhưng mà…"
(Dân trí) - Khảo sát của phóng viên Dân trí cho thấy lãi suất cho vay đã hạ nhiệt. Doanh nghiệp, trong đó có nhóm nhỏ và vừa (SME) đã "dễ thở" hơn trong tiếp cận vốn. Nhưng nút thắt về vốn vẫn còn đâu đó...
Vay thì thích, trả ra sao mới quan trọng
Ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn, Tổng giám đốc Công ty TNHH Chế biến Thực phẩm Công nghệ Sông Hương (Sông Hương Foods) cho biết công ty ông vay vốn tại một ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước với lãi suất 8,25%/năm. Dù đã được ưu đãi nhưng ông Tuấn vẫn đánh giá mức lãi suất này cao nhất từ trước đến nay. Giai đoạn 2019-2020, doanh nghiệp chỉ vay với mức 6%/năm.
Công ty ông Tuấn sản xuất các loại mắm, cà pháo, bánh đặc sản... để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đi nước ngoài. Ông vay ngân hàng hơn 1,8 tỷ đồng, chủ yếu để trả lương công nhân mua hàng, làm vốn lưu động. Kỳ hạn vay là 6 tháng đáo hạn một lần.
Để vay được khoản tiền trên, ông Tuấn chia sẻ đã phải dùng một căn nhà để làm tài sản đảm bảo. Căn nhà được ngân hàng định giá 15 tỷ đồng, cấp hạn mức tối đa 11,5 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty còn phải có khoản tiền gửi 300 triệu đồng trong ngân hàng.
Ông bày tỏ chưa dám vay để đầu tư, không dám vay lâu dài vì lo ngại rủi ro về lãi suất có thể tăng và thị trường hiện tại chưa đủ hấp dẫn để mở rộng sản xuất. Hiện tại, công ty chọn hướng "tự thân vận động", trong tương lai nếu kinh tế ổn định, lãi suất có thể về lại mức 6%/năm thì chắc chắn tính hướng mở rộng sản xuất, tăng doanh thu.
Ông Phạm Đình Ngãi, sáng lập và điều hành Sokfarm - công ty chuyên bán các loại mật hoa dừa - cho biết doanh nghiệp ông vay vốn tại 2 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước lẫn tư nhân. Thời hạn vay là 1 năm, cần tài sản thế chấp và lãi suất khoảng 10-11%/năm.
Công ty của ông Ngãi mới hoạt động được 3 năm thì 2 năm đầu tiên là doanh nghiệp khởi nghiệp. Lúc đó, ngân hàng không cấp tín dụng, các cá nhân phải đứng ra vay vốn. Đến năm thứ 3, khi có nguồn thu, công ty đã vay được vốn ở một ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước.
Ngân hàng này có chương trình khuyến khích ưu đãi cho doanh nghiệp nông nghiệp làm sản xuất nên có giảm 2% lãi suất mỗi năm, còn khoảng 8%/năm. Tuy nhiên, theo ông, 10-11%/năm hay 8%/năm cũng đều quá cao.
Hiện số tiền công ty ông vay ngân hàng chưa lớn, chỉ đáp ứng nhu cầu sản xuất. Công ty đang có kế hoạch mở rộng nhà xưởng vào năm sau, số vốn cần khoảng 10-20 tỷ đồng và chắc chắn gặp áp lực kiếm nguồn vay mới, lãi suất thấp.
Ông mong muốn có thể tiếp xúc được các nguồn quỹ mới, các ngân hàng hỗ trợ hoặc từ Trung ương để có lãi suất hợp lý khoảng 4-5%/năm phục vụ đầu tư dài hạn. Tuy nhiên, làm sao để tìm được nguồn vay, tìm được nơi cho vay với lãi suất thấp, ưu đãi cho doanh nghiệp sản xuất thì ông chưa biết và chưa rõ.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, giám đốc một doanh nghiệp lĩnh vực xây lắp và cung cấp vật tư xây dựng tại Hà Nội cho biết, lãi suất cho đã giảm so với trước đây. Mức lãi suất trước đây là 8,5-9%, sau đó tăng lên hơn 10%/năm, giờ đã hạ về khoảng 9,5-10%/năm cho các khoản vay ngắn hạn 6 tháng.
Anh này chia sẻ về thủ tục hồ sơ vẫn như trước, không bị siết chặt. Tuy nhiên năm nay công việc kinh doanh kém, đầu ra không có hơn nên doanh nghiệp của anh không có nhu cầu vay vốn. "Vay ai chả thích nhưng trả được hay không mới quan trọng", giám đốc doanh nghiệp trên chia sẻ.
Vấn đề không nằm ở lãi suất, nằm ở đâu?
Sau một thời gian người đi vay than thở về lãi suất, khảo sát của phóng viên Dân trí cho thấy mặt bằng lãi suất cho vay đã "dễ chịu" hơn, dù vẫn cao so với giai đoạn trước.
Nhiều nguyên nhân khiến cho lãi suất không giảm nhanh, giảm mạnh được. Song theo một số chuyên gia, một là chính sách giảm lãi suất đầu vào để giảm lãi suất cho vay cần có độ trễ. Bên cạnh đó, ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng tư nhân, bản chất cũng là những doanh nghiệp đặc biệt. Vì thế, câu chuyện hoạt động ổn định, có lợi nhuận song vẫn an toàn là các yếu tố được ngân hàng đặt lên hàng đầu.
Chuyên viên khách hàng doanh nghiệp của một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết hiện mặt bằng lãi suất đối với các ngân hàng không có vốn Nhà nước khoảng 7,5-8,5%/năm, áp dụng cho khoản vay thế chấp. Đối với các khoản vay bằng USD cho nhóm ngành xuất nhập khẩu, lãi suất sẽ được giảm thêm 0,5-1 điểm %. Mặt bằng lãi suất của nhóm ngân hàng quốc doanh thấp hơn khoảng 1,5 điểm % so với nhóm ngân hàng cổ phần.
Tại ngân hàng nơi chuyên viên này đang làm việc, lãi suất cho vay kỳ hạn 1 năm cho mục đích bổ sung vốn lưu động với doanh nghiệp hiện khoảng 10-11%/năm. Các khoản vay bổ sung tài sản cố định có lãi suất 13-14%/năm. Tuy nhiên, các khoản vay mới sẽ bị siết chặt hơn về tài sản đảm bảo. Số giải ngân trước đây là 85-90% giá trị tài sản đảm bảo nhưng hiện thấp hơn.
Theo cán bộ ngân hàng này, vấn đề hiện nay nằm ở chỗ khách hàng doanh nghiệp cũng không có nhu cầu quá nhiều khi mà họ không bán được hàng, không có phương án kinh doanh. Một số ngành như xây dựng, cơ điện… thậm chí có nhu cầu vốn sụt giảm.
Nhóm công ty xây dựng có nhu cầu vay để quay vòng vốn bất động sản ứ đọng nhưng ngân hàng lại hạn chế những khoản cho vay này. Ngân hàng đang chú trọng cấp vốn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, ưu tiên cho những ngành như xuất nhập khẩu, hàng tiêu dùng…
Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) chiếm một vị thế quan trọng trong phát triển kinh tế. Theo thống kê, tính đến đầu năm 2022, Việt Nam có khoảng 785.000 doanh nghiệp SME, chiếm hơn 98% tổng số doanh nghiệp. Doanh nghiệp SME dùng 70% lực lượng lao động, đóng góp khoảng 50% GDP.
Sau giai đoạn khó khăn bởi đại dịch, bước vào giai đoạn cần tăng trưởng để phục hồi kinh tế thì một điểm nghẽn phát sinh, đó là câu chuyện về nguồn vốn.
Nhằm tìm ra nút thắt và giải pháp cho vấn đề vốn cho doanh nghiệp SME, khi mà doanh nghiệp cần vốn, còn ngân hàng cần tăng trưởng đảm bảo an toàn, hiệu quả, báo Dân trí tổ chức tọa đàm trực tuyến "Gỡ nút thắt về vốn cho doanh nghiệp SME".
Tọa đàm diễn ra ngày 22/6, với sự tham gia của đại diện Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, lãnh đạo một số ngân hàng, chuyên gia kinh tế.
Nội dung: Khổng Chiêm - Mộc An