Sốc với pha giải cứu "họ" FLC: Nhà đầu tư đua lệnh, nhiều mã tăng trần

Mai Chi

(Dân trí) - Mới vài phiên trước, nhà đầu tư còn mắc kẹt tại "họ" FLC vì cổ phiếu mất thanh khoản thì hôm nay hàng chục triệu cổ phiếu giá sàn được hấp thụ, nhiều mã tăng trần và tái diễn tình trạng đua lệnh.

Thị trường phiên mở đầu tháng 4, cũng là phiên khởi động quý II, đã diễn ra thuận lợi ngoài mong đợi.

Cổ phiếu VN30 đồng loạt tăng mạnh, kéo thị trường bứt phá

Với sự dẫn dắt của những mã đầu tàu, VN30-Index kết phiên tăng tới 33,94 điểm tương ứng 2,25% lên 1.542,47 điểm trong khi VN-Index tăng 24,29 điểm tương ứng 1,63% lên 1.516,44 điểm.

HNX-Index cũng bứt tốc rất mạnh ở phiên chiều dù phiên sáng chìm trong sắc đỏ. Chỉ số sàn Hà Nội tăng 4,48 điểm tương ứng 1% lên 454,1 điểm còn UPCoM-Index cũng tăng 0,15 điểm tương ứng 0,12% lên 117,19 điểm.

Nếu như ở phiên sáng, thị trường vẫn trong tình trạng "xanh vỏ đỏ lòng" thì kết phiên, sắc xanh lan tỏa với sự đồng thuận của phần lớn cổ phiếu trên thị trường. 3 sàn có đến 676 mã tăng giá, 59 mã tăng trần so với 457 mã giảm, 30 mã giảm sàn.

Sốc với pha giải cứu họ FLC: Nhà đầu tư đua lệnh, nhiều mã tăng trần - 1

MWG tăng kịch biên độ trong phiên đầu tháng 4 và đóng góp lớn nhất cho VN-Index (Ảnh chụp màn hình).

"Công thần" của thị trường phiên này không thể không kể đến cổ phiếu VN30 với đại diện tiêu biểu nhất là MWG của Thế Giới Di Động. Mã này tăng trần lên 156.000 đồng/cổ phiếu và đóng góp 1,8 điểm cho VN-Index.

Bên cạnh đó, MSN cũng góp vào 1,28 điểm; NVL đóng góp 1,22 điểm; SAB đóng góp hơn 1 điểm. FPT và VIC cũng góp vào lần lượt 0,92 điểm và 0,87 điểm trong mức tăng chung. Rổ VN30 phiên này chứng kiến tới 29 mã tăng (chỉ có PLX là giảm nhẹ 0,2%).

Loạt cổ phiếu ngân hàng như VPB, BID, VCB, CTG cũng ảnh hưởng tích cực đến thị trường chung. Ngoại trừ KLB và NAB điều chỉnh nhẹ lần lượt 0,8% và 1% thì hầu hết cổ phiếu ngân hàng hôm nay đều tăng giá và tăng giá mạnh. HDB tăng 3,9%; VPB tăng 3,8%; SHB tăng 3,3%; TPB tăng 2,7%; BID tăng 2%; CTG tăng 1,8%.

Cổ phiếu ngành chứng khoán hầu hết cũng khoác sắc xanh tăng giá. FTS tăng 4,5%; VND tăng 3,9%; MBS tăng 3,2%; CTS tăng 3%; APG tăng 2,8%; VDS tăng 2,8%; VCI tăng 2,5%; SSI tăng 2,1%;…

Dòng bất động sản khởi sắc trở lại, trong đó, LDG tăng trần, DIG tăng 5,3%; HAR tăng 4,9%; SCR tăng 4,3%; KHG tăng 4%; NBB tăng 3,7%; HQC tăng 3,6%; PDR tăng 3,6%; QCG tăng 3,6%... Hầu hết các mã này đều mở cửa "đỏ lửa" nhưng cuối phiên đảo chiều ngoạn mục, đáng chú ý, HQC có lúc giảm sàn. VRC có lúc cũng giảm sàn về 20.400 đồng trước khi đóng cửa tăng 2,7% lên 22.500 đồng/cổ phiếu.

Với diễn biến tăng trần tại MWG và PET, dòng cổ phiếu bán lẻ tiếp tục gây chú ý. Bên cạnh hai mã trên còn có PNJ tăng 4%; DGW tăng 3,8%; PIT tăng 2,2%; FRT tăng 1,4%.

Thanh khoản bứt tốc, dòng tiền ngoại tiếp tục "bơm ròng"

Gây bất ngờ nhất phiên là dòng cổ phiếu "họ" FLC. Gần 53 triệu cổ phiếu FLC tại mức giá sàn 10.250 đồng đã được hấp thụ hoàn toàn, mã này thậm chí có lúc còn tăng giá lên 11.450 đồng trước khi đóng cửa tại 10.850 đồng, ghi nhận giảm 1,4%.

Sốc với pha giải cứu họ FLC: Nhà đầu tư đua lệnh, nhiều mã tăng trần - 2

Tái diễn tình trạng đua lệnh tại một số cổ phiếu họ FLC bất chấp trước đó, hầu hết các mã này bị bán tháo mất thanh khoản (Ảnh chụp màn hình).

Tương tự, tại ROS cũng đã có 46,3 triệu cổ phiếu  được giao dịch tại mức giá sàn. Mã này thoát sàn và cũng có thời điểm tăng giá trong phiên lên 7.200 đồng trước khi đóng cửa tại 6.200 đồng, thu hẹp thiệt hại còn 2% so với đầu phiên.

Các mã còn lại trong "họ" FLC đều tăng giá mạnh và tăng trần, thậm chí lệnh bán được "vét" sạch, cuối phiên dư mua giá trần mức cao.

Sốc với pha giải cứu họ FLC: Nhà đầu tư đua lệnh, nhiều mã tăng trần - 3

Gần 53 triệu cổ phiếu FLC được hấp thụ hết ở mức giá sàn (Ảnh chụp màn hình).

Cổ phiếu ngành dầu khí phiên hôm nay đi ngược thị trường. Vẫn có một số mã tăng như GAS tăng 1,3%; PVM, VTO tăng nhẹ nhưng phần lớn giảm giá do sự điều chỉnh của giá dầu thế giới. PVO giảm 7,9%; PVX giảm 7,7%; PVC giảm 6,8%; PVB giảm 6%; PVS giảm 3,2%; PVD giảm 2,6%; PVT giảm 1,6%. Trong phiên, PVC có lúc giảm sàn về 26.600 đồng.

Điểm tích cực đối với thị trường hôm nay là diễn biến tăng mạnh của chỉ số đi kèm với sự cải thiện của thanh khoản. Giá trị giao dịch trên HoSE đạt 26.699 tỷ đồng với 967,67 triệu cổ phiếu; HNX có 123 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng hơn 3.199 tỷ đồng; trên UPCoM con số này là 114,5 triệu cổ phiếu tương ứng trên 1.700 tỷ đồng.

Đáng chú ý, khối nhà đầu tư ngoại tiếp tục mua ròng với giá trị mua ròng trên HoSE đạt xấp xỉ 410 tỷ đồng, tập trung vào các mã VNM, DGC, VRE, KDH, DXG. Khối nhà đầu tư này cũng mua ròng gần 32.000 cổ phiếu trên HNX và gần 57 tỷ đồng trên UPCoM.