Cổ phiếu được "giải cứu" sau chuỗi bán tháo, "khóa sàn"
Phiên giao dịch ngày 1/4 vừa qua, cổ phiếu "họ" FLC trở thành tâm điểm chú ý khi không những được "giải cứu" thành công mà còn có nhiều mã tăng kịch trần, trắng bên bán và khối lượng dư mua giá trần ở mức cao.
Cụ thể, ART, KLF, AMD và HAI mở cửa sát mức giá sàn nhưng đều đã nhanh chóng phục hồi và kết phiên tăng trần đồng loạt. Hai mã còn lại vẫn còn giảm giá là FLC và ROS.
Riêng tại FLC, gần 53 triệu cổ phiếu này tại mức giá sàn 10.250 đồng/cổ phiếu đã được hấp thụ hoàn toàn. Thậm chí FLC còn có lúc tăng giá lên 11.450 đồng trước khi đóng cửa tại 10.850 đồng, ghi nhận giảm 1,4%. Tại thời điểm FLC giảm sàn thì thị giá FLC đã giảm 30% so với phiên 25/3 (trước khi xảy ra đợt bán tháo).
Soát lại giao dịch trong ngày 1/4 tại cổ phiếu FLC, Dân trí nhận thấy trong phiên này tổng khối lượng khớp lệnh tại mã này xấp xỉ 100,4 triệu cổ phiếu với tổng giá trị giao dịch là 1.053 tỷ đồng.
Khối nhà đầu tư nước ngoài mua vào khoảng 1,51 triệu cổ phiếu FLC chiếm 1,5% tổng khối lượng giao dịch cổ phiếu FLC trên toàn thị trường, giá trị khoảng 15,8 tỷ đồng. Đồng thời, khối ngoại cũng bán ra 511.400 cổ phiếu FLC, chiếm tỷ lệ 0,51% tổng khối lượng giao dịch. Giá trị mua ròng của khối ngoại theo đó xấp xỉ 1 triệu cổ phiếu, giá trị mua ròng loanh quanh mức 10,5 tỷ đồng.
Thanh khoản tăng đột biến
Trong văn bản gửi các cơ quan quản lý phát đi chiều muộn ngày 1/4, lãnh đạo Tập đoàn FLC cho biết, thanh khoản của cổ phiếu FLC trong phiên 1/4 tăng đột biến gấp 100 lần so với mức thanh khoản tại hai phiên 30/3 và 31/3. Phía FLC đề nghị các cơ quan Nhà nước xem xét làm rõ những dấu hiệu bất thường trong phiên giao dịch ngày 1/4 đối với cổ phiếu FLC, nhanh chóng có các biện pháp nhằm ổn định TTCK, hạn chế tối đa các thiệt hại cho cổ đông, nhà đầu tư.
Tuy nhiên, cũng phải lưu ý rằng ở hai phiên 30/3 và 31/3, vốn dĩ FLC và các cổ phiếu "hệ sinh thái" này bị mất thanh khoản, lệnh dư bán sàn rất lớn. Do đó, so sánh thanh khoản của một phiên giải cứu có hiệu ứng "mua đuổi" với một phiên gần như mất thanh khoản, theo nhiều ý kiến, là khập khiễng.
Tính đến nay thì FLC vẫn đang là một trong những cổ phiếu có thanh khoản cao nhất thị trường. Giao dịch tại mã cổ phiếu này thường xuyên sôi động với bình quân khối lượng giao dịch mỗi phiên khoảng 25 triệu cổ phiếu trong vòng một năm trở lại đây.
Tương tự, có 46,3 triệu cổ phiếu ROS được giao dịch tại mức giá sàn phiên 1/4. Mã này thoát sàn và cũng có thời điểm tăng giá trong phiên lên 7.200 đồng/cổ phiếu trước khi đóng cửa tại 6.200 đồng, thu hẹp thiệt hại còn 2% so với đầu phiên.
Tổng cộng ở phiên này, ROS khớp lệnh 88,4 triệu cổ phiếu, tổng giá trị giao dịch đạt trên 593 tỷ đồng. Trong khi đó, khối lượng giao dịch bình quân tại cổ phiếu ROS trong vòng một năm trở lại đây là 21,5 triệu cổ phiếu mỗi phiên.
Bất thường hay bình thường?
Vấn đề là có dấu hiệu bất thường trong phiên giao dịch ngày 1/4 đối với FLC và các cổ phiếu cùng hệ sinh thái hay không?
Để xem bất thường hay bình thường cần nhìn vào lịch sử giao dịch của "họ" FLC để xem liệu đã có tiền lệ hay chưa.
Còn nhớ phiên 10/1, phiên diễn ra hoạt động "bán chui" cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết, có 134,96 triệu cổ phiếu FLC đã được khớp lệnh, giá trị giao dịch đẩy lên mức 3.095,4 tỷ đồng. Đây là phiên bất thường do trong tổng số khớp lệnh nói trên có 74,8 triệu cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết (sau đó bị phát hiện và hủy kết quả giao dịch).
Tuy nhiên, phiên 11/1 mới là phiên lịch sử với thanh khoản FLC. Ở phiên này, khớp lệnh tại FLC xấp xỉ 156 triệu đơn vị, nhưng do giá cổ phiếu giảm mạnh và khối lượng cổ phiếu khớp tại mức sàn cao nên tổng giá trị giao dịch vẫn xấp xỉ phiên trước, đạt 3.097,8 tỷ đồng.
Cần lưu ý, tổng khối lượng cổ phiếu đang lưu hành của FLC hiện là xấp xỉ 710 triệu cổ phiếu. Như vậy, khối lượng giao dịch của FLC riêng phiên 1/4 chiếm khoảng 14,1% tổng khối lượng cổ phiếu đang lưu hành của tập đoàn này. Vậy nhưng khối lượng giao dịch của cổ phiếu FLC ở phiên 11/1 chiếm đến 22% tổng khối lượng cổ phiếu đang lưu hành của FLC và giá trị giao dịch ở phiên 11/1 gấp 3 lần phiên 1/4.
Vấn đề là phiên 11/1 lại được cho là phiên giao dịch hoàn toàn bình thường, không bên nào đặt ra vấn đề về tính "bất thường" trong thanh khoản cũng như không có thông báo nào của cơ quan chức năng cho thấy có gian lận hay có vi phạm giao dịch trong phiên.
Sau phiên 11/1, FLC có chuỗi giảm sàn liên tục, trượt dài từ vùng giá sát 20.000 đồng/cổ phiếu xuống sát 10.000 đồng/cổ phiếu (mất khoảng 50% giá trị kể từ phiên 10/1 đến phiên 27/1).
Ai lợi, ai thiệt trong phiên 1/4?
Trong văn bản gửi cơ quan chức năng, phía FLC cho biết, vào tối 31/3, mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin mua gom cổ phiếu FLC, thậm chí còn có thông tin Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) mới của FLC là ông Đặng Tất Thắng đăng ký mua cổ phiếu FLC. FLC khẳng định thông tin này là thông tin sai sự thật, làm ảnh hưởng lớn đến tâm lý cổ đông FLC nói riêng và các nhà đầu tư nói chung.
"Trong trường hợp có tổ chức hoặc cá nhân nào phát tán thông tin nói trên thì có thể được xem là hành vi có mục đích thâu tóm doanh nghiệp, làm mất an ninh, an toàn của thị trường, gây tâm lý hoang mang, mất niềm tin với TTCK của nhiều nhà đầu tư", lãnh đạo FLC nhận định.
Phía FLC cũng bày tỏ lo ngại rằng việc phát sinh nhiều dấu hiện bất thường trước, trong và sau phiên giao dịch ngày 1/4 đối với cổ phiếu FLC có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của FLC nói riêng và sự ổn định của TTCK nói chung. "Việc tiếp tục có những dấu hiệu bất thường nói trên sẽ ảnh hưởng đến cơ cấu tổ chức của Tập đoàn FLC, tiềm ẩn rõ ràng nguy cơ gây thiệt hại cho cổ đông của công ty", theo FLC.
Tuy nhiên, theo ghi nhận, trên một số diễn đàn về chứng khoán, các nhà đầu tư lại cho rằng phiên 1/4 là phiên "giải cứu" nhà đầu tư. Việc cổ phiếu "thoát sàn" đã giúp nhà đầu tư có quyền quyết định bán cổ phiếu, nắm giữ tiếp hay gia tăng cổ phiếu, đồng thời giảm thiểu thiệt hại sau chuỗi trượt dài của giá cổ phiếu.
"Đợt giảm sàn vừa rồi khiến tôi mất sạch lợi nhuận tích lũy nhưng chưa kịp hiện thực hóa. Đến hết phiên cuối tuần này, tôi vẫn thua lỗ gần 20%, khoảng hơn 100 triệu đồng. Khi thấy các cổ phiếu trong hệ sinh thái tăng trần, tôi kỳ vọng tuần tới giá cổ phiếu sẽ hồi phục nên vẫn chưa bán", chị Minh Trang, một nhà đầu tư ở Hà Nội chia sẻ với Dân trí.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều nhà đầu tư bị "kẹp hàng" và khi cổ phiếu "hở" thanh khoản, họ lập tức có thể giải phóng một lượng lớn "hàng kẹp" sau chuỗi "khóa sàn" liên tục của cổ phiếu, chấp nhận thua lỗ để thu tiền về.
Nói chung, tin đồn lãnh đạo đăng ký mua vào cổ phiếu thường kích cầu và khiến giá cổ phiếu trên thị trường tăng. Đối tượng có chăng phải chịu thiệt hại ở phiên 1/4, theo nhiều nhà đầu tư, lại chính là những nhà đầu tư "mua đuổi". Do cổ phiếu phải mất 3 phiên mới về tới tài khoản nên nếu đầu tuần tới, cổ phiếu FLC diễn biến tiêu cực trở lại thì những nhà đầu tư mua vào ở phiên 1/4 sẽ thua lỗ trong ngắn hạn.
Tuy vậy, bên cạnh yếu tố "tin đồn" nói trên thì theo anh Nguyễn Tuấn, một nhà đầu tư lâu năm đánh giá, lực cầu xuất hiện tại FLC sau khi mã này giảm sàn 5 phiên liền (tính đến thời điểm đầu phiên sáng 1/4) có thể do vùng giá 10.000 đồng (mệnh giá) của FLC là ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật của mã này. Trong hơn một năm qua, giá cổ phiếu FLC đã 4 lần bật lên sau khi giảm và chạm ngưỡng này.
Nguy cơ bị thâu tóm?
Rất khó trả lời câu hỏi ai đã mua vào số cổ phiếu trên với tổng giá trị giao dịch hơn 1.000 tỷ đồng tại FLC và gần 600 tỷ đồng tại ROS cũng như một lượng lớn cổ phiếu tại các doanh nghiệp khác trong hệ sinh thái?
Do không có đăng ký giao dịch của cổ đông lớn hoặc cổ đông nội bộ nên phiên giao dịch này khả năng là động thái mua vào của cổ đông nhỏ lẻ, cổ đông sở hữu dưới 5% vốn điều lệ FLC (không phải đăng ký trước khi giao dịch).
Hiện tại, FLC có 5 cổ đông lớn, trong đó ông Trịnh Văn Quyết nắm 30,34% cổ phần, Công ty Cổ phần Đào tạo Golf VPGA nắm 8,81% cổ phần; Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu Vietexco nắm 7,35%; Market Vectors Vietnam ETF nắm 6,02% và Công ty Cổ phần Đầu tư tài chính và quản lý tài sản Magnus Capital nắm 5,24%.
Có 42,24% cổ phần còn lại thuộc các nhóm cổ đông khác (lượng cổ phiếu do người nội bộ nắm không đáng kể), do vậy, việc lãnh đạo mới của FLC đặt khả năng có tổ chức hoặc cá nhân nào đó có mục đích thâu tóm doanh nghiệp không phải không có cơ sở.
Có nhiều giả thiết có thể đặt ra. Ví dụ một nhóm cổ đông nào đó muốn gom đủ cổ phiếu để hợp thành nhóm cổ đông sở hữu từ 5% vốn điều lệ và có thể triệu tập đại hội đồng cổ đông bất thường (như trường hợp nhóm cổ đông liên quan tới Louis ở Công ty Cổ phần Địa ốc Hoàng Quân - HQC). Trường hợp đạt tỷ lệ từ 10% thì có quyền đề cử người vào HĐQT, Ban Kiểm soát.
Tuy nhiên, dù với trường hợp nào xảy ra, nếu hoạt động giao dịch không vi phạm các quy định của pháp luật thì rất khó để ngăn cản, dù là với mục đích thâu tóm (sở hữu từ 25% cổ phần).
Nội dung: Mai Chi